Ngài Neten Rinpoche


Tại Ấn Độ có đến 16 bậc giác ngộ và giòng Neten Rinpoche bắt đầu từ ngài Lam Tren Ten, (tiếng Phạn là ChudaPantaka, tiếng Việt là Chu Lợi bàn Đà Dà), là bậc giác ngộ thứ 11. Ngài đã tái sanh nhiều lần ở Ấn Độ và Tây Tạng dưới dạng Bồ Tát Mahasiddha. Sau đó ngài được gọi là Neten Ronpoche Tulku Tenzin Gelek và lãnh chức vụ viện trưởng tu viện Jungpa ở Tây Tạng. Tu viện này được ngài Neten Rinpoche đời thứ nhất xây cất. Ngài Neten Rinpoche hiện thời, ra đời một năm sau khi vị Lạt Ma Neten Rinpoche Ngawang Lobsang Kunga đời thứ 8 viên tịch. Năm 1986, đức Dalai Lama đã tìm ra được Neten Rinpoche, chính thức công nhận ngài là vị Lạt Ma tái sinh đời thứ 9 và giao trọng trách quan trọng của một viện trưởng để tiếp tục bảo tồn tu viện Jungpa. Trước khi được công nhận là vị Lạt Ma đời thứ 9, ngài đã là một học giả nổi tiếng của đại học Phật học Seramey. Sau khi hoàn tất học vị Geshe Lharampa (Tiến sĩ Phật học), Neten Rinpoche tiếp tục nghiên cứu và học thêm Phật pháp tại tu viện Mật tông Gyudmed. Sau bốn năm, ngài nhận bằngNgarapa- bằng cấp cao nhất của Mật Tông do đức Dalai Lama cùng hội đồng giáo sư tu sĩ tổ chức kỳ thi.Ngài trở lại giảng dạy chư tăng ở đại học Phật học Seramey, thuộc miền nam Ấn Độ. Neten Rinpoche hoằng pháp khắp nơi trên thế giới. Tại Canada, ngài thành lập Viện Phật học Jam Tse Cho Ling Dharma Center, vùng Mississauga, Toronto. Ontario.

Trên đường hoằng pháp mỗi năm, ngài Neten Rinpoche dừng lại Houston, Dallas, Austin để thuyết giảng ở những ngôi chùa trong thành phố. Ngài có dáng người cao lớn, đôi mắt sáng kèm nụ cười luôn nở trên môi cho cảm giác an lạc khi tiếp xúc. Có nhiều người quy y, trở thành đệ tử của ngài trên đường hoằng pháp. Một số phật tử có duyên gặp ngài qua những chuyến hành hương viếng thăm tu viện do ngài phụ trách điều hành ở Ấn Độ hoặc Canada. Theo dõi sinh hoạt tu tập, hành trì của hàng ngàn vị sư Tây Tạng qua video được thâu từ các phật tử hành hương, mọi người càng thấu rõ trách nhiệm nặng nề của ngài đối với nền Phật giáo lưu vong Tây Tạng. Hàng ngàn tăng sĩ cư trú trong một tu viện cũ kỷ lâu đời chưa được trùng tu, nếu có chỉ là tu bổ từng phần để có nơi cư ngụ. Bữa ăn đạm bạc của học tăng không phải ở phòng ăn mà ở ngoài trời, trong sân tu viện. Tu học trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề về vật chất, sự khổ hạnh đúng nghĩa phải chăng được dành cho chủng tộc bất khuất, kiên cường dẫu bất hạnh sống đời vong quốc. Quê hương có tên là Tibet bị xóa mất dù đất mẹ vẫn còn.

Trong sự đồng cảm, sẻ chia với vị Bồ Tát giữa đời, đem tình thương xoa dịu nỗi đau qua giáo lý của đức Phật. Ngoài việc tham dự những buổi thuyết giảng của ngài Neten Rinpoche, Phật tử tại Austin, Dallas, Houston mỗi năm đều tổ chức những buổi tiệc chay, gây quỹ giúp ngài thêm phương tiện duy trì các tu viện đang phụ trách. Ban nhạc tên tuổi CBC có mặt mỗi năm. Thừa hưởng từ người mẹ từ bi, các anh chị em trong gia đình CBC ngoài tài chơi nhạc, hát hay còn là những người con Phật thuần thành luôn chung tay góp sức trong nhiều Phật sự. Bốn năm qua, kể từ khi ngài Neten Rinpoche đến với Houston, ban nhạc CBC luôn có mặt cúng dường bằng tiếng hát, bằng tiền thu được ở những CD. Người tham dự được nghe lại những bản nhạc ngoại quốc gợi bao kỷ niệm một thời ở Saigon, cùng những bản nhạc thính phòng sâu lắng trong đêm. Đẹp nhất vẫn là màu áo trắng cả gia đình CBC chọn mặc trong những lần trình diễn. Địa điểm mỗi năm cùng nơi chốn thật yên tĩnh và trang nhã: Villagio ballroom. Chủ nhân cũng là đệ tử của ngài, đã cúng dường nơi chốn thêm hoa trang trí và chung tay tổ chức buổi tiệc tay. Những bình hoa do chủ nhân cắm, làm ấm căn phòng có sức chứa 500 người.


Ngoài chương trình văn nghệ, còn có Show trình diễn Áo dài thời trang được thực hiện bởi chị Khánh Trang. Để bên ngoài chuyện nhận định thời trang, công sức của chị nhiều vô kể. Là cư dân ở Virginia, chị Khánh Trang đến Houston tuyển chọn những người mẫu thiện nguyện rồi design kiểu áo, cắt may cho từng người, thực tập diễn trong thời gian ngắn nhất....Bên cạnh đó còn có sự đóng góp những món quà ý nghĩa tạo thêm tịnh tài góp phần bảo trợ cho tu sĩ lưu vong Tây Tạng. Những bức tranh cắt ghép bằng giấy, bức tranh thêu tay ròng rã trong 6 tháng mới hoàn thành...Tấm lòng trọng đạo, kính Thầy được bày tỏ qua từng bàn tay đóng góp mà đáng kể nhất là các Phật tử và con em của Viên Thông Tự.

Cùng đi với ngài Neten Rinpoche trong từng lần hoằng pháp có chị Nguyễn Mai Phương. Chị là đệ tử của ngài, cũng là một Phật tử uyên bác về Phật học. Chị Mai Phương ngoài việc chuyển dịch qua song ngữ lời giảng của ngài Neten Rinpoche từ tiếng Tây Tạng sang Anh ngữ rồi tiếng Việt cho Phật tử tham dự, chị còn chuyển dịch nhiều kinh sách và những bài thuyết giảng của ngài. Không biết từ bao giờ, chị Mai Phương- một người đến từ Canada trở thành khuôn mặt quen thuộc đối với Phật tử Houston. Sự giản dị, từ hoà của chị cho cảm giác thân gần ngay từ lần gặp đầu tiên.
Những người con Phật đã đến với nhau, cùng chia sẻ nỗi bất hạnh, đau thương từng ngày của một dân tộc hiền hoà chọn đạo cứu khổ ban vui làm quốc giáo. Những kẻ cuồng ngông mang tham vọng bá quyền, vì tham ác sân si đã không ngừng ra tay tiêu diệt giống dân Tậy Tạng. Quê hương Tây Tạng khó nghèo trên những dãy núi trùng điệp đã bị xóa tên. Nước mắt, máu và xương thịt của tu sĩ và thường dân đã đổ, đã hoà trong đất đá tang thương suốt bao năm. Tu viện bị tàn phá. Tu sĩ bị giết hại chẳng nương tay. Họ không có tội tình gì ngoài nỗi cam phận sống cùng đất đá trên quê hương đã mất. Ngài Nenten Rinpoche may mắn đào thoát nên được sống còn để hổ trợ, dìu dắt các tu sĩ lưu vong Tây Tạng, đem giáo lý giải thoát đến với kẻ mê lầm cho nhân loại bớt khổ đau vì tham ái si mê. Đã không còn đường về cho người Tây Tạng lưu vong. Chỉ còn lại nỗi đau buốt nhói khi nhìn đồng bào, chủng tộc của mình sống khổ nhục, chết âm thầm không ai biết dưới bàn tay sắt máu của nhà cầm quyền trung cộng.

Nhìn quốc gia Tây Tạng vĩnh viễn bị xóa dần dấu vết của một dân tộc bị diệt vong. Hướng về quê hương hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương xa thẳm nghìn trùng, những người con xa xứ lòng đau. Tim không ai cắt mà như rướm máu. Chỉ còn hơn ba năm nữa mà thôi, khi hiệp định Thành Đô được thực thi. Việt Nam sẽ là một Tây Tạng thứ hai trên thế giới. Hơn ba triệu người ngủ say trên quyền lực, trong tham ác si mê. Vẫn còn gần 90 triệu đồng bào tôi, lẽ nào chưa thức tĩnh hay sao? Họ đã ngủ quên trên phận đời nhược tiểu khiếp hèn. Trên thành công tạm bợ che mờ lý trí. Hay là sống mà không thở nhịp yêu thương, quay lưng lại trước nỗi đau đồng loại. Những đàn heo, những bầy cừu vẫn nhỡn nhơ ăn ngủ vui chơi. Đợi đến ngày đến tháng rồi xếp hàng đi vào lò sát sinh để xong một kiếp cừu, heo.

Mẹ Việt Nam ơi! Giòng máu quật cường, bất khuất mẹ trao truyền đã loãng nhạt hơn bao giờ. Thương quá những người đang tranh đấu thật nhỏ nhoi, bất lực. Trong lời nguyện cầu cho dân Tây Tạng không còn cảnh máu đổ, thịt rơi trên chính quê hương. Con chấp tay khấn nguyện cho dân Việt Nam thức tĩnh, cùng chung tay gìn giữ quê hương. Thời gian đang âm thầm thu ngắn lại từng ngày. Con ngàn lần không muốn thấy quốc gia Việt Nam không còn nữa. Người dân Việt nam sống kiếp đọa đày trong khổ nhục đời đời

Quỳnh My











Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do