Tháng Tư, về đâu?


Chúng tôi quen nhau vào một ngày đáng nhớ- ngày 30 tháng Tư của năm rồi. Câu đầu tiên Trish hỏi tôi cũng là một câu hỏi khó quên. Tối nay cô có đi dự đêm tưởng niệm 30 tháng Tư ở đại lộ Bellaire? Có chút gì thảng thốt, bàng hoàng bởi câu hỏi được nghe từ người đàn bà bản xứ, có khuôn mặt phúc hậu kèm tia nhìn ấm áp, diụ dàng. Rồi không để cho tôi phải ngạc nhiên lâu, Trish ân cần giải thích vì đâu cô biết nhiều về những sinh hoạt của người Việt trong thành phố.

Trish nói với tôi, thời trung học cô đã có sự quan tâm đặc biệt về cuộc chiến Việt Nam. Sau khi ra trường luật đi làm, điều cô thường trăn trở vẫn là chuyện nhân quyền ở bên nhà. Thật khó mà giải thích, giống như cô có nhân duyên nào đó với con người và đất nước Việt Nam. Thêm nữa, ngay trong thành phố cô được sinh ra, ngày càng có nhiều cư dân Việt. Những khu thương mại sầm uất, giăng giăng bảng hiệu Việt. Những con đường có tên các vị anh hùng lịch sử Việt Nam ở Downtown, bên cạnh nhiều đóng góp tương trợ đáng kể trong từng trận thiên tai từ di dân Việt. Còn nữa, các tượng đài Tưởng Niệm được xây dựng ngay trên con đường cô có dịp đi qua, là những điều dễ nhìn thấy nhất, nếu như mọi người đừng quá thờ ơ với cuộc sống ở chung quanh. Một đêm lái xe lang thang trên khu phố Việt, cô tò mò dừng lại khi thấy cả rừng cờ vàng và hàng chục ngàn người tập trung trước khoảng sân rộng ở một siêu thị lớn, mới xây cất không lâu. Cũng đêm đó, Trish biết thêm nhiều điều qua những thước phim tài liệu được chiếu trên hai màn ảnh lớn ngoài trời. Cuộc di tản khổng lồ bằng đường hàng không, bằng đường biển khởi đi từ mọi phía. Những khuôn mặt hãi hùng trong cuộc hành trình vô định cuối cùng. Những đau đớn chia lìa như cắt xé ruột gan, mà cô chỉ được đọc thỉnh thoảng đâu đó chứ chưa bao giờ nhìn tận mắt. Đêm đó chắc không ai nhìn thấy, tay áo của người đàn bà da trắng tóc vàng, đã ướt đẫm vì dùng lau nước mắt. Đâu chỉ có ngày tang của tháng Tư đen. Trish thẩn thờ trở về nhà, mang theo hình ảnh thuyền nhân của những năm sau, đã khóc thét, kêu gào trong đói khát, sợ hãi trước khi kiệt sức. Tiếng kêu bơ vơ, vô vọng, mất hút chìm sâu giữa biển rộng trời cao, Không có phép mầu nào ngăn lại từng cơn sóng dữ, nuốt vội con tàu nhỏ bé vào lòng đại dương vô tình, bí hiểm ngàn đời.

Khẽ chớp đôi mắt đẹp, dường như luôn phảng phất nỗi buồn dù trong lúc đang cười, Trish hỏi tôi có phải là thuyền nhân thuở đó hay không? Cô mong được thứ lỗi, nếu như không thích nhắc thì coi như cô chưa từng hỏi. Tôi lắc đầu, cho Trish biết đã tới đây hợp lệ, an toàn cùng với gia đình. Nhưng tôi có bạn bè, người yêu và cả người thân vượt biển, vượt biên theo đường bộ ngày xưa. Họ bây giờ ra sao, đã về đâu sau gần 30 năm bỏ nước ra đi? Câu hỏi giản dị làm tôi quay quắt. Trong một thoáng lòng quặn đau nỗi đau chung. Bạn tôi, người mất tích trong rừng biên giới khi chưa kịp tới đất Miên hay đất Thái Lan. Người về với biển trong một lần thủy táng lặng thầm, chỉ có gió thổi, mây bay và tiếng sóng tiển đưa. Người không biết còn sống hay đã chết, sau khi hải tặc bắt mang đi. Còn người yêu xưa tôi biết đã bình yên. Mười năm xa nhau tôi còn ngóng đợi. Nước mắt lăn dài khi nghe bài hát Mười năm tình cũ. Nhớ một ngày của 20 năm sau, có người ngồi bên chồng lặng lẽ quay đi, len lén đưa tay áo chùi nhanh giòng nước mắt. Trên màn ảnh, người ca sĩ bạc mệnh đang cất lên giọng hát não nùng trong bài hát 20 năm tình cũ. Người ca sĩ khả ái, dịu dàng có đôi mắt đẹp và buồn, giờ đã cùng giọng hát thênh thang chấp cánh bay xa. Bỏ lại cuộc đời buồn như làn khói quyện chập chờn, trong đó hạnh phúc và đau khổ trộn đều. Lòng tôi đã lắng, đã yên. Những cặn cáu của nỗi khổ, niềm đau, của buồn vui trước mặt chừng như kết lại nằm yên dưới đáy ly. Thỉnh thoảng chiếc muỗng nhân duyên khuấy động, nước đục ngầu rồi lắng xuống, trong dần. Tôi không tiếc, không buồn vì những điều đã trở thành quá khứ lâu rồi.

Những câu hỏi hồn nhiên và quá ân cần, Trish như vòi vĩnh nắm tay, đòi tôi dắt đi trở lại những đoạn đường lạc mất dấu trong đời. Tôi kể cho Trish nghe về người bạn nhỏ ngày xưa ra biển, là đứa con gái mồ côi, nắm xương tàn vẫn còn nằm lạc lõng bơ vơ nơi đảo cũ. Nguyện ước thiết tha của người chị một đời mang nặng niềm đau, là được có cơ hội ra khỏi nước đi tìm, đốt đem về lại nắm tro tàn, gởi vào chùa cho em thôi vất vưỡng lang thang ở đảo hoang. Mơ ước đó không biết tới bao giờ thành tựu. Những người con gái sinh không nhằm thời, giờ quá mỏi mòn. Mối tình đẹp thời sinh viên không còn nồng nàn như thuở bắt đầu, bởi cả hai đều ở lại để nhìn đời nhau cùng tan nát, tả tơi. Một ngày chị báo tin rồi cũng phải lấy chồng. Không nỡ để anh chờ đợi khi không còn gì để đợi chờ, đời rồi sẽ khác hơn cái hiện tại thê lương. Chú rễ già, cô dâu khọm. My ơi, em có nhìn ra số phận làm khổ mình đã đành và mình làm khổ mình thêm cho ra nông nỗi này đây? Chị đã mon men đi vào cửa chùa biết bao lần. Nghe bao nhiêu lời giảng, thực hành thiền bao nhiêu bận. Giải thoát gì đâu, chị đôi khi bỗng hoài nghi. Có lẽ chính mình chưa thoát nỗi những nghiệt oan vây khốn xưa giờ. Quá khứ và hiện tại, cộng thêm tương lai là vũng tối. Hãy chỉ chị làm sao để thoát ra? Trên bàn thờ là cha, là mẹ. Là đứa em vùi thây ở đảo xa khi chưa tới tuổi 20 mươi. Mẹ mất sớm trong khi còn xuân sắc. Em tự hủy thân mình cùng với bào thai trên đảo xứ người. Cha trở về sau những năm tháng lao tù, rồi thất chí đi tìm vợ và con bằng vòng dây oan nghiệt...Bên cạnh cuộc đời là người tình chờ quá nửa đời, giờ là chiếc bóng theo bên cạnh, bởi bất lực, xuôi tay không giúp đuợc gì nhau. Ba mươi năm sau ngày tang đất nước. Chị vẫn chiếc xe đạp cọc cạch đạp qua những con đường khói bụi mù trời. Những buổi dạy Anh văn tất bật ngược xuôi, tiếng nói tắt nghẹn, giọng khô quánh như không thể phát ra nỗi một thanh âm nào nữa...Vẫn không vá lại nỗi căn nhà mẹ cha để lại. Khách sạn ngàn sao là nơi cư ngụ, hay đêm ngủ với mưa ú ớ giọng khan. Đi dạy học và làm báo, như cái nghiệp buộc chị vào cùng ẩn ức muôn đời. Ngày xưa bố đi vào vùng lửa đạn, đem về những thiên phóng sự chiến trường, được ghi lại bằng mắt, bằng tai. Còn chị, mỗi ngày lê lết trên từng góc phố, nẻo đường. Thấy nhiều quá muôn ngàn tủi nhục và nghe nhiều những nỗi oán than mà như điếc, như đui. Từng lứa học trò đến với chị bao năm, chỉ cần điểm mặt chừng ấy người trong cuộc sống cũng đủ để viết nên thiên trường kịch.

Tôi chợt nhớ tới một người anh trong gia đình quân đội, thỉnh thoảng vẫn ghé lại thăm. Lần đầu tôi thoáng ngạc nhiên, bởi người cha già quá so với đứa con gái bé bỏng đang úp mặt trên đôi vai gầy guộc. Thỉnh thoảng, người đàn ông có vẽ gì như nhẫn chịu, hiền lành bỗng như phẫn hận thốt lên lời cay đắng không ngờ! Anh đã đào thoát khỏi lao tù cải tạo, tìm đường ra đi và không đếm hết bao nhiêu lần thất bại. Lần cuối cùng anh đi không chỉ một mình, mà có thêm người bạn đời cùng 4 đứa con. Thoát khỏi hải phận an toàn, anh ngỡ đã bỏ lại địa ngục trần gian ở phía sau. Đâu ngờ phía trước là thảm họa, như bản án đã sẵn dành cho người ngã ngựa. Trong đám thuyền nhân đã cạn sạch nước uống, thức ăn và nhiên liệu, mỗi ngày hầu như đều có người tuần tự trút hơi, xác được những người bạn đồng hành còn thoi thóp gởi vào lòng đại dương xanh thẳm. Trong phút giây hoàn toàn vô vọng, anh ngỡ mình cùng vợ con sắp được giải thoát khỏi kiếp người. Bầu trời trên biển tối sầm. Gió thổi mạnh và những đợt sóng cuồng nộ làm chao nghiêng rồi lật úp con thuyền nhỏ bé. Trong vô thức anh đưa tay chụp vội đứa con trai 8 tuổi đang nằm bất động ngay bên cạnh. Ôm chặt con trai nhỏ trong tay, anh vừa bơi vừa mở to đôi mắt chừng sắp rách để kiếm tìm vợ và ba đứa con theo sóng trôi đi. Chợt tầm mắt anh chạm vào khuôn mặt xanh xao như xác chết, của người vợ có mang đang ghì chặt mảnh ván vỡ ra từ thân tàu vừa đắm. Trong chớp mắt, như kẻ mộng du, anh buông vội đứa con trai. Con ơi, tha tội cho bố. Bố phải cứu hai người là mẹ con và chiếc bào thai của em con. Khi anh bơi tới bên người vợ, chỉ còn kịp nghe câu nói thì thào. Con ơi, mẹ theo các con đây...

Khi buông xác vợ anh cũng định buông thân mình chìm xuống, cho kịp cuộc hành trình hóa kiếp với vợ cùng con. Nhưng chiếc tàu cứu tinh muộn màng xuất hiện, đã mang anh cùng vài người sống sót đưa vào bờ. Dân tỵ nạn ở đảo không ai lạ gì người đàn ông có khuôn mặt thất thần, hằn đậm nét đau đớn hãi hùng, đi lang thang hoài không mỏi mệt. Vừa đi, ông vừa lẩm nhẫm câu: Em có trách anh không? Các con có buồn giận bố hay không? Tới Mỹ, bệnh tâm thần dần chữa khỏi. Anh vào tu viện một thời gian. Vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh triền miên, bất tận. Anh trở lại đời, sống hết những ngày tàn. Bởi càng trốn chạy, quá khứ càng đội mồ sống dậy. Người bạn một thời trong quân ngũ, cố sức chữa lành nỗi đau quá lớn trong anh. Đứa em gái đã dần qua thời xuân sắc ở quê nhà, trở thành vợ người bạn thân bất hạnh, cho đời cả hai bớt quạnh hiu.

Trish ôm hug tôi lúc giã từ. Mong chúng mình trở thành đôi bạn, kể từ ngày 30 tháng Tư năm nay, được không My? Tôi khẽ gật đầu, đưa ngón tay quẹt giọt nước mắt chưa khô trên khuôn mặt của người bạn mới.

Năm nay Trish đến gặp tôi vào ngày 29 tháng Tư. Bầu trời xám xịt một màu ảm đạm, mưa vần vũ kéo về trong buổi sáng cuối tuần. Trish xếp chiếc dù để vào một góc, đưa tay vén những sợi tóc ướt mưa quện vào nhau. Vẫn câu hỏi cũ, ngày mai 30 tháng Tư rồi, My có góp mặt trong đêm tưởng niệm? Rồi như chợt nhớ điều gì đặc biệt, Trish băn khoăn. Chẳng lẽ hơn 30 năm bặt tin người cũ, không tìm ra tông tích gì sao? Tôi gật đầu với nụ cười buồn. Đã biết, nhờ cơn bão Rita năm rồi thăm thành phố. Người tận góc biển chân trời muốn chắc chắn rằng, tôi vẫn còn sống sót bình an như bấy lâu nay. Người mẹ mà ngày xưa tôi từng gục khóc trên vai, đã tìm gọi mẹ tôi trong lúc thiên tai đang kéo tới. Nín đi con. Đừng buồn vì nó không kịp giã từ. Nếu hai đứa có duyên thì sẽ gặp lại nhau ở bên kia...Lời vỗ về với bàn tay vuốt nhẹ trên lưng tôi ngày đó, sau này như lời nhắc nhỡ thầm. Một thời đã hết, đã qua với những người có duyên mà không nợ gì nhau. 

Mỗi lần gặp nhau là một câu hỏi khác. Trish luôn luôn dẫn tôi đi tìm lại cội nguồn xưa. My ơi, người ở lại giờ ra sao sau hơn ba chuc năm qua? Trish hỏi về những người con gái sinh ra trong chiến tranh và cả sau này ở bên nhà. Tôi thật sự có chút gì bối rối, bởi không dễ dàng khi nói về hai thế hệ trong đời, và những gì tôi biết xem ra quá ít. Người anh xa ngậm ngùi buông tiếng thở dài. Đã hơn 30 năm mà dân mình vẫn khốn đốn, lầm than. Kẻ ngất ngưỡng trên quyền lực sắt máu cùng của tiền vô số. Người dốt nát nghèo nàn, hàng loạt bán máu, bán thân mình như món hàng duy nhất có được của một kiếp người. Em có nghĩ đó là lời nguyền ác độc, dành cho dân tộc Việt Nam của mình không? Còn nhớ, những ngày đầu mất nước, đám học trò bị bắt vẽ và treo hàng hàng những khẩu hiệu lạ lùng. Trong đó có một câu tôi nhớ như in. "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người" Mười năm, những hàng cây giống xấu, không phân bón, chết khô dần hay èo uột khẳng khiu với lá mỏng cành trơ. Trăm năm chưa biết về đâu? Chỉ thấy mới hơn 30 năm, có nhiều người chẳng giống người bởi quá tham lam, sân hận, si mê, sống nhỡn nhơ, tự mãn trên nỗi đau đồng loại. Làm sao không khỏi nhói lòng, khi biết từng bầy thiếu nữ bán thân mình, cách này hay cách khác để chỉ mong có một đời sống khá hơn cuộc đời đen tối của mẹ cha, tiếp đến đời con. Tôi kể cho Trish nghe về truyện ngắn vừa mới đọc, được viết bởi một nhà văn nữ còn rất trẻ ở bên nhà. Cô ra đời một năm sau khi chấm dứt chiến tranh, có cha mẹ là những người từng tham chiến phía bên kia. Người đọc bàng hoàng, đau đớn khôn cùng. Làm sao có thể ngờ giữa thế kỹ này, ngay nơi cô bé được ra đời, có những người đã sống trên những cánh đồng khô chết. Dốt nát, nghèo nàn trong cảnh khốn cùng, đến nỗi trở nên man rợ như người thời tiền sử. Họ sống cách biệt và cô lập, với đời sống bình thường của con người. Vô vọng, bơ vơ không còn nơi bám víu, dường như những ẩn ức này phát khởi ra thành hành động mất tính người. Giọng văn trầm buồn, từ ái, nhẹ nhàng. Không oán trách, không bi phẫn mà tưởng như có ngàn mũi kim đâm thấu vào tim gan người đọc. Những người cầm quyền hốt hoảng, sững sờ. Họ kết tội người viết chỉ vì cô đã viết những gì có thật. Cánh đồng bất tận trong truyện kể, đã làm Trish rơi nước mắt như mưa. My ơi, tại sao có quá ít người dám viết những gì có thật bên nhà? Tại sao không dịch lại và in ra sách bằng nhiều ngôn ngữ? 

Trish ôm "hug" tôi từ giã. Những hạt mưa trên tóc đã khô, nhưng hai giọt lệ còn đọng lại trong đôi mắt đẹp. Tôi biết chắc sẽ còn nhiều câu hỏi nữa, cho ngày 30 Tháng Tư của năm sau khi Trish đến với tôi.

Quỳnh My
Đêm 30 Tháng Tư năm 2006

Comments

Anonymous said…
Nhân dịp đầu xuân , xã tổ chức ngày hội trồng cây . Các cụ già trong xã đều phải tham gia trồng cây trong một này hội được tổ chức rầm rộ , inh ỏi .Chỉ sau khi mở hội mấy ngày , đám cây bị bỏ mặc không ai chăm sóc khô héo và chết dần . Các cháu chăn trâu thấy vậy bèn làm mấy câu vè để chọc các cụ :
Hoan hô các cụ trồng cây,
Mười cây chết chín , một cây gật gù .
Các cụ nghe tức quá bèn hoạ lại rằng :
Các cháu có mắt như mù ,
Mười cây chết cả , gật gù ở đâu ?
Vì lợi ích mười năm - trồng cây "chết"
Vì lợi ích trăm năm - trồng người "ngu"

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do