Tết bây giờ

Ngày
ba mươi tết. Nỗi bơ
vơ ngỡ đã ngủ yên bỗng cựa mình thức dậy
gọi thầm. Chợt nhận ra dẫu tóc bạc nhiều
vẫn khao khát niềm vui xum họp, có cha mẹ, anh em, con
cháu vây quanh ngày tết. Nhẫm tính, đàn
con mồ côi cha đã 15 năm. Thêm mồ
côi mẹ 7 năm rồi mà sao vẫn chưa quen. Cuộn phim quá khứ cứ quay đi, quay lại
khi gần tết. Tuổi thơ trôi qua
trong từng mùa tết hoang mang. Niềm
vui không trọn khi nghe tiếng đạn pháo rớt
đâu đó quanh quận lỵ. Bên kia
với bên này. Hai bờ đại dương chung dòng nước hòa nhau. Đứa trẻ
đang bước vào mùa thu cuộc
đời, bây giờ vẫn còn bị ám ảnh nên sợ
nghe tiếng pháo.
Những
tàng cây xum xuê bóng mát không còn. Những
phận đời nép bóng vẫn còn góp mặt, giữ cho hơi
ấm tình thân tiếp nối. Thay chỗ
của người mẹ từ khi sức mỏi, yếu
dần. Đôi bàn tay không còn bận
rộn đến quên ăn, quên cả nghỉ ngơi
để chuẩn bị cho những ngày đầu năm
mới. Hai đứa con gái không dưng mà trở thành truyền
thừa của mẹ. Vẫn đi làm không
nghỉ ngày nào. Vẫn bày ra gói bánh tét mỗi
năm, cho mẹ còn có niềm vui ngày tết. Bánh tét
nhân hột điều, chỉ có ở làng quê bên ngoại,
tiếp tục trao tay những người
ở phương này. Mẹ trao tặng từ người
thân quen đến bác sĩ gia đình, để bày tỏ
lòng tri ân người bác sĩ Việt Nam có từ tâm,
đã chửa bệnh không màng tiền bạc ngay từ những
ngày đầu gia đình đặt chân đến nơi
đây. Rồi khi rời khỏi căn nhà nhiều kỷ
niệm, về sống cùng con gái, bác sĩ gia đình của
mẹ bây giờ là người con gái trẻ. Tiếng Việt
của cô làm bà mẹ Việt Nam ấm áp, an
tâm. Giữa những bệnh nhân bản xứ, có lẽ mẹ
là người duy nhất đi khám bệnh mang theo bánh tét tặng cho bác sĩ. Mẹ làm sao
không trân qúy những ân tình nhận được
quanh đời. Những lần nằm bệnh viện, mỗi
ngày cô bác sĩ VN đều có mặt theo
dõi bệnh, điều trị cho đến khi bình phục.
Mẹ
mất, hai chị em buồn không còn gói bánh mỗi năm giống
khi xưa. Hương vị món
bánh tét nhân hột điều quen thuộc, sau mấy mươi
năm chỉ còn là chút dư hương đọng lại.
Giỗ của mẹ là ngày mùng một tết.
Ba đứa con gái cùng nhau làm bánh ít nhân dừa.
Bánh tét chay đặt trước ở chùa.
Những người Phật tử tới
chùa gói bánh, cũng là làm công quả tạo ngân quỹ cho
chùa sinh hoạt. Thêm mứt gừng, mứt dừa dẫu
bận rộn cũng ráng làm, để dâng lên cúng trong ba
ngày đầu năm mới. Đứa con trai ở xa hỏi
đi, hỏi lại. Trong nhà mình chỉ nấu
món chay khi cúng giỗ phải không? Con muốn
biết để ngày mùng một tết nấu thêm món chay sắp
lên bàn thờ cúng ngoại. Đó là đứa
cháu mẹ chưa lần gặp, hay hỏi về bà ngoại
ngày xưa rồi quý, rồi thương. Dặn thêm
con khi sắp lên bàn thờ cúng ông bà. Con nhớ khấn mời
hết tổ tiên, giòng tộc. Đừng chọn
lựa phân chia, chỉ dành riêng cho người con biết
mà thôi. Chỉ có thể nói với con chừng đó.
Người mẹ khi bày hoa trái lên bàn thờ hay khi cúng giỗ, lúc
nào cũng thành tâm dâng tất cả những người
quá vãng, không kể người thân hay lạ. Vẫn
biết chỉ là cách tỏ bày lòng tưởng nhớ, mà cảm
nghe ấm áp thật nhiều trong lời khấn nguyện. Cầu
cho hết thảy người đã khuất đều
siêu thoát. Sinh về cỏi lành,
được an lạc và hạnh phúc lâu dài.
Đi
chợ tết mới thấy mùa xuân nơi đất khách. Những
bản nhạc xưa rộn ràng lẫn trong tiếng nói cười
chắc gì có người nghe. Nhìn bánh mứt làm
từ VN bày bán ê hề, vừa sợ vừa buồn.
Người ở lại không còn chọn lựa.
Người nơi này vẫn nhiều kẻ
tin rằng, mình không ở trong số người bất hạnh
nuốt vào chất độc. Vẫn
còn kẻ bán người mua để ăn, để tặng
nhau. Sao không tặng nhau ngọt ngào tình tự
quê hương. Sự đối đãi
chân thành dành cho nhau ở xứ người, cần thiết
hơn bánh mứt được làm từ kẻ vô tâm, coi
thường sinh mang của người cùng chủng tộc.
Những bao lì xì đỏ một thời gắn
bó, giờ ngại ngùng không muốn chạm vào. Dẫu
sao nó chỉ là tờ giấy đỏ, cho thấy căn
bệnh mê tín ăn sâu thành cội rễ.
May mắn không đến từ mầu sắc,
mà sao phải đem tiền đổi lấy giấy về
để đựng tiền. Phải chăng may mắn
chỉ có nơi màu đỏ, cho nên đời này qua đời
khác người mình vẫn mãi tin theo. Con
đường mòn loang lổ, bùn lầy. Từng
đoàn người vẫn vô tình nối bước đi
qua, không hề nghĩ đến chuyện chọn đi
con đường khác. Từ năm
ngoái, hai chị em trong nhà đã cắt những tờ giấy
gói quà, xếp thành nhiều bao lì xì nhỏ. Đám trẻ dường như không chú ý. Có lẽ
chúng chỉ vui khi nhận những đồng tiền mới
bên trong. Chỉ có đám người lớn
trầm trồ khen lạ. Tự trách sao
bao năm rồi mình chẳng nghĩ tới điều
này. Thầm ước, người Việt
Nam sẽ làm bao lì xì cho tết VN. Là hình những lá cờ
vàng, hình bản đồ chữ S, Phù Đổng Thiên Vương
và vô số anh hùng dân tộc tự ngàn xưa cho đến
ngày nay…Khi đó sẽ không ngần ngại mua về làm bao
lì xì. Ít ra ngày tết VN, không có dấu vết
của giống người một thời đô hộ tổ
tiên cả ngàn năm.
Một
ngày như từng ngày qua đi ở nơi đây. Đi chợ tết rồi vội vàng cho ngày làm
việc muộn. Buổi sáng cuối năm cũng chỉ
vậy thôi. Chợt nhớ con trai vừa gọi nhắc.
Món hàng đặc biệt con gởi sắp giao rồi. Cần
có bố hay cô ký nhận. Không hiểu sao lần này con cẩn
thận quá mức bình thường. Ai ký nhận
cũng được sao đòi phải là cô hay bố.
Hai kẻ lơ ngơ vừa về từ chợ tết,
mà không thấy món nào của tết trên tay.
Loay hoay ôm bịt giá thật to, cả hai không
nhìn thấy chiếc Uber ngừng lại trước.
Có phải tết đến là già thêm một tuổi, trở
thành đứa trẻ sống lâu nên rất ngu
ngơ. Bước theo nhau như sợ
lạc nhau, rồi giật mình kinh ngạc khi thấy đứa
con xa buông xách tay chạy đến.
-Món quà
đặc biệt tới rồi nhưng chắc chẳng
ai cần. Con cứ tưởng khi Uber ngừng là có hai người
chạy tới mừng vui. Rồi con đi vào driveway
cũng chưa ai để mắt nhìn ra! Chắc phải
return món hàng này quá!
-Thì đã
tới giờ để nhận hàng, hai người già sợ
trễ nên đâu nhìn ai nữa!
Chỉ
còn lại tiếng cười và từng vòng tay
ôm mừng trước sân nhà, làm ấm lại ngày ba mươi
tết. Chuyền tay bưng bọc giá thật
to, đứa con trai thắc mắc hỏi làm sao ăn hết.
Thì làm dưa giá, cuốn bánh tráng với thịt
kho tàu ngày tết. Có nỗi ngạc nhiên
khi nghe nói tới món ăn. Con chưa từng biết
có người ăn như vậy! Người
“chưa từng biết” đã say mê thưởng thức
những bữa ăn ngày tết trong gia
đình. Đã mừng vui cảm động
nhiều khi nhận những bao lì xì từ bố mẹ,
bác, cậu dì trong ngày mùng một.
-Đã
từ lâu không có ai lì xì cho con hết. Về
đây con thấy con trẻ lại nhiều năm.
-Con chưa
20 tuổi đã già đâu mà trẻ lại nhiều năm!
Hai
ngày cuối tuần qua mau. Lần
này sửa soạn đi về con trai thêm bịn rịn với
vợ chồng người dì mới gặp lần này.
Trong mớ hành trang bây giờ, ngoài bánh ít, mứt
tắc mẹ làm còn có thêm dưa giá thịt kho. Con muốn
đem hương vị tết từ miền nắng ấm
về nơi xứ lạnh. Càng muốn khoe món ăn con vừa biết đã mê rồi.
Thế
rồi trong suốt một năm, đứa con trai mơ
về Houston ăn tết chỉ vì món thịt kho, dưa
giá đã được ăn.
Nghe con nói làm rưng
rưng nhớ mẹ. Nhớ những ngày xa xưa
lúc người cậu út về thăm. Trong bữa cơm
gia đình ngày tết, cậu đang ăn
chợt buông đũa, trầm ngâm.
-Chị
Hai ơi, chị có biết không? Em
đi lang bạt kỳ hồ cùng khắp
mọi miền. Chẳng có nơi nào, chẳng
có người nào kho món thịt kho tàu giống chị Hai
kho. Chỉ ăn một lần là
đủ nhớ trọn đời.
Nồi
thịt kho ngày tết bây giờ, đứa con gái vẫn theo cách mẹ nấu ăn, không bao giờ
đong đo liều lượng. Chắc chắn
sẽ không đậm đà hương vị giống ngày
nào, nhưng đàn con cháu như tìm lại chút hơi hương
ngày tết khi còn mẹ.


Quỳnh My
Comments