Mùa tựu trường
Lâu lắm mới có được những bước chân của hai mẹ con loanh quanh trước sân. Chú nhỏ không những bắt đầu lớp 8 mà đã vượt cao hơn mẹ. Thêm nhúm tóc phía trước vuốt thẳng với chút gel làm cao thêm. Khuôn mặt bụ bẫm giờ thon gọn làm hai mẹ con nhìn bớt giống nhau. Chú nhỏ lộ vẻ băn khoăn.
- Con thương mẹ mà lại không muốn giống mẹ đâu!
- Không muốn giống điểm nào?
- Điểm... thấp ... nhỏ, so với người cùng tuổi.
Người mẹ, đã quen với chuyện khen chê, cười.
-Con có biết chỉ cần trái tim rộng mở, thì nhỏ hay to, cao hay thấp đều không quan trọng ...
- Mẹ không phải là con! Rất nhiều người ưa hình dáng bên ngoài. Không phải ai cũng nghĩ như mẹ hết!
Những năm trước, tựu trường là thứ Năm. Lũ trẻ vào lớp gặp thầy gặp cô rồi làm quen với sinh hoạt của năm học mới. Hai ngày đầu niên học qua nhanh trong rộn ràng mà có cuối tuần nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho đoạn đường dài phía trước. Năm nay, không những mùa hạ qua mau mà còn thêm nhiều thay đổi. Ngày nhập học đổi thành thứ hai làm tuần bắt đầu qua thật dài. Rồi thêm đồng phục ba màu trắng đỏ xanh được đổi thành màu xanh da trời cho lớp 8. Mái tóc chú nhỏ bây giờ dựa theo sở thích. Đứa con trai lên 13 tuổi làm mẹ không còn tự ý cắt tóc cho con mà không cần phải hỏi.
Buổi vào trường ghi danh cho năm học mới, có hai đứa em con của dì đi theo. Cả ba đứa trẻ muốn thế, cho vui. Ba anh em đứng xếp hàng. Mimi cao, bên cạnh Vivian thấp với mái tóc vừa cắt ngắn ngang vai ôm khuôn mặt tròn dễ thương. Hai chị em cũng xin đi theo khi mua sắm quần áo đồng phục và giày. Buổi chiều trở nên thật đẹp. Đứa con trai nhanh nhẩu bên mẹ trong khi hai đứa em gái lăng xăng ôm quần áo, chọn giày đem đến cho thằng anh mang thử. Hình ảnh dễ thương rồi sẽ không còn nữa khi Mimi học làm thiếu nữ và chú nhỏ dù chỉ lớn hơn vài tháng đã mơ thành người lớn, như một lần chú chợt thú nhận.
Ngày đầu, như mọi năm, đương nhiên chuyến bus đón học trò tới trễ. Vài góc đường thấp thoáng dáng mẹ ra sân đứng cạnh con. Cuối tháng bình minh đến muộn mà cũng vừa vặn cho bóng tối tan đi lúc chuyến bus đầu tiên chạm chỗ ngừng. Thêm cơn mưa thỉnh thoảng ghé qua cho cỏ thêm tươi, thêm dịu dàng. Khi bắt đầu vào lớp 6 thằng anh nhất định không cho mẹ đứng cạnh bên, dẫu trong khoảnh tối mờ của ngày đến. Có lẽ vì xấu hổ, vì sợ mọi người thấy mình vẫn còn là cánh chim chưa rời mẹ. Ngược lại, đó là niềm hạnh phúc của đứa em. Chú nhỏ đôi khi choàng tay lên vai mẹ, nói ra cảm xúc trong lòng rất tự nhiên. Không nhìn quanh xem có ai đang theo dõi mình, chú thường hồn nhiên hôn mẹ trước khi chạy ra xe bus. Bỗng đâu có phần ngẩn ngơ nơi mẹ khi trước năm 13 tuổi thật lâu, mẹ chú không nghĩ tới chuyện ôm hôn bà ngoại nữa dù trong lòng đầy ắp tình thương. Có phải là tập quán đáng mến, đáng thương của Á đông. Chưa trọn tuổi thơ đã hay kềm giữ, làm mất đi nhiều những hồn nhiên khi mà tình cảm luôn giữ lại bên trong. Ngay cả lời biết ơn, lời tạ lỗi cũng không quen bày, tỏ.
Để quên nỗi đợi chờ chuyến bus chậm muộn, sau nhiều ngày tự do không gò bó bởi thời gian, chú nhỏ chuyển hướng nhìn qua phía khác:
-Mẹ ơi!
-Gì hở con?
-Mẹ có thấy con chó vừa đi ngang qua với chủ nó không? Mẹ xem nó dễ thương không?
-Ừ, nó dễ thương.
Đôi mắt chú nhỏ sáng lên trong câu tiếp theo.
-Vậy mẹ cho con nuôi con chó y như vậy khi con có nhà riêng, có được không?.
-Mẹ nghĩ, con đâu cần hỏi mẹ.
-Khi già mẹ ở với con. Con muốn mẹ thương nó như con thương nó vậy.
Người mẹ ấm lòng dù biết hiện tại và tương lai không ngoài chuỗi nhân duyên của tụ và tan. Một đôi lần nhắc lại vài câu nói lúc trẻ thơ, đứa con giờ đã lớn khẽ lắc đầu như nghe chuyện của người nào không liên hệ tới mình. Có thể rồi chuyện con nói hôm nay sẽ thành chuyện kể, ngày mai.
-Con có biết điều gì mẹ thương nhất ở con không?
-Con tưởng mẹ thì phải thương con. Đâu cần điều gì thêm vô nữa?
Không lạ gì tính của con, người mẹ dịu dàng nhìn vào đôi mắt mở to, chờ nghe câu nói tiếp theo.
-Mẹ biết chứ. Tình thương thật sự không kèm theo điều kiện. Đó là khi thương con nói là thương. Không chỉ thương người mà con còn thương loài vật quanh con.
-Chuyện đó bình thường. Sao mẹ lại quan tâm? A. Con nhớ ra rồi. Ở "xứ mẹ" nghèo nên người phải giết vật để ăn. Ăn chim, ăn chó, ăn rắn, ăn rùa, ... Con tội nghiệp cho tụi nó không ai bảo vệ. May mắn là mình đang ở đây, thú vật được chăm sóc.
Khi chiếc xe bus khuất dần ở góc đường, người mẹ cảm nhận mình cũng đang xa khuất trong lòng đứa trẻ đang dần thành người lớn, bởi chiếc xe của đứa anh cũng vừa rời khỏi sân nhà. Nghĩ đến con, cùng lúc nhận ra mùa hè năm nay có chút gì rộn rã, êm đềm, mỗi lần lái xe ngang qua ngôi nhà thờ nhỏ, có sân bóng rỗ phía sau. Đã qua một năm đại học, vẫn còn nhìn thấy lũ trẻ ngày nào cùng tụ lại chơi chung trên khoảnh sân xưa. Đôi lần người mẹ dừng xe, quay cửa kính xuống giả bộ như đón làn gió mát. Những đứa trẻ mới hôm nào nhỏ bé, ngây thơ giờ đã thành đám sinh viên ngó vững chãi, lạc quan nhưng vẫn không quên tìm về nơi chốn thường tụ lại cùng nhau lúc tuổi thơ.
Một lần, người mẹ thoáng ngạc nhiên khi đứa con trai lớn tới bên hỏi hệt như chú bé ngày xưa.
-Có bao giờ mẹ nghĩ chuyện dọn nhà không?
-Để làm gì?
-Để ở căn nhà khá hơn chẳng hạn, trong khu xóm khác. Riêng con, con thích ở đây. Chỉ cần mình cảm thấy vui là đủ. Những đứa bạn từ thời tiểu học, đến bây giờ vẫn chơi chung, kể luôn mấy đứa học xa. Tất cả tụi nó đều dành ưu tiên cho sự học. Mẹ thấy rồi phải không? Những đứa tới trường ráng học hay không rồi cũng...ra khỏi trường. Những đứa đi chơi sẽ lêu lỏng ăn chơi... tới nơi luôn, vì không dễ có cơ hội đi làm việc!
-Mẹ mừng con sắp trưởng thành.
-Đã trưởng thành. Không phải là "sắp" nữa mẹ!
Mới hôm nào, kể con nghe về câu chuyện những viên đá trong cuộc đời, người mẹ chưa kịp nói gì thêm là con đã bung ra câu nói khó nghe. Buồn!, nhưng con càng hời hợt thì mẹ càng tự nhắc mình thêm nhẫn nại bao dung để hiểu, để thương. Lời nhắc nhở, khi chất vào bình những viên đá lớn, là tượng trưng cho sự học, cho niềm tin, cùng hoài bảo cho định hướng tương lai. Trong đó còn thời gian dành cho những người thân yêu bên cuộc sống của mình. Chiếc bình đầy đá ngỡ đã đầy nhưng vẫn còn chỗ cho sỏi, cát, rồi nước thêm vào. Sỏi là sự hiểu biết.,cát là sự hơn thua, nước là buồn là giận. Những năm tháng của đời sẽ qua mau. Chiếc bình sẽ dung chứa được tất cả khi những viên đá lớn được bỏ vào trước hết. Bằng không, chỉ là nuối tiếc vì không còn chỗ nữa, rồi có bỏ vào là buồn là giận sẽ trào ra.
Câu nói ngắn "Mẹ đừng lo lắng về con", bây giờ thỉnh thoảng được nghe trong nỗi an tâm. Bước qua năm thứ hai của "vùng trời tự do" mở rộng, đứa anh lớn ngày nào dường như đã biết chọn những viên đá lớn bỏ vào bình. Giờ học tăng lên, giờ chơi giảm lại. Bạn bè giới hạn trong vòng tâm giao từ nhóm bạn tuổi thơ. Những chị và em gái cousin một thời nằm nôi, chơi đùa rồi lạ, xa dần... giờ khắn khít hơn khi biết quan tâm, dành thời giờ cho nhau để hiểu, để thân hơn dù chẳng gần nhau. Ngày nghỉ không hẳn là ngày vui chơi nữa. Lòng mẹ rộn vui khi thấy con đã biết tham gia những việc làm mang ý nghĩa của tình thưong
Đứa trẻ thoáng đăm chiêu, rồi chậm rãi hỏi bằng ngôn ngữ mẹ thường dùng.
-Mẹ biết là con có những viên đá lớn phải không?
Người mẹ cười.
-Con có, nhưng chưa đủ.
-Con bằng lòng theo chị em của Mimi học trường Việt ngữ HV. Như vậy đủ chưa?
-Hai chuyện khác nhau mà!
Đôi vai người mẹ cảm nhận có bàn tay mềm mại đang xiết nhẹ
-Học để hòan thành mơ ước. Còn học thêm để hiểu mẹ hơn. Năm nay con đi hai trường, vậy còn chưa đủ hay sao?
Rồi chú nhỏ nói cho mẹ nghe số điểm đầu tiên của vài môn học trong tuần lễ thứ hai. Tuy không cao nhưng sẽ không dừng lại như năm ngoái nữa. Học tiếng Việt chú không lo, vì luôn có mẹ cạnh bên. Chú choàng tay lên vai mẹ. Hai mẹ con bước nhẹ như sợ làm đau những cọng cỏ dưới bàn chân. Khu vườn sau bây giờ trông êm ả, tươi vui. Có thêm hoa và trái xua tan màu ảm đạm qua nhiều năm tháng. Cây quýt ngày trồng xuống, đứa con trai đầu lẩn quần không rời. Cũng chính đứa trẻ đã góp bàn tay nhỏ xíu cùng mẹ ươn những hột nhãn- là một trong rất ít trái cây mà chú bé biết ăn. Cây quýt qua nhiều năm không thấy cao nhiều, nhưng cho trái ngọt chín vàng khi mùa thu tới. Cây nhãn vượt xa qua khỏi mái hiên nhà, trái lưa thưa theo nỗi thờ ơ của đứa trẻ ngày xưa. Thằng bé dường như quên hẳn thứ trái cây ưa thích và nó đã một thời theo nhìn say sưa mẹ tưới nước, bón phân. Bây giờ nhãn chín, quýt mọng vàng, đứa em ra đời muộn thay anh thưởng thức. Người mẹ chẳng mấy ngạc nhiên về sự đổi thay của các con. Cũng như những câu đối thoại bây giờ, bắt đầu pha trộn giữa "bên đây", "bên đó" ít hơn.
-Có phải mẹ nói những viên đá lớn cũng tưọng trưng cho tình người, tình thương không phân biệt. Vì sao?
-Khi có được tình thương và hiểu biết, cảm thông con sẽ sống vui vẻ cùng an ổn với mọi người, mọi hoàn cảnh trong đời. Những người gần con cũng được an vui. Nếu để lòng vị kỷ, hơn thua, giận ghét chiếm ngự- như cho nước và cát vào đầy, thì không còn chỗ cho những gì tốt đẹp.
Những bước chân chậm lại rồi dừng. Người mẹ đưa tay vuốt nhẹ lên khuôn mặt còn đọng ngây thơ, hỏi.
-Con hiểu, phải không?
-Dạ! Con "lớn" hơn mẹ làm sao không hiểu được!
-Cao hơn, không phải lớn hơn.
-Mẹ không đi học nữa sao có nhiều thầy, nhiều bạn?
-Mẹ học mỗi ngày những điều tốt đẹp từ thầy, cô, bạn hữu, anh em. Những người giao tiếp quanh đời không kể xa gần.
Chú nhỏ ngưng câu hỏi. Năm học mới bắt đầu với xôn xao. Bỗng dưng thấy mình lớn hẳn, bớt lăng xăng nghịch ngợm có lẽ vì gần mẹ nhiều hơn hồi trước. Hai mẹ con tiếp tục sánh vai nhau. Vẫn còn nhiều câu hỏi để dành. Bây giờ chú chỉ muốn tận hưởng những gì đang có nơi đây, cùng mẹ.
quỳnh my
Comments
Cầu mong mọi người an lành và hạnh phúc.
Cám ơn bài viết nhẹ nhàng, chứa chan tình cảm thân thương của Quỳnh My.
Trời xanh Canada
2 giờ 30 sáng 12.9.2008