còn đó nỗi buồn


Tháng Tư trời nhiều mây. Hàng cây hai bên đường cùng đám cỏ non đua nhau khoe chiếc áo mới màu xanh biếc. Đất trời như xích lại gần nhau trong nỗi cảm thông. Những ngậm ngùi, hoài niệm của nhiều người kèm theo tiếng oán, lời than cùng nỗi nhớ khôn nguôi. Tháng Tư giờ trở thành dấu mốc thời gian dài hun hút. Đàn chim bỏ xứ gọi thầm, cùng dõi mắt quay nhìn về cố quốc. Có người thường lặng yên trong một cỏi riêng, giữa những tiếng thở dài áo não hay xôn xao thương hận. Đôi khi bỗng thèm được làm mây bay ngang qua trời cùng gió đùa vui. Để khi ngó xuống cỏi nhân gian lồng lộng, thấy hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc đời chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi.

Đầu tháng Tư đi vào thiền viện, đón vị Thầy đến tự phương xa. Đưa Thầy vào chùa lễ Phật, chụp những tấm hình bên tôn tượng Quán Âm. Dư âm ngày Lễ Hội cuối tháng ba vẫn chưa tan. Mẹ hiền Quán Âm cao vời vợi, mắt thương nhìn xuống khắp mọi loài. Thương chúng sanh nhiều sân hận, si mê để ngọn lửa hoài nghi đố kỵ che mờ mọi thứ. Mấy mươi năm nhận xứ người làm chốn dung thân. Đã có biết bao nhiêu đóng góp, dựng xây trong việc phát triễn và vun bồi đạo pháp. Lẽ nào buông thả tay chèo. Xao động, hoang mang đánh mất niềm tin trong bão tố, phong ba. Hoặc say sưa quay cuồng cùng những cơn sóng dữ ùa về làm nghiêng ngã con thuyền.
Lần này Mẹ không theo các con vào chùa để gặp Thầy. Thầy về nhà thăm Mẹ trong chương trình nhiều bận rộn. Nhìn Thầy ân cần giữ bàn tay già yếu, nhăn nheo của Mẹ trong tay, tựa như hình ảnh người con xa trở về bên mái ấm gia đình. Bữa cơm chay đạm bạc có Thầy ngồi bên Mẹ và bầy con gái bao quanh, là bữa ăn đậm đà hương vị đạo tình. Niềm vui chan hòa hiện lên nét mặt, người Mẹ già ngày càng yếu đuối, mong manh.

Gần cuối tháng Tư thêm lần đón vị giáo sư chưa bao giờ gặp, bởi nghe Cô ao ước được học trò đưa đi chùa, nói chuyện đạo trong những ngày lưu lại nơi đây. Chở Cô vào chùa. Bốn Thầy trò quỳ lễ Phật nơi chánh điện, rồi ba chị em xin phép ra phía sau để thắp nhang cho lần viếng thăm Cha. Khi mấy đứa con gái lạy di ảnh của người Cha, có Cô giáo lặng lẽ quỳ bên cùng lạy. Cô như người Mẹ hiền nhiều hạnh phúc, giữa bầy con gái trước sân chùa long lanh nắng tháng Tư. Nắng dịu dàng quyện trong gió mơn man, cho những tà áo dài quấn quýt reo vui ngày hội ngộ. Lòng nhẹ nhàng, thanh thản không chỉ vì bài kệ với giọng tụng đều đều quen thuộc phát ra từ cuối sân chùa, mà vì biết được Cô là người đồng hành cùng đi qua một giòng sông. Đưa Cô về nhà để cùng ngồi bên Mẹ, trong bữa cơm ngày cuối tuần quanh những người thân. Không có khoảng cách lần gặp đầu nơi chốn lạ, trong niềm giao cảm lặng thầm. Không ta, không người. Không lạ, không quen. Dưới mắt Cô và đứa học trò nhỏ dại ngày nào, tất cả đều là chúng sanh đồng nhất thể như nhau.

Khi Cô bước xuống xe, buổi chiều thêm rạng rỡ trong chiếc áo dài xanh màu ngọc. Những đứa học trò tinh ranh, nghịch ngợm ngày nào kéo tới vây quanh chào đón. Hơn 40 năm gặp lại. Câu nói đâu tiên bật thốt lên trong tiếng reo vui -Trời ơi, Cô vẫn đẹp như xưa! Cô cười. Của vay mượn và thân giả tạm. Có gì còn mãi đâu em!
Đứng trước quán ăn có cái tên gợi nhớ, học trò cả hai thế hệ lao xao như đang ở cổng trường xưa. Phố Xưa và buổi chiều chủ nhật của tháng Tư, ghi thêm nhiều hình ảnh đẹp. Người học trò tóc đổi màu, choàng tay lên bờ vai cô giáo trong hoàng hôn màu nắng nhạt. Trong trí nhớ họ, Cô vẫn là một trong ba cô giáo xuất hiện lần đầu ở một trường nam, trải qua nhiều năm không có nữ giáo sư.
-Bây giờ nghĩ lại thương Cô nhiều. Ngày về trường Cô là cô giáo Nam kỳ trẻ trung, xinh đẹp, hiền lành, nên nhiều khi khốn khổ vì đám học trò con trai Bắc kỳ di cư quỷ quái, tinh ma. Vì sao Cô chọn trường em- ngôi trường nhỏ lang thang ở trọ.
Cô từ hòa, chậm rãi tâm tình bên cạnh đám học trò và những giáo sư đồng nghiệp cũ. Không nhận nhiệm sở mới là ngôi trường nữ nỗi tiếng trong thành phố, Cô xin đổi sang dạy ở trường nam vốn mang thân ăn gửi nằm nhờ từ độ di cư, vì nghe học trò ở đây hiếu học, siêng năng.
Buổi ăn tối mừng ngày hội ngộ không chỉ để ôn kỷ niệm. Một lá thư từ bên nhà lẽ ra viết từ lâu, nhưng phải đợi đến 33 năm sau mới tìm ra người nhận. Như có duyên với người ở bên kia, nên đã được yêu cầu đọc lá thư dài thấm đượm nghĩa tình. Cả mấy chục thầy trò cùng im lặng nghe câu chuyện cũ. Cô TH- giáo sư hội họa 33 năm về trước đã không ngăn giòng nước mắt, bởi Cô chính là người đón nhận những dòng thư. Sự quyết định sáng suốt, độc lập, không bị ảnh hưởng bởi nhiều người đã để lại "niềm tin" và bài học quý giá : "Không bao giờ phán đoán ai bằng sự chủ quan, do thành kiến hay ảnh hưởng từ nơi người khác". Biết ơn và đền ơn Cô, T- đứa học trò 15 tuổi chưa từng học với Cô ngày nào, đã sống và hành xử như những gì học được từ Cô. Khuôn mặt đẹp thoảng nét buồn, nhìn phúc hậu và cương nghị của vị giáo sư khả kính, đã in đậm nét trong lòng từng người hiện diện. Tình thầy trò đẹp quá! Cả bên cho và nhận đều làm cho nhiều người ngưỡng mộ.
Chợt nhớ mùa hè năm ngoái, sau một phần tư thế kỷ trở về, người đến tìm thăm đêm đó là T. Trao cho T CD họp mặt của Gia đình Nguyễn Trãi Houston theo lời dặn để rồi từ đó có thêm một người em. T nghiêm trang chừng mực. Nét cương nghị đi kèm giản dị thân tình, nên câu chuyện dài theo đêm đã dần khuya. Tiễn T ra cửa thấy chiếc xe van bên đường với người tài xế đang ngồi đợi. Mấy đứa em bà con cười khúc khích. Có người hỏi tụi em phải người xưa của chị hay không? Ai bảo "sư đệ đồng môn" cao lớn, phong trần ngó giống đàn anh sư tỷ!


T trở lại vào buổi sáng để trao trả phong bì tiền dày cộm đã bỏ quên trong bao thư đựng CD. Trí nhớ ngày càng mờ mịt, tựa như nhiều lớp sương che. Lòng bồi hồi xúc động. Nếu T không đem lại, chắc sẽ không bao giờ tìm ra manh mối chuyện bỏ quên. Ra trường, thành đạt với nghề kiến trúc, T cùng nhóm bạn có sự nghiệp vững vàng trở về trường lập quỹ học bỗng giúp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Nghĩa cử đáng quý của người em đồng môn vừa gặp đã thân, làm ấm lại phần nào nỗi lạc lõng của lần về chậm muộn.

Những ngày còn lại ở Saigon lòng lắng dịu tựa mặt hồ tĩnh lặng. Không có ý đi trở lại những nơi chốn một thời đong đầy nước mắt, tiếng cười. Tất cả ngủ yên, như chim bay mất hút giữa trời không. Như mục đích chuyến về, thăm người Cha yếu già hiu quạnh mong một lần nhìn thấy mặt con dâu. Thăm quê nội xa xôi nơi đất Bắc, để nhìn tận mắt nơi chào đời của đấng sinh thành. Thăm những ngôi chùa có trẻ mồ côi. Thăm vị Thầy tận tụy vun bồi cho lũ trẻ khổ nghèo mà mẹ cha không có khả năng lo học phí ngoài giờ đến lớp. chúng có thể lăn vào đời bất cứ lúc nào khi sự học đứt ngang, bởi không theo nỗi yêu cầu quái gở, kỳ khôi của chương trình giáo dục bên ngoài chốn học đường. Những chú điệu trở thành thầy dạy tiếng Anh, dạy toán trong khuôn viên chùa râm ran tiếng ve sầu, như bản hợp tấu sau mấy mươi năm mới được nghe trở lại.


Thầy ngưng cuộc trà đàm vì phone gọi nhiều lần. Người ta đòi danh sách kèm lý lịch của lũ học trò nghèo trong lớp học ở chùa. Bước ra khỏi cổng chùa thoáng chút ngậm ngùi. Thương đám trẻ thơ mẹ cha lo không nỗi miếng ăn. Tương lai là khoảnh tối bấp bênh, chỉ vì trường học không dạy đủ để chúng còn hy vọng học tiếp lên cao trong cảnh khó nghèo, chật vật của gia đình .Thương Thầy vì lòng từ, nhẫn nhục chăm lo cho bầy trẻ mặc bao chướng ngại vây quanh. Ta thán hay quay lưng bỏ mặc không là sự chọn lựa của Thầy, dù điều này rất dễ làm. Giòng nước giữa ao tù làm sao có thể trong. Nhiều khi phải luồn lách qua lau sậy hay hóc đá gập ghềnh bít lối chắn ngang. Bóng tối và ánh sáng sẽ thay nhau có mặt, cho đến ngày nuớc tìm ra biển cả mênh mông.
Có một nơi thầm hẹn quay về. Đoạn đường bom đạn cày sâu, sau 35 năm trở lại vẫn mặt đường chông chênh đá sỏi. Buồn hơn là qua hai lượt đi về đều nhìn thấy xác người trên mặt lộ. Sinh mạng con người lẽ nào nhỏ nhoi không đáng để quan tâm. Chiếc chiếu quấn quanh như thuở sơ khai, vẽ ngơ ngác bàng hoàng của người thân còn lại lẫn trong đám người hiếu kỳ, hờ hững nhìn nỗi đau đồng loại.


Lòng bồi hồi xao động, khi nhìn thấy rừng cao su dọc hai bên quốc lộ 13, vội bảo người tài xế tắp vào lề cho xe đỗ lại. Những đốm nắng lấp lánh trên màu xanh của lá phai mau theo chiều xế bóng. Dường như không phải rừng xưa. Lũ cây già đã chết dần trong binh lửa ngày nào. Rừng đổi chủ, hàng hàng lớp lớp cao su được trồng lại mấy lần sau chừng đó tháng năm. Xác người thành phân bón cho cỏ thêm xanh. Cho cao su dòng sữa tràn đầy, nhưng sao người còn lại vẫn đeo mang phận đời buồn quá đỗi. Bạn bè dăm đứa lao xao mừng gặp lại, đón người về nơi nơi cất tiếng khóc chào đời. Chiều thị trấn mưa bay mờ lối cũ, không kịp đứng ngắm vườn cây trĩu nặng trái trên cành. Người bạn chủ vườn vừa mời ăn trái cây nhà, vừa khẩn khoản bạn bè năng tới hái mang về, vì có bán cũng không bù được phần lỗ lã. Vườn tiêu, vườn cà phê cũng đồng chung số phận. Mọi thứ đều bấp bênh bởi lệ thuộc vào giá cả, kèm luật lệ thay đổi vượt ra ngoài tính toán. Cũng mừng khi bạn còn có khả năng để hào phóng với mọi người. Câu hỏi ở đây người ta làm gì để mưu sinh, được trả lời hệt như nước cuốn, bèo trôi. Một số làm cho sở tại địa phương lây lất qua ngày. Số buôn bán kinh doanh nhỏ- nhỏ hơn mấy mươi năm về trước. Số làm vườn với huê lợi thất thu hoài. Số nữa trộm mũ cao su vì không biết làm gì sinh sống.


Sau 35 năm trở lại, dấu tích mùa Hè đỏ lửa vẫn còn. Duy nhất một con đường có chút khang trang là Đại lộ Hoàng Hôn. Còn đó chứng tích tan hoang ngày bom đạn trút xuống tựa như trong biển lửa. Đây đó vẫn còn sót lại những căn nhà cũ kỹ. Những mái tôn rỉ sét sẫm màu. Những vách tường vàng vọt, trốc lỡ như thân thể héo khô của người bệnh nan y, nằm bất lực mơ ước thiên đàng còn mãi xa vời. Nhà cũ, nền xưa giờ mất dấu. Khu chợ nhỏ bé, sình lầy, người buôn thúng, bán bưng lẫn với những gian hàng cũng là nhà. Ngập ngừng theo chân bạn bước vào, ngạc nhiên cùng xúc động bởi vòng tay ôm mừng rỡ của người đàn bà từ một gian hàng trong chợ chạy ào ra. Thầm phục trí nhớ người bạn thời tiểu học. Không hiểu cách nào để nhận diện, sau gần 40 năm chẳng gặp nhau.


Rừng cao su lùi lại xa mờ. Nếu được hỏi thấy gì sau một lần về. Câu trả lời sẽ là không có gì ngoài một chữ buồn. Buồn như nụ cười của người ở lại sau khi tàn cuộc chiến. Dù sao, rồi có một ngày An Lộc sẽ vươn lên. Sẽ trở thành phố xá tấp nập, đầy dinh thự khang trang bởi không còn đất ở vùng gần đô thị. Người giàu sang quyền lực đã và đang trải vàng lên đất để có những cơ ngơi đồ sộ trong thành phố. Đất không còn nhưng lòng tham muốn còn cao chất ngất trời xanh. Rồi có một ngày như thế, mai này. Chỉ thương cho những người gắn liền cuộc đời trên mảnh đất tội tình. Thương Cô giáo "ngàn thu áo tím" sau chinh chiến trở về ngồi nơi quán nước, nhìn cuộc đời dần qua trong quạnh quẽ buồn hiu.

Ngày cuối ở Saigon T sang đón về thăm trường cũ. Cùng đi trên xe là người bạn cùng lớp với T đang dạy học nơi đây. Chạnh lòng khi nhìn QT còm cỏi, xanh xao. Lặng lẽ như chiếc bóng trừ khi được hỏi. QT gọi trước cho Thầy Hiệu trưởng để có buổi hàn huyên bất ngờ cùng đám học trò. Khi hỏi xin Thầy danh sách của giáo sư và học sinh những niên khóa xa xưa. Thầy lắc đầu bởi quá khứ không ai lưu giữ, hiện tại không đủ nhân viên lo việc đó. Hỏi sao trường bây giờ thu lệ phí học sinh. Cô giám thị cười buồn. Chi phí không có đủ cho nên như thế. Từ chiếc ghế các em ngồi cũng tự trường lo. Nghĩ mà thương nhưng đâu có cách nào hơn. Mỗi tháng đến ngày thu lệ phí, nhiều em nghỉ học chỉ vì không có tiền để đóng.

Đi loanh quanh trong sân trường tìm dấu chân xưa. QT hỏi cây phượng nào ngày đó chị trồng, còn nhớ hay không? Lắc đầu vì trí nhớ cùn mòn. Lần trở lại rồi cũng sẽ nhạt mờ trong tâm tưởng.
T chu đáo chụp từng bờ ghế đá. Những dãy bàn trống trãi lặng câm. Tượng Nguyễn Trãi uy nghiêm đứng lặng, để làm chứng nhân cho lịch sử đổi thay. QT lặng lẽ cạnh bên bấm máy không ngừng, như giữ lại dùm người phương xa chút kỷ niệm mang theo về bên đó.

Trước lúc lên xe, không hẹn mà cả ba người bâng khuâng đứng lại trước cổng trường. Nhìn về hướng cầu Tân Thuận không dưng nhớ Dũng. Chiếc cầu cao, nắng rát thịt da, xe đạp không qua nỗi nên có hai đứa học trò cùng đi bộ. Đôi guốc đứt ngang, mặt đường nóng bỏng. Dũng trao liền đôi dép, đi chân không và nhất định không quăng đôi guốc đứt quai. Không làm sao nhớ nỗi ở đâu có sẵn sợi dây, để trên vai của đứa bạn học si tình là hai chiếc guốc treo lơ lửng. Đôi khi nhớ khoảnh đời ngây thơ cũ. Thấy thương và nợ Dũng một lời tạ lỗi chân thành, bởi ngày xưa có ý tránh xa. Cắt đứt luôn tình bạn, để người gầy guộc xanh xao không ngã gục vì mang tâm bệnh. Dẫu gì mình cũng để khổ cho người, bởi vừa vướng bệnh vừa không còn gặp nữa.


Đưa QT về trời lất phất mưa. Vẫn chưa định hướng nhà QT ở nơi nào trong trí nhớ cũ xưa. Đi với T vào quán cà phê ở quận Tư, thấy thiếu khoảng không gian yên tĩnh cho ly cà phê giữa một ngày mưa bay nhẹ. T vừa nói chuyện vừa copy để kịp trao tay CD đánh dấu hơn 30 năm ngày về thăm trường cũ. Chia tay T không hẹn ngày gặp lại, sau cái xiết tay dưới cơn mưa. Đâu biết còn nhiều lần gặp sau này, qua vòng tay nối rộng từ bên đó sang đây, cùng góp sức chung lo cho đàn em nhỏ đồng môn của thế hệ sau.


Đêm cuối tháng Tư, Cô giáo ngày xưa rưng rưng nước mắt khi nói lời giả từ với đám học trò. Cô như chim Mẹ cất lên tiếng gọi, lũ chim con lũ lượt kéo nhau về. Học trò Cô từ 46 năm trở lại. Có người chưa ngày nào được học với Cô, nhưng lòng quý kính thương yêu không khác gì nhau. Cô đến và đi, để lại và mang theo tình thầy trò nồng ấm đậm đà. Dù ân cần hay lặng lẽ, vẫn dễ nhận ra sự chăm sóc, quan tâm tỉ mỉ của từng người trong những ngày Cô ở nơi này. Không chỉ riêng tình đồng môn chung mái trường xưa, mà chính là sự chia sẻ chân thành quanh điểm hội tụ là người Thầy cũ.


Tiễn Cô ra sân. Đêm cuối tháng Tư có gió về se lạnh bờ vai. Cô quay lại bảo vào đi, đừng làm Cô bịn rịn. Chợt nhớ ra chưa kịp nói lời nào để tạ ơn tấm lòng và tình thương của các Thầy Cô. Tạ ơn những người anh xa gần từ California, Houston, Dallas, Kentucky...Đã cùng nhau góp một bàn tay, chia sẻ nỗi khó nghèo của những vị Thầy và đám em thơ còn lại bên kia. Cũng chưa kịp ngâm cho Cô nghe bài thơ Cô ao ước được nghe. Chỉ còn giữ lại vòng tay ôm bịn rịn và nụ hôn ấm nồng trên má, nhận được từ Cô trước lúc chia tay.


Mùa hạ năm nay, sẽ có thêm nhiều phần học bỗng được gởi về bằng tình thương của Thầy Cô và những người anh, người chị phương xa. Trong niềm vui sao như có đắng cay. Những bài báo từ trong nước gởi ra cho thấy nền giáo dục VN là một vũng tối đen. Áp đặt nặng nề về thi cử, nhồi nhét học thêm không ngừng bên cạnh chương trình có sẵn ở trường và sách giáo khoa thay đổi liên miên, thêm bằng giả, bằng mua, bằng mướn người thi hộ...Sẽ về đâu một nền giáo dục vừa cổ lỗ vừa dị hình, dị dạng. Càng sửa chữa càng thụt nền, long móng...
Trên ti vi, người nhạc sĩ đang ôm đàn giọng hát thật buồn "...những cô gái yêu kiều trên quê hương. Đời nỗi trôi, em đến đây đứng đường. Ôi xót xa nào! Đem bán thân nơi xứ người.....Ôi nỗi nhớ nhà. Ôi xa quá, không lối về..."

Chợt nhận ra, dù có làm gì đi nữa nỗi buồn vẫn còn nguyên mỗi năm khi tháng Tư sang.

quỳnh my



Comments

Anonymous said…
This comment has been removed by a blog administrator.

Popular posts from this blog

anh có biết

Bước vào cửa đạo

nhà xưa