Ra khơi


Đầu tháng 12-2015, sau khi xem kết quả  Hida Scan, bác sĩ chuyên khoa đề nghị cắt bỏ túi mật đầy sạn, chỉ còn hoạt động chừng 17 o/o, không giúp được gì ngoài những cơn đau muốn ngất đi, tưởng chừng như bị heart attach. Tôi hỏi, giải phẫu xong có bị ảnh hưởng gì không? Ông cười, nói không có mật cuộc sống của bà vẫn không có gì thay đổi. Theo tôi được biết, bà có 4 người trong gia đình đã cắt mật rồi, nên có phần nào kinh nghiệm phải không? Giải phẫu chừng một tiếng, về liền sau chừng 30 phút nghỉ ngơi. Sau hai tuần lễ thì có thể đi làm trở lại. Chợt nghĩ, chàng đang muốn lênh đênh trên sóng nước, nên hỏi bác sĩ tôi có thể đi cruise sau khi giải phẫu một tuần không? Ông gật đầu, nhắc không mang xách gì nặng khảng 10 lbs. Đi đứng nhẹ nhàng, không tham gia  những hoạt động mạnh trên bờ hay dưới nước. Vậy là cười thật tươi lúc chào hẹn gặp lại bác sĩ vào thứ ba tuần tới trong bệnh viện, thay vì lo lắng trong vài ngày nữa sẽ bị đưa lên bàn mổ. Chàng như có chút ngạc nhiên khi nghe báo tin tuần sau giải phẫu mà sao hớn hỡ. Em hỏi bs rồi. Mình có thể đi cruise một tuần sau khi mổ. Chàng cười. Bây giờ, việc của em là chọn chuyến tàu nào em thích.

Về nhà, mở email nhận từ các hãng du thuyền, chọn book liền hai vé của Princess đi một tuần sang Western Caribean. Nhẫm tính, giải phẫu thứ ba, chủ nhật lên đường vậy là chỉ sau năm ngày chứ chưa tới một tuần. Chị lớn nói mừng cho em được đi chơi, nhưng phải cẩn thận vì vết mỗ còn mới quá. Mấy đứa em trẻ hơn nhưng e ngại nhiều hơn chị. Sao chị gan quá vậy. Cắt bỏ đi một bộ phận trong cơ thể không phải là chuyện nhỏ! Chỉ cười thôi vì đâu biết trả lời sao. Làm sao biết được điều chưa có xảy ra mà nói. Nghĩ thầm, có lẽ dẫu không còn lớn mật nhưng mà gan chắc vẫn to! Xếp hành lý sẵn để khỏi lo không đủ sức làm lúc cận ngày, chưa bao giờ làm gọn và nhanh như thế. Lần này cho chàng mang vác một mình, khi dắt vợ đi dưỡng bệnh. Nói với những người khách sẽ vắng mặt hai tuần, vừa giải phẫu vừa đi cruise sau đó. Ai cũng cười, cho rằng chàng quá thông minh. Chỉ cần chăm sóc vợ mấy ngày đầu, sau đó chàng cũng được chăm sóc kỹ trên tàu dù không qua giải phẫu. 

Yếu, đuối sức và đau ê ẩm sau khi mổ. Em gái nấu vài món ăn nhẹ đem qua. Cứ mỗi hai tiếng chàng đỡ dậy dắt đi quanh phòng khách. Không ngờ chỉ cắt bỏ đi có chút xíu thôi mà như người ốm nặng không gượng nỗi. Cho đến thứ sáu vẫn nằm thiêm thiếp. Nói với chàng chắc em không đủ sức đi cruise. Em cứ nằm nghỉ ngơi, đừng lo lắng làm chi. Tới ngày đi nếu em còn yếu quá thì mình bỏ vé, chờ dịp khác. Qua ngày thứ bảy bỗng như hồi sinh trở lại, dẫu mỗi lần ho là đau quặn thắt bên trong. Chủ nhật, con trai đưa hai đứa xuống tàu. Bến đậu của Princess không ở Galveston mà là Bay Port Terminal , thuộc thành phố Pasadena, TX. Đứng trên tàu dõi mắt nhìn nơi chốn cũ, những kỷ niệm xưa bỗng ùa về, vui ít buồn nhiều. Ba mươi ba năm về trước, từ VN sang cả nhà ở nơi này. Thành phố với những nhà máy lọc dầu cao ngất, phun khói đêm ngày mù mịt cả góc trời. Nơi có sự hiện diện của đảng KKK và những người cảnh sát không thân thiện, hay làm khó những di dân mới tới. Ở đây đứa em trai cố gắng lấy bằng lái xe sau 3 ngày tới mỹ, để đi làm "kiếm tiền chợ" cho gia đình 7 người. Buổi sáng thức dậy ra chỗ đậu xe của chung cư chuẩn bị đi làm, em trai hoảng hốt nhận ra bốn cái bánh xe đã bị kẻ trộm tháo trong đêm. Ở đây, đứa cháu nhỏ học mẫu giáo, mỗi lần trời mưa vẫn đòi ông nội cõng đến trường vì không muốn dơ giày. Cha năm ấy đã gần đến tuổi70, bé út chưa đầy 17 tuổi. Không giống như hầu hết người già thuở ấy, nhiều bi quan, buồn phiền vì lạc lõng đứng bên lề cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Cha an nhiên chấp nhận hoàn cảnh nhiều giới hạn, với niềm tin đám con cháu mai này đời sống tốt đẹp hơn nhiều so với mẹ cha. Một đời sắp sữa qua đi. Cha vui vẻ thích nghi với những gì mình có trong hiện tại. Mới ngày nào, mấy cha con còn chở nhau đi học tiếng Anh buổi tối, vậy mà cha ra đi tính ra đã gần 16 năm rồi. Đứa cháu gái cha cõng những ngày mưa thuở ấy, cả luôn đứa cháu ra đời sau năm 75 cha chở đi nhà trẻ bằng xe đạp, giờ đã thành tài và có cuộc sống ấm êm bên cạnh chồng con. Còn đứa con gái mà cha thường xa xót, thở dài cho số phận không may, giờ đã có nụ cười trở lại, không phải nụ cười trong héo ngoài tươi của những năm xưa.

Hai lần đầu đi tàu không say sóng, lần này bị nếm mùi. Có lẽ vì người còn yếu quá nên không kham nỗi. Mỗi đêm hai đứa ngồi ăn tối chung bàn với năm người đàn bà Mỹ, đến từ nhiều nơi. Họ là hai group khác nhau của mẹ và những đứa con gái đã lập gia đình sống xa nhà. Chàng là người đàn ông duy nhất trong bàn, được từng người ân cần tiếp chuyện. Lúc giới thiệu tên họ mới gặp khó khăn, bởi người đàn ông VN có thói quen muốn người bản xứ phát âm cho tới khi nào nghe chính xác tên mình. Chàng không chấp nhận chuyện “sửa đổi” họ tên theo cách phát âm của họ, bỏ hết mấy cái dấu bên trên nghe chẳng phải tên. Một lần, khi nghe chàng hỏi câu này, tôi đành phải chào thua không còn dám nói họ, tên không bỏ dấu! Tại sao khi họ giới thiệu tên, mình cố gắng phát âm cho chính xác. Còn tên mình để họ nói sai rồi tự ý đổi họ tên sai theo họ hay sao?. Em họ Nguyễn, có dấu ngã. Không phải Nguyên, càng không phải Ween hoặc Nu-yen! Không cần biết là dân gì, đến từ đâu. Đã là tên riêng thì cần phải gọi cho đúng tên để tỏ lòng tôn trọng họ. Cô gái trẻ nhanh tay bấm tên từng người bạn mới vào phone. Tên của chàng cô để là “Ton” rồi thêm note để kêu cho đúng. Tất cả đều cười vui như tự thưởng cho mình, đã gọi tên người VN chính xác dù hơi khó. Mọi người mượn note của cô gái trẻ, chụp hình để giữ lại cho mình.
Không như Carnival, ồn ào với nhiều trẻ con và người mễ. Princess, dân trắng chiếm đa số. Họ vào độ tuổi trung niên, đã hay sắp sữa retire nên có phần yên tĩnh nhiều hơn. Chỉ khổ một điều, hai bàn ăn kế cận là một group lớn khoảng 20 người đến từ trung cộng. Một cô tàu có lẽ là trưởng đoàn du lịch, đã làm phiền mọi người quá sức, bất cứ khi nào có mặt cô. Mỗi lần cô cần thông báo chương trình, nói cho nhóm người của cô chi tiết cùng chỉ dẫn, là tất cả 5, 6 bàn quanh đó đều phải ngừng ăn, ngừng nói. Tiếng tàu bình thường khi họ nói chuyện với nhau, chỉ cần  3 người trở lên đã giống như đang tranh cải. Đàng này cô dõng dạc, oang oang như chỗ không người, kéo theo nhiều thắc mắc ồn ào của đám 20 người chỉ biết tiếng tàu, giữa bữa ăn tối lẽ ra nhẹ nhàng thanh lịch. Cô tàu làm phiền hàng xóm khoảng 3 đêm. Những đêm còn lại không thấy cô khuấy động. Cả nhóm lớn đó cũng bắt đầu ăn nói nhỏ nhẹ hơn. Có lẽ họ biết tự trọng sau khi có sự than phiền của nhiều người. Cơn say sóng làm tôi vật vã, hầu như chỉ muốn gục xuống bàn thôi. Nhìn bữa ăn dọn ra vẫn còn nguyên, mọi người ái ngại nhắc chàng  mua thuốc say sóng may ra sẽ khỏi. Đêm đó trước khi thuốc ngấm, nghe thuyền trưởng thông báo đêm nay tàu sẽ cặp đảo Cozumel- đảo này không có trong hành trình 7 ngày, vì cần cho một người bệnh xuống đảo lấy máy bay trở lại đất liền khẩn cấp. Đêm sau lại nghe tàu ghé bến khẩn cấp lần nữa. Thêm một người đàn bà bệnh nặng phải quay về. Nghe rồi bỗng lo thầm. Chàng như đóan được ý nghĩ qua đôi mắt, nên bóp nhẹ bàn tay bảo nhỏ. Nếu cần thì mình cũng làm như vậy thôi em. Tắp vô đảo, đi máy bay về gấp. Em đừng lo lắng làm chi. Tới đâu mình tính tới đó. Rồi mọi chuyện sẽ êm đẹp lại.
Uống viên thuốc say sóng rồi kê gối thật cao khi ngủ như lời bà khách trên tàu dặn, sáng hôm sau hai đứa có thể lang thang lên đảo. Đứng chụp hình lúc vừa ra khỏi tàu, nhận ra vết cắt nhỏ hơn đầu ngón tay chưa lành vừa rỉ máu. Chàng lại trấn an. Nước đọng bên trong vết cắt tràn ra là chuyện bình thường thôi. Chỉ có một chỗ rỉ máu chứ không là bốn chỗ. Em trở vô thay áo rồi mình quay lại, hay vào nghỉ ngơi đến chiều tối đi ra ngắm phố đêm. "May mà có anh, đời còn dễ thương". Đúng là khi bệnh yếu, thân chẳng chiều tâm không gì may mắn hạnh phúc bằng khi có bên cạnh người đồng hành cảm thông, chia xẻ khiến lòng an ổn. Nhờ không mua vé đi tour, hai đứa thật thong dong bởi không bị trói buộc vào giờ ấn định khi tàu ghé đảo, rồi chờ đợi cho đến lúc đủ người, kể cả những người khác tàu cùng chọn chung tour. Đi chung với nhiều người, chàng luôn tránh chụp hình. Lúc chỉ có hai đứa chàng chụp hình không biết chán. Những du khách nhìn đôi trẻ đầu chớm bạc, hay dừng lại tình nguyện bấm dùm để hai đứa có hình chung. Người đàn bà trẻ mua nhiều vòng đeo cổ, đứng chờ ở phía đi ra bãi biển để đeo tặng mọi người như trao tặng niềm vui.



Chuyến đi bảy ngày nằm hết hai ngày. Một đôi lần còn ăn trong phòng nữa. Chàng an ủi, em đi dưỡng bệnh mà. Mỗi ngày ngắm hoàng hôn trên biển. Quen thêm nhiều bạn mới dễ thương. Chỉ thiếu phần ngắm bình minh. Mặt trời không chịu đợi vì cả hai dậy muộn. Đêm nằm trên ghế đắp khăn tắm vừa mới sấy còn hơi nóng, vừa ngắm sao trời vừa coi phim trễ. Đêm trên biển gió làm se lạnh, nhưng mục ‘Movie under stars’ vẫn có rất nhiều người. Không gian như lắng đọng chung quanh. Ngoài tiếng sóng chỉ còn tiếng âm thanh phát ra từ màn ảnh. Lòng thanh thản nhẹ nhàng, xa rời những bận rộn, loay hoay thường ngày trong cuộc sống, còn hạnh phúc nào hơn.
Bữa ăn tối trong đêm cuối ở nhà hàng, trước khi những người bạn ngồi chung bàn ôm hug nhau từ giả, đã xảy ra hình ảnh thật dễ thương. Nhân viên của nhà hàng kéo nhau ra ca múa chào tiễn khách. Họ đi qua từng bàn, dừng lại nắm tay vài người cùng nhảy vài giây. Bên cạnh đó nhóm người tàu ngơ ngác nhìn sang. Tất cà mọi người trong bàn chúng tôi không hẹn mà cùng tự động bước sang với họ, nắm tay từng người ca hát thật vui. Những ánh mắt từ ngạc nhiên chuyển sang cảm động. Có lẽ họ đã nhận ra tâm tình của người bản xứ ở đây- chỉ không thích cách sinh hoạt xô bồ chỗ đông người của họ, chứ không hề ghét bỏ, lánh xa. Tôi ôm hug ông tàu già, chào từ giả bằng một nụ cười. Ông cũng làm y như vậy với tôi, khuôn mặt ấy rạng ngời hạnh phúc. Không biết chàng cùng lúc đã hug người nào. Bà cụ già hay cô gái trẻ đẹp trong số ấy. Chỉ biết niềm vui đang hiện diện khắp cùng đêm đó..

Trở về nhà, đứa em gái vẫn còn nói chị liều quá làm em hồi hộp. Chàng cười. Hai đứa không làm Việt kiều về thăm cố quốc, thì cớ chi hồi hộp!

Qua tết, chàng như bứt rứt vì nhớ biển, nhắc hoài. Em để ý cruise line nào chưa đi để mình đi. Trước spring break một tuần, Norwegian Jade có những chuyến tàu dài bảy ngày khởi hành ở Houston. Lần đầu thấy mấy chữ Freestyle Cruising, hai đứa hơi thắc mắc. Khi book vé, không có phần chọn giờ ăn nhất định mỗi ngày. Ừ thì cứ đi rồi sẽ biết mà. Đã có kinh nghiệm nên việc sắp xếp hành lý bây giờ càng gọn và nhanh. Vậy mà khi thu dọn trở về, vẫn có nhiều thứ chưa dùng đến. Mỉm cười một mình. Thì ra Norwegian chủ trương đem đến cho du khách sự thoải mái dễ chịu. Không có những đêm cần diện đẹp. Không có giờ ăn, bàn ăn cố định ở cùng một nhà hàng, ngồi chung với cùng một nhóm người trong ‘bảy đêm ngà ngọc’. Những người đàn ông giản dị như chàng, vui hơn bao giờ trong chuyện tự do ăn mặc, tự do giờ giấc. Đêm nay ăn nơi này, đêm mai nơi khác. Có lúc ngồi riêng bàn nhỏ hai người, có lúc ngồi chung với nhiều người trong khoảng giờ bận rộn của nhà  hàng nếu như mình đồng ý. Họ đến từ khắp nơi, kể cả ngoài nước Mỹ. Hầu như ai cũng dễ kết bạn vì sự thân thiện, vui vẻ luôn sẵn có. Còn nhớ, em gái rầm rì. Đi có hai người hoài chị không chán hay sao? Lại cười, không giải thích điều em không hiểu nỗi. Chị em vừa khác khuôn mặt vừa khác tính tình. Kẻ ưa tĩnh lặng, người khổ sở khi không lao xao, bận rộn. Nhưng ở ch tĩnh lặng, vẫn luôn có mặt tình thân ở chung quanh trong giao tiếp với đám đông. Không năng  động, nhưng vui với những người năng động, trẻ trung và nhìn ra những nét đẹp của tâm hồn nơi họ.
Cũng trong tuần lễ hai đứa 'ra khơi' lần nữa, em gái út đang nằm nhà dưỡng bệnh vì vừa cắt mật. Bây giờ có đến sáu người trong gia đình không còn mật nữa.

Lên tàu lần này thoáng chút ngạc nhiên. Có 800 đứa trẻ nghỉ Spring Break sớm, đi từng nhóm hoặc với gia đình. Còn lại, gần giống như Princess, đa số là những đôi vợ chồng không còn trẻ nữa. Chị dâu cười khi nghe kể, nói cô cũng vậy. Sắp hưởng nhàn rồi. Ở VN, tuổi của cô nghỉ hưu đã từ lâu. Không chỉ khi ngắm biển nối cùng trời qua nước và mây, mà ẫn luôn có rất nhiều hình ảnh đẹp ở chung quanh. Hai mái đầu kề nhau tóc lấp lánh màu mây trắng bên ngọn nến. Họ cùng  nâng cốc rượu vang khi bên ngoài mặt trời đang chìm dần trên ngọn sóng nhấp nhô. Sáng, chiều đi bộ vòng quanh thân tàu, hai đứa hay nhìn thấy vài đôi vợ chồng mới quen nắm tay rảo bước cùng nhau. Một đôi khi nhìn thấy người ngồi trên wheelchair, người đi bên cạnh. Họ thì thầm, chia chung những nụ cười. Những lần ăn trưa muộn, bắt gặp hình ảnh hai cha con rất dễ thương. Đứa bé gái chừng ba tuổi có mái tóc lọn nhỏ, quăn vàng óng ánh, nói chuyện líu lo với người bố trẻ ngồi trên wheelchair sát cạnh bên. Thỉnh thoảng đứa bé bẻ nhỏ cái bánh ngọt đút vào miệng bố. Hai bố con cùng cười vui trong hạnh phúc thật hồn nhiên.
Ghé Cozumel vào một ngày mưa. Chàng thích thú dạo trong mưa, mặc cho tóc ướt, áo ướt vẫn không muốn che chung chiếc dù tôi đã mang theo. Vừa lên bến tấm hình đầu tiên chàng chụp, là hình tôi che dù có lá cờ mễ thật to phất phới phía xa. Khi hai đứa đi dài theo con phố dọc bờ, chợt thấy nhiều người đang hạ cờ cuốn lại. Bến cảng bây giờ chỉ còn trơ lại cột cờ. Hai đứa ngẩn ngơ không hiểu vì sao.

Tới Belize là nhớ quán dừa tươi. Chàng đùa, chắc anh nghỉ làm tới đây lập nghiệp. Anh chàng chủ quán là mỹ trắng còn rất trẻ, tới nơi này mở quán bán dừa. Khách xếp hàng dài chờ đợi tới phiên. Nhân viên là hai ông mễ già. Một ông chặt dừa xong trao cho anh chàng cắm ống hút, kèm một cây dù nhựa nhiều màu sắc cắm thêm cho đẹp. Một ông thu dọn rác và tiếp tế từng quầy dừa có đủ trái, non, già. Năm đồng một trái dừa tươi. Uống nước xong đưa lại cho ông mễ bổ đôi, chặt xéo một chút vỏ làm muỗng nạo ăn cơm dừa tại chỗ. Nhiều người không biết thú ăn cơm dừa, chỉ uống nước rồi bỏ vô thùng rác. Bà mỹ đang xếp hàng nhìn tôi ngồi trên một trong ba chiếc ghế cao của quán, say mê thưởng thức cơm dừa sau khi đã uống nước xong. Bà thắc mắc hỏi, làm sao để có được trái dừa có phần màu trắng bên trong. Tôi cười. Bà nói với ông chặt dừa lựa trái nào có “meat” bên trong. Nếu trái non, ông sẽ đổi cho trái khác. Nghe xong bà cám ơn rối rít, nói trước giờ chỉ có uống nước dừa. Thấy có người ăn phần cái bên trong mà không biết làm sao để thử. Nhiều người thích pha thêm rượu rum vào. Anh chàng chủ quán bận rộn hơn và kiếm tiền xem ra dễ dàng hơn cả những nhà hàng quanh đó. Trái dừa bình thường 5 đồng. Thêm chút rượu rum vào lên tới 10 đồng- tùy theo nhiều ít hay nhiều loại khác nhau khách muốn pha vô.

Lần này ghé đảo Roatan tàu neo thật xa bờ. Những chiếc tàu cấp cứu ngỡ chưa bao giờ dùng đến, được thả xuống nước để đưa người vào đảo. Đám du khách cười vui nói với nhau. Phải trưng dụng các tàu này để mọi người an tâm, vì nó hoạt động ngon lành khi cần đến, thay vì trả tiền cho tàu của bên ngoài đưa đón khách vào ra. Chợt nghĩ, những ngày sóng lặn, biển diệu hiền, biển bao la như lòng mẹ, ôm những đứa con vào lòng không phân biệt là sóng hay là nước. Khi nỗi giận, biển cuồng nộ, biển là mồ chôn người hoạn nạn. Một người không biết bơi, mang nỗi ám ảnh về những câu chuyện đau thương trên biển một thời của dân mình, mà sao không sợ biển. Có khi, tôi thầm hỏi một mình. Nếu như tàu đắm, mình về với biển thì sao? Câu trả lời là mỗi người một cách “trở về”. Dù cách nào cũng vậy mà  thôi. Từ giã hay không cũng mất, cũng xa. Buồn sẽ hết, ngày sẽ qua và bầu trời vẫn thế. Vậy thì còn bận lòng chi nữa phải không?     


Quỳnh My
 




Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do