Góp nhặt

ÐỜI

Hôm nay chúng ta sẽ nói chyện đời, vì đời và đạo là hai mặt của một đồng tiền. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà có. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Không phải chỉ nói thiền, tịnh, vô ngã, tánh không, v.v... mới là Phật pháp mà ngay cả những chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, gánh nước, bửa củi, lặt rau, rửa chén, quét nhà cũng là Phật pháp. Phật pháp không hẳn chỉ dạy cầu niết bàn, vì căn cơ chúng sinh khác nhau, đâu phải ai cũng muốn thành A La Hán, Bồ Tát, hay thành Phật hết. Vì thế mới có ngũ thừa Phật giáo: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ tát thừa. Có một kinh điển hình nói về nhân thừa, đó là kinh Thi Ca La Việt (Sigalo-vadasutta), trong đó Phật giảng cho một thanh niên dòng Bà la môn, con nhà giàu ở thành Vương Xá. Ngoài ra lúc còn tại thế đức Phật vẫn thường giảng cho các cư sĩ tại gia sống làm sao cho an vui hạnh phúc, giảng cho vua chúa cách an dân trị nước, những kinh này bàng bạc trong các bộ A-Hàm.
Qua những dịp tiếp xúc với Phật tử, tôi thấy có nhiều người khổ vì tình. Tình ở đây gồm đủ loại: tình vợ chồng, tình cha con, tình anh em, tình yêu, tình bạn, tình đời, v.v... Nhờ có khổ như vậy mới đến chùa học hỏi mong sao hết khổ. Nhưng phần đông lại rơi vào một trường hợp, đó là lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh bổn phận gia đình, chồng con, vì chồng con nhiều lúc đã làm mình đau khổ. Hãy nhìn hoàn cảnh của người phụ nữ Việt Nam. Theo truyền thống phong tục tập quán, người đàn bà chỉ biết suốt đời hy sinh cho chồng con, nhưng rồi ít có chồng con nào ý thức được sự hy sinh đó. Nho giáo đã xem nhẹ vai trò của người phụ nữ. Cái gọi là tình vợ chồng thật ra là nghĩa vợ chồng. Thời xưa người ta cưới gả nhau ít vì tình mà vì môn đăng hộ đối, hoặc tìm chỗ nương thân, sống chung cho đỡ hiu quạnh. Khi ký một hiệp ước sống chung thì mỗi người phải có bổn phận. Bổn phận làm vợ phải thế này, bổn phận làm chồng phải thế kia. Người phụ nữ phải tam tòng tứ đức. Nhiều cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ hạnh phúc, mỗi người làm đúng bổn phận của mình, nhưng bên trong rất nhạt nhẽo vô tình, không có sự thương hiểu lẫn nhau. Tuy sống chung một mái nhà nhưng trong lòng cách xa nhau cả ngàn cây số, mỗi người sống riêng trong thế giới của mình. Sống như vậy đâu có vui thú gì, đúng là oán tắng hội khổ. Nay mình biết chùa muốn tu, muốn dứt bỏ chồng con, nhưng ai cho phép? Nhiều bà, nhiều cô muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng chồng không cho phép. Những ông chồng này nói rằng: muốn tu thì cứ việc tu, đâu ai cấm, nhưng phải làm tròn bổn phận người vợ trước đã. Ở đây tôi không thể bênh vực bên nào cả, vì mỗi khi có sự bất hòa thì cả hai bên đều có phần trong đó. Không có ai phải, ai trái mà chỉ có một sự thiếu hiểu biết, không thông cảm, không thực sự thương yêu và thay vào đó là một sự đòi hỏi kẻ khác phải chiều theo ý mình.
Tu học không phải để chạy trốn chồng con. Tu học để tỉnh thức, nhận ra những điều mà trước đây mình không hề hay biết. Nhiều người phàn nàn, chán ngán chồng con, nhưng trước kia ai bắt mình lấy người đó, ai bắt mình đẻ con? Nếu không thương mà lỡ lấy vì bất cứ lý do gì đi nữa thì mình cũng có 50% trách nhiệm. Nếu thương mà lấy thì 100% trách nhiệm. Sinh con ra để làm gì? Ai bắt? Vì thương yêu hay vì bổn phận? Những quan niệm như con trai lớn lên phải có vợ, con gái lớn lên phải có chồng, rồi phải sinh con đẻ cái, v.v... đã gây đau khổ cho nhiều thế hệ.
Con người là loài hữu tình, tiếng Phạn là sattva, có nghĩa là có tình cảm. Ai cũng muốn thương và được thương. Khi thương ai mà được người kia thương lại thì chúng ta sung sướng. Khi cưới được người mình thương thì đúng lý ra ta phải sung sướng chứ? Việc hôn nhân cần phải đạt trên nền tảng của tình yêu. Thương yêu nhau mới cưới và muốn sống chung với nhau. Ở đây tôi không bàn đến những cuộc hôn nhân miễn cưỡng, bất đắc dĩ, vì đương nhiên những cuộc hôn nhân như vậy vô nghĩa, vô tình, làm sao đưa đến hạnh phúc được! Nhưng ngay cả những cuộc hôn nhân do tình yêu đi nữa, sau một thời gian cũng đưa đến sự nhàm chán. Như vậy là sao? Trước kia ở Việt Nam, vấn đề ly dị là điều tối kỵ, dù vợ chồng bất hòa đánh nhau đến đổ máu cũng phải cắn răng sống chung cho tới chết. Ngày nay vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị.
Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là ly dị cho chúng ta bài học gì? Chúng ta hiểu được gì? Hay cứ nhắm mắt theo đà, tái diễn lại cảnh khổ. Nhiều lúc khổ quá muốn đi tu, nhưng tu làm sao yên khi tình cảm hãy còn ướt át? Tôi xin nhấn mạnh một điều là tu không phải dứt tình mà là chuyển tình. Quan niệm chung thường cho rằng tu là dứt hết tình như câu kệ xuất gia:
Hủy hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thế nhân.
Dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy để thành gỗ đá chăng? Cây cỏ, núi sông còn có tình huống chi con người.
Chúng ta đau khổ vì tình, vì tình của chúng ta là thứ tình ích kỷ, tình thương chiếm hữu mang nhiều tính chất ái luyến của ngã và vô minh. Thương mà không biết cách thương nên làm cho kẻ khác bực bội, khó chịu đau khổ.
Tu là sửa, là chuyển. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương ích kỷ, chiếm hữu thành tình thương ban bố vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật, thương thầy của mình thôi, không biết thương yêu kẻ khác thì đó đâu phải là tu. Phật là người đại từ, đại bi thương chúng sinh, Phật đâu phải là người vô tình. Mặt trời tỏa ánh sáng cho khắp mọi loài, cho cả thế giới, cho khắp vũ trụ, không tỏa riêng cho người giàu, cho nước Mỹ, Canada, hoặc cho riêng trái đất.
Ở Việt Nam trong thời chiến, khi nghe tin người yêu tử trận, nhiều cô nữ sinh ngất xỉu, thấy bầu trời sụp đổ, không còn lẽ sống, có cô quyên sinh tự tử. Ðó là vì dồn hết tình yêu vào một cá nhân, một đối tượng. Một bà mẹ có đứa con cưng độc nhất, chẳng may nó bị bệnh qua đời, bà ta có thể đau khổ phát điên lên được. Nhưng nếu bà ta có mười đứa con và bà thương yêu mười đứa như nhau thì chắc chắn bà sẽ chỉ đau khổ một phần mười mà thôi.
Ở Làng Hồng, vào mùa hè mỗi năm, có rất nhiều gia đình gồm vợ chồng con cái về làng tu học. Thầy Nhất Hạnh giảng dạy những cách thức sống làm sao cho gia đình được hạnh phúc. Có nhiều người 'chuyên tu' phàn nàn rằng thầy không chịu dạy tu mà chỉ dạy hạnh phúc gia đình, thầy chú trọng về đời nhiều! Có lẽ những người này cho tu chỉ là tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật thôi. Quan niệm tu như vậy thật là giới hạn. Từ đấy họ suy ra một ông thầy tu chỉ biết gõ mõ tụng kinh thôi, ngoài ra không biết gì về việc đời. Ðương nhiên cũng có những thầy tu như thế chứ không phải không, nhưng theo Ðại Thừa Phật giáo, một thầy tu là người phát nguyện tự lợi, lợi tha, đi vào cuộc đời để cứu nhân độ thế. Ngay cả người cư sĩ sống trong đời cũng chưa chắc hiểu được cuộc đời. Một thầy tu có thể nghiên cứu tâm lý học, phân tâm học, xã hội học, nhân chủng học, v.v... để hiểu rõ những căn bệnh của con người và để dễ dàng độ sinh hơn.
Người cư sĩ tại gia hãy còn sống với gia đình, nay học cách thức làm sao cho gia đình hạnh phúc, đó không phải là tu hay sao? Ðây cũng là nhân thừa Phật giáo, hay nói cách khác là nhân đạo (con đường làm người). Nhiều lúc nhân đạo chưa xong mà đòi ngay Phật đạo.
Tóm lại sống làm sao cho cuộc đời trở nên đáng sống, có ý nghĩa, có lý tưởng, có thương yêu, hiểu biết thì đó là Ðời Ðạo. Còn chạy theo Ðạo mà quan niệm hẹp hòi, bảo thủ cố chấp, không khoan dung độ lượng thì đó là Ðạo Ðời. Có người sống cả đời chỉ để làm một việc lợi ích thôi, như Lão tử, đến và đi không tung tích, để lại độc nhất một quyển Ðạo Ðức Kinh giá trị vô cùng. Há không phải là một đại thiền sư hay sao?

ÐI TÌM Ý NGHĨA

Có bao giờ trong cuộc sống bon chen vội vã hằng ngày, ta dừng lại vài phút tự hỏi mình sinh ra đời để làm gì? Phải chăng để chạy theo sau đồng tiền, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, v.v...? Ðể lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường? Ðể gây dựng một sự nghiệp? Ðể tranh đấu cho một lý tưởng chính trị, kinh tế, xã hội, v.v...? Hay để đơn giản đi làm kiếm ăn sống qua ngày như bao nhiêu người khác? Ðể rồi một ngày kia nằm xuống ra đi với hai bàn tay trắng?
Dừng lại vài phút để tự hỏi hay tự kiểm lại xem cuộc đời mình đang sống đây có ý nghĩa gì không? Mình có hài lòng với những gì đang có và đang sống không? Những cái đó có đem lại cho mình hạnh phúc hay không? Hay mình chỉ làm một kẻ nô lệ, một người máy rô bô mặc cho xã hội vật chất lôi kéo điều khiển.
Ở đây không bàn đến những người vô thần vô đạo, chủ trương duy vật, sống chỉ để hưởng thụ, chết là hết. Ngay trong Phật giáo, đa số cho rằng sinh ra ở đời để tạo nghiệp và trả nghiệp, vay trả trả vay mãi mãi không ngừng. Quan niệm này đúng chứ không sai, đứng trên luật nhân quả mỗi khi ta cử động, nói năng, suy nghĩ một chút dù chỉ vài giây cũng là tạo nghiệp và như vậy đương nhiên sẽ gặp quả báo tránh sao cho khỏi. Nhưng quan niệm này nếu không khéo có thể khiến cho người ta trở nên thụ động, gặp việc gì cũng đổ tại nghiệp rồi ngồi yên chịu trận.
Cuộc đời đã lắm khổ đau, sao ta không tìm những quan niệm khác giúp ta lạc quan hơn trong cuộc sống? Ðối với tôi, con người sinh ra ở đời để học hỏi những kinh nghiệm để tiến hóa. Mỗi kiếp sinh ra là một lớp học. Ta có thể chọn học một hoặc nhiều môn, nhưng bài học phải được hiểu và học cho xong mới được lên lớp.
Ta lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá cô đơn mà để học thương yêu và sống chung hòa hợp.
Ta sinh con đẻ cái không phải để tiếp nối giòng dõi hay để nhờ vả khi về già mà là để chính ta tập học làm cha làm mẹ, tập thương yêu dạy dỗ giúp đỡ con cái.
Ta làm vua hay tổng thống một nước không phải để ăn trên ngồi trốc, bóc lột của dân mà để học thương dân trị nước.
Ta làm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ không phải để có nhiều tiền hay danh vọng mà để học cách giúp đỡ thương yêu bệnh nhân.
Ta làm bác học, kỹ sư không phải để chế ra những vũ khí máy móc sát nhân hay nô lệ hóa con người mà để đóng góp xây dựng cho cuộc đời bớt khổ về vật chất.
Ta có thể tiếp tục nói về từng nghề nhưng tóm lại tất cả nghề nghiệp trong đời từ cùng đinh hạ tiện cho đến quý phái sang trọng, không có nghề nào thực sự hơn nghề nào vì nghề nào cũng có giá trị và cùng đóng góp cho sự tiến hóa của nhân loại nếu ta đứng trên quan niệm đời là một trường học tiến hóa.
Trong kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, đức Phật nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và đều sẽ thành Phật. Vậy nếu nói theo tinh thần Pháp Hoa thì mỗi kiếp sinh ra đời là mỗi kiếp cho ta cơ hội học hỏi để tiến dần đến Phật quả.
Còn một quan niệm nữa, đó là không phải ai sinh ra đời cũng để tạo nghiệp vay trả trả vay, hoặc để học hỏi tiến hóa. Có những người đã học xong hoặc đã tiến hóa rất xa so với người thường, họ trở lại thế gian hay cõi Ta Bà với một sứ mạng cứu nhân độ thế, hay nói cách khác là giúp nhân loại tiến hóa. Những người này không hẳn phải là những giáo chủ nổi tiếng như Phật, Chúa, Mahomet, Khổng tử, Lão tử, v.v... hoặc các vị lama Trulku Tây Tạng mà là những người thường sống ngay bên cạnh chúng ta.
Ðiều quan trọng cần nhấn mạnh là chúng ta có muốn tỉnh thức để học hỏi tiến hóa hay không? Hay là tiếp tục sống đời vay trả trả vay, sống như những đàn cừu, như những người máy!

TÌNH DỤC

Hỏi: Trong quyển Ðạo Gì thầy nói về năng lượng tính dục (énergie sexuelle), nhiều người cho rằng thầy chủ trương tình dục.
Ðáp: Không nên lẫn lộn năng lượng tính dục (énergie sexuelle) với tình dục (sexe). Khi tôi nói về năng lượng tính dục không có nghĩa là khuyên quý vị làm tình! Người mà phán xét tôi như vậy có vẻ hơi hấp tấp và cùng lúc cho thấy người này có nhiều mặc cảm đối với tình dục. Tôi xin nhấn mạnh là tôi không chủ trương tình dục, nhưng tôi không sợ nói về tình dục. Ai cũng biết ái dục, tình dục hay dục vọng (những ham muốn sai lầm) đều là nguyên nhân đưa đến đau khổ. Nhưng không phải vì thế mà ta không dám nói đến. Tôi lấy thí dụ về thuốc lá. Một người nghiện thuốc lá hay một nhà buôn thuốc lá, khi nói về thuốc lá họ sẽ ca tụng quảng cáo thuốc lá và dụ dỗ người khác hút thuốc lá. Nhưng một ông bác sĩ phổi, khi nói về thuốc lá, sẽ nói về sự nguy hiểm, tai hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Hai bên đều nói về thuốc lá nhưng với mục đích hoàn toàn khác nhau. Những tiểu thuyết tình cảm, báo chí khiêu dâm, khi nói về tình dục, sẽ khêu gợi và kích thích lòng dục của con người. Trong khi đó trong quyển Ðạo Gì tôi chưa hề nói về tình dục mà chỉ mới nói về năng lượng tính dục. Không nên lẫn lộn tính dục và tình dục. Chữ tính hay tánh là một nguyên lý (principe), tính dục là nguyên lý của sự ham muốn. Còn tình dục là sự khao khát về nhục dục.
Từ lâu trong các tôn giáo, vấn đề tình dục (sexe) là một điều cấm kỵ (tabou) không được đả động đến, không được hé miệng nói đến. Vì đó là một điều 'bậy bạ'! Nhưng có phải không nói đến điều 'bậy bạ' đó là chúng ta trở thành thánh thiện và không còn ham dục nữa chăng?
Tam độc: tham, sân, si là ba thứ độc nguyên nhân của khổ đau, có phải không được nói đến ba thứ 'độc' đó là chúng ta hết tham, sân,si chăng?
Khi trong người bị bệnh ung thư (cancer), ung thư có nghĩa là thịt thối, đi khám bác sĩ, ta bảo bác sĩ đừng nói đến chữ ung thư vì chữ đó nghe 'ghê' quá, như vậy ta có hết ung thư chăng?
Chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều về quan niệm tu là phải diệt dục, diệt trừ tham, sân, si, tiêu diệt giặc phiền não. Toàn là tiêu trừ, tiêu diệt, đoạn diệt, v.v... Qua những danh từ như thế là thấy có chiến tranh rồi. Tôi vẫn biết có nhiều kinh bàng bạc những quan niệm như thế, đó là những kinh thuộc tư tưởng Nam tông. Nếu quý vị thích tu theo kiểu diệt dục thì cứ theo các kinh đó mà tu. Theo tư tưởng Bắc tông, nhất là hệ bát nhã thì không có gì sinh và cũng không có gì diệt. Các pháp bất sinh bất diệt.Từ đó không có quan niệm diệt phiền não mà là chuyển phiền não. Phiền não không bị tiêu diệt như kẻ thù mà được chuyển thành bạn, thành bồ đề. Tình yêu nam nữ ích kỷ, chiếm hữu không bị tiêu diệt mà được chuyển hóa thành tình bác ái, tình thương nhân loại (amour universel), thành lòng từ bi (amour et compassion).
Dù muốn diệt dục hay chyển dục đi nữa cũng cần phải quán chiếu để sự tu tập được dễ dàng. Về dục (ham muốn), đạo Phật thường đề cập đến năm loại (ngũ dục): tiền của, sắp đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ.
Nếu ta ham tiền thì ta phải quán chiếu xem tiền bạc là gì? Ðộng cơ nào thúc đẩy ta tham tiền, thích vơ vét tích trữ tiền của?
Nếu ta ham sắc thì phải quán chiếu sắc đẹp là gì? Ðộng lực nào thúc đẩy ta cứ nghĩ tới sắc đẹp, đứng ngồi không yên?
Về sự diệt dục, kinh sách có dạy quán chiếu về sự bất tịnh của thân thể (bất tịnh quán), xem người đẹp yêu dấu là một túi da hôi thúi (xú bì nang), hoặc vào nghĩa địa nhìn thây ma tan rữa (cửu tưởng quán), v.v... Nhưng đó mới chỉ giúp ta phân nửa trả lời sắc đẹp là gì, tức là quán chiếu đối tượng của dục. Ta chưa hiểu động lực nào đã thúc đẩy ta tham dục. Có thể vì thấy đàn bà con gái là túi da hôi thúi nên ta không ham sắc nữa, nhưng lòng dục vẫn còn và ta đi tìm đối tượng khác, như ham tiền hay ham danh chẳng hạn. Cũng có người không mê sắc đẹp mà họ yêu cái tánh nết thùy mị đoan trang của tình nhân, trong trường hợp này bất tịnh quán sẽ hoàn toàn thất bại!
Dục là một chướng ngại rất lớn cho người tu hành, dù đó là tu sĩ hay cư sĩ. Ấy vậy mà ít ai chịu tìm hiểu sâu xa để giải tỏa. Chỉ toàn là những điều cấm đoán hoặc làm ngơ. Giống như con đà điểu (autruche) gặp thợ săn, bỏ chạy chúi đầu vào bụi cây để lộ thân ra ngoài rồi cho đó là an toàn.
Trên thế giới hiện nay có một bệnh hiểm nghèo, đó là bệnh Sida (Aids). Nhiều bậc cha mẹ không dám nói tới, bàn tới vì cho đó là điều 'bậy bạ'. Một ngày kia con mình lén lút mang bệnh, xấu hổ bỏ nhà ra đi. Những bậc cha mẹ này tự mình không hiểu hiết, không học hỏi, lại còn gây thêm mặc cảm tội lỗi cho con cái!
Trở về vấn đề tình dục, người nào cảm thấy mình tu hành khá, không còn ham dục ham sắc nữa thì hoan hỷ bỏ qua đừng để ý đến phần này. Ở đây chỉ bàn cho những ai còn dính mắc vào tình dục và muốn tìm phương giải tỏa.
Có nhiều cách giải tỏa, hoặc tập thể dục thể thao, hoặc chuyển hóa và thăng hoa theo giáo lý luân xa hoặc qua nghệ thuật sáng tác như thiền cắm hoa, thiền thủ bút (calligraphie), điêu khắc, hội họa, âm nhạc, v.v...
Tóm lại như tôi đã nói trong quyển Ðạo Gì, năng lượng tính dục hay bất cứ năng lượng nào khác cũng cần được hiểu để xử dụng và chuyển hóa trong việc tu hành. Tuy nhiên có nhiều người, khi nghe tới hai chữ 'tình dục', họ cảm thấy khó chịu, bất an, và 'bậy bạ'. Vậy thì đây là một cơ hội để họ nhìn lại, quán chiếu vì sao họ có mặc cảm với danh từ 'tình dục', dù đó chỉ là hai chữ. Chắc chắn nó đã gợi cho họ những kỷ niệm khổ đau, hoặc những cảm tưởng xấu xa, hay nói cách khác là những cái tưởng không tốt đẹp gì. Họ đã tưởng gì về tình dục, tưởng gì về năng lượng tính dục?

TÌNH YÊU VÀ ÁI LUYẾN
Nhiều lần tôi nói về tình thương, đối với tôi tu không phải là dứt tình (đoạn tình) mà là chuyển tình. Nhưng một thầy tu mà nói về tình thương hay tình yêu không khéo sẽ có Phật tử hiểu lầm ngay. Ở cõi Ta Bà này là cõi nhiều chuyện nên Phật Thích Ca đã phải nói suốt 45 năm, ấy vậy mà vẫn còn nhiều người hiểu lầm. Sau cùng Phật phải tuyên bố: từ lúc thành đạo cho đến nhập niết bàn, ta chưa hề nói một lời nào.
Trước hết ta cần phân biệt giữa tình thương và ái luyến. Trong tiếng Việt, hai chữ thương và yêu hình như được dùng lẫn lộn, thương với yêu đồng nghĩa, có người nói thương là tiếng bắc, còn yêu là tiếng nam, hoặc ngược lại. Song le trong sự bày tỏ tình cảm, chữ thương có vẻ nhẹ hơn chữ yêu. Nhiều khi rắc rối quá người ta nói luôn hai chữ cho rồi.
Trong vòng giây xích 12 nhân duyên, vòng thứ 8 là ái (tanha), tiếng Việt dịch là yêu hay thương. Tôi nghĩ nếu chỉ có ái không thôi thì chắc không có vấn đề gì, nhưng vì yêu (ái) rồi muốn nắm giữ (thủ) làm của mình (hữu) nên mới sinh ra ái luyến. Chữ luyến có nghĩa là yêu mến không rời bỏ ra được. Do đó tình yêu trai gái thường được gọi là ái luyến, cô cậu một khi yêu nhau thì không thể rời xa nhau được, tiếng Pháp là amour-attachement. Có lẽ vì chữ yêu (ái) còn mang nhiều tính chất của vô minh nên trong đạo Phật người ta không thích dùng hoặc không dám dùng nó mà thay thế bằng chữ từ bi. Từ bi tiếng Pali là metta-karuna, tiếng Pháp dịch là amour (từ)-compassion (bi). Theo Hán-Việt thì từ là tình thương hay sự hiền lành, bi là thương xót, thương hại. Sau này khi nói đến từ bi, quý thầy dịch cho gọn là ban vui cứu khổ. Nhưng ban vui cứu khổ chỉ là kết quả hay sự thể hiện của cái tình bên trong. Có thương và xót thì mới ban vui cứu khổ được chứ!
Từ từ hai chữ từ bi có vẻ đi gần và hợp với tình thương hơn là tình yêu. Một thầy tu mà nói yêu Phật tử thì thật loạn luân, không thể chấp nhận được, nhưng nếu ông ta đổi đi một chút, nói thương Phật tử thì người ta sẽ bảo là ông từ bi. Cũng cùng là một thứ tình nhưng nếu phát ngôn không đúng với tâm lý xã hội thì sẽ có chuyện ngay.
Con người là loài hữu tình, có quả tim nên ai cũng biết thương, biết yêu, nhưng hầu như mọi sự thương yêu đều dẫn đến thủ hữu, bám víu và ái luyến. Vì ái luyến nên mới đau khổ. Nếu ái mà không luyến, không thủ hữu thì ái (yêu) trở thành từ bi. Vì thế công việc tu hành không phải là cắt ái mà là chuyển ái thành từ, nói cách khác là ái mà không luyến.
Ðối với tôi tình yêu hay tình thương đều được, miễn sao biết yêu thương đúng mức, đúng nghĩa, yêu mà không dính mắc, bám víu, không chiếm làm của mình, yêu một cách sáng suốt tỉnh thức, không ích kỷ và nhất là không được xem đối tượng yêu như một món vật mà là một con người.
Sau đây tôi sẽ dùng chữ yêu, nói về tình yêu để thay đổi không khí, mong quý vi đừng hoảng sợ, nhất là quý vị Phật tử thuần thành ngoan đạo.
Nếu ta thực sự yêu một người nào, ta sẽ không tìm cách thay đổi hay biến người đó theo ý mình, ngược lại ta sẽ giúp người đó tìm lại tư cách của họ, trở thành chính họ và không còn lệ thuộc vào ta nữa.
Thông thường khi yêu nhau, người ta hay có khuynh hướng xâm lấn vào thế giới của người yêu và vô tình tước đoạt dần tự do của người kia. Từ từ tình yêu đẹp đẽ ban đầu bị biến thái, trở thành chiếm hữu, ghen tuông, tranh dành quyền lợi, muốn điều khiển kẻ kia, v.v...
Nếu biết yêu thực sự, không vô minh ái luyến thì tình yêu trở thành một sự tự do vô bờ bến. Và tình yêu này bắt đầu ngay nơi bản thân mình, cá nhân mình, tức là ta phải biết yêu thương mình trước hết. Ta đừng làm kẻ ăn mày đi xin xỏ tình yêu. Ta có dư đủ tình yêu để ban cho mình kia mà! Vì không biết hoặc quên đi điều đó nên ta phải tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để khiến người khác yêu ta, ban cho ta những gì ta muốn. Vả chăng nếu người kia có yêu ta đi nữa thì động lực vô minh ban đầu đã khiến cho tình yêu này bị ô nhiễm, trở thành một thứ tình yêu lợi dụng, đổi chác.
Trí huệ hiểu biết rất cần thiết để chuyển hóa tình yêu say mê thành tình yêu chân thật tự tại. Yêu say mê hay si tình là một thứ ái luyến, bám víu và ràng buộc. Tình yêu chân thật có tính chất cởi mở và thông cảm.
Trên đời, người ta yêu nhau, cưới nhau đều đều, nhưng chắc ít có ai biết yêu thực sự. Chỉ có những người trưởng thành tâm linh mới biết yêu đúng với ý nghĩa của tình yêu. Một cặp vợ chồng yêu nhau, quyến luyến nhau, không rời nhau được, đó chỉ là một loại tình yêu ái luyến mường tượng, tức là có vẻ giống như tình yêu nhưng không phải tình yêu.
Một người đã tìm lại được chính mình, biết sống thực với mình, biết thương yêu chính mình thì tự thân người này tỏa ra hào quang của tình yêu. Một người vô ý thức, không biết chính mình, không biết thương yêu mình thì làm sao có tình yêu dư thừa để toát ra ngoài được! Chính vì thế mà anh ta cần phải đi tìm tình yêu từ bên ngoài, giống như một kẻ ăn xin đi gặp một người ăn xin khác và tưởng rằng người kia sẽ có tình yêu cho mình. Nhưng cuối cùng cả hai đều thất vọng và cảm thấy như bị lường gạt. Làm sao ta có thể ban cho người khác những gì mà chính ta không có? Làm sao thương yêu kẻ khác khi chính ta không biết yêu thương mình? Tệ hơn nữa là sau khi thất vọng, thất tình, vì không hiểu biết nên người ta lại đổ lỗi cho nhau, người này bảo lỗi tại người kia...
Khi tình yêu biết cho, biết ban ra, đó là tình yêu thực sự. Khi tình yêu chỉ biết lấy vào, ôm vào, đó là tình yêu giả mạo, một sự khát ái, cần tình.
Tình yêu có ba trình độ:
* Trình độ thứ nhất thuộc thú tánh, mang nặng tính chất sinh lý, nó phát hiện một cách tự nhiên và vô ý thức. Thí dụ một người đàn ông gặp một người đàn bà đẹp, có hình dáng hấp dẫn, thì tự nhiên anh ta như bị thu hút, khởi tâm ưa thích và yêu người đàn bà kia.
* Trình độ thứ hai bớt thô trọc hơn, nó không còn là sự hấp dẫn giữa hai thể xác mà là giữa hai tâm hồn. Nó mang nặng tình cảm hơn là sinh lý. Nhưng nó cũng chịu chung một quy luật, luật vô thường: thành, trụ, hoại, diệt, nói cách khác nó phát sinh rồi sẽ đi đến tàn lụi, chìm dần vào vô thức.
* Trình độ thứ ba thuộc tâm linh. Ðến trình độ này ta không còn yêu ai nữa, không yêu một người hay một đối tượng nào nữa, vì ta với yêu là một, ta là tình yêu, tình yêu là ta. Tình yêu này không hướng vào một đối tượng cá nhân, nếu cần đối tượng thì đối tượng sẽ là cả vũ trụ pháp giới. Tình yêu này tự nó tỏa ra yêu thương như mặt trời tỏa ánh sáng, như bông hoa tỏa mùi thơm dù có hay không có ai ở đó thưởng thức. Loại tình yêu thanh tao và cao thượng này thường là do kết quả của thiền quán hay sự chín mùi của tâm linh. Nó phát sinh khi ta tỉnh thức nhận ra mình là ai và biết sống thật với chính mình. Người mà ý thức được mình với sự sống là một thì biết được tình yêu này. Nó là căn bản mà cũng là cứu cánh của tất cả tôn giáo, đạo giáo. Chúa Giê-Su có nói: 'thương người như mình ta vậy'. Ðức Phật nói bồ tát thương yêu chúng sinh như con một.
Ða số người đời khi nói về tình yêu, họ chỉ biết đến hai trình độ hay hai loại tình yêu đầu. Hai loại tình yêu này thường được người tu xem là giây oan nên họ tìm cách dứt tình. Nhưng làm sao dứt tình được, họ chỉ chuyển tình của họ đến Chúa, đến Phật. Nhưng nếu chỉ biết yêu Chúa, thương Phật thôi, không biết thương yêu kẻ khác thì vẫn chưa đạt đến loại tình yêu thứ ba này. Tu là tập chuyển tình, chuyển hai loại tình yêu nhục dục và ái luyến thành loại tình yêu cao thượng.

ÁI LUYẾN

Ái luyến là muốn người, vật và hoàn cảnh luôn luôn như ý mình và không bao giờ thay đổi. Không muốn thân xác mình già yếu, không muốn tình cảm thay đổi, không muốn tình yêu phai nhạt. Mỗi khi bắt đầu yêu một người nào thì liền có ái luyến theo sau, và đương nhiên là dẫn đến phiền phức và khổ đau. Vì ái luyến ta trở nên chiếm hữu, sợ mất người yêu hoặc người yêu của ta sẽ yêu kẻ khác... Từ đó ta phải suy nghĩ tính toán mưu kế để giữ gìn người yêu. Vô tình ta xâm lấn tự do và biến người yêu thành một món đồ, một vật sở hữu. Cuộc tình ban đầu dần dần trở thành một sự giằng co: một bên xâm lấn, một bên dành lại độc lập tự do. Và nếu cứ tiếp tục sống bên nhau thì chả còn tình nghĩa gì nữa mà là hỏa ngục, danh từ trong đạo gọi là oắn tắng hội khổ. Vì thế ái luyến là thuốc độc của tình yêu, tàn hoại tình yêu.
Nếu chưa yêu được theo trình độ thứ ba thì ta vẫn cứ yêu, nhưng phải học và tập yêu với sự hiểu biết thông cảm, không chiếm hữu, không ghen tuông. Yêu là một nghệ thuật, muốn yêu cho có hạnh phúc ta cần phải học vì bản chất yêu của người đời là ái luyến chứ không phải là yêu theo nghĩa thứ ba đã nói ở trên, không phải tự nhiên mà ta có thể yêu theo kiểu Chúa hay Phật được.

CHIẾM HỮU

Chiếm hữu là biểu tượng của sự nghèo nàn và thèm khát. Người nghèo nàn thiếu thốn tình thương bao nhiêu thì thường có khuynh hướng chiếm hữu bấy nhiêu. Tình yêu chiếm hữu cũng giống như tình trạng của một đứa bé khát sữa đòi bú mẹ. Nhưng mẹ nó bận việc không cho bú được nên nó đâm ra tức tối, giận hờn, ganh tỵ.
Một người trưởng thành về tư tưởng thì không thể chiếm hữu được. Làm sao có thể bắt người khác phải thuộc về ta? Phải thương yêu ta? Mỗi khi gặp nạn hay khổ đau mà đổ lỗi cho người khác, đó là thái độ ấu trĩ nhất trên đời. Một người biết ban bố, chia xẻ thương yêu là người đang làm thể hiện Phật tánh bên trong. Cũng thế, mỗi khi ta cảm thấy muốn đòi hỏi, chiếm hữu, lấy về làm của mình thì phải nhận thức rằng ta đang làm hiển lộ cái tánh ấu trĩ, con nít bên trong. Lúc đó ta hãy ghi nhận, quán sát cái ta con nít đó xem nó biến chuyển và lôi kéo ta như thế nào? Không cần trách mắng hay xua đuổi, chỉ cần nhận diện và quan sát nó. Nhờ tỉnh thức nhận diện, quan sát thường xuyên cái ta con nít bên trong (the baby within) ta sẽ giúp nó trưởng thành. Trước khi muốn thành Phật thì phải thành người trước đã.

HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là mục đích sống của con người, là điều mà ai cũng muốn tìm. Nhưng ta không thể xác định hạnh phúc là gì vì nó tùy trình độ tiến hóa của mỗi người.
Nhân loại có thể được xếp thành ba hạng:
- Hạng thứ nhất là những người còn mê ngủ.
- Hạng thứ hai là những người sửa soạn gần thức giấc.
- Hạng thứ ba là những người đã tỉnh giấc, không còn mê ngủ.
Hạng thứ nhất, hạnh phúc đối với họ là những cảm giác khoái lạc thuộc về thể xác như ăn uống, thỏa mãn nhục dục. Suốt đời họ lo chạy đi tìm hạnh phúc, nhưng loại hạnh phúc này rất mong manh. Mong manh ở đây không có nghĩa là không có, nó có nhưng không kéo dài được, thoáng có để rồi nhường chỗ ngay cho sự thèm khát khổ đau. Loại hạnh phúc này rất nguy hiểm, đạo Phật thường ví nó như kẻ khát uống nước muối, càng uống càng khát, hoặc như liếm mật trên lưỡi dao, thoáng nếm vị ngọt nhưng bị đứt lưỡi ngay sau đó.
Càng đi tìm hạnh phúc lại càng thèm khát và không bao giờ được thỏa mãn. Vì thế hạng người này phải tìm cho nhiều, nhiều tiền, nhiều danh, nhiều sắc, họ sống trong ảo tưởng về số lượng (quantité), nghĩ rằng nếu có nhiều thì mới được thỏa mãn hạnh phúc.
Ðối với hạng thứ nhì, hạnh phúc thuộc về phẩm (qualité). Ðối tượng hạnh phúc của họ không còn là những thứ thô kệch như vật chất, sắc đẹp thể xác hào nhoáng bên ngoài, họ chú ý về phẩm chất nhiều hơn. Họ vẫn đi tìm khoái lạc cảm giác, nhưng thanh tao hơn, như nghe một bản nhạc hay, ngâm thơ vịnh phú, thưởng thức hương trà, ngắm kiểng cắm hoa, v.v... hoặc đàm luận với bạn bè, hoặc đơn giản được sống bên cạnh người yêu, người thân là họ cảm thấy hạnh phúc rồi. Loại hạnh phúc này thanh tao, sâu sắc và có vẻ lâu bền hơn loại hạnh phúc thứ nhất nhưng nó vẫn còn tùy thuộc vào đối tượng bên ngoài như thơ, nhạc, hoa, trà, cảnh, người, v.v...Và nếu ngày nào đó đối tượng kia mất đi thì hạnh phúc liền biến thành khổ đau.
Ðối với hạng thứ ba, hạnh phúc không còn tùy thuộc vào đối tượng bên ngoài nữa. Loại hạnh phúc này có thể được xem là hoàn toàn nhất. Hạnh phúc là sự bình an của tâm hồn, là sự tỉnh thức không còn ngủ mê trong đêm tối. Họ sống trong ánh sáng, không còn bóng dáng của chấp ngã lo âu, ham muốn bám víu vào một đối tượng bên ngoài. Họ sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây, sống hòa nhịp với cuộc đời và sự sống. Loại hạnh phúc này là một loại sung sướng thứ thật (chân lạc), nó ở ngay trong ta và nó cũng chính là bản chất hay bổn tánh của ta.

THÍCH TRÍ SIÊU
(Góp nhặt- chương 3)

Comments

Unknown said…
thực tại ta đang sống

là quá khứ ngày mai

là tương lai hôm qua

thưc tại đang an vui

quá khứ và tương lai

an lành như hôm nay

nhớ mải về quá khứ

mộng mơ về tương lai

hiện tại chì khồ đau
tambaos
Unknown said…
phật tại tâm lời thầy thường dạy

tâm ở đâu tìm hoài không gặp

mượn dòng chử nhờ thầy khai ngộ

viết dòng thư ai biết chỉ dùm

Popular posts from this blog

anh có biết

Bước vào cửa đạo

nhà xưa