Đàn chim nhỏ

Trời mưa. Tiếng sấm chớp ngang trời khiến giật mình thoát ra ngoài cơn mộng mỵ êm đềm. Bầu trời vẫn đắm chìm trong vũng tối qua màn nước nhạt nhòa bao phũ bên ngoài. Ngày sắp sữa bắt đầu, ướt đẫm và ảm đạm trong mưa. Trời chưa trở lạnh lúc vào thu ở nơi đây. Dường như chỉ có gió trở mùa, xô dạt ngày tháng hạ bằng những cơn mưa tiếp nối.

Bước ra sân che dù đứng với con, có chút gì xao động khi nhìn những cánh hoa vàng mới hôm qua còn rực rỡ trên cành, khoe hương sắc cho mùa thu thêm ấm áp, giờ tan tác rụng rơi nằm chồng xếp lên nhau dưới gió mưa. Mẹ ơi, đàn chim mỗi sáng kéo nhau bay ngang qua đây, giờ đang ở nơi đâu ? Chim có bị đói không , làm sao kiếm thức ăn vào những ngày mưa giống hôm nay? Chú nhóc con nghịch ngợm, làm mẹ thỉnh thoảng điên đầu vì cô giáo gọi tìm, cũng chính là chú nhỏ thưòng hay có nỗi băn khoăn về sự sống của muôn loài ở quanh mình. Tỉ lệ những lần nghịch phá, thuận theo thời gian của từng buổi tối , ngồi lặng lẽ bên mẹ lắng nghe hơi thở vào ra. Rồi một ngày nào con sẽ mĩm cười nhận ra rằng, bên cạnh lỗi lầm thường hay phạm, con được mẹ nắm tay dắt đi những bước chập chững, diệu kỳ trên con đường mẹ chọn để đi. Sư huynh đã có lần nhắc nhỡ rằng, đừng để con trẻ lẫn lộn giữa thực hành thiền và bị phạt khi lầm lỗi. Có tiếng cười nhỏ từ xa vọng lại. Mới đầu, với con trai có thể là được mẹ cho tham gia trò chơi lạ, vậy thôi. Như ngày ông ngoại mất, đêm nào chú nhỏ 7 tuổi cũng năn nỉ xin ngồi cạnh bên lúc mẹ tụng kinh, để được thỉnh chuông rồi vội vàng buông chiếc dùi nhỏ xíu lạy theo cùng với mẹ. Bắt đầu là một duyên lành. Bây giờ 11 tuổi thì con hiểu, vì sao con cần huấn luyện để có thể làm chủ được tâm trí phần nào theo phương pháp ngộ nghĩnh, lạ kỳ của mẹ. Để những ngày thứ năm hằng tuần sau đó, con nôn nao đợi mẹ về, đưa cho coi hai chữ E về hạnh kiểm và bài làm trong lớp, kèm theo nụ hôn và ánh mắt reo vui, thay vì buồn bã nhìn ra phía khác bởi không có sự chú tâm trong lớp học.

Một buổi sáng trước giờ đi học, con trai không cùng ra sân với mẹ mà mở vội cửa nhà xe. Thoáng ngạc nhiên hỏi con cần gì mà hấp tấp chạy vào trong đó, liền bắt gặp vẽ bối rối, tội nghiệp hiện trên nét mặt. Theo ánh mắt lo âu buồn bã của con, tầm nhìn của mẹ dừng lại nơi chiếc thùng giấy mở. Bên trong là một con chim bồ câu lớn, đang nằm xếp cánh im lìm. Người mẹ thoáng bất bình, hỏi vì sao con nhốt chim câu? Không phải con nhốt, mà chiều hôm qua con bắt gặp chim bị thương không bay nỗi trước sân nhà, nên đem nó vào chăm sóc. Con sợ mẹ mắng tội đã bắt chim nên không nói cho mẹ biết. Nhìn con cúi mặt như phạm lỗi, vừa gởi ánh nhìn đầm ấm xót thương đến chim câu, chợt thấy lòng thương cảm rạt rào. Có lẽ nào lòng mình chưa đủ rộng, cho nên con một mình giấu mẹ trãi lòng thương. Bàn tay chạm nhẹ nhàng, mong chim nhỏ không sợ hãi trong lúc được săm soi tìm kiếm vết thương, kèm câu hỏi con đã làm gì cho nó? Con tìm không thấy vết thương nào. Có lẽ là chim bệnh yếu cho nên không bay nỗi. Nghĩ nó có thể bị nguy hiểm trong đêm nên con đem vô để ở đây, cho ăn uống may ra lành bệnh. Con thấy nó nằm trên lối đi dọc theo bờ cỏ. Những người đi bộ quanh xóm ban đêm có thể dẫm lên, mẹ có nghĩ vậy không? Bên cạnh chỗ nằm của con chim tội nghiệp, có vẽ như đang co mình lại đón chờ thêm những tai ương, là chén nước nhỏ và những mẫu bánh mì xé vụn . Con e dè cũng phải, vì đôi lần hai bố con từng bắt giữ, vui đùa cùng chim chóc thật hồn nhiên trước sân nhà. Cho đến khi có tiếng nói cất lên, tuy nhẹ nhàng nhưng cả hai bố con đều hiểu đó là mệnh lệnh: đừng để chim lạc đàn trên đường về tổ của mình. Nhiều khi cũng thấy lạ kỳ. Tự hỏi con chim lạ vì đâu ghé đậu trên vai, để người có niềm vui ưa chơi đùa cùng muông thú dễ dàng giữ lại trong chốc lát. Trước khi chạy nhanh ra chuyến bus sắp dừng, đứa con trai không quên dặn mẹ hãy đặt thùng giấy có chim nằm trước hiên nhà. Chim sẽ bay về chốn cũ khi hồi phục. Chiều, hai mẹ con trở về thấy chiếc thùng trống rỗng ngoài hiên. Con trai nói như tự an ủi chính mình. Có lẽ chim đã khoẻ, nên bay tìm về với bố mẹ, anh em của nó.

Có một người đàn bà, mà ngay lần gặp đầu tiên , đứa con trai đã xiết nhẹ bàn tay mẹ rồi nói nhỏ như sợ người thứ hai nghe được. Mẹ ơi, đó là Bird Lady. Con vừa mới nói gì, hãy nói lại mẹ nghe! Bà ấy là Harriette, mỗi tuần đều ghé qua office của mình để lo cho lũ chim, mẹ có biết không?. Ngạc nhiên và xúc động, người mẹ dắt tay con đến chào kèm một nụ cười. Tôi là Vi- mẹ của Dan. Rất vui, được gặp bà bữa hôm nay. Đáp lại là cái xiết tay nồng ấm, nhưng cả tâm hồn bà dường như đang dành trọn cho đàn chim cả chục con đang ríu rít trong chiếc lồng thật lớn. Tình thương dành cho loài vật có đôi cánh nhỏ nhiều màu bay nhảy tung tăng, đã khiến bà ta quay trở lại nơi này đều đặn mỗi tuần. Rồi như quên đi sự có mặt của mẹ, chú nhỏ và bà Harritte trao đổi cùng nhau về từng đổi thay nhìn thấy từ chim. Những quả trứng vừa mới đẻ trong chiếc lồng ấp nhỏ, bên cạnh vài chú chim mới nứt vỏ chào đời được chim mẹ và cha thay nhau ấp ũ ngày đêm. Rồi như sợ mẹ bị bỏ quên, chú nhỏ quay sang thủ thỉ. Mẹ có biết không? Bố mẹ tụi nó thương nó lắm. Cứ thay nhau ôm từng con chim mới đẻ trong lòng để chăm sóc và bảo vệ, cho tới khi chim lớn gần bằng bố mẹ nó luôn! Nếu mẹ không ở gần quan sát mỗi ngày, thì trên kệ có mấy cuốn sách bà Harriette mua mang tới. Mà mẹ ơi, chắc mẹ không quên chim có từ đâu? Không phải là bố với con mua hay bắt nhốt đâu! Bình thường ít khi nói một câu dài, vậy mà chú nhỏ chợt huyên thuyên, như thay lời cho mẹ đang lặng yên nhìn ngắm lũ chim cùng với người có một tấm lòng. Có lẽ chú bé sợ mẹ quên rồi trách móc, nghĩ hai bố con muốn giam cầm chim ở nơi đây.

Dù không hay giữ lại trong lòng những gì đã qua rồi, nhưng thật khó mà quên lần đó. Ngày đưa đám tang cha, sau khi trở về chùa tụng kinh mẹ đã nói với thầy. Con mồ côi sớm nên không rõ lắm về tục lệ mở cửa mả sau ba ngày chôn cất người thân. Thầy cười hiền, từ tốn bảo rằng. Đừng bắt chuớc làm theo những hũ tục không biết xuất phát từ đâu, không đem lại lợi lạc cho ai và ngay cả chính mình không hiểu rõ làm như vậy để mà chi? Nếu cảm thấy không an lòng thì thay vì đem con gà đang mạnh khoẻ ra hành tội ở nghĩa trang, hãy mua mấy lồng chim ra viếng mộ, rồi phóng sanh hồi hướng cho người quá vãng. Trong hai lồng chim mua ngày hôm đó, có mấy con không phải là loài chim có thể sống ngoài trời. Người bán hàng- một đồng hương tốt bụng, đã ân cần cho mượn hai chiếc lồng và cũng ân cần bảo mua thêm, dù biết rõ mình không có đủ. Cho tới lúc đem chim về chuẩn bị thả hôm sau, nghe người bạn nói coi chừng mang thêm tội vì họ đã bán cho mình những con chim không thể sống ngoài trời. Người vốn mê loài vật bất kể là chó, mèo hay chim chóc chụp ngay cơ hội, giữ lại nuôi mấy con chim cảnh đó. Lồng chim nhỏ biến thành lồng thật lớn, bởi trong số bạn bè có người đã chán trò chơi. Để trong nhà đôi khi quá nặng mùi. Phải lau dọn thường không kể, nhưng chúng ríu rít không ngừng trong lúc mình cần yên tịnh. Ngắm nhìn và vui với tiếng chim trong chốc lát, nhưng tiếng hót của "nàng" nhiều khi cũng đủ rêm mình, thêm lũ chim phụ họa chịu đời không thấu! Nhân số của chim gia tăng thêm nữa, nên chiếc lồng to của người nuôi két vừa từ giả thú vui lụy phiền được mang đến nơi này. Căn phòng trống biến thành phòng chim cảnh, đã lôi cuốn, giữ chân người khách hàng đặc biệt này. Lồng chim thường mở ngỏ. Thỉnh thoảng, những con chim có bộ lông thật đẹp "chạy" lẫm đẫm trên bàn làm việc, hoặc đứng trên lòng bàn tay người đàn ông với vẽ hạnh phúc ung dung, như quên mình còn đôi cánh. Em lại gần đây. Nhìn xem nó rất dễ thương. Đôi cánh mượt mà và cái mặt lém lĩnh, ba gai. Lâu lâu mổ ẩu nhưng thường làm ra vẽ nhu mì lắm. "Thằng anh" nó xấu trai nhưng dễ thương hơn, hay gặm nhấm mà tuyệt nhiên không mổ bậy. Làm sao anh biết con nào "gái", con nào "trai" ? Đứa nào anh, đứa nào em ? trong khi cả cha mẹ chúng đều bằng cở như nhau hết? Lại còn mua thêm lồng ấp trứng, đúng lúc kịp thời nghĩ thật hay! Chỉ nhìn thấy nụ cười hóm hĩnh thay cho câu giải thích. Đứa em gái đi chung bật cười. Kiếp xưa anh chắc là chim. Nhìn người khổng lồ nâng niu con chim nhỏ và trên vai một con khác đậu bình yên, tự hỏi loài chim này sao thích đứng và đi hơn là nhảy và bay? Sự thật không phải vậy. Chỉ vì người nuôi chim ưa mở cửa lồng cho lũ chim thỏa thích rong chơi, nên đôi cánh đã bị cắt đi phần nhỏ. Con trai thầm thì cùng mẹ. Bà Harriette đã mang từng con chim đi cắt cánh dùm cho được an toàn. Trả 5 đồng cho tích tắc mấy giây, là điều sau này không còn tiếp diễn cho người thường tỉ mỉ, nâng niu quan sát. Một tay vuốt ve đôi cánh nhỏ, tay cầm kéo nhấp nhẹ nhàng. Đàn chim rồi thong dong dạo bước ra ngoài. Lại nghe loáng thoáng những lời trêu chọc. Cảnh "chim hót trong lồng" không còn nữa. Có chăng chỉ ở nhà thôi.

Bên cạnh những ngày vui nhìn chim đẻ trứng, ấp yêu đợi nở thành chim con rồi mớm mồi, bảo vệ đêm ngày cho tới khi chim non đủ lông, cánh bay ra dạo chơi quanh, còn có những ngày áo não u sầu cho chú nhỏ. Mẹ ơi, mẹ có biết hôm nay hai bố con đã đem chôn "một đứa" chim con. khi Harriette ghé lại, bà có vẽ buồn hỏi bố sao hôm qua không gọi cho bà biết để đem chim đi bệnh viện may ra còn cứu kịp. Đây là đứa thứ ba đã chết trong đàn chim cũ mới mà bố với con không hiểu vì sao? Nhìn đôi mắt sáng có long lanh giọt nước, người mẹ khẽ vuốt tóc con. Con đã biết đời sống của chim ngắn ngủi hơn nhiều. Nhưng dù ngắn, dù dài. Cách này hay cách khác vẫn là sinh ra rồi mất. Chùi nhanh mắt, chú nhỏ như chợt nhớ, nói cho mẹ nghe điều chú biết lâu nay. Bà Harriette nói với con rằng bà từng nuôi chim một dạo thật lâu, rồi cũng ngừng vì không chịu nỗi đau buồn, mỗi khi đem chôn những con chim. Bây giờ bà chỉ nuôi mèo, nhưng đến đây lần đầu nhìn thấy lũ chim bà có cảm tưởng như gặp lại đàn con.

Người đàn bà một thời nuôi chim đã đến mỗi tuần vài giờ trong suốt mấy năm. Thỉnh thoảng bà đến ngày thường thay vì ngày thứ bảy. Chú bé trai giải thích vì hôm sau là ngày lễ nên bà mang thêm thức ăn đặc biệt cho chim vui lễ. Ngoài nhiều máng ăn và nước lọc treo trong lồng theo khoảng cách thật đều, còn có những món ăn chơi nhìn vô cùng đẹp mắt vì mang nhiều màu sắc, vừa giống trò chơi vừa giống như quà chất đầy trong ngày lễ. Thỉnh thoảng bà xin người bố cho phép bà chở chú bé con đi cùng để giúp bà chọn một món quà, bởi món quà đó dành tặng chú. Nghe con kể rồi chợt hiểu, vì đâu cả bố và con chưa bao giờ nói về bà. Có sự khắn khít không rời từ người đàn bà bản xứ, với đàn chim và đứa con trai. Nói lời cảm ơn không bao giờ đủ. Bà tình nguyện lo cho lũ chim đã đủ nhiều, xin đừng mua quà cho Dan hoài như vậy. Có gì đâu! Đàn chim này với lũ chim xưa tôi nuôi không khác gì nhau. Còn Dan, người bạn nhỏ cùng có tình thương dành cho chim và sự đồng cảm làm cho tôi ấm áp trong chuỗi ngày con cháu đi xa. Niềm vui tôi đem đến cho Dan không bằng nỗi hạnh phúc mà Dan đem đến cho tôi. Đứng nép bên cạnh mẹ, đứa bé trai ngước mắt nhìn lên. Bây giờ mẹ hiểu, phải không? Harriete không giàu nhưng thích tặng quà cho chim với cho con. Mà không phải chỉ ở đây thôi. Những ngày nghỉ bà còn tình nguyện làm việc ở bệnh viện thú y vì đó là niềm vui.

Người mê mãi với nỗi vui trong thoáng chốc, một ngày rồi cũng nhận ra. Chiếc lồng lớn đã chuyền sang tay người khác cùng với lũ chim còn lại vài con. Một chiều cuối tuần chú nhỏ thủ thỉ với mẹ rằng. Harriette đến từ giả để dọn về thành phố khác. Bà đi chuyến bay buổi chiều nay. Người con muốn mẹ về gần đã phải sang đón những chú mèo về nơi ở mới của bà. Hỏi con trai có buồn không, người mẹ nghe câu trả lời thoáng chút ngỡ ngàng. Chim đã mất. Harriette đã thật xa. Bây giờ thì con hiểu. Vì sao mẹ không muốn có nhiều hơn những gì đã có để gần, để thương và để buồn hơn khi mình không còn nó cạnh bên...


quỳnh my

Comments

Popular posts from this blog

anh có biết

Bước vào cửa đạo

nhà xưa