Posts

Showing posts from 2005

tháng cuối của năm

K hông mây cũng không nắng. Chỉ màu trắng, mờ bầu trời. Đứa con trai cùng cô bé học chung trường leo lên chuyến bus màu vàng, bỏ lại phía sau đợt mưa. Mưa nhẹ, rơi như sợ xao động những chiếc lá vàng đang run rẩy sót lại trên cây. Nàng đứng đó, nhìn cho tới khi chiếc bus xa dần sau ngõ quẹo đầu đường. Vừa trở gót thì mưa bỗng rơi nặng. Tóc ướt, áo ướt trên những giọt mưa tạt mạnh trên khuôn mặt khó đoán vui hay buồn trong sáng hôm nay. Đứa con gái hớt hãi gọi tìm từ quê nhà xa khuất, báo tin một người thân vừa ra đi. Tìm nhắn mẹ dùm con, người em dâu của mẹ mới qua đời. Con gọi, gọi mãi mà không biết mẹ ở đâu. Nàng lục lọi số phone mới có không lâu, kèm lời dặn chị không cho ai số mới này, chỉ riêng em để những khi cần kiếm chị thôi. Chị dạo này hay lang thang, vì buồn. Nàng thoáng nỗi băn khoăn. Chị đang ra sao, có thay đổi gì trong cuộc sống hay không? Giọng nói bên kia thấp xuống, khác với sự ân cần nàng thường quen nghe mấy năm nay. Chị đang buồn. Biết đâu chừng rồi sống một mình.

Cào lá

Đêm lạnh . Với My, lạnh vừa đủ cuộn chăn chuẩn bị tìm giấc ngủ êm đềm. Ngày mộng mị bên đêm với giấc mơ hay ác mộng đã thưa dần. Có lẽ từ khi My đến với thiền. Chỉ vì thấy đủ những giấc mộng ngày nên My không còn đem mộng vào đêm; giống như xưa. Sáng. My ra sân. Mặt trời đang lấp ló trên ngọn cây cuối con đường, chiếu tia nắng chưa đủ ấm. Bãi cỏ trước sân nhà vẫn xanh mướt màu xanh ảm đạm dưới những chiếc lá rụng trải đều trên. Lá trên cây chưa thấy đổi màu Thu. Chưa kịp vàng đã úa, run rẩy, mong manh lìa cành theo cơn gió lạnh về. Cây hoa vàng nở khoe sắc, kéo dài hơn một tháng giờ bắt đầu thưa dần. Từ trong những nhụy hoa, bỗng vươn mình trở thành trái nhỏ màu xanh, rũ xuống cạnh bên những nhụy còn sót lại đong đưa trước gió, nhìn thật lạ. Khi những cánh hoa không còn nữa, thì trái lớn nhanh như những trái đậu xanh, dẹp và dài đều khắp trên cành. Những bụi hoa cúc cậu tặng năm ngoái, giờ bắt đầu trổ nụ, ra hoa. Màu hoa cúc tím thẩm như thầm nhắc mùa Thu đang hiện diện. Chợt nghĩ, cô

Qua cơn mê

Trong cuộc sống hằng ngày, tất cả mọi người, từ tấm bé cho đến khi trưởng thành, đều phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Lúc còn nhỏ, chúng ta chỉ biết ăn cho no, ngủ cho đã, chơi cho sướng, còn mọi chuyện khác, có người lớn lo. Lớn lên một chút, chúng ta được cha mẹ cho đến trường để học. Ở quê nhà, trước đây, chúng ta được học lễ giáo, trước khi học chữ nghĩa. Chắc chúng ta ai cũng còn nhớ câu: "Tiên học lễ hậu học văn". Còn ở hải ngoại, học sinh được dạy dỗ nhiều về trí dục và thể dục, phần đức dục có phần khiếm khuyết, có nơi hầu như không có! Sau khi tốt nghiệp, tiểu học trung học, hoặc là đại học, cũng có những người, kém may mắn hơn, chưa kịp học xong, tất cả mọi người, đều phải bước qua, ngưỡng cửa cuộc đời. Có người bước được, những bước chắc chắn, vững chải tốt đẹp, thành công tốt đẹp, vui vẻ hạnh phúc. Dưới góc cạnh cuộc đời, trong con mắt thế gian, người ta thường cho rằng: đó là những người "có tài". Dưới cái nhìn trong nhà đạo, đó là những người &

Ra đi mùa Thu

Không đợi hết mùa Thu như HH đã nói. Từng chuyến bay vội đi về , kết thúc vài tuần thu xếp vội. Vậy là bạn tôi thật sự đi xa. Một ngày trời chớm lạnh, đủ lạnh để tôi khoát chiếc áo len sợi mỏng đầu mùa. Tôi lơ đãng quanh giọt mưa. Mưa Thu rớt đều, ướt khoảng hành lang ngoài hiên. Chợt biết hôm nay là ngày HH giã từ thành phố. HH ơi! HH đang ở đâu, HH đã khởi hành chưa? Nụ cừời ấm và câu chào quen thuộc, tắt ngang không hiểu vì sao. Mưa buổi sáng qua nhanh chào nắng giữa trưa đến vội. Tôi nghe lại câu chào và tiếng cười ấm áp, hiền hoà. Mình còn sống sót! Đã lên đường từ sáng nay rồi. Lúc nãy mưa nhòa đoạn đường đèo. Chưa kịp nói điện thoại đã bị mất sóng. Bây giờ mình đang đi ngang qua thành phố, có những quán ăn Việt. Vừa lúc đói bụng lại cần nghỉ ngơi một chút, trước khi tiếp tục để kịp đến nơi không trễ lắm, đêm nay. Tôi nhắc HH lái xe cẩn thận với đường dài, thêm lời chúc may mắn bình an trong những tháng ngày sẽ mở ra phía trước. Tôi không hỏi, cũng không nghe HH nói, vui hay buồn

Sao không trở lại?

My đến phi trường lúc 7 giờ chiều. Tới sớm hơn My là gia đình dì, người em gái duy nhất của mẹ sang đây đã mười năm. Mười năm với thật nhiều trắc trở. Cuối cùng dì chú thỏa dần ước nguyện. Ðêm nay ba đứa con của dì sang đoàn tụ với gia đình. My thấy hạnh phúc tràn đầy trên mặt chú. My nhớ lại, như phép lạ. Chỉ cách đây vài năm thôi, Người đàn ông đó sụt xuống còn hơn 80 pounds, phải chuyền thức ăn dinh dưỡng qua ống dẫn vào bao tử, nằm thoi thóp chờ trút hơi thở... Ngày đó trong bệnh viện, hai chị em My nước mắt đầm đìa ôm người người chồng của dì. Tụi con thương chú lắm. Chú ơi, chú ráng vượt qua để còn có cơ hội đem các em sang đây như tâm nguyện. My biết lúc đó My nói mà không dám trông mong, bởi tiếng nói của chú đã tắt, không còn thoát ra được từ thanh quản. Chú nằm im chịu đựng cơn đau. Hai hố mắt sâu và thân xác bất động. Em gái My vừa khóc vừa bảo em rễ đem vào cho chú cái máy nhỏ, để ghi âm lại những gì muốn nhắn gởi với đàn con còn lại ở VN, nếu như chú còn có thể nói được t

Góp nhặt

ÐỜI Hôm nay chúng ta sẽ nói chyện đời, vì đời và đạo là hai mặt của một đồng tiền. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà có. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Không phải chỉ nói thiền, tịnh, vô ngã, tánh không, v.v... mới là Phật pháp mà ngay cả những chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, gánh nước, bửa củi, lặt rau, rửa chén, quét nhà cũng là Phật pháp. Phật pháp không hẳn chỉ dạy cầu niết bàn, vì căn cơ chúng sinh khác nhau, đâu phải ai cũng muốn thành A La Hán, Bồ Tát, hay thành Phật hết. Vì thế mới có ngũ thừa Phật giáo: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ tát thừa. Có một kinh điển hình nói về nhân thừa, đó là kinh Thi Ca La Việt (Sigalo-vadasutta), trong đó Phật giảng cho một thanh niên dòng Bà la môn, con nhà giàu ở thành Vương Xá. Ngoài ra lúc còn tại thế đức Phật vẫn thường giảng cho các cư sĩ tại gia sống làm sao cho an vui hạnh phúc, giảng cho vua chúa cách an dân trị nước, những kinh này bàng bạc trong các bộ A-Hàm. Qua những dịp tiếp xúc

Ngày cuối tháng Mười

"Tháng Mười chưa cười đã tối". Tháng Mười bóng tối kéo về nhanh hơn, khi đồng hồ được vặn lui lại một giờ. Dù sao, sáng nay My có quyền lười biếng, không dậy vội vàng khi bóng tối còn vây quanh. Thôi thì hãy vui với buổi sáng chẳng tất bật chạy theo kim giờ trên chiếc đồng hồ, để không nghĩ tới những chiều vội tối, như đi sáng- về đêm trong chừng đó giờ, làm việc. Tháng Mười, sau cơn bão đi qua để lại riêng My những cơn gió đời thổi mạnh. Việc làm an nhàn bên cạnh toàn người dễ mến, dễ thương đã trở thành quá khứ. My chật vật với những ngày nắng mưa nhòa lang thang dong ruỗi. Để rồi nhìn ngày của tháng Mười ngắn, ngắn hơn, bên giờ làm mới của My dài hơn. "đừng để Blog héo khô, tàn tạ,cho đến khi em tưới tẩm, nâng niu chãm sóc lại thì cũng muộn màng rồi. Làm sao vực dậy, ban sự sống cho thân cây đã mục rã tự bên trong..". Biết thế, vẫn đành như thế. My không khô héo, lụi tàn là may! Mỗi buổi sáng không còn nhàn nhã, pha ly cà phê nóng đầu ngày, ngồi, viết, đọc thảnh

Tìm nhau

Đêm khó ngủ, có lẽ vì My ăn tối muộn. My chợt nghĩ về Tường Vi. Quá nửa đêm ở bên này mà ở nơi kia, chỗ Vi ở, là chiều dần đến. Cách nhau 15 múi giờ vẫn là khoảnh nhớ của không gian đùa dai. My không giật mình khi thỉnh thoảng nhận phone của nửa đêm về sáng từ Vi. Đang buổi chiều bên kia, vậy mà Vi thảng thốt. Trời ơi, My làm Vi mừng đứng tim luôn, vì đang lo, lo không biết My về đâu trong cơn bão. Vi vừa định gọi thì bất ngờ nghe tiếng của My, hỏi làm sao không khỏi rộn vui. Xa nhau hơn 23 năm. Hai trẻ xưa giờ là hai bà mẹ, với nhiều trăn trở về con. Ngày thơ, tình thơ đã thành chuyện cổ tích, phủ nhiều lớp bụi mờ. Chỉ hai đứa hiểu, người cùng đi bên cạnh cuộc đời dường như không đủ thời giờ, hay dường như không sót lại những cố gắng; để hiểu. Qua câu tình cờ gợi lại, chợt nhận ra nỗi trùng hợp, bởi cả hai cùng vướng vào oan khiên, khó giải thích được bằng lời. "Đời con gái, cũng cần dĩ vãng, mà tôi em chỉ còn ..." Vi ơi, dĩ vãng của riêng hai đứa mình là trời xanh, mây trắn