Dấu xưa


Sau hơn ba mươi phút chao lượn trên bầu trời mưa gió không ngừng, cuối cùng máy bay hạ cánh bình yên. Mấy trăm hành khách bày tỏ niềm vui bằng một loạt tiếng vỗ tay chúc mừng nguy hiểm đã qua. Vừa bước ra tới nơi dành cho khách ngồi đợi chuyến bay, không khỏi giật mình khi đứa con trai lên tiếng gọi cùng lúc bước tới hug mừng. Hỏi sao con được vào đây? Thằng bé cười tủm tỉm. Con đưa ID của Delta, hỏi xin nhân viên Southwest Airline vào đây đón bố mẹ vì cả hai không biết...nói tiếng Anh! Thật đỡ khổ cho hai kẻ sắp già, bên thằng con lém lỉnh và nhanh trí. Lần này không phải thuê xe, hai đứa thong dong bước theo con ra bãi đậu xe sau khi chờ lấy xong hành lý.
 
Rời phi trường Raleigh trong cơn mưa chiều nặng hạt. Cũng may bão đã xoay hướng khác, xoá tan nỗi lo giờ cuối chương trình thay đổi. Thêm đoạn đường dài hai tiếng lái xe về thành phố nhỏ Winston Salem, nơi có bản doanh của hiệu thuốc lá mà tôi biết từ thời những người lính Mỹ đến VN. Đứa con trai mở nhạc. Thằng bé rời trại mồ côi VN đến Mỹ khi còn bú, mà mê nhạc quê hương và những bài ca thời chiến do Thanh Tuyền, Thanh Thúy hát từ khi còn bé xíu. Thói quen gọi cho tôi nói chuyện mỗi lúc lái xe một mình dẫu đường ngắn hay dài, chiều nay thay thế bằng một CD nhạc VN có sẵn trong xe. Tôi biết con dành cho chúng tôi khoảnh không gian trầm lắng, trên đường lên phố núi về thăm bà mẹ nuôi của chàng ở nhà xưa. Mùa thu vừa bước khẽ tới đây. Giữa màu xanh bao phũ của ngàn thông ướt đẫm trong mưa, loáng thoáng chút màu lá vàng chớm đỏ của vài cây phong lạc loài dọc bìa rừng lúc giao mùa. Tôi yêu dốc đồi có rừng cây xanh mướt hai bên. Thấy nhớ Đà Lạt, cùng lúc nhận ra Đà Lạt bây giờ nhỏ bé, tù túng quá từ khi thiên nhiên bị tô điểm, đổi thay không còn nên thơ giống khi xưa.
 
Nhà xưa vẫn vậy, chỉ có dáng mẹ ngày càng đượm nét hao gầy. Bà dang tay ôm hug từng đứa con, đứa cháu ngay nơi cửa như đã đợi từ lâu lắm. Trong tôi, ngỡ đâu người mẹ đã khuất trở về ở nơi này, qua hình ảnh người mẹ da trắng, tóc vàng buổi chiều nay. Sao hai người quá đổi giống nhau. Những lần về thăm, mẹ tôi dù yếu mệt vẫn nấu những bữa ăn ngon để sẵn. Hơn 7 giờ, đêm xuống tự bao giờ. Ba, bốn món ăn cùng bánh kem chocolate, trái cây tráng miệng bày sẵn trong căn bếp còn hơi ấm. Trên bàn ăn dành cho khách, bày bốn phần dao, muỗng, nĩa, khăn ăn. Tôi và con trai rót nước trà chanh có chút đường mẹ pha sẵn trong bình lớn vào bốn chiếc ly. Chỗ tôi ngồi được con trai nhắc thì thầm. Đây là chỗ của Debbie ngày trước. Debbie là người con gái của bà đã mất. Con trai ngồi kế bên tôi ở phía trong. Bên kia bàn, bà mẹ già ngồi cạnh chàng- đứa con trai lơ ngơ xứ người, bà đã nhận vào nhà từ 41 năm về trước. Trước bữa ăn, đứa cháu nhìn bà nội nhắc. Mình cầu nguyện nghen bà nội. Ba người chúng tôi lặng yên cúi xuống lắng nghe rồi cùng nói Amen. Như mẹ tôi thuở trước, bà đã hỏi con trai, tôi thích và không thích những món ăn nào để cho bà chuẩn bị. Nó cười, cho biết bố nó và tôi rất giống nhau, dễ tính và giản dị trong ăn uống. Rau, cà, đậu trồng ở vườn nhà. Những món pie mặn, ngọt đều do bà làm lấy. Bữa ăn tươm tất làm tôi ái ngại. Năm 86 tuổi, bằng tuổi của bà bây giờ, mẹ tôi không còn sức để mà nấu nướng. Mời bà đi ăn bên ngoài cho đỡ nhọc nhằn không được chấp nhận từ đầu. Tôi với con trai ngỏ ý vào bếp nấu món ăn VN một bữa cho bà được nghỉ ngơi cũng bị chối từ. Chỉ còn biết dặn lòng hãy đón nhận niềm hạnh phúc ngọt ngào, cất giữ vào ngăn kỷ niệm bởi mai này không còn nữa.

Đầu mùa hè năm nay con báo tin vui. Tháng Bảy này bà nội sẽ cùng con sang Houston, cho biết thành phố bố với cô đang sống. Sau khoảng thời gian chưa đầy một năm hai người thân yêu nhất ra đi, bà mẹ già không còn muốn đi xa bất cứ đâu. Tôi chạnh lòng nhớ lại, những năm cuối đời mẹ tôi cũng đi thăm chị, thăm anh ở phương xa. Đó là kỷ niệm sau cùng của mẹ, gởi lại cho những đứa con xa gia đình từ rấtt sớm. Buồn vui đan trộn trong tôi, nghĩ có thể đó là lần duy nhất chúng tôi may mắn có. Tôi bàn với con trai những nơi sẽ đưa bà nội đi thăm, những bữa ăn sẽ nấu ở nhà cùng một bữa tiệc họp mặt của đại gia đình để mọi người được gặp bà...Chương trình đã sắp đặt xong, giờ cuối con gọi báo tin bà nội mệt, không thể đi xa được. Bà buồn, lòng ray rứt không yên bởi không thực hiện được chuyến đi như ước muốn, thêm nỗi băn khoăn đã làm chúng tôi thất vọng. Để trấn an bà mẹ già tội nghiệp, tôi nhắn lời qua tháng mười hai đứa sẽ về thăm. Lần này sẽ ở với bà đôi ba ngày, không phải chỉ một buổi như vài lần trước. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, thời gian đang ngắn lại từng ngày.
 
Buổi tối đầu tiên, cả nhà râm ran nhắc chuyện xưa. Trí nhớ của con trai như một cuộn phim. Nó ngồi nhắc từng câu nói vui đùa của ông nội vốn tính khôi hài, trêu đùa bà nội một đời. Tôi giở từng trang album hình cũ, mới của gia đình. Có cả hình bà mẹ chụp chung với TT Bush trong nhà trắng. Cả đời tham gia sinh hoạt nhà thờ, làm việc xã hội và từ thiện không mệt mỏi, bà là bông hoa đồng nội, ngát hương thơm theo gió bay xa. Lần đó được làm khách mời ăn tối ở White House, bà gặp ca sĩ Michael Jackson. Thoáng ý nghĩ muốn xin chữ ký, bà đưa tờ menu có sẵn trên bàn cho chàng Michael ký tên vào. Đâu ngờ người ca sĩ tài danh yểu mạng xa đời. Có người biết và nài nỉ mua chữ ký trên tờ menu dạo đó. Bà cười. Nó chỉ là tờ giấy. Ta không cần thì giữ để làm gì. Giá trị vài ngàn được dùng đúng chỗ thì càng thêm ý nghĩa.
 
Mừng con trai về lại nhà xưa, bà mẹ già không quên mua sẵn rượu cho con trầm mặc, đắm chìm trong kỷ niệm. Cũng nơi này 41 năm xưa, chàng tuổi trẻ lạc loài được nhận vào với gia đình, để tiếp tục sự học còn dang dở sau ngày di tản. Ngay từ đầu bà đã chú ý đến người thanh niên tuổi 20, làm công việc quét dọn ở building bà đang làm việc. Nhờ chú ý nên bà khám phá, người thanh niên á đông này có thể giúp bà nhiều việc trong nhiều lãnh vực. Quyển sách bà sắp in cần kỹ thuật trình bày, kèm hình ảnh bằng tranh vẽ đã có “người phu quét dọn” ra tay giúp. Hiểu hoàn cảnh phải tạm dừng việc học vì sinh kế, ông bà mở lòng đón nhận đứa con nuôi. Không phụ lòng từ bi của bố mẹ nuôi, xong mấy năm đại học chàng rời nhà tiếp tục học lên cao. Những năm đó có hai bà mẹ, nối hai bờ đại dương qua những lá thư. Mẹ từ VN viết thư bằng tiếng Mỹ, sau khi nhờ con cháu chuyển dịch từ lá thư tiếng Việt. Chưa về thăm một lần, người mẹ sinh thành đã không còn. Bây giờ, chỉ còn lại bà mẹ nuôi sức mỏi, một mình trong căn nhà quạnh vắng. Tôi biết, cả tôi và chàng may mắn còn một người mẹ già hiện hữu nơi này.
Bảy giờ sáng chủ nhật đồng hồ báo thức, cùng lúc nghe tiếng gỏ nhẹ cửa phòng, hỏi chúng tôi đã thức dậy chưa. Nhớ sao là nhớ, những lần về thăm mẹ ngủ qua đêm của chị em tôi. Mẹ tôi cũng thường dậy sớm, loay hoay trong bếp xong rồi không biết làm gì nên vào phòng đánh thức hai đứa con gái ưa ngủ muộn trong ngày chủ nhật. Hôm nay cả nhà cùng nhau đi lễ nhà thờ sớm. Khi ba người chúng tôi sửa soạn xong, bàn ăn trong nhà bếp đã bày sẵn bữa điểm tâm thịnh soạn. Một ly cà phê nóng, thêm ly nước cam bên cạnh đủ làm tôi no trước khi ăn. Nhường ly nước cam cho con, tôi uống cà phê cho tĩnh người vì đêm qua thức thật khuya. Đêm nào cũng thế, đứa con trai cứ ngồi rỉ rả nói chuyện cho đến gần hai giờ sáng. Tôi không hề biết, đã 20 tuổi rồi mà nó vẫn sợ ma, không dám vào ngủ trong phòng của cô Debbie ngày trước. Cho đến một buổi sáng, thấy con nằm trên sofa. Tôi hỏi con ngủ đâu mấy bữa nay? Nó trả lời. Con ngủ trên chiếc ghế này! Trời ạ! Ngủ trong phòng nó sợ, mà ngủ ở ngoài nó cũng sợ luôn, nên cứ nài nỉ tôi thức khuya, nghe kể chuyện ông nội và cô Debbie khi còn sống.
 
Ngôi nhà thờ mẹ đi lễ gần nhà. Tới hơi sớm, bà giới thiệu chúng tôi với từng người vừa gặp. Người con trai của bà cũng đi lễ ở đây. Hai anh em cùng sống một nhà thuở trước, thật vui khi gặp lại nhau. Con trai nói với tôi chú Danny hiền lắm. Chú có job tốt hơn nhưng không nhận vì biết đi xa, bà nội sẽ buồn nhiều. Bốn người chúng tôi ngồi chung băng ghế. Có một tờ giấy ghi tên từng người trên hàng ghế. Con nói. Không có mình, bà ngồi đây chỉ một mình thôi. Đi lễ bây giờ bà lạc lỏng, buồn nhiều. Những người bạn đạo cùng sinh hoạt từ khi còn trẻ đã lần lượt ra đi hết. Buổi lễ kéo dài chừng một tiếng. Tan lễ con trai khen bố với cô hay thật. Ngồi nghe giảng và hát theo từ đầu đến cuối mà không lim dim buồn ngủ như bà nội và con. Tôi cười. Ừ, người Phật tử đi nhà thờ xem ra cũng “ngoan đạo” như ai, có phải không? Nó cười. Con biết. Bà nội cảm động nhiều vì con của Phật vô nhà thờ thăm Chúa. Nán lại thêm chốc lát chờ bà mẹ ghi tên tham dự nhóm làm thiện nguyện trong mùa lễ Tạ Ơn, chúng tôi trở về nhà thay quần áo để đi lên núi.
 
Đứa con trai lái xe vững vàng trên đường dốc quanh co, để bố ngồi nghe bà nội kể từng kỷ niệm, nơi bà đã được sinh ra rồi trở thành đứa bé mồ côi mẹ khi vừa bốn tuổi. Bố tục huyền. Bà mẹ kế hẹp hòi, ghét bỏ đứa con chồng xinh đẹp, dễ thương. Năm sáu tuổi, khi bố đi làm đứa con gái nhỏ bị mẹ kế uy hiếp, đưa chai rượu bắt uống. Tuổi thơ của bà chỉ có đòn roi, nhục hình mà không dám kể với người cha. Đứa bé nhiều ngày chạy trốn trong rừng, đợi bố tan sở mới dám về nhà. Con trai nhìn tôi cười. Lần đầu con sang Houston bà nội lo nhiều lắm. Bà nói sẽ cầu nguyện cho con vì lo con bị bạc đãi! Lớn hơn một chút, đứa con gái bỏ nhà ra đi, về sống với bà ngoại cho đến khi ra trường đại học.
 
Lái quanh đường núi chừng hai tiếng, xe dừng lại bên lưng chừng dốc trước ngôi nhà thờ nhỏ. Bên trong cánh cửa khép hờ chẳng có ai. Trên cao, tượng Chúa không biết có buồn? Chỉ biết bên cạnh tôi là bà mẹ già đang đắm chìm trong hoài niệm xa mờ. Đi bộ lên con dốc cách nhà thờ một đỗi không xa là tiệm bán đồ lưu niệm. Bà nói với tôi thuở đó bà hay đến đây, ngắm nhìn không biết chán từng món đồ mỹ thuật làm bằng tay, rất đẹp và tinh xão. Thảo nào, sau đó bà trở thành người nghệ sĩ đa tài. Vẽ tranh, đàn, đan thêu, chạm trỗ đồ gốm, đồ gỗ, làm đồ trang sức, cắm hoa, làm bánh cưới, cả nấu ăn cho tiệc cưới của những người sinh hoạt ở nhà thờ....Tôi ước gì được ở gần, sẽ tha hồ học những gì tôi yêu thích. Chúng tôi ăn trưa ở tiệm ăn nhỏ kế bên shop bán đồ lưu niệm. Bà nói thức ăn ở đây vừa rẻ, vừa ngon nên ngày đó bà thường hay tới đây ăn. Có lẽ lâu lắm rồi mới quay trở lại con đường cũ mà không phải một mình. Tôi thấy bà vui, cười nói nhiều hơn. Bà dẫn chúng đi qua nhiều con đường, rồi dừng lại cũng ở một shop bán đồ mỹ thuật. Đây là tiệm do bà gầy dựng những năm xưa. Đi quanh ngắm nhìn những món đồ bày bán ở đây, có chút gì thất vọng trong câu nói bây giờ họ không còn bán đồ thủ công mỹ thuật giống khi xưa.
 
Trên núi cao gió nhiều hơn, cảm nghe cơn lạnh thấm vào trong. Tôi với bà đứng chụp một tấm hình kỷ niệm rồi đi tiếp. Nơi dừng chân là nghĩa trang lộng gió trên cao. Ở đó có núi, có mặt hồ tĩnh lặng, là nơi yên nghỉ của người bố nuôi và đứa em gái handicape ra đi sớm. Còn nhớ mùa thu năm đó, chàng lên đường sang thăm xứ mặt trời bên kia mùa hạ của tôi. Chuyến đi vừa khởi hành đã phải quay về, khi nghe tin dữ đứa em vừa ngã bệnh đã vội lìa đời. Không dưng mà hôm ấy tôi mặc mầu áo tím. Chiếc khăn choàng cũng tím trên vai. Chợt bắt gặp ở mộ em cũng có bó hoa mầu tím. Con trai nói bà nội nhìn xem, cô L mặc mầu tím hôm nay- mầu Debbie yêu. Chỗ em nằm yên tĩnh quá! Có lá reo trong gió vi vu. Có dãy núi bao phũ bởi rừng cây xanh ngắt. Rồi lá đổi mầu khi gió thu sang. Mùa đông sẽ rất lạnh nơi đây, dẫu mộ em bên cạnh mộ cha. Người cha già cũng vội lìa đời, sau khi con gái ra đi vài tháng. “Chốn em nằm xa quá những lần thăm”. Một câu trong bài thơ người anh làm sau lúc em đi.
 
Những con đường nằm trong trí nhớ, ngỡ đã mờ phai nhưng vẫn còn đây. Theo hướng bà nội chỉ, xe đi qua từng con đường quanh núi rồi dừng lại trước nhà xưa- căn nhà thứ nhất người mẹ đã một thời ở đó. Cảnh cũ còn đây, và hôm nay người xưa đã về đây. Có chút gì vương vấn khi đôi mắt già nua dõi nhìn quanh từng căn nhà, từng con dốc bao quanh. Có lẽ nơi cất giữ nhiều kỷ niệm là ngôi nhà bà ngoaị của bà. Căn nhà đó giờ không còn nữa. Chỉ còn hồ nước nhỏ êm đềm, in bóng những cây xanh và bầu trời cũng mầu xanh trong đáy nước trong veo. Mẹ kể ngày đó bà ngoại khuyên đừng lập gia đình với người yêu đầu đời. Bà lo sợ sẽ sinh con không khỏe mạnh vì gia đình đó có những người con handicape. Mẹ vâng lời bà ngoại, sau này lập gia đình với người khỏe mạnh, bình thường nhưng đã sinh ra đứa con gái không trọn vẹn mà bà đem cả cuộc đời ra để bù đắp, yêu thương. Debbie có thể chất yếu đuối, mong manh từ lúc sinh ra. Bù lại em thừa hưởng sự khéo léo, tài hoa từ mẹ về âm nhạc, hội hoạ và ca múa...
 
Gần một ngày về thăm chốn cũ dẫu thấm mệt vì sức yếu, đường xa, vẫn còn một chỗ dừng lại trong thành phố. Bà muốn chúng tôi đi thăm trung tâm dành cho cho người handicape mà bà đã mất nhiều năm đi gỏ cửa, quyên góp khắp mọi nơi để dựng xây. Chàng có nhiều kỷ niệm với bà. Hai mẹ con, một Mỹ, một Việt Nam đã đi khắp thành phố kêu gọi lòng từ tâm của từng hãng xưỡng, công ty. Rất nhiều lần cười ra nước mắt vì đi không lại về không, nhưng hai mẹ con vẫn tiếp tục cho đến khi có đủ tiền để trung tâm được hình thành, đi vào sinh hoạt. Ở đây sạch sẻ, khang trang. Tôi nhìn thấy những người đàn bà tàn tật nhiều hoặc ít đang quây quần nơi phòng khách rộng. Họ chơi đùa, đan móc hay chìm đắm trong không gian chỉ riêng mình họ hiểu. Có nhiều nhân viên chăm sóc, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh. Con trai nói bố cần qua đây gặp một người. Alice nhắc bố, nhớ bố vì nhiều năm chưa gặp. Chúng tôi đi bộ sang building ở kế bên. Giữa nhiều khuôn mặt ngơ ngác nhìn khách lạ, có một người đàn bà chạy nhanh tới ôm chàng mừng rỡ. Bên khóe mắt có giọt nước đọng lại, lăn xuống má. Sau phút xúc động Alice mời chúng tôi vào căn phòng tiếp khách kế bên. Người đàn bà nói tuổi của mình năm nay đã 62 rồi. Ít hoạt động nên người Alice nặng nề, nhưng miệng nói líu lo. Rồi Alice dẫn chúng tôi vào phòng. Căn phòng rộng rãi, sạch sẽ và ngăn nắp. Con trai nói với tôi, ngày trước bố hay tới đây đưa đón Debbie. Alice quen bố và rất mến vì bố luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn lắng nghe và hiểu được tính khí của những người handicape.
 
Sau một ngày đi núi mệt nhoài, trong nhà bếp bữa ăn chiều dắp dọn. Mẹ đã sẵn sàng món ăn từ đêm trước. Bà nói bếp hơi chật, chỉ cần tôi giúp bà làm món ăn nhanh trong lúc chờ bữa tối dọn lên. Tôi áp chảo cho vàng những lát bánh mì pháp mỏng bằng bơ. Phết một lớp cream cheese, một lát cá salmon un khói rồi để lên trên những lá rau spinach nhỏ. Con trai đang đói, ăn tận tình món khai vị khoái khẩu này cho đến khi bữa tối vừa xong.
 
Chiều xuống theo ngày trở lạnh. Tôi mặc thêm áo ấm, ra thăm khu vườn rộng sau nhà. Giàn nho lâu năm rũ nhánh đong đưa. Chàng hái trao tay những trái nho bảo tôi ăn thử rồi cho biết. Lớp vỏ bên ngoài hơi dày so với trái nho thường nhưng mang vị ngọt và hương thơm thật lạ. Chàng cho biết nho này dùng làm rượu. Con trai nhìn tôi cười. Bố học làm rượu nho từ bà nội đó! 86 tuổi mẹ đâu còn sức lực. So với vườn xưa giờ khoai, củ không còn. Chỉ còn đám rau xanh ngát khi mùa trở lạnh. Đậu green beans, cà chua đã hái xong, nấu chín bỏ vào jar ăn suốt quanh năm. Trên đám đất sau mùa gặt hái còn sót lại hai trái butter squash mà mỗi lần về thăm, hai đứa được chia phần để mang về. Tôi thường cắt hai theo chiều dọc đút lò. Bí vừa chín tới cắt một lát bơ trộn đều rồi múc từng muỗng nhỏ, ngọt bùi vô tả. Bí mẹ trồng bao giờ cũng cho hương vị đậm đà. Ngọt ngào hơn bí mua ở bất cứ đâu. Đất trời, nắng gió và hơi ấm đôi bàn tay chăm bón của bà mẹ già hiu quạnh nơi xa, cho cảm giác bờ môi thơm đậm tình thương. Nhìn đám cây trái cuối mùa đang tàn tạ, chạnh lòng nhìn mẹ bây giờ, dáng mệt mỏi hơn năm trước. Con trai lướt nhanh rồi bảo tôi cnùg nhặt những cành khô rớt chung quanh. Nó lo bà nội sẽ khom lưng nhặt, trước khi đứa cháu trai tới giúp. Sân trước chúng tôi cùng dọn sạch, gom lại chờ xe rác mang đi. Tôi hỏi con trai trong nỗi ngậm ngùi. Không có mình thì ai nhặt cho bà nội. Dạ có. Brian cũng rất giỏi và siêng thỉnh thoảng đến đây check xem bà nội có cần gì không.

Đêm đó con trai nói với tôi bà nội có mua sẵn rượu. Tối nay trừ cô ra cả nhà sẽ uống với nhau. Không đợi tôi thắc mắc lâu, nó cười cười. Tối nay có ông Trump và bà Hillary tranh luận. Con theo Dân chủ, bà nội theo Cộng hoà. Hai bà cháu hứa với nhau không cải khi có cô ở đây nên mọi người đều uống cho say rồi... ngủ. Tôi trêu. Con mới 20 tuổi ai cho uống rượu. Rượu rót đều nhưng chẳng ai say. Mọi người đều chăm chú nghe hai bên giao đấu. Thằng con đêm nay có vẽ buồn vì nó thường tranh luận không thua bà nội. Tôi góp lời ủng hộ “phe ta”, cùng lúc trêu đùa. Con thua rồi. Hôm nay phe bà nội có thêm hai người. Một chọi ba làm sao thắng phải không? Nó ấm ức. Nói gì thì nói, bà Hillary sẽ dọn vô nhà trắng. Ông Trump chắc chắn thua!
 
Bữa điểm tâm cuối trôi qua lặng lẽ. Chàng sẽ chở mẹ tới chỗ hội chợ vừa bế mạc để dọn mang đồ của bà về. Chàng rủ tôi theo nhưng con trai nói, nó cần tôi giúp một tay. Hai mẹ con tôi bắt đầu dọn dẹp. Con hút bụi, tôi lau chùi căn phòng của người cha nuôi chưa lần gặp trong đời. Bà giữ yên mọi thứ từ sau ngày ông mất, như sợ chạm vào nỗi đau riêng. Tôi nói muốn ngăn nắp mình cần bỏ bớt đi nhiều thứ, vì quá nhiều đồ không cần thiết quanh đây. Con thử rồi, bà nội không cho vì đã quen vị trí từng thứ một. Giữa lúc đó hai mẹ con về đến. Chàng cười, khoe gian hàng của bà lại trúng giải giống mọi năm ở Hội chợ mùa Thu. Không giấu nỗi ngạc nhiên và cảm động khi nhìn mẹ con tôi dọn dẹp cùng nhau. Bà ngồi soạn và bỏ bớt mớ sách báo, bản đồ của thời đi du lịch ngày xưa.
 
Chia tay lần này sao thấy ngậm ngùi. Vết cắt gần nơi cổ được che lại mỗi ngày bằng khăn và áo cổ cao, khiến mẹ con tôi băn khoăn lo lắng nhiều hơn. Đứa cháu theo hỏi mãi, bà vẫn nói không có gì đáng lo, đừng có bận tâm. Đứng ngoài sân chụp hình trước lúc ra xe, cảm nghe hơi ấm từ vòng tay bịn rịn. Tôi nói với bà tôi hạnh phúc nhiều. Tưởng chừng như được sống lại những ngày tôi còn mẹ. Dáng bà lầm lủi, đơn độc hơn bao giờ khi đi trở vào căn nhà vắng im tiếng người, sau mấy ngày lao xao đầy ắp niềm vui. Cả ba người cùng lặng lẽ khi chiếc xe xa dần con dốc nhỏ. Dấu xưa vẫn còn đây nhưng kẻ mất người còn, xa quá bây giờ. Giọng đứa con trai như chùng xuống. Bà nội nói với con đi lên núi trở về chốn cũ, có thể là lần cuối của bà. Sức của bà sẽ không còn đủ để lái đi xa. Không còn đủ để buồn suốt đường về khi viếng mộ hai người thân yêu nhất. Không còn đủ sức để thăm và chứng kiến người bạn thời niên thiếu ở gần nơi đó, bây giờ chẳng nhận ra bà nội. Bệnh Alzheimer đã lấy đi trí nhớ còn đâu!...
 
Dấu xưa còn đó mà người xưa mỗi người đi mỗi ngã. Còn lại người mẹ già, như sân ga chờ đợi những con tàu đỗ bến rồi đi tiếp theo hành trình vô định.
 
Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Vui thú đồng quê

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do