Cám ơn Anh
Tháng Tư vừa qua đi, để lại nhiều trăn trở như khi đến. Dấu mốc thời gian thuộc về quá khứ vốn chỉ là con số trên tờ lịch cũ, nếu như nó không để lại hậu quả khôn lường của bức tử, khổ nhục, đọa đày, chia cách đớn đau... đồng hành với nỗi oan khiên của người bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người trong một đất nước nhỏ bé, mang tên gọi Việt Nam.
Ngày 30 tháng Tư sau 41 năm, anh làm gì? Chị làm gì? Em đã làm gì khi nghĩ đến thảm họa dân mình đang gánh chịu? Từ quê nhà, hàng ngàn người đã đồng loạt xuống đường. Những tấm lòng bao lâu khép cửa vì sợ hãi, vì vị kỷ đã bung ra trước viễn ảnh nước mất, nhà tan vì bạo quyền khanh tay ngồi nhìn hàng vạn người đang lâm vào cảnh khốn cùng. “Rước voi về dầy mã tổ” là những gì mà kẻ thống trị đã và không ngừng tiếp tục làm, mặc cho những lời oán than của dân mình thấu tận trời xanh suốt 41 năm qua.
Dậy mà đi! Phải đợi 41 năm mới nhìn thấy được hình ảnh hào hùng của của tộc Việt Nam. Từ Hà Nội, từ Saigon dân tôi đã đồng loạt xuống đường. Đã đến lúc mọi người cùng hiểu khiếp nhược đồng nghĩa với ươn hèn. Cúi đầu, ta thán trong sợ hãi có nghĩa là chấp nhận và dung túng, nuôi dưỡng cho điều xấu ác ngày một lớn.
Niềm vui vỡ òa trong niềm thương cảm vô bờ. Tôi yêu thiết tha mảnh đất hình chữ S. Yêu Sài gòn, yêu Hà Nội, yêu miền Trung khốn đốn tai ương. Tôi yêu các anh, các chị và em đã đổ máu, đã bị bắt bớ giam cầm chỉ vì lòng yêu nước. Cùng lúc nhận ra có rất nhiều anh thư đất Việt khắp nơi đã xuất hiện khi nước biến.
Ở bên này, có một đấng anh thư mà người di tản hầu như ai cũng biết là bà Hạnh Nhơn, cựu sĩ quan quân lực VNCH. Với tôi bà là Bồ tát giữa đời- một đời tận tụy cứu khổ ban vui cho người khác. Ngày cuối tháng Tư tôi gởi text cho bà. Message bị trả lại phải thay bằng cuộc gọi
-Thưa cô, cháu muốn nhận một hồ sơ bảo trợ Thương phế binh loại nặng ở Saigon. Cháu gởi text cho cô mà không được.
-Em ơi, bà già quê này vẫn dùng điện thoại cũ xưa chỉ để gọi đi và nhận lại mà thôi. Em đợi cô chọn một hồ sơ rồi gọi lại cho em.
Tôi chọn người ở Saigon trong ý nghĩ sẽ nhờ người chị kết nghĩa ở Saigon thay tôi trao tặng. Chị có cha tự kết liễu cuộc đòi sau lúc ra tù. Có em gái vượt biển bỏ thây trên đảo. Trên tất cả, là một tấm lòng yêu quê hương, dân tộc thiết tha nên sẽ xoa dịu phần nào nỗi bất hạnh của người thương binh đó.
Tôi có câu trả lời cho em gái. Chị làm gì mà không tham dự lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư năm nay? Tôi muốn bày tỏ lòng tri ân đến một người đã hy sinh xương máu cho tôi được sống an lành thuở ấy. “Một gia đình một Thương phế binh”. Người thương binh tôi nhận vào gia đình là một Binh nhứt Thủy quân lục chiến. Anh mất hết hai chân, lang thang không nhà có lẽ cho đến hết cuộc đời. Bà Hạnh Nhơn dặn dò. Em nhớ dặn anh ấy ghi số quân trong hồi báo. Để mình biết chắc người nhận là anh, vì đó là địa chỉ tạm nhờ thôi.
Có một giọt lệ lăn dài trên má khi tôi ghi nhanh lời nhắn cho một người chưa gặp bao giờ. “Em xin được gởi tới anh với tất cả lòng thành và sự biết ơn. Nguyện cầu cho anh luôn được bình an”.
Bên tai tôi chợt nghe tiếng nói nhẹ như làn gió thoảng, của người đồng hành luôn lặng lẽ bên mình.
-Cám ơn Anh. Cám ơn em
quỳnh my
Comments
Ước gì có thêm những người có tấm lòng như cô.
Thân ái,
Thu
Rat quy men nguoi su muoi luon co long nhan ai voi tha nhan.
mdt