Về đâu, cuối hoàng hôn?
Ngày gió...
Trời bỗng dưng nổi gió. Gió từ đâu cuồn cuộn thổi về nghe mơ hồ có tiếng hú gào cuồng nộ không ngừng. Chiếc xe chao nghiêng trên mặt đường khô khốc. Không nhìn thấy tia nắng nào dọi xuống những hàng cây đang oằn mình trong từng cơn gió lốc cuốn xoay. Đường ra nghĩa trang sáng nay có nhiều chiếc lá chưa vàng lả tả lìa cành.
Xe vừa ngừng, mẹ quấn nhanh chiếc khăn choàng qua vòng cổ gầy gò, xách túi giấy đựng nhang đèn và trái cây bước vội ra ngoài, rồi như cố sức đi nhanh hơn khả năng có thể, kèm lời dặn con đem hoa mới vào cắm lại hai bình hoa ở mộ ba. Một năm đôi ba lần, hai mẹ con làm mới lại mấy bình hoa, bởi mưa nắng làm phai nhanh màu hoa giả. Có khi em gái vào thấy hoa đã bạc màu, chạy vội về mua hoa mới vào thay. Mẹ ra nghĩa trang nhận ra điểm lạ, khi giây phút ấm lòng cảm động qua rồi cũng là khi mẹ muốn nhiều hơn. Thêm vào hoặc bớt ra một vài màu theo ý mẹ. Cho nên cách hay nhất vẫn là chở mẹ cùng đi, và cũng duy nhất một người cắm hoa ở mộ mà thôi. Mẹ sắp trái cây ra đĩa, xong lấy ra chiếc bật lửa mang theo. Khi đốm lửa nhỏ lung linh ẩn hiện, bàn tay mẹ run run mồi bó nhang đen. Làn khói mỏng toả bay trong gió, quyện hương thơm dìu dịu thoảng qua. Mẹ rời chỗ đứng bước ra cắm ba cây nhang đầu tiên vào lư hương trước tượng ngài Địa Tạng. Tiếp theo là những ngôi mộ chung quanh của người quen lẫn không quen. Nàng cắm cúi nâng niu sửa lại từng cành dài, ngắn cho đến khi hai bình hoa tươm tất, ngước nhìn lên hỏi mẹ có đẹp không? Mẹ gật đầu rồi lâm râm khấn nguyện trước mộ cha, trong khi nàng quỳ trên vùng cỏ úa chắp tay lạy xuống. Bằng một cử chỉ đầy nâng niu trìu mến, mẹ chậm rãi cắm xuống ba cây nhang còn lại, xong rời chổ đứng với tay xách chiếc xô nhựa thường mang theo hứng nước tưới cỏ hoa. Những chùm hoa vạn thọ đã tàn, đứa em gái trồng xuống nhiều bụi hoa mười giờ màu tím. Qua hết tháng 11, có nhiều ngày nắng không đủ ấm, những bông hoa nhỏ mới hôm nào nở rộ, xếp chồng lên nhau trên vuông đất hẹp, giờ ũ rũ thu mình lại như chìm vào màu cỏ úa chung quanh. Mẹ dõi mắt nhìn quanh từng ngôi mộ, nói như lời an ủi vỗ về. Mùa này ở đây chỉ còn lại những bông hoa giả đang xô dạt, lắt lay cùng với gió mà thôi. Những sợi tóc bạc của mẹ ánh lên trong nắng sớm, trong nỗi hiu quạnh mênh mông của ngày thứ hai đầu tuần ở nghĩa trang. Không biết tự bao giờ, nàng không còn ý niệm lạ quen, xa cách hay gần gủi, vui hay buồn giữa nỗi mất, còn. Đoạn đường ai rồi cũng sẽ đi qua, và sẽ qua đi. Phía sau tấm bia đá màu xám nhạt, có tên nàng ở khoảng giữa 10 hàng tên khắc cạnh nhau. Nắng cùng mưa, ngày ấm ngày giá lạnh, người mất kẻ còn cùng nhau dầu dãi phong sương.
Ngày cha lìa đời chưa được bao lâu, trong khi chờ kết quả thử nghiệm từ bệnh viện, mẹ và các em nàng buồn bã lo âu, bởi sợ nàng là người nối bước theo cha. Nàng cười với mẹ, thấy bình thản lạ kỳ. Có lẽ nào con sắp được rong chơi miền lạ. Chỉ tiếc là con không nắm trong tay chiếc vé cho chuyến tàu cuối cùng này. Nếu biết trước, con đã xin ba nhích sang chút xíu, cho con nằm cạnh ba mẹ ở chỗ này. Như vậy sẽ tiện lợi cho những lần ra viếng mộ, trong khi chỉ khắc thêm vài hàng chữ nữa mà thôi. Nàng nói thế vì phải mua ba lô đất, mới được phép dựng tấm bia nơi phần mộ của mình. Có chút thênh thang ở nơi yên nghỉ của mẹ cha. Rộng, hẹp rồi cũng hòa cùng cát bụi nhạt nhòa. Không còn gì nữa ngoài những chữ khắc trên mộ chí. Đứa em kế nói em không cần ra nghỉ ở đây, để con gái thêm băn khoăn, ray rứt khi không vào thăm viếng. Nắm tro tàn đem gởi trong chùa, hay rãi ngoài biển rộng cho tan mất dấu, phần em. Không biết tự bao giờ, chuyện sinh tử, mất còn bỗng thật bình thường với chị em nàng. Giống như chuyến đi gần không vướng bận hành trang. Như thở, như ăn, như ngủ. Có chăng là người ở lại buồn. Nghĩ lại, không biết buồn vì thương người xa khuất, hay thương mình mất mát thật nhiều. Nàng hiểu nhờ đâu đứa em nhìn thấy rõ, những vướng mắc tội tình còn lại phía sau. Hơn bốn năm qua mẹ nhiều lần áo não thở dài, kèm theo lời trách nhẹ những đứa con ơ hờ lúc nhớ, khi quên đường trở lại nghĩa trang. Với mẹ cỏ úa, hoa tàn nơi chốn đó cũng làm lòng xa xót hoài hoài. Bàn thờ lạnh khói nhang những lần bệnh nằm vùi là nỗi buồn phiền. Thư cho sư huynh nàng kèm thêm lời nhắn gởi. Hôm nào gọi về thăm, sư huynh khéo léo nhắc mẹ dùm. Đã biết ơ hờ là bệnh chung của lũ con trai, mẹ như còn vướng mắc rồi mai này làm sao thanh thản được.
Ngày cha an nghỉ chốn này, vợ chồng đứa em gái trồng xuống hai cây palm nhỏ hai bên mộ. Nắng nhiều, mưa ít, những lần vào thăm tưới tẫm cho cây cũng vắng thưa. Cây lớn chậm trong khi mẹ dường như không nghĩ mình còn đủ thời gian để kịp nhìn cây lớn. Rồi có lẽ những chiếc lá cứng quanh năm chỉ một màu xanh, không làm lòng mẹ ấm bằng khi ngắm những chùm hoa màu tím hồng rực rỡ, kéo dài từ đầu mùa hạ đến cuối mùa thu ở phần mộ cạnh bên. Chỗ của hai cây palm tội nghiệp, được thay bằng hai cây trúc đào vừa độ trỗ hoa. Đứa em trai vào viếng mộ, nói trúc đào không thích hợp để trồng ở đó. Mẹ cũng nhận ra vuông đất hẹp, và hoa mẹ muốn trồng không phải trúc đào mà là loài hoa có gốc là những nhánh đan vào nhau khẳng khiu, mạnh mẽ nhưng không choán chỗ. Hai cây trúc đào đời ngắn ngủi. Mẹ hài lòng nói đây là lần thay đổi sau cùng. Nàng không giấu nỗi ngậm ngùi, bởi những lần mẹ muốn đổi thay, mấy đứa em đã vô tình đào lên vất bỏ cho cây chết khô đang lúc lá còn xanh, cành còn tươi thắm những bông hoa đang khoe sắc.
Nàng hiểu hơn ai hết tình thương dành cho người đã khuất, bây giờ là bàn thờ ấm áp khói nhang cạnh bên bàn thờ Phật và mảnh đất lạnh lẽo đìu hiu ở nghĩa trang. Mẹ bước thấp, bước cao muốn tự tay tưới nước, trồng hoa trên khoảnh đất nhỏ nhoi, hệt như chăm sóc cho tổ ấm mai sau vậy. Mẹ nhiều khi quên tuổi của mình. Bước chân như muốn chạy mỗi lúc tìm thăm. Sự trìu mến, nâng niu chừng còn sôi nỗi hơn người đàn ông ở lại, hay đem chiếc ghế xếp ra ngồi dưới tàng cây sồi bên mộ vợ trong những buổi chiều tà. Những ngón tay khẳng khiu xanh mướt của mẹ run run, nhổ từng chùm cỏ dại và xới đất nén cho thêm chặt hai cội hoa trồng ở hai bên. Có những lần ra viếng mộ, nhìn đất còn ướt đẫm trong ngày nắng, mẹ mỉm cười khi biết người thân của ngôi mộ cạnh bên chắc mới vào thăm. Không ai dặn dò ai, nhưng khi tưới cỏ hoa vuông đất bên này, người viếng thăm tưới luôn phần đất bên kia. Đôi khi chợt nhìn thấy bất ngờ, trước mộ cha là một chậu hoa cúc vàng tươi. Nàng đưa mắt nhìn sang, nơi mộ mẹ Kimmie cũng có một chậu hoa cúc màu tím nhạt. Người ở lại không còn cơ hội gặp nhau thường, nhưng vẫn gần gủi lắm qua những ân tình dành cho người đã khuất. Lòng chợt ấm, chợt băn khoăn quá. Kimmie bây giờ không biết ra sao? Khuôn mặt có nụ cười đi kèm đôi mắt ướt buồn. Giọng cười trong trẻo ngân dài chuỗi lạnh, như cuộc sống cô đơn, khép chặt tự bao năm. Mỗi lần thắp nhang trước mộ mẹ Kimmie, nàng đều thầm gởi những lời cầu nguyện cho người đã khuất và cả cho người đang truân chuyên, chìm nỗi...
Ngày nắng...
Nàng với cầm điện thoại sau tiếng reo đầu, trả lời bằng giọng reo vui. Con thức dậy rồi khi nghe mẹ hỏi, để mẹ khỏi băn khoăn những lần gọi sớm, ngại vô tình cắt ngang giấc ngủ của con. Hôm nay mẹ muốn đi đâu? Mẹ muốn vô chùa lễ Phật rồi về. Lưng đau, chân yếu mẹ ngày càng không ngồi lâu được. Những ngày tháng sau này anh em nàng không ai dặn dò ai, tất cả đều cố gắng để không từ chối bất cứ lời yêu cầu nào từ mẹ. Sống cho những gì đang hiện hữu trong phút giây trước mặt, vẫn là cơ hội cho mình làm được nhiều điều, trước khi tất cả trở thành quá khứ không làm sao sửa đổi, hay hẹn lần để rồi không thể chạm vào một ngày mai còn ở đâu đâu. Những tháng năm chị em nàng bận rộn với con thơ, chỉ còn đứa em gái nhỏ thong dong, rỗi rãnh. Em giao hẹn trước, chở ba mẹ đi chùa một tháng hai lần. Giờ đây khi những đứa trẻ ngày xưa không còn cần mẹ chúng luôn hiện diện cạnh bên, thì sức khoẻ mẹ ngày càng hao hụt. Mới ngày nào mẹ dìu cha bước chậm ở sân chùa, giờ nàng dìu mẹ đi trên lối mòn quen thuộc cũ. Những ngày đứa em rãnh rỗi đi chung, ba mẹ con vào lễ Phật, xong ra phiá sau thắp nhang lạy thăm cha. Tấm ảnh nhỏ xíu nằm trong khung hình lớn giữa nhiều người quá vãng, ánh mắt mẹ lần nào cũng chậm chạp dò tìm trong lúc chắp hai tay khấn nguyện. Nàng nhắc mẹ. Ba ở hàng số 33, khoảng giữa khung hình. Thỉnh thoảng sau buổi lễ, chị em nàng bắt gặp ông cụ già yếu ớt, đứng tìm giày ở trước thềm, hệt như hình ảnh của cha này trước. Đứa em gái nhanh nhẹn cúi nhặt đôi giày, rồi ngồi hẳn xuống giúp ông cụ xỏ từng bàn chân yếu vô giày xong cột dây cẩn thận. Nàng nhớ cha nao lòng khi đứng lặng nhìn. Chị em nàng đã nhìn thấy cha mình, qua bóng dáng những người cha già yếu. Hình ảnh gần gủi đó rồi cũng mất, bởi một hôm vào chùa nàng bắt gặp vành tang trắng buộc ngang trên đầu người con gái của ông. Cùng tụng với nhau hồi kinh siêu độ, nàng không buồn bởi dù sao ông vẫn hạnh phúc nhiều, khi được sống bên cạnh sự bảo bọc, chăm lo của người thân cho đến lúc ra đi.
Thỉnh thoảng sau buổi lễ, dìu mẹ tới ngồi trên băng đá dưới tàng cây ở vuông sân có hồ nước nhỏ sau chùa, hai chị em nàng rão bước đứng vào hàng chờ lấy phần ăn. Nắng vừa đủ ấm cho mẹ cùng con xúm xít cạnh nhau chung bữa cơm chay. Mẹ nấu ăn ngon, xem đó là niềm hạnh phúc khi tự tay nấu những món mặn và chay cho lũ con trai gái lúc ghé thăm, dù hai bàn tay mỏi và đôi chân nhức nhối, không thể nào đứng được lâu. Vậy mà những lúc vào chùa, mẹ luôn luôn ghé quán chay mua về nhiều món, chia đều cho chị em nàng, như một cách tỏ lòng cảm niệm những tấm lòng của rất nhiều người. Dường như nhiều hơn cả giàn nhân viên hùng hậu của một nhà hàng thật lớn. Nàng không đếm hết có bao nhiêu người phật tử đến làm công quả cuối tuần, để phục vụ bữa cơm chay cho phật tử ở chùa và khách thập phương, bên cạnh công việc chính là bán thức ăn gây quỹ để giữ cho ngôi chùa tồn tại.
ngày lạnh...
Cơn mưa nhỏ tìm về trong nỗi lạnh, người anh chợt ghé thăm mời mẹ cùng đàn em gái đi ăn sáng. Dù chỉ cần ly cà phê nóng, nhưng chị em nàng hăm hở đi liền, bởi hiểu niềm vui của mẹ là những khoảnh khắc mà thời niên thiếu mẹ con nàng thiếu vắng. Riêng nàng, tưởng như chưa từng bước chân ra khỏi mái nhà xưa, mỗi khi gặp gỡ, líu lo cùng với những người anh rất đổi hiền, lúc nào cũng lo lắng ân cần cho mẹ và em. Nhìn mái tóc thưa dần và ánh bạc từng phần của anh mình, nàng vẫn không nhận ra điều gì khác biệt mỗi lúc anh em nàng ở cạnh nhau. Các anh vẫn gọi tên em gái, vẫn thỉnh thoảng thân thiết mắng yêu "con nhỏ này" khi bị phá phách, trêu đùa. Dường như chính mẹ cũng chẳng nhớ ra anh nàng sắp già hay đã già rồi, nên mới đòi chị dâu nàng chở mẹ đi tìm gặp người bạn vong niên, bởi từ khi gặp ông này, anh uống bia trở lại sau mấy mươi năm quên lãng. Sau bữa ăn dành cho những người không quen với điểm tâm bằng tô phở mới nhìn vô đã thấy no, anh hẹn sẽ trở lại buổi chiều để chở mẹ và mấy chị em vào bệnh viện thăm người nhạc phụ. Ngại đường xa, mấy đứa em gái nói anh không cần đón. Chỉ đường cho tụi em đi. Anh lắc đầu. Đang sửa đường nên hơi rắc rối, loanh quanh. Anh muốn đón đưa là vì vậy.
Ngồi chung xe với anh là một niềm vui. Đứa em gái bỗng cất tiếng cười giòn, nhắc lại thuở nào. Em đang nhớ chiếc xe đầy ắp người anh chở ngày mới tới. Em, con nhỏ gầy còm xanh mướt, thảm não chán đời vì như say sóng trong những lúc ngồi xe. Anh đã lắc đầu hỏi lại rằng. Bộ em tính qua đây chạy xe đạp như bên Saigon chắc? Cũng mấy mươi năm rồi, mới được anh chở đi chung giống hôm nay.
Mẹ xa xót nhìn người thông gia nằm bất động, thân xác gầy gò tựa bộ xương khô, được đắp bằng chiếc mền trắng mỏng. Đôi mắt ấy ánh lên tia nhìn buồn bã, khi nghe anh nàng chào, nói có mẹ và các em con đến thăm ba. Hai đứa em và nàng chậm rãi, tự nhiên tới sát bên giường khẽ giở chiếc mền ra, đứa xiết nhẹ bàn tay gầy guộc, đứa bóp bờ vai, đứa đặt tay lên vùng ngực chằn chịt những ống dây. Hạnh Nguyện rưng rưng xúc động, hỏi bác có còn nghe, hiểu gì không? Nếu có, xin bác co những ngón để chạm vào bàn tay của con đây. Em nàng mừng rỡ rơi nước mắt, nói với mọi người bác còn nghe, còn hiểu được mà. Cùng lúc nàng nhìn thấy đôi mắt chớp, lặng lẽ nhìn nàng, nhìn sang bên mấy đứa em. Chợt những giọt nước mắt già nua chảy xuống không ngừng. Nàng vừa đưa tay quệt nước mắt mình vừa vói lấy hộp khăn giấy để lau đôi mắt ấy. Như bỗng nhớ ra điều gì đó, nàng hỏi nhỏ. Xưa, bác có từng niệm Phật hay không? Đôi mắt chớp thay câu trả lời xác nhận. Nàng dặn dò bây giờ không niệm được bằng lời bác niệm trong đầu. Cơn đau nào rồi cũng sẽ qua đi. Chúng con nguyện cầu cho bác luôn giữ được lòng thanh thản. Nhìn bịt thức ăn dinh duỡng chuyền qua ống nhựa, bịt nước biển treo cao cùng những bịt đựng chất thải bên giường, nàng chợt ngậm ngùi trong ý nghĩ, người ta làm tất cả để duy trì sự sống, hay chính là để kéo dài nỗi đau triền miên, tàn khốc ở bên trong?
Chiều chưa hết màn đêm đã xuống. Nàng lấy tờ khăn giấy lau khô đôi mắt ấy, trước khi mấy mẹ con nói lời từ giả ra về, để lại ánh mắt nhìn theo buồn bã phía sau. Hành lang bệnh viện như dài hơn, chợt lạnh nhiều hơn. Phía trước mặt người y công đang đẩy chiếc giường phũ tấm ra màu trắng trên thân người bất động. Có một người vừa chấm dứt nỗi đau dài. Mẹ rời bệnh viện với nỗi băn khoăn tội nghiệp cho người bạn già cùng một toa tàu. Sân ga đã thấp thoáng ngoài xa, chỉ còn đoạn ngắn mà đường sắt như trật nhịp để con tàu chông chênh, nghiêng ngã. Mẹ nói nhỏ, một đời ngang dọc giờ bất lực nằm yên chịu đựng những cơn đau. Không còn cơ hội để làm gì nữa dù rằng còn đang sống, để phần nào bù đắp lại. Rồi sẽ về đâu khi cả thân tâm cùng tan nát, tả tơi? Nàng và đứa em xiết nhẹ bàn tay mẹ. Không hẹn cả hai đứa con gái cùng nhẹ tựa đầu lên bờ vai ấm áp, lòng thanh thản lạ kỳ bởi bên tai, câu lục tự Di Đà mẹ niệm vẳng đưa. Hoàng hôn tắt ngấm khi chưa kịp biết. Đường về xa, bóng tối phũ đầy. Có vài vì sao lấp lánh trên cao. Nàng tin rằng đường về của mẹ rồi sẽ là những nẻo êm đềm, bởi mẹ đã chọn trước cho mình con đường trải dài bằng những câu lục tự không ngừng kể từ khi đời chớm hoàng hôn.
quỳnh my
Trời bỗng dưng nổi gió. Gió từ đâu cuồn cuộn thổi về nghe mơ hồ có tiếng hú gào cuồng nộ không ngừng. Chiếc xe chao nghiêng trên mặt đường khô khốc. Không nhìn thấy tia nắng nào dọi xuống những hàng cây đang oằn mình trong từng cơn gió lốc cuốn xoay. Đường ra nghĩa trang sáng nay có nhiều chiếc lá chưa vàng lả tả lìa cành.
Xe vừa ngừng, mẹ quấn nhanh chiếc khăn choàng qua vòng cổ gầy gò, xách túi giấy đựng nhang đèn và trái cây bước vội ra ngoài, rồi như cố sức đi nhanh hơn khả năng có thể, kèm lời dặn con đem hoa mới vào cắm lại hai bình hoa ở mộ ba. Một năm đôi ba lần, hai mẹ con làm mới lại mấy bình hoa, bởi mưa nắng làm phai nhanh màu hoa giả. Có khi em gái vào thấy hoa đã bạc màu, chạy vội về mua hoa mới vào thay. Mẹ ra nghĩa trang nhận ra điểm lạ, khi giây phút ấm lòng cảm động qua rồi cũng là khi mẹ muốn nhiều hơn. Thêm vào hoặc bớt ra một vài màu theo ý mẹ. Cho nên cách hay nhất vẫn là chở mẹ cùng đi, và cũng duy nhất một người cắm hoa ở mộ mà thôi. Mẹ sắp trái cây ra đĩa, xong lấy ra chiếc bật lửa mang theo. Khi đốm lửa nhỏ lung linh ẩn hiện, bàn tay mẹ run run mồi bó nhang đen. Làn khói mỏng toả bay trong gió, quyện hương thơm dìu dịu thoảng qua. Mẹ rời chỗ đứng bước ra cắm ba cây nhang đầu tiên vào lư hương trước tượng ngài Địa Tạng. Tiếp theo là những ngôi mộ chung quanh của người quen lẫn không quen. Nàng cắm cúi nâng niu sửa lại từng cành dài, ngắn cho đến khi hai bình hoa tươm tất, ngước nhìn lên hỏi mẹ có đẹp không? Mẹ gật đầu rồi lâm râm khấn nguyện trước mộ cha, trong khi nàng quỳ trên vùng cỏ úa chắp tay lạy xuống. Bằng một cử chỉ đầy nâng niu trìu mến, mẹ chậm rãi cắm xuống ba cây nhang còn lại, xong rời chổ đứng với tay xách chiếc xô nhựa thường mang theo hứng nước tưới cỏ hoa. Những chùm hoa vạn thọ đã tàn, đứa em gái trồng xuống nhiều bụi hoa mười giờ màu tím. Qua hết tháng 11, có nhiều ngày nắng không đủ ấm, những bông hoa nhỏ mới hôm nào nở rộ, xếp chồng lên nhau trên vuông đất hẹp, giờ ũ rũ thu mình lại như chìm vào màu cỏ úa chung quanh. Mẹ dõi mắt nhìn quanh từng ngôi mộ, nói như lời an ủi vỗ về. Mùa này ở đây chỉ còn lại những bông hoa giả đang xô dạt, lắt lay cùng với gió mà thôi. Những sợi tóc bạc của mẹ ánh lên trong nắng sớm, trong nỗi hiu quạnh mênh mông của ngày thứ hai đầu tuần ở nghĩa trang. Không biết tự bao giờ, nàng không còn ý niệm lạ quen, xa cách hay gần gủi, vui hay buồn giữa nỗi mất, còn. Đoạn đường ai rồi cũng sẽ đi qua, và sẽ qua đi. Phía sau tấm bia đá màu xám nhạt, có tên nàng ở khoảng giữa 10 hàng tên khắc cạnh nhau. Nắng cùng mưa, ngày ấm ngày giá lạnh, người mất kẻ còn cùng nhau dầu dãi phong sương.
Ngày cha lìa đời chưa được bao lâu, trong khi chờ kết quả thử nghiệm từ bệnh viện, mẹ và các em nàng buồn bã lo âu, bởi sợ nàng là người nối bước theo cha. Nàng cười với mẹ, thấy bình thản lạ kỳ. Có lẽ nào con sắp được rong chơi miền lạ. Chỉ tiếc là con không nắm trong tay chiếc vé cho chuyến tàu cuối cùng này. Nếu biết trước, con đã xin ba nhích sang chút xíu, cho con nằm cạnh ba mẹ ở chỗ này. Như vậy sẽ tiện lợi cho những lần ra viếng mộ, trong khi chỉ khắc thêm vài hàng chữ nữa mà thôi. Nàng nói thế vì phải mua ba lô đất, mới được phép dựng tấm bia nơi phần mộ của mình. Có chút thênh thang ở nơi yên nghỉ của mẹ cha. Rộng, hẹp rồi cũng hòa cùng cát bụi nhạt nhòa. Không còn gì nữa ngoài những chữ khắc trên mộ chí. Đứa em kế nói em không cần ra nghỉ ở đây, để con gái thêm băn khoăn, ray rứt khi không vào thăm viếng. Nắm tro tàn đem gởi trong chùa, hay rãi ngoài biển rộng cho tan mất dấu, phần em. Không biết tự bao giờ, chuyện sinh tử, mất còn bỗng thật bình thường với chị em nàng. Giống như chuyến đi gần không vướng bận hành trang. Như thở, như ăn, như ngủ. Có chăng là người ở lại buồn. Nghĩ lại, không biết buồn vì thương người xa khuất, hay thương mình mất mát thật nhiều. Nàng hiểu nhờ đâu đứa em nhìn thấy rõ, những vướng mắc tội tình còn lại phía sau. Hơn bốn năm qua mẹ nhiều lần áo não thở dài, kèm theo lời trách nhẹ những đứa con ơ hờ lúc nhớ, khi quên đường trở lại nghĩa trang. Với mẹ cỏ úa, hoa tàn nơi chốn đó cũng làm lòng xa xót hoài hoài. Bàn thờ lạnh khói nhang những lần bệnh nằm vùi là nỗi buồn phiền. Thư cho sư huynh nàng kèm thêm lời nhắn gởi. Hôm nào gọi về thăm, sư huynh khéo léo nhắc mẹ dùm. Đã biết ơ hờ là bệnh chung của lũ con trai, mẹ như còn vướng mắc rồi mai này làm sao thanh thản được.
Ngày cha an nghỉ chốn này, vợ chồng đứa em gái trồng xuống hai cây palm nhỏ hai bên mộ. Nắng nhiều, mưa ít, những lần vào thăm tưới tẫm cho cây cũng vắng thưa. Cây lớn chậm trong khi mẹ dường như không nghĩ mình còn đủ thời gian để kịp nhìn cây lớn. Rồi có lẽ những chiếc lá cứng quanh năm chỉ một màu xanh, không làm lòng mẹ ấm bằng khi ngắm những chùm hoa màu tím hồng rực rỡ, kéo dài từ đầu mùa hạ đến cuối mùa thu ở phần mộ cạnh bên. Chỗ của hai cây palm tội nghiệp, được thay bằng hai cây trúc đào vừa độ trỗ hoa. Đứa em trai vào viếng mộ, nói trúc đào không thích hợp để trồng ở đó. Mẹ cũng nhận ra vuông đất hẹp, và hoa mẹ muốn trồng không phải trúc đào mà là loài hoa có gốc là những nhánh đan vào nhau khẳng khiu, mạnh mẽ nhưng không choán chỗ. Hai cây trúc đào đời ngắn ngủi. Mẹ hài lòng nói đây là lần thay đổi sau cùng. Nàng không giấu nỗi ngậm ngùi, bởi những lần mẹ muốn đổi thay, mấy đứa em đã vô tình đào lên vất bỏ cho cây chết khô đang lúc lá còn xanh, cành còn tươi thắm những bông hoa đang khoe sắc.
Nàng hiểu hơn ai hết tình thương dành cho người đã khuất, bây giờ là bàn thờ ấm áp khói nhang cạnh bên bàn thờ Phật và mảnh đất lạnh lẽo đìu hiu ở nghĩa trang. Mẹ bước thấp, bước cao muốn tự tay tưới nước, trồng hoa trên khoảnh đất nhỏ nhoi, hệt như chăm sóc cho tổ ấm mai sau vậy. Mẹ nhiều khi quên tuổi của mình. Bước chân như muốn chạy mỗi lúc tìm thăm. Sự trìu mến, nâng niu chừng còn sôi nỗi hơn người đàn ông ở lại, hay đem chiếc ghế xếp ra ngồi dưới tàng cây sồi bên mộ vợ trong những buổi chiều tà. Những ngón tay khẳng khiu xanh mướt của mẹ run run, nhổ từng chùm cỏ dại và xới đất nén cho thêm chặt hai cội hoa trồng ở hai bên. Có những lần ra viếng mộ, nhìn đất còn ướt đẫm trong ngày nắng, mẹ mỉm cười khi biết người thân của ngôi mộ cạnh bên chắc mới vào thăm. Không ai dặn dò ai, nhưng khi tưới cỏ hoa vuông đất bên này, người viếng thăm tưới luôn phần đất bên kia. Đôi khi chợt nhìn thấy bất ngờ, trước mộ cha là một chậu hoa cúc vàng tươi. Nàng đưa mắt nhìn sang, nơi mộ mẹ Kimmie cũng có một chậu hoa cúc màu tím nhạt. Người ở lại không còn cơ hội gặp nhau thường, nhưng vẫn gần gủi lắm qua những ân tình dành cho người đã khuất. Lòng chợt ấm, chợt băn khoăn quá. Kimmie bây giờ không biết ra sao? Khuôn mặt có nụ cười đi kèm đôi mắt ướt buồn. Giọng cười trong trẻo ngân dài chuỗi lạnh, như cuộc sống cô đơn, khép chặt tự bao năm. Mỗi lần thắp nhang trước mộ mẹ Kimmie, nàng đều thầm gởi những lời cầu nguyện cho người đã khuất và cả cho người đang truân chuyên, chìm nỗi...
Ngày nắng...
Nàng với cầm điện thoại sau tiếng reo đầu, trả lời bằng giọng reo vui. Con thức dậy rồi khi nghe mẹ hỏi, để mẹ khỏi băn khoăn những lần gọi sớm, ngại vô tình cắt ngang giấc ngủ của con. Hôm nay mẹ muốn đi đâu? Mẹ muốn vô chùa lễ Phật rồi về. Lưng đau, chân yếu mẹ ngày càng không ngồi lâu được. Những ngày tháng sau này anh em nàng không ai dặn dò ai, tất cả đều cố gắng để không từ chối bất cứ lời yêu cầu nào từ mẹ. Sống cho những gì đang hiện hữu trong phút giây trước mặt, vẫn là cơ hội cho mình làm được nhiều điều, trước khi tất cả trở thành quá khứ không làm sao sửa đổi, hay hẹn lần để rồi không thể chạm vào một ngày mai còn ở đâu đâu. Những tháng năm chị em nàng bận rộn với con thơ, chỉ còn đứa em gái nhỏ thong dong, rỗi rãnh. Em giao hẹn trước, chở ba mẹ đi chùa một tháng hai lần. Giờ đây khi những đứa trẻ ngày xưa không còn cần mẹ chúng luôn hiện diện cạnh bên, thì sức khoẻ mẹ ngày càng hao hụt. Mới ngày nào mẹ dìu cha bước chậm ở sân chùa, giờ nàng dìu mẹ đi trên lối mòn quen thuộc cũ. Những ngày đứa em rãnh rỗi đi chung, ba mẹ con vào lễ Phật, xong ra phiá sau thắp nhang lạy thăm cha. Tấm ảnh nhỏ xíu nằm trong khung hình lớn giữa nhiều người quá vãng, ánh mắt mẹ lần nào cũng chậm chạp dò tìm trong lúc chắp hai tay khấn nguyện. Nàng nhắc mẹ. Ba ở hàng số 33, khoảng giữa khung hình. Thỉnh thoảng sau buổi lễ, chị em nàng bắt gặp ông cụ già yếu ớt, đứng tìm giày ở trước thềm, hệt như hình ảnh của cha này trước. Đứa em gái nhanh nhẹn cúi nhặt đôi giày, rồi ngồi hẳn xuống giúp ông cụ xỏ từng bàn chân yếu vô giày xong cột dây cẩn thận. Nàng nhớ cha nao lòng khi đứng lặng nhìn. Chị em nàng đã nhìn thấy cha mình, qua bóng dáng những người cha già yếu. Hình ảnh gần gủi đó rồi cũng mất, bởi một hôm vào chùa nàng bắt gặp vành tang trắng buộc ngang trên đầu người con gái của ông. Cùng tụng với nhau hồi kinh siêu độ, nàng không buồn bởi dù sao ông vẫn hạnh phúc nhiều, khi được sống bên cạnh sự bảo bọc, chăm lo của người thân cho đến lúc ra đi.
Thỉnh thoảng sau buổi lễ, dìu mẹ tới ngồi trên băng đá dưới tàng cây ở vuông sân có hồ nước nhỏ sau chùa, hai chị em nàng rão bước đứng vào hàng chờ lấy phần ăn. Nắng vừa đủ ấm cho mẹ cùng con xúm xít cạnh nhau chung bữa cơm chay. Mẹ nấu ăn ngon, xem đó là niềm hạnh phúc khi tự tay nấu những món mặn và chay cho lũ con trai gái lúc ghé thăm, dù hai bàn tay mỏi và đôi chân nhức nhối, không thể nào đứng được lâu. Vậy mà những lúc vào chùa, mẹ luôn luôn ghé quán chay mua về nhiều món, chia đều cho chị em nàng, như một cách tỏ lòng cảm niệm những tấm lòng của rất nhiều người. Dường như nhiều hơn cả giàn nhân viên hùng hậu của một nhà hàng thật lớn. Nàng không đếm hết có bao nhiêu người phật tử đến làm công quả cuối tuần, để phục vụ bữa cơm chay cho phật tử ở chùa và khách thập phương, bên cạnh công việc chính là bán thức ăn gây quỹ để giữ cho ngôi chùa tồn tại.
ngày lạnh...
Cơn mưa nhỏ tìm về trong nỗi lạnh, người anh chợt ghé thăm mời mẹ cùng đàn em gái đi ăn sáng. Dù chỉ cần ly cà phê nóng, nhưng chị em nàng hăm hở đi liền, bởi hiểu niềm vui của mẹ là những khoảnh khắc mà thời niên thiếu mẹ con nàng thiếu vắng. Riêng nàng, tưởng như chưa từng bước chân ra khỏi mái nhà xưa, mỗi khi gặp gỡ, líu lo cùng với những người anh rất đổi hiền, lúc nào cũng lo lắng ân cần cho mẹ và em. Nhìn mái tóc thưa dần và ánh bạc từng phần của anh mình, nàng vẫn không nhận ra điều gì khác biệt mỗi lúc anh em nàng ở cạnh nhau. Các anh vẫn gọi tên em gái, vẫn thỉnh thoảng thân thiết mắng yêu "con nhỏ này" khi bị phá phách, trêu đùa. Dường như chính mẹ cũng chẳng nhớ ra anh nàng sắp già hay đã già rồi, nên mới đòi chị dâu nàng chở mẹ đi tìm gặp người bạn vong niên, bởi từ khi gặp ông này, anh uống bia trở lại sau mấy mươi năm quên lãng. Sau bữa ăn dành cho những người không quen với điểm tâm bằng tô phở mới nhìn vô đã thấy no, anh hẹn sẽ trở lại buổi chiều để chở mẹ và mấy chị em vào bệnh viện thăm người nhạc phụ. Ngại đường xa, mấy đứa em gái nói anh không cần đón. Chỉ đường cho tụi em đi. Anh lắc đầu. Đang sửa đường nên hơi rắc rối, loanh quanh. Anh muốn đón đưa là vì vậy.
Ngồi chung xe với anh là một niềm vui. Đứa em gái bỗng cất tiếng cười giòn, nhắc lại thuở nào. Em đang nhớ chiếc xe đầy ắp người anh chở ngày mới tới. Em, con nhỏ gầy còm xanh mướt, thảm não chán đời vì như say sóng trong những lúc ngồi xe. Anh đã lắc đầu hỏi lại rằng. Bộ em tính qua đây chạy xe đạp như bên Saigon chắc? Cũng mấy mươi năm rồi, mới được anh chở đi chung giống hôm nay.
Mẹ xa xót nhìn người thông gia nằm bất động, thân xác gầy gò tựa bộ xương khô, được đắp bằng chiếc mền trắng mỏng. Đôi mắt ấy ánh lên tia nhìn buồn bã, khi nghe anh nàng chào, nói có mẹ và các em con đến thăm ba. Hai đứa em và nàng chậm rãi, tự nhiên tới sát bên giường khẽ giở chiếc mền ra, đứa xiết nhẹ bàn tay gầy guộc, đứa bóp bờ vai, đứa đặt tay lên vùng ngực chằn chịt những ống dây. Hạnh Nguyện rưng rưng xúc động, hỏi bác có còn nghe, hiểu gì không? Nếu có, xin bác co những ngón để chạm vào bàn tay của con đây. Em nàng mừng rỡ rơi nước mắt, nói với mọi người bác còn nghe, còn hiểu được mà. Cùng lúc nàng nhìn thấy đôi mắt chớp, lặng lẽ nhìn nàng, nhìn sang bên mấy đứa em. Chợt những giọt nước mắt già nua chảy xuống không ngừng. Nàng vừa đưa tay quệt nước mắt mình vừa vói lấy hộp khăn giấy để lau đôi mắt ấy. Như bỗng nhớ ra điều gì đó, nàng hỏi nhỏ. Xưa, bác có từng niệm Phật hay không? Đôi mắt chớp thay câu trả lời xác nhận. Nàng dặn dò bây giờ không niệm được bằng lời bác niệm trong đầu. Cơn đau nào rồi cũng sẽ qua đi. Chúng con nguyện cầu cho bác luôn giữ được lòng thanh thản. Nhìn bịt thức ăn dinh duỡng chuyền qua ống nhựa, bịt nước biển treo cao cùng những bịt đựng chất thải bên giường, nàng chợt ngậm ngùi trong ý nghĩ, người ta làm tất cả để duy trì sự sống, hay chính là để kéo dài nỗi đau triền miên, tàn khốc ở bên trong?
Chiều chưa hết màn đêm đã xuống. Nàng lấy tờ khăn giấy lau khô đôi mắt ấy, trước khi mấy mẹ con nói lời từ giả ra về, để lại ánh mắt nhìn theo buồn bã phía sau. Hành lang bệnh viện như dài hơn, chợt lạnh nhiều hơn. Phía trước mặt người y công đang đẩy chiếc giường phũ tấm ra màu trắng trên thân người bất động. Có một người vừa chấm dứt nỗi đau dài. Mẹ rời bệnh viện với nỗi băn khoăn tội nghiệp cho người bạn già cùng một toa tàu. Sân ga đã thấp thoáng ngoài xa, chỉ còn đoạn ngắn mà đường sắt như trật nhịp để con tàu chông chênh, nghiêng ngã. Mẹ nói nhỏ, một đời ngang dọc giờ bất lực nằm yên chịu đựng những cơn đau. Không còn cơ hội để làm gì nữa dù rằng còn đang sống, để phần nào bù đắp lại. Rồi sẽ về đâu khi cả thân tâm cùng tan nát, tả tơi? Nàng và đứa em xiết nhẹ bàn tay mẹ. Không hẹn cả hai đứa con gái cùng nhẹ tựa đầu lên bờ vai ấm áp, lòng thanh thản lạ kỳ bởi bên tai, câu lục tự Di Đà mẹ niệm vẳng đưa. Hoàng hôn tắt ngấm khi chưa kịp biết. Đường về xa, bóng tối phũ đầy. Có vài vì sao lấp lánh trên cao. Nàng tin rằng đường về của mẹ rồi sẽ là những nẻo êm đềm, bởi mẹ đã chọn trước cho mình con đường trải dài bằng những câu lục tự không ngừng kể từ khi đời chớm hoàng hôn.
quỳnh my
Comments