Những tháng Tư buồn

Chiều nay trời bỗng dưng ũ rũ. Những vạt nắng cuối ngày tàn úa, mong manh che khuất trong mây. My lẫn chìm trong giòng xe cộ ngập đầy, nối đuôi nhau hàng hàng lớp lớp đang chậm trườn mình trên xa lộ. Dõi mắt nhìn ra phía trước, xa hun hút cuối con dốc dài trước những giòng xe là mây xám giăng đầy. Xứ mặt trời bên kia mùa hạ của My, cả tuần nay mặt trời như lánh mặt. Chắc muốn chia cùng My, cùng những người lưu lạc tha phương, nổi ngậm ngùi tiếc nhớ âm thầm, và nổi đau chung của những người ra đi mang theo một quê hương. My đưa tay vặn radio, thói quen bỗng có trong những buổi chiều về trên xa lộ đông người.

My buồn đến thẩn thờ khi nghe giọng hát Khánh Hà thổn thức ngân dài "Saigon ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Saigon ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời..." . Ngày đó làm người ra đi trong những đợt bảo lãnh đầu tiên, dù không âm thầm, sợ hãi như khi ra biển nhưng My không nghĩ mình còn có đường về. My biết My sẽ khóc, dù người My thương không còn ở lại để tiển đưa. Làm sao không cảm thấy đớn đau, khi chợt nghĩ không bao giờ còn gặp lại những khuôn mặt thân thương ngày đó. Ngoài người thân  còn ở lại, My chỉ có vài đứa bạn từ thời tỉnh nhỏ ngày xưa, vài đứa bạn của 10 năm sau cuối ở Saigon. My đành âm thầm tạ lỗi với những người đã nặng lòng khó thể quên My. Không phải My quên hay tiếc gì một lần giã biệt. Chỉ vì ngày ấy không ai nghĩ là tạm biệt, mà coi như vĩnh biệt nhau. Trong lòng, My chỉ muốn cho những người quý thương dẫu có buồn, trách My quá vô tình, như vậy càng giúp cho mọi người quên My dễ dàng hơn. Cho đến bây giờ, người ra đilũ lượt quay về. Riêng My đã 22 năm còn mãi nơi đây. My vẫn thường nghe hỏi . Nghe tiếng thở dài và câu trách nhẹ nhàng. Có bao giờ My trở lại? Hay là cho đến một ngày nào đó sau naỳ, My sẽ tới thăm tôi ở nghĩa trang. Sẽ thắp vội mấy nén nhang tưởng nhớ, gửi cho người không đợi nổi lần về.

My đã từng làm người ở lại. Cảm nghe lạc lỏng bơ vơ trên chính quê hương trong ngày cuối tháng Tư. Lúc đó My chưa có ai để mất, ngoài một người anh vội vã xuống chiếc tàu sau cuối trong ngày tóc tang của tháng Tư xưa. My ngơ ngác nhìn giòng người hổn độn. Nghe những giọng nói lạ xa, sắc tựa lưỡi dao như cứa nát tương lai được phát đi từ làn sóng phát thanh, lan toả khắp những nẻo đường trong thành phố. Người anh lớn lành lặn trở về từ nơi đóng quân bên này bờ vĩ tuyến, đã nắm tay đứa em trai còn đang lui tới giảng đường, đến trước mặt người mẹ già đang thờ thẩn buồn lo để từ tạ ra đi. Mẹ My mắt tràn giòng lệ, hỏi anh My con đành lòng ra đi bỏ lại đàn em nhỏ sao con? Anh My khựng lại, buông xuôi. Thôi thì con ở lại , chỉ đưa em con ra bến. Căn nhà My ở gần ghê lắm nơi bến đậu con tàu sau cuối khởi hành. Nếu như ngày đó ba mẹ My không bối rối, hoang mang, cả nhà My có thể đi bộ ra bến cảng để có mặt trong đoàn người di tản sau cùng.

Khi anh My đi rồi, My bỗng đâu trở thành cô nhỏ tiếp những người khách mới gặp lần đầu tiên mà ngỡ quen lâu. Khi nghe My giới thiệu tên, người con gái có mái tóc dài xinh đẹp dịu dàng đã ân cần. Chị nghe anh P nhắc tên My hoài, vậy mà cho đến khi anh ra đi rồi mới gặp được My. Không ngờ anh P có nhiều em gái mà làm như chỉ có một đứa em duy nhất là My. My chỉ biết cười chứ đâu làm sao giải thích được tại sao. Có lẽ My tốt số, được người anh có tiếng là "hung thần" đối với đàn em nhỏ, đã luôn nhẹ nhàng ưu ái với riêng My. Ngay cả những cô hàng xóm ở chung quanh, khi My mới về Saigon sống một nhà cùng với anh sau mấy năm xa cách, cũng đã tới làm quen và "coi mắt" My luôn. Ai cũng biết là anh có một đàn em gái, vậy mà khi xa anh chỉ nhắc một mình My và mẹ mà thôi. Lòng My như cũng nhói đau theo, khi nghe những lời buồn bã rưng rưng từ người bạn gái của anh My. Chị lên trường Vạn Hạnh. Mỏi mắt tìm trong đám đông thiểu não, xôn xao không thấy anh đâu. Hỏi người bạn thân nhất của anh thì được trả lời "Em làm sao giữ gió?. Gió bay, gió bay xa, còn biết tìm đâu?". Chị hốt hoảng không dám tin điều vừa suy đóan. Có lẽ nào anh P ra đi mà không nói với chị một câu. My nhìn chị mà nghe lòng xa xót. Không biết anh ra đi có biết người bạn gái cùng trường đã khóc vì mình, chứ không riêng gì người yêu từ thuở xa xưa mà My đã biết từ lâu. My chạnh nghĩ nếu là My ngơ ngác, đi kiếm tìm bóng dáng người thương đã ra đi, không biết rồi My có giống y như chị, dò hỏi lang thang để tìm ra sự thật buồn đau. My đã tập làm người lớn, thầm mong nổi buồn thương của chị sẽ nhỏ đi, qua những lời an ủi vỗ về. My biết nổi buồn chị có bây giờ, cũng là nổi buồn to lớn của nhiều người chung cảnh ngộ. Nhiều lắm, không làm sao biết hết, có bao nhiêu người thương bỏ người thương ở lại. Có bao nhiêu người vợ, người chồng, người mẹ người cha lạc dấu mất nhau trong cảnh chia ly...Rồi mai đây, không biết đời sẽ về đâu khi mọi thứ đổi thay. Những ngày sau đó My tiếp thêm người khách, mà nước mắt không ngừng rơi từ sau lúc vào nhà. Chị đến và ôm mặt khóc, càng khóc nhiều hơn sau khi lên căn gác nhỏ, là giang sơn của riêng anh. My ơi, anh đâu nghĩ gì đến chị sau bao năm hai đứa yêu nhau. Hình và thư anh bỏ lại nhà, như vậy đủ biết tình anh dành cho chị đâu có bao nhiêu lúc mất nhau. My ái ngại tìm lời chống chế, thư chị gửi bao năm nếu mang hết cả theo chắc phải bỏ lại chiếc va ly nhỏ. Điều này My nói đúng, vì nhiều năm sau gặp lại, anh cười nói nếu mang theo hết chắc chìm tàu!

Người anh lớn của My sau khi tiển em trai, đã bỏ lên rừng như bỏ quên đời. Anh lặng lẽ, miệt mài kiếm sống để thay cho ba My nuôi nấng đàn em tuổi còn đi học. Lâu lâu anh về Saigon, đi ra, đi vào con hẻm nhỏ thở dài. Một đôi lần My thấy anh uống rượu say và cười héo hắt như trách khẽ. Má ơi, chỉ vì những giọt nước mắt ngày nào, mà đời con tan nát giống ngày nay. Anh nói xong lại cười, như thầm tạ lỗi đã khơi dậy nổi ray rứt trong lòng người mẹ, sau những năm tháng nhìn con sống buồn bã lặng thầm, trên chính quê hương đã biến dạng thay hình, đến nổi không ai muốn nghĩ là nơi mình sẽ gắn chặt với cuộc đời đen tối, âm u còn lại . Một lần từ xứ núi rừng về lại Saigon, anh cười cười nói với mẹ My, con vẫn còn đây chờ má đi cưới vợ cho con. Cưới ai? là câu hỏi mà cả nhà muốn hỏi anh liền khi đó. Tưởng như đùa. Nhưng anh cưới vợ là chuyện thật. Anh cưới một cô từ đất Qui Nhơn vào sinh sống ở Saigon, sau thời gian quen biết không lâu. Một đám cưới giản dị được tổ chức liền sau đó. My nghe nhiều câu trách móc, tiếc than từ mấy cô bạn gái của My và bạn của nhỏ em. Trời ơi, sao lui tới nhà My mấy năm dài, ta có lúc như chết ngợp vì đôi mắt đẹp và buồn thăm thẳm đó. Vậy mà cuối cùng không được đoái hoài. Anh My thà lấy người xa lạ chứ không để mắt tới đứa bạn thân của nhỏ em ! My chỉ còn biết cười trừ, vì không phải lần đầu My nghe những lời thú nhận rất đổi tự nhiên của đám bạn Saigon- khác với vẻ sâu kín, e dè như đám bạn tỉnh nhỏ của My. Chao ơi, My có ông anh sao quá dễ thương. Ta ước gì được lọt vào đôi mắt chứa cả một trời mơ ấy, để có một ngày trở thành chị dâu của My đó My ơi! My có tới 4 người anh. Anh nào cũng rất thâm trầm, cũng có nụ cười dễ dãi,hiền lành . Nghĩ cũng lạ! My thấy các anh thường không nói gì nhiều, nhưng thừơng hay có trái tim nào đó đang xôn xao rung động. Riêng với người anh này, đám em nhỏ từ My trở xuống còn xem anh như là người cha thứ hai trong đời, đã thay ba My bảo bọc, thương yêu và lo lắng cho đám chị em My mãi đến ngày nay. Cho tới tuổi này, mà My vẫn đôi khi cảm động rưng rưng. Anh vốn không hay nói nhưng một đôi lần chếch choáng men say, anh đến bên ôm nhẹ vai My, nói bất cứ lúc nào em cần anh giúp, cứ nói ra. Anh thương em lắm biết không? Tình thương này không chỉ ở một thời, vì My bây giờ không còn là đứa em gái nhỏ giống ngày xưa, nhưng sự chăm sóc ân cần, để ý đến My từng hoạn nạn, buồn vui trong cuộc sống vẫn không bao giờ khác ngày xưa.

My đã thôi không còn đi học, qua một năm sau lúc tháng Tư. My nhớ tâm trạng hoang mang sợ hãi, khi mỗi ngày chứng kiến nhiều gia đình trong thành phố bị cuỡng bách đi vùng kinh tế mới. Người chú ruột của mẹ mà chị em My gọi bằng ông ngoại, từ đất Bắc trở về đã nói với My rằng. Với cái lý lịch gia đình có anh trong quân đội, có anh di tản ngày cuối tháng Tư, có chị đã sống trên đất Mỹ nhiều năm...ông ngoại nghĩ con nên ngừng đi học. Con phải vào làm nhân viên nhà nước, để gia đình còn ở lại Saigon, không có tên trong danh sách đi vùng kinh tế mới. Có học thêm thật với lý lịch của con cũng không hy vọng có tương lai. Điều này My dư biết, sau bao nhiêu lần viết tờ khai lý lịch tới lui. My đi học chỉ vì tuổi còn đi học, lại được các anh lo cho nên không bị lăn lóc ra chốn chợ trời mưa nắng dãi dầu, như rất nhiều người cùng trang lứa với My khi cảnh sống êm đềm cũ không còn. Thật không có điều gì khủng hoảng bằng khi chứng kiến những gia đình lếch thếch, lang thang bị ép buộc đi về phương trời vô định. My nghe lời ông ngoại, tới tìm ông ở một công sở cũ ngày xưa . Nhìn My vẫn với tà áo dài tha thướt, đứng ngơ ngác trước cửa phòng, ông ngoại đưa tay ngoắc bảo vào đây. Rồi ông cắm cúi viết đôi giòng ngắn, kêu My cầm lá thư này trao tay cho người bạn ở sở công nghiệp thành phố- là nơi ông gửi gắm My. Lúc My nói cám ơn và chào ông ngoại, ông gật đầu kèm theo câu nhắc nhẹ nhàng. My ơi, ông ngoại nghĩ từ giờ trở đi không ai còn mặc áo dài để đi học hay đi làm việc đâu con. My đã thấy và đã biết, sau một năm còn ở lại Saigon. Vậy mà chẳng hiểu sao ngày hôm đó, My vẫn bướng, vẫn mặc áo dài đến tìm ông ngoại ở nơi làm, mặc cho những đôi mắt chung quanh đầy vẻ ngạc nhiên, khó chiụ cũng có mà mỉm cười thoáng hiện nổi buồn vui cũng có. Những tà áo tiểu thư của Saigon ngày nọ, đã biến mất, chìm sâu trong bóng tối buồn đau. Có bao người lang thang nơi đất trời xứ lạ, thương nhớ quê nhà bỏ lại sau lưng. Vậy mà những người còn ở lại như My, cảm thấy lạc lỏng như đang bị lưu đày trên chính quê hương mình. My đi làm cũng chỉ để tìm một chỗ dung thân. Tiền lương mỗi tháng không đủ mua quà sáng. Dù không tiêu xài bất cứ thứ gì, thì lương của My cũng chỉ đủ đổ xăng vào chiếc PC, My chạy đi làm được vài ngày trong tháng. Trong thời gian đầu có việc làm, My chẳng làm gì ngoài mỗi ngày có mặt ở số 91 đường Nguyễn Du, con đường êm ả dưới hàng me dài rợp bóng. Ở đó My nghe và biết được nhiều hơn về những chuyến vượt biên bình yên tới đảo, hoặc tù tội hay mất tích trong cơn bão dữ, trong đói khát, hay trôi giạt vào nơi hoang đảo... Và kinh hoàng nhất vẫn là trở thành nạn nhân của hải tặc Thái Lan. Những căn nhà bị niêm phong. Những người bạn đồng nghiệp vắng mặt bất ngờ, có khi trở lại rồi mất hút không bao giờ gặp nữa. My chỉ biết thiết tha cầu nguyện, mong cho người đi trên biển được bình an. Mong cho người vượt đoạn đường dài trên bộ xuyên qua đất Miên còn man rợ đôi khi, được toàn vẹn xác thân trước khi qua đất Thái. Cũng ở đây lần đầu tiên My gặp, những người tù cải tạo trở về trong những đợt đầu tiên. My tò mò nhìn anh như thầm hỏi, điều gì đã xảy ra ở một nơi gọi là điạ ngục trần gian? Anh cười buồn nhẫn nhục như thói quen đã tập, nói xin miễn cho anh kể lại chuyện đã qua. My biết trường hợp anh là ngoại lệ, vì có người thân nhận lãnh trở về. Kẻ Bắc, người Nam nhà My cũng có, và dám nhận lãnh cho người cựu sĩ quan cải tạo trở về, là một việc mà đa số người của phe kia đều tránh né. My thôi không thấy cần phải hỏi, vì anh chính là người mỗi tháng ngầm kêu gọi sự tiếp tay của những người đồng nghiệp trẻ không vướng bận chuyện áo cơm giống như My. Phần nhu yếu phẩm là mì gói, bột ngọt, đường, My thường không đem về mà trao tay cho anh gom góp lại để thăm nuôi người bạn tù còn cải tạo chưa về. Một thời gian sau My được gặp, người tù cải tạo mà bọn My thường tiếp tế thăm nuôi mà chẳng biết là ai. Anh còn trẻ lắm có đôi mắt nâu và nụ cười hiền. Cả hai cùng ở Biên Hòa cho nên nhỏ bạn thân thời đi học và cả đi làm chung một chỗ vẫn gọi đùa là "người cỏi Biên Hoà" mỗi khi bị chọc ghẹo và chiụ thua không biết trả lời sao. Nhờ có thêm chiến hữu ở cạnh bên, hai người tù cải tạo không đến nổi sống khép chặt như tách rời ra hẳn mọi người vì tờ lý lịch được xếp tận cùng ngôi thứ. Nhỏ bạn My nghe nói nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên là bạn của anh, cho nên nôn nao mong được nhìn tạng mặt một lần. Anh cười, nói thơ hay đã đành, nhưng gặp làm chi tên Hải bạn anh đang ở xa xôi . Anh cũng biết làm thơ nữa. Cho anh làm thơ tặng nhỏ được không? Nhỏ bạn My lắc đầu lia liạ, bởi đã từng biết tài làm thơ trêu đùa của anh rồi. Người mắt nâu rồi trở thành người thương của đứa bạn còn thân mãi đến ngày nay, dù hai đứa chưa bao giờ gặp lại sau mấy mươi năm đã cách xa. Không phải cô nhỏ lí lắc hay trêu đùa dù đang trong cảnh khổ đến tận cùng. Là Tường Vi, cô bé xinh xắn, thâm trầm có nụ cười rất đổi hiền, cùng chung đám bỏ học lang thang tìm chỗ dung thân giống như My. Cuộc tình đó là "5 năm tình lận đận". Bởi bầy con gái xinh đẹp trong nhà Tường Vi chọn sự ra đi đã từ lâu. Người anh mắt nâu không cùng một hướng đi, bởi đâu phải ai cũng có khả năng và không bị trói buộc vào hoàn cảnh không cách gì trút bỏ.

Cho tới lúc này, My vẫn chưa có thương ai, bên cạnh đó Ba My vẫn không ngừng nhắc nhỡ đám chị em My. Đừng vội thương ai hết nghe con. Tương lai còn thăm thẳm, mịt mờ. Càng thương thì càng khổ đau nhiều khi phải xa nhau vì ngày mai có lắm đổi thay. My nhìn thấy người lính hải quân trong khu xóm, thường cúi mặt bước ngang nhà. Người yêu của anh là chị Lan, cô sinh viên y khoa đã cùng gia đình di tản vội vàng, như đã từng xuống tàu rời đất Bắc váo năm 1954. Khi anh My cưới vợ, chị dâu My cũng là chị họ của anh. Thuở đó My hay nhìn thấy anh lính hải quân và chị Lan sóng bước cùng nhau ra vào con hẻm nhỏ. My biết mặt, biết tên nhưng không quen ai hết. My còn biết chị Lan quanh năm chỉ mặc áo dài màu trắng và không bao giờ thấy chị điểm trang. Đến nổi đám bạn bè cùng trường trêu chọc, hỏi có phải chị muốn là một người đặc biệt để thu hút sự chú ý của mọi người trong khuôn viên đại học? Khi chị dâu My về sống chung nhà, My quên mất cách nào đó, anh trở thành người quen của My luôn. Vào những lúc ba mẹ My đi về Định Quán, nơi có 2 người anh đang dầu dãi nắng mưa. Những buổi tối trời mưa và cúp điện, anh thường xách đàn qua nhà My ngồi đến nửa đêm. Mấy cô nhỏ Gia Long, Trưng Vương cùng xóm, rỉ tai nhau kéo qua nhà My nghe lén "nhạc vàng". Ngày đó anh thường hay kêu My hát " Một ngày như mọi ngày em trả lại đời tôi. Một ngày như mọi ngày ta nhận lời tình cuối....Những sông trôi âm thầm. Đám rong rêu xếp hàng. Những mặt đường nằm nghiêng. Những mặt người lặng câm..".Bài hát viết lâu rồi mà nghe sao như tâm sự người ở lại. Cúi mặt lầm lũi bước một mình không biết sẽ về đâu?. Người lính biển dường như nhớ biển. Nhớ thời chưa ngã ngựa giống bây giờ. My nghe anh hát mãi, rồi cũng thuộc nằm lòng bài hát thật buồn."Nha Trang ngày về. Mình tôi trên bãi khuya...." Cứ thế rồi Biển nhớ, Trả lại em yêu, Chiều một mình qua phố..."N đàn, My hát" chứ không phải "Sơn đàn, Ly hát", mấy cô nhỏ láng giềng vẫn hay đuà như thế, và quên luôn nổi sợ bị rình mò báo cáo hát nhạc vàng. My nhớ mình đã biết mê nhạc TCS từ hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi qua nhà bạn của chị My, nhìn thấy chị ôm đàn mái tóc xoã dài, vừa đàn vừa hát một mình khiến My như quên mất thời gian, không gian ở chung quanh. My nghĩ giá mà TCS được tự do viết nhạc- viết bằng trái tim, bằng sự cảm nhận có thật không che đậy khi làm người ở lại, thì bây giờ đã để lại cho đời thêm nhiều bài hát cuả đoạn đời không dễ gì quên trong nhiều triệu trái tim. Thỉnh thoảng anh rũ My ra phố lang thang, kèm theo câu dặn dò My ơi, chiều nay em có thể mặc áo dài khi ra phố với anh không? My biết không có con đường nào cho anh bước tới gần My. Ngoài hình bóng cũ không mong gì phai nhạt ở trong anh, thì với riêng My chưa có bóng hình nào để My "yêu cho biết sao đêm dài. Cho quen với nồng cay" lúc đó. Một đôi khi anh dừng lại ở số 91 Nguyễn Du, hỏi My đã về chưa, anh chở. Đám bạn My xôn xao hỏi, phải chàng của My không mà lâu nay chẳng hở môi. My cười. Nếu có là đã khoe rồi. Đâu có chuyện quanh năm My cứ tủi thân dù không phải tuổi Thân vì không ai thèm ngó tới. Không phải ! My đang săn sóc thương binh! Nhỏ bạn lắc đầu tỏ vẽ hoài nghi, nói tin cũng khó, mà không tin cũng khó. Bởi vẫn còn những "cột đèn" đứng đợi chờ My trên đường hai đứa về chung. Nếu My đã là của riêng ai thì nhỏ chắc sẽ là người biết rõ hơn ai hết, vì có đâu My vẫn tự nhiên mỉm cười thay một câu chào, rồi cùng nhỏ đạp xe đi tiếp tục.

Nhìn cuộc sống , cuộc đời vui ít khổ nhiều trước mặt, My nghĩ chắc My đã nhập tâm câu kinh nhật tụng của Ba My, sẽ không vương vấn hình bóng nào trong tim hết. Nghĩ thế nhưng My chưa bao giờ hứa, như thói quen My không hề hứa với ai. Có thể làm được điều gì đó cho ai, My luôn cố gắng và lẳng lặng làm. Nhưng có lẽ Ba My cũng khômh trông mong lời hứa, của bầy con gái đang tuổi lớn bị đẩy vào hoàn cảnh thật buồn. Ở lại dường như không được dung chứa. Còn ra đi tương lai có thể là mất hút chìm sâu trong lòng biển cả mênh mông trước khi tìm thấy thiên đường mơ ước như nhiều người vẫn nghĩ. Sau khi dùng đám nhân viên nhiều vô kể như My, chở từng đoàn người đến bất ngờ những hãng xưỡng khắp nơi trong thành phố để kiểm kê tài sản, niêm phong. Lúc đó My mới biết vì đâu họ tuyển dụng nhân viên ồ ạt, đa số là sinh viên không còn tiếp tục đến giảng đường và đám học sinh vừa rời trường trung học, chưa kịp bước vào khuôn viên đại học như My. Nghĩ là chuyện lạ, vì đám nhân viên ăn lương nhà nước mà sao được ưu ái ngồi không, chẳng làm gì hết ngoài việc tập họp, điểm danh trong nhiều tháng. Bây giờ thì bọn My đã hiểu ra. Nhà nước đã âm thầm có kế hoạch gọi là "đánh tư sản mại bản" còn lại sau ngày "giải phóng". My chán ngán và buồn nhiều hơn nữa bởi ngày càng hiểu thêm tình dân tộc, tình người như không còn nhìn thấy ở quanh đây. Thảm họa, tai ương chừng đang rình rập bũa vây. Những ánh mắt hãi hùng, tuyệt vọng và đôi khi hờn oán của những người bị tước đoạt tất cả tài sản và sinh mệnh cũng mong manh bởi bị mang bản án như có sẵn đâu từ tiền kiếp! My nghĩ thà thản nhiên tước đoạt, để người ta lặng lẽ dắt dìu nhau đi thật mau ra khỏi nơi chốn đã tạo nên bằng nước mắt, mồ hôi và đôi khi bằng cả cuộc đời. Tàn nhẫn quá khi cô lập và đối xử như tên tử tù trước giờ ra pháp đình trong thời nào xa xưa cũ. Mấy đứa bạn My được đưa đi quanh vùng Gia Định, còn My là vùng Chợ Lớn, Phú Lâm. Sau mấy tháng kinh hoàng, đen tối đó, bọn My biết số phận của nhiều người giờ đã có rồi. Bị đuổi đi vùng kinh tế mới hay lang thang trú ngụ bất hợp pháp đâu đó trong thành phố. Tệ hơn hết là một vài người đã tự chấm dứt cuộc đời mình. Nơi cuối cùng My đến, cũng là nơi mỗi người dừng lại làm việc luôn vì khắp nơi quanh thành phố không còn ai làm chủ sản nghiệp của mình. My bấy giờ mỗi ngày đạp xe từ Khánh Hội đến Cầu Tre. Dù có thể đỗ xăng, đi làm bằng chiếc PC nhẹ nhàng như sức vóc của mình, nhưng My không dám dùng thường, bởi với đồng lương chết đói, có thể My sẽ bị thắc mắc, bị xếp vào hàng con nhà tư sản thì càng thêm khó sống. Nhờ đạp xe và cũng nhờ mỗi buổi trưa vào lúc giờ cơm, My đóng cửa phòng lại leo lên bàn làm việc, nằm chợp mắt bỏ quên đời, cho nên My càng ngày càng ốm trơ xương. Mẹ vẫn nấu cho gia đình những bữa ăn tươm tất hằng ngày, nhưng My không mang theo gì hết sau khi chứng kiến những người công nhân trong hãng ngày mỗi ngày được chế độ ưu ái lo cho những bữa ăn. Là mì sợi, là bo bo thay cho cơm nhiều bữa. Là vài cọng rau lễnh lãng làm canh. Mỗi tháng có một , hai ngày trong bữa cơm có thịt. Là những lát thịt hiếm hoi gọi là bồi dưỡng súc khoẻ của nhân viên. My có lúc cũng tò mò, bảo một cô nhỏ nhân viên trong hãng cho My nhai thử cơm độn bo bo mùi vị ra sao. Giám đốc cũa My là một ông cán bộ, đã lầm đường lạc lối vì lòng yêu nước bị lợi dụng thuở chống giặc Tây. Khi biết My có người ông ngoại cũng một xuồng lạc lối, và nhất là cùng quê ngoại với ông, My trở thành "con gái cưng giám đốc", như đám đồng nghiệp của My vẫn nói sau lưng. My trẻ nhất đã đành. Không son phấn, không làm dáng, lại nhanh tay thảo công văn, thư từ giao dịch khắp nơi, làm thay phần việc của ông cán bộ đảng viên vừa nói ngọng cả luôn "viết ngọng". Công việc của My nhàn hạ, là tuyển dụng nhân viên dựa trên lý lịch của người xin việc. My thường lướt đọc nhanh và chọn thật nhanh. Có lần giám đốc hỏi My rằng, My chọn sao toàn là thành phần không bảo đảm cho an ninh nhà nước. My vờ hỏi lại và kêu ông giải thích vì sao? Thì là thành phần "lính ngụy", là đám sinh viên con nhà tư sản, có tư tưởng bất mãn đó thôi. My cười nói rằng My chiụ thua sẽ không thể nhận ai, vì những người ở lại hầu hết đã ra chợ trời hay đi vùng kinh tế mới. Đáng lẽ ông phải mừng và tạo cơ hội cho những người có lòng muốn làm nhân viên nhà nước với đồng lương không đủ sống này đây. Tuy nói thế nhưng My không gặp trở ngại gì khi tuyển toàn "phe ta" trong ý nghĩ lặng thầm. My đôi khi còn loáng thoáng nghe các anh chị làm chung gọi đùa My là "giám xúi", chỉ đứng sau giám đốc mà thôi. My có cơ hội âm thầm giúp được nhiều người. Đó là những tờ giấy phép không phải thật, mà My tự đóng dấu, ký tên cán bộ trưởng phòng, lặng lẽ rao tay cho những người sắp sữa vượt biên. Lẽ giản dị, nếu không có tờ giấy nghỉ phép về thăm gia đình thì sẽ khó lòng qua trạm kiểm soát của những vùng ven biển. My còn có bổn phận nữa là gởi báo cáo về công an phường, cho họ biết nhân viên nào vắng mặt không có lý do 3 ngày, vì coi như là tình nghi đã vượt biên. Những tờ công văn có sẵn, My chi ghi tên và địa chỉ , dán tem để gởi đi. My thường là không gởi, hay chỉ gởi khi nào nhận được tin mừng "phe ta" đã bình yên thoát khỏi thiên đường XHCN rồi! Có lẽ nhờ vậy mà người đi hụt bao lần vẫn được bình yên quay lại cuộc sống tối tăm như cũ. Khai đủ thứ lý do, vì chưa bị CA phưòng bắt thì coi như tin được. My làm sao biết được dường như My đã đến, đã có mặt ở chỗ này, chỉ để gặp người có duyên mà không nợ với My. Xin vào làm để có điểm tựa tạm yên lành, để miệt mài tìm đường vượt thoát sau bao lần thất bại, đó là nguyên do khiến xui hai đứa gặp nhau.

My bắt đầu vật vã, ngày càng gầy guộc xanh xao vì không đếm hết những lần từ biệt vội vàng. Đã biết trước cuộc tình bắt đầu trong nổi bấp bênh và đầy bất trắc của tương lai, cả hai cùng cố tránh nhưng Saigon buồn quá đổi, có gì đâu nữa ngoài những tấm lòng nghĩ về nhau và cùng đau xót cho nhau trong nghiệt ngã thương đau. My vẫn còn có những buổi chiều tay trong tay mà ngỡ như xa, trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát một thời. Ly nước dừa ngọt ngào trước mặt đôi khi có pha thêm vài giọt nước mắt của My bỗng đâu rớt xuống, khi nghe tin đêm nay người ra biển một mình. Một đôi khi My bàng hoàng vì tiếng gỏ cửa trong đêm. My mở vội cánh cửa để nhìn thấy cái dáng thân quen sừng sững hiện ra trong bóng tối của những đêm cúp điện. Khuya nay anh đi rồi, chỉ kịp ghé qua đây để chào ba mẹ và em...Đó là điệp khúc mà My nghe thường lắm. Sau vòng tay ôm vội vã và cái vuốt tóc nhẹ nhàng, dặn dò My cố gắng đừng làm mẹ buồn hơn nưã khi nhìn thấy My vật vã hao gầy . Có lẽ vì My quá nặng lòng, cho nên lần giả từ nào cũng chưa phải là lần cuối. Biết đâu tuần sau anh lại trở về nắm tay My lang thang khắp Saigon như hai đứa từng lang thang không biết đời sẽ về đâu mấy năm nay. My đứng tựa vào cánh cửa, nhìn chiếc bóng người My thương khuất dần nơi đầu ngỏ tối mờ. My chỉ còn biết chùi nhanh giòng nước mắt. Không muốn khóc mà sao nước mắt cứ tràn ra. My cầu nguyện sóng yên , gió lặng cho người đi ra biển bình yên tới bến bờ xa. Nhưng sao tận sâu thẳm trong lòng, My vẫn còn mong có lần nhìn thấy người sừng sững hiện ra nơi đầu con dốc đường Công Hòa mà My vẫn về ngang qua đó mỗi ngày.

Có lẽ không cam tâm nhìn My sầu khổ héo hon. Ngưòi cha già đầy nghiêm khắc ngày nào đã lẳng lặng gật đầu cho My và đứa em gái kế cùng theo chàng trong chuyến ra khơi không biết là lần thứ bao nhiêu. My đã đi và My trở lại. Chuyến đi thất bại coi như mất trắng mà không kết quả chi. My nhớ khi nhìn hai chị em My trở lại nhà, mẹ My như được hồi sinh. Những giọt nước mắt mừng vui vì còn gặp lại con, khiến My đau xót cảm nghe như mình mang tội lớn. Sao có thể đành lòng bỏ mẹ mà đi? My thầm nhũ sẽ không bao giờ nữa, My làm cho mẹ buồn thêm khi chỉ nghĩ đến My và hạnh phúc riêng. Thôi có lẽ My đành tiếp tục, mỗi ngày nhìn cuộc sống trôi qua trong ảm đạm buồn tênh. Hình ảnh những người xếp hàng dài bán máu đổi cơm , là hình ảnh làm lòng My quặn lại trong từng buổi sáng đạp xe qua con đường Hùng Vương quen thuộc. Một lần cũng chính trên đoạn đường này, My ghé lại để tìm thăm một người đang dưỡng bệnh trong bệnh viện lao Hồng Bàng. Người My thăm chính là người thương còn ở lại của anh My, ngưòi anh như gió đã bay đi mất dấu.

Biết mẹ cha đã vì tình thương con vô bờ bến, mà không bịn rịn níu kéo con ở lại giống ngày naò. Người anh lớn của My sau khi lập gia đình, vẫn không thể nào cam tâm ở lại một nơi mà cột đèn cũng mơ có chân đi! Anh quyết định đem chị và đứa con gái nhỏ mới 18 tháng, âm thầm dò đường rời khỏi quê hương. Mẹ biết cuối cùng là như vậy, bởi trong thâm tâm anh có bao giờ muốn giam hãm cuộc đời vô vị, sống mà như đã chết tận bên trong, có mắt mà chẳng muốn nhìn, có nhiều lời để nói mà quanh năm yên lặng. Ngó chung quanh thấy người thân lẫn không thân cơ cực, lầm than mặc dù anh may mắn giữ được gia đình không đến nổi nào. Đứa cháu nhỏ đã bị mẹ cho uống liều thuốc ngủ, để không có tiếng khóc trẻ thơ trên dặm đường ra biển gian nan. Cả ba mẹ và anh em còn lại của My, như hụt hẫng muốn buông trôi tất cả trong những ngày anh chị ra khơi với đứa con thơ. Ngưòi anh cao cả của My, bao giờ cũng muốn đưa vai ra hứng trọn những mưa nắng cuộc đời, để dọn đường cho ba mẹ và các em ở mai sau. Cuối cùng nởi khắc khoải chờ mong chấm dứt, vào một buổi chiều cả nhà nhận điện tín từ người chị xa xôi bên Mỹ của My, báo tin những đứa con xa của ba mẹ đã biết được tin nhau . Sau đó là lá thư anh viết, kể chuyện chuyến đi không nghĩ sẽ đến nơi vì quá nhiều bất trắc, tai ương. Đói khát, hết xăng và máy tàu hư...Hơn nửa năm sau anh qua Mỹ. Lá thư đầu tiên gởi về là những lời tha thiết dặn dò My. Anh muốn My phải hứa không bao giờ tìm cách ra đi giống như anh. Người chị ở Mỹ từ lâu đang hoàn thành thủ tục để bảo lãnh cả gia đình cùng chính thức ra đi. My vẫn còn hy vọng dù có phải đợi chờ nhiều năm nữa. Anh sợ My sẽ chìm sâu trong lòng biển cả, sợ My sẽ trở thành nạn nhân của hải tặc Thái Lan như anh đã từng gặp những người con gái trạc tuổi em mình, còn sống mà chừng như đã chết trên vùng đảo tạm dừng, chờ đợi định cư nơi vùng đất mới.

Một buổi tối không có điện, bé Ngọc - "cô bắc kỳ nho nhỏ" mà cả nhà My xem như một người thân chợt ghé qua. Bé Ngọc là bạn học của đứa em gái kế, có giọng nói líu lo giống như chim. Mỗi lúc bé tới chơi và cất tiếng chào, tất cả mọi người đều tức khắc quay mặt lại nhìn cô bé vì giọng nói rộn ràng và rất đổi dễ thương này. Lần này sau câu chào bé Ngọc lặng lẽ tới ôm vai mẹ cuả My, mắt rưng rưng nói con tới chào từ biệt gia đình lần cuối. Mai con sẽ vượt biên. Mẹ My thẩn thờ như nghe tin dữ, bởi làm sao có thể an lòng khi nghĩ đến bao nhiêu thảm nạn, tai ương ở biển khơi. Bé Ngọc mồ côi mẹ sớm. Bố là nhà baó, là phóng viên chiến trường đang bị tù đày. Nhà chỉ có 3 chị em gái hẩm hiu đùm bọc cùng nhau. Chị Kim là chị lớn đã từ cô sinh viên rạng rỡ, yêu đời , bỏ lớp, bỏ trường ra bán thuốc tây ở chợ trời để thay cha nuôi nấng các em. Bé Ngọc cho biết người bạn chị Kim tổ chức vượt biên và được dành cho 2 chỗ trên tàu. Người bạn dành chỗ còn lại cho một trong ba chị em bé Ngọc. Chị Kim chọn ngay bé Ngọc, vì cô bé cứng cỏi, thông minh và sau hết cũng vì tình thương dành cho đứa em sớm mồ côi, mong em có tương lai ở nước tạm dung. Mẹ ôm bé Ngọc như vỗ về đứa con gái nhỏ, trước lúc ra đi may ít, rủi nhiều. Rồi dúi vào bàn tay nhỏ nhắn gầy gò, những đồng tiền đô mà mẹ luôn có sẵn, dành làm lộ phí kèm theo câu dặn dò con giữ để có xài trong thời gian vừa tới đảo, cũng như để gởi điện tín về liền khi tới bến bình yên. Bé Ngọc khởi hành từ sông Saigon và bình yên tới đảo qua tờ điện tín em gởi về sau đó. Những lá thư được gởi về từ bên đảo cuả bé Ngọc vô cùng đều đặn . Sau đó thưa dần, cho đến một ngày. Lá thư cuối cùng nhận được, là lá thư mang tin dữ của một người xa lạ. Bé Ngọc đã tự chấm dứt cuộc sống của em rồi, cùng với bào thai đã lớn trong em. Xác bé được chôn cất sơ sài ngay trên đảo, sau gần một năm em sống ở đây. Nổi đau này làm sao tả xiết. Chị Kim như chết lần thứ hai sau lần người mẹ trẻ sớm ra đi bỏ lại ba đứa con gái bơ vơ. Chị cùng bà ngoại và em gái đem gởi bé Ngọc vào chùa. Tội cho bà ngoại già còn sống, đau xót nhìn trên bàn thờ hai bức ảnh của con và cháu cạnh nhau. Khi sang tới Mỹ, hai chị em My cũng mang gởi hình bé Ngọc trong chùa, mỗi năm cúng giỗ và nguyện cầu cho em siêu thoát. My thường chảy nước mắt ra mỗi lúc vào chùa tới thắp nhang, nhìn tấm hình cô Bắc kỳ nho nhỏ ngày xưa, với mái tóc thật ngắn và nụ cười rạng rỡ của năm 17 tuổi. Khi em gái My có đứa con gái đầu tiên cũng là đứa con duy nhất, em lấy tên bé Ngọc ghép vào tên con gái của mình.

Bố bé Ngọc trở về với tấm thân tàn tạ sau mấy năm đi cải tạo xa xôi. Người đàn ông luống tuổi lần đầu biết khóc, đã gào to lên mong thấu tận trời xanh, khi nhìn thấy trên bàn thờ có thêm tấm ảnh đứa con gái út yêu thương bên cạnh tấm ảnh thờ người vợ đã lìa đời quá sớm. Những ngày sau đó bố bé Ngọc tìm sang nhà My lần đầu tiên. Ông tự giới thiệu là người cha bất hạnh, xin được gọi ba mẹ My bằng anh hai với chị hai, giống như người dì của My đã gọi. Ông bày tỏ lòng biết ơn trước tình thương mà ba mẹ và gia đình My đã dành cho con gái trong thời gian ông bị cảnh lao tù không biết có ngày về. Bố bé Ngọc mong được ba mẹ My xem ông như một người em. Từ đó thỉnh thoảng ông ghé lại, mẹ My nhìn thân xác ngày một tàn tạ, hao gầy của ông lòng ngập xót xa. Giống như người chị xót em mình, mẹ thường lặng lẽ dúi tiền vào túi áo sơ mi cũ kỹ , nói để mua thuốc hút. Ông bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Không những hút thuốc mà ông còn quay trở lại bàn đèn - căn bệnh có sẵn thời làm báo, tưởng đã dứt hẳn lâu rồi trong thời gian cải tạo mấy năm. Dù biết nổi đau đã quật ông ngã xuống vũng lầy, nhưng mẹ không đành lòng làm ngơ dù biết mình đang vô tình tiếp tay tàn phá đời ông. Rồi một ngày cả nhà My bàng hoàng, nghe tin dữ, thêm một cái tang phũ xuống trong gia đình bé Ngọc. Người bố tội nghiệp của em đã quyên sinh , bằng sợi dây oan nghiệt - như cuộc đời lắm nghiệt oan của riêng ông với các con.

Khi nghe hỏi "Saigon bây giờ trời mưa hay nắng?" Người ở lại như My biết trả lời sao? Có chăng là câu hát buồn này "Saigon ơi! Ta mất người như người đã mất tên. Như mộ bia đá lạnh hương nguyền. Như trời xanh đã bỏ đất liền. Còn gì đâu!...". Vẫn đất này, trời nọ. Mà sao My quá bơ vơ ở nơi đây. Người My thương với lần đi không kịp giả từ, đã xa My mãi mãi không bao giờ gặp lại, sau 6 năm buồn bã qua đi, nước mắt nhiều hơn những nụ cười héo hắt, u sầu.. Với người anh thân thiết ngày xưa, My đành chọn cách lặng yên khi nhận những lá thư anh viết thưa dần theo năm tháng. My làm sao có thể líu lo như chim sáo ở cạnh anh. Làm sao My dám kể chuyện của Saigon . Thôi thì cứ để anh ra đi mang theo một quê hương- là quê hương thật đẹp của những tháng ngày hoa mộng. Dẫu nổi tiếc nhớ, ngậm ngùi có trộn lẫn nhiều đau xót, trước những phân ly làm lạc mất đời nhau. Nhưng thời hoa mộng cũ, những con đường như còn in dấu chân qua, những hàng cây bóng mát êm đềm , những tà áo quấn quýt dập dìu thời hoa bướm...My không có diễm phúc được làm người cất giữ, những yêu dấu êm đềm như giòng sông có con nước phẳng lờ trôi. Tuổi của My như nụ hoa chưa kịp hé , đã héo rũ trong cuồng nộ phong ba với bao thảm cảnh vây quanh. Tường Vi cũng khép lại chuyện tình buồn sau 5 năm tình lận đận chẳng về đâu. Chuyến ra khơi bình yên đưa Vi về đất Úc, không là nơi mơ ước của Vi. Vi lấy chồng và vẫn tiếp tục với đêm dài. Không phải đêm dài như khi vừa biết yêu đã biết sợ xa nhau. Hai đường sắt song song không có điểm gặp nhau. Người mẹ trẻ lau nước mắt để dạy con biết mỉm cười với mọi người, với cuộc đời. Mấy mươi năm chôn chặt tình xưa. Người mẹ trẻ giờ thành người mẹ ngậm ngùi, hỏi tóc có còn xanh? My đã có lần ôm phone mà khóc, khi nghe Tường Vi kể chuyện lần về VN gặp lại người anh mắt nâu xưa. Vi đã chạy trốn như lần lánh mặt, lau nước mắt ra đi vì sợ yếu lòng trong giờ sắp sửa khởi hành. Dẫu biết hạnh phúc chỉ là ảo ảnh, nhưng My ơi nếu là My My sẽ phải làm sao? Người anh mắt nâu đã gẫy đỗ một lần và làm kẻ độc hành. Còn Vi sống cho qua hết một đời buồn như Vi thầm nhũ từ lâu. My có biết là Vi như người đang vượt sóng, cố gắng lao đi không cho giòng nước cuốn trôi. Ôi hạnh phúc riêng và mối tình xưa, cuối cùng vẫn không thắng nổi ý tưởng mình là người bất hạnh, cho nên làm sao nếm được mùi vị của ấm êm, hạnh phúc hở My? Vi nuốt nước mắt, chọn con đường xa nhau mãi, như ngày xưa Vi đã chọn vậy thôi

Tám năm dài ở lại, Saigon trong My và Saigon trong những người di tản buồn dạo tháng Tư chắc là không giống như nhau, dù có cùng một nơi để nghĩ về, để ngậm ngùi thương nhớ muôn đời. My nhớ năm đầu tiên đón tháng Tư nơi xứ sở lạ xa, My lau nhanh đôi mắt ướt khi nghe câu hát "Thời gian tựa cánh chim bay. Qua dần những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ yên vui. Nhớ nhung biết bao giờ nguôi..." Nhiều rất nhiều người còn có mùa cũ yên vui để nhớ. Còn My, My có gì đâu ngoài những tháng năm chợt lớn lên để cùng đau nổi đau chung của một quê hương vẫn chưa xa nhưng như đã mất từ lâu. Thật lòng My không hối tiếc điều gì. My thầm nghĩ không có điều gì tự nhiên đưa đến trong đời, mà là những nhân và duyên có sẵn từ lâu. My ở lại để càng thấy thưong hơn người chung giòng máu, màu da. My ra đi để thấu hiểu thêm nổi lòng người xa xứ, lạc loài.

Đêm nay, My ngồi đây nhắc chuyện xa xưa. Có một chỗ ngồi bị bỏ trống nơi khuôn viên siêu thị lớn- là nơi My có mặt mỗi năm để nghe nhắc nhỡ, để nhìn lại những hình ảnh đau thương cuả những người cùng có một quê hương quá đau khổ, lầm than. My đã hiểu My có chung công nghiệp, với người Việt nam máu dỏ, da vàng. Cho nên My không còn đôi khi thẩn thờ hỏi riêng mình: vì sao My có mặt ở nơi đây?

Quỳnh My
30 năm, ngày cuối tháng Tư

Comments

Quỳnh My said…
Hello TNg,
QM ra^'t vui khi ddo'n nha^.n su+. chia se? cu~ng nhu+ khi'ch le^. tha^.t a^n ca^`n tu+` TNg. Gi` QM kho^ng da'm hu+'a, chu+' vie^'t gia?n di. thi` QM nghi~ mi`nh co' the^? la`m vui lo`ng TNg da`i da`i, bo+?i ngoa`i ca'ch vie^'t na`y, QM dda^u co`n bie^'t vie^'t ca'ch na`o kha'c nu+~a :-)))!
Ca?m o+n TNg- Ngu+o+`i kha'ch dda^`u tie^n dda(.c bie^.t kho' que^n, dda~ lu+u la.i da^'u ti'ch trong khu vu+o+`n nho?.
QM
VietPundit said…
Theo link từ SonhVinh đến đây; thấy rất thích. Đọc bài 30/4 này cảm động. Hy vọng sẽ đọc được nhiều thêm.

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê