Nhớ Mẹ


Từ khi không còn mẹ, tôi trốn nỗi buồn, nỗi trống vắng lặng thầm bằng cách đi làm ngày lễ Mother’S Day- là ngày nghỉ của tôi. Năm nay không ngoại lệ. Những người khách thân tình tỏ vẻ xót xa. Tôi trấn an rằng, được gặp những bà mẹ cùng con gái, nhìn họ hạnh phúc bên nhau, đó cũng là hạnh phúc của tôi. Bà Kathleen lắc đầu không biểu đồng tình. Bà nói tôi cũng là người mẹ, là niềm vui của các con tôi. Đã tám mùa lễ trôi qua không có mẹ, mà sao nỗi trống trải, quạnh hiu vẫn còn nguyên.
Vừa rồi trong ngày giỗ mẹ tôi, sau bữa ăn gia đình đám chị em gái và chị em dâu tự dưng xoay quanh câu hỏi: Làm thế nào để mai này được con dâu, con rể mến thương? Chúng thực sự “về nhà” mỗi lúc đến thăm, thực sự xem mình là người mẹ thứ hai của chúng. Đứa em dâu nhỏ nhất góp lời. Em sẽ ráng học theo má mình để con dâu, con rể thương mà muốn về thăm. Về nhà má lúc nào cũng có món ăn ưa thích má nấu để sẵn đợi mình. Má lúc nào cũng cười hiền, nhỏ nhẹ hỏi han chuyện nhà, chuyện việc làm. Đó là sự quan tâm, sự dịu dàng có sẵn tự tâm. Ngoài niềm vui biểu lộ mỗi khi gặp mặt cháu con, suốt mấy mươi năm em chưa một lần nào thấy má cau mày không vừa ý chuyện gì, hay nghe một câu hơi gay gắt vì đang lo lắng buồn phiền hay khi cơn bệnh hoành hành…
Tôi nhói lòng, kềm giọt nước mắt sắp tràn mi. Các chị em dâu của tôi đều biết mình có phước khi có trong đời bà mẹ hiền thiện, từ bi toát ra từ khuôn mặt, lời nói và trong hành xử. Chúng tôi gắn bó với nhau suốt bao năm cũng chính là nhờ tình thương bao la của người mẹ, trong gia đình mười anh em cùng dâu rễ, thêm mấy mươi đứa cháu vây quanh. Mẹ là cây cổ thụ, tàng lá xum xuê cho bóng mát chở che.
Em trai nhỏ của tôi là đứa “ghiền” mẹ nhất. Ngày mẹ dứt sữa cho em, lũ chúng tôi cũng gian nan. Mẹ bôi thuốc đỏ, thoa dầu cù là, dầu nhị thiên đường, bôi ớt lên đầu vú….dẫu làm cách gì thằng bé cũng không chừa. Mùa hè năm đó mẹ giao cho mấy chị em tôi, ẳm đứa em nhỏ rời xa mẹ để cho em thôi bú hẳn. Dường như khi ấy chị tôi ở tuổi 15, tôi mới 8 tuổi và em kế tôi 6 tuổi. Không có tôi và chị, mẹ cực nhọc nhiều hơn nên chỉ giữ lại đứa em gái 3 tuổi ở nhà thôi. Từ Bình Long, cha chở ba chị em tôi cùng em trai bé bỏng lên Lộc Ninh, cách tỉnh lỵ hai mươi mấy cây số. Mẹ dặn ở lại đó cho tới khi nào em dứt sữa, cha sẽ đón về nhà. Chúng tôi được mẹ gởi gắm ở nhờ nhà người dì, là chị bà con của mẹ tôi.



Chị em tôi được gia đình dì chăm sóc thật là chu đáo. Đúng là kỳ nghỉ hè lý thú nhất trong đời, nếu như không có “thằng cu tí khóc nhè” bất kể ngày đêm đòi vú mẹ! Dì và người con gái, bằng tuổi chị tôi, ngày nào cũng làm nhiều món bánh trái để đãi đám nhi đồng. Chúng tôi thưởng thức tận tình những món ngon của miền quê và khoai củ ê hề trồng ở nhà dì. Chị tôi bồng bế em trai, thỉnh thoảng tôi thay phiên nằm lên võng, ôm đứa em bé bỏng trong lòng để dỗ dành. Giữa trưa hè rộn tiếng ve kêu, là những bài hát ru em thuộc lòng được nghe từ mẹ, lẫn trong tiếng khóc của em tôi. Hết bài, chị em tôi đổi qua hát nhạc Lam Phương, Trúc Phương, Anh Bằng…Ngày nhỏ tôi thuộc bài hát dễ dàng hơn bài học thuộc lòng ở trường, vì mỗi ngày đều được nghe qua làn sóng phát thanh của đài Sài Gòn hay đài Quân Đội..
Sau hơn một tuần tiếng khóc đòi vú mẹ cũng lơi đi. Mấy chị em từ giã dì và người chị dễ thương, bồng em về cho mẹ. Vừa thấy mẹ là thằng bé chạy nhào tới sà vô lòng, bất kể cay, đắng trên đầu vú nó lao vô bú, tưởng chừng như đói khát từ lâu lắm. Chị em tôi thất bại hoàn toàn nhưng đã có một mùa hè bất ngờ và quá tuyệt vời ở đất Lộc Ninh. Riêng mẹ phải kéo dài thời gian dứt sữa thêm chút nữa, thay vì đúng một năm như đám chúng tôi.
Khi em trai lấy vợ, chị em tôi kể lại chuyện xưa với đứa em dâu. Sau trận cười của mọi người, “nhân vật chính” cười tủm tỉm mà rằng: Giá như hồi đó có phim hoạt họa thì em bỏ sữa không cần dùng biện pháp! Thật “cay đắng” ê chề nhưng không ai hiểu cho em! Đứa em này có con lớn lắm rồi nhưng vẫn còn mê phim hoạt hoạ. Và dẫu lớn tới chừng nào, nó vẫn còn “ghiền” mẹ nhiều hơn ai hết. Ba đứa con sinh ra trên đất Mỹ được đặt tên bằng nơi chốn mẹ chào đời: Mỹ Thạnh, Bến Cát và An Lộc- nơi chào đời của mấy chị em tôi. Em chỉ ăn những món ăn mẹ nấu cùng vài món do tôi nấu. Có gia đinh rồi, em kêu vợ theo học mẹ nấu ăn, vì muốn có đúng hương vị của món ăn quen thuộc khi còn bên mẹ. Tính thâm trầm chỉ nói khi cần, ngày mẹ mất em về nhà đóng cửa phòng khóc to như đứa trẻ thơ. Không còn mẹ, em nhắc tôi làm món bánh miền quê ngoại. Cả mấy bố con đều ghiền bánh ít nhân dừa của tôi làm, cho bao nhiêu cũng không bao giờ đủ, kể cả đứa con gái đi học xa nhà cũng giành phần.
Tôi có thể nấu được vài món ăn có cùng hương vị mẹ nấu khi xưa, vẫn cách nhắm chừng chứ không gia vị theo liều lượng. Tôi có thể cảm thông, yêu thương dễ dàng không phân biệt gần xa. Nhưng thật lòng tôi học hoài vẫn chưa có được nhiều đức tính tốt lành từ nơi mẹ. Mẹ nói ít, nghe nhiều nên không bị lỡ lời. Nghe với tâm tĩnh lặng, không phán đoá hay chê trách nên cả đời chẳng vướng thị phi. Tôi còn nhớ những lần chở mẹ qua nhà hàng xóm, cũng là nhà tên bạn học chung trường thuở xưa ở Bình Long. Vợ của nó là con một, nên anh chàng ở rể dài lâu. Những năm đầu gia đình thuận thảo, bà mẹ vợ còn giặt áo quần cho con rể. Sau cuộc đổi đời họ đến xứ này, những ân oán, oan khiên từ đâu kéo đến. Họ không nói chuyện, không nhìn nhau nữa dù vẫn sống một nhà. Đứa bạn mê trồng rau trái, thường gọi tôi qua nhà cắt, hái đem về ăn phụ. Khi tôi ra vườn hái ớt, hái rau, mẹ tôi ngồi đợi và nghe bà mẹ bạn trút nỗi bất bình, khó chịu vì con rể, đôi khi kèm theo lời mắng vì cơn giận kéo theo sau. Mẹ ngồi đó, khuôn mặt hiền hoà, thánh thiện như nghe chỉ để mà nghe. Mẹ cho mượn đôi tai, để làm nhẹ lòng người. Sau câu chuyện, mẹ tôi tuyệt nhiên không nói một lời nào, ngoài nụ cười chấp nhận, cảm thông. Cả đời không nói câu sân hận với ai, nhưng mẹ không mảy may khó chịu khi nghe người khác nói. Tất cả đều theo gió bay đi khi câu chuyện đã xong. Nhưng lòng trắc ẩn của mẹ thì không giới hạn, không phân chia chủng tộc màu da. Mẹ đã cho đi không chút đắn đo, ngay cả trong lúc cơ hàn chật vật. Chỉ cần tôi chạm nhẹ, mẹ có niềm tin tuyệt đối để đồng hành.
Mẹ đúng là tri kỷ, tri âm của đời tôi. Tìm đâu? Biết tìm đâu khi mẹ đã rời xa?



Mẹ là kho tàng vô tận, cho anh em tôi học chia sẻ áo cơm. Học cúi xuống qua đôi mắt thương nhìn đời, thấu hiểu từng cảnh khổ quanh mình. Không mê say vật chất, xa hoa có lẽ là điều rõ nhất trong cách sống mà chúng tôi nhận được từ cha mẹ. Hầu hết đàn con của mẹ ưa tĩnh lặng, yêu thiên nhiên hơn nơi tụ họp lao xao. Có lần cô em nhỏ đến từ trời Tây xa tắp, tình cờ gặp rồi nhanh chóng trở thành chị em đã hỏi tôi. Em ra đời hay gặp nhiều ganh ghét, tỵ hiềm. Sao chị mới gặp em đã mến thương không chút băn khoăn, xét nét gì em? Tôi cười, không biết trả lời sao. Có lẽ tôi quen lắng nghe tiếng nói của con tim nên dễ dàng cảm thông, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống ở chung quanh. Giá mà tôi còn mẹ. Gặp mẹ rồi chắc em không còn thắc mắc vì sao.
Những ngày mẹ sống bên tôi, mấy chị em đi đâu cũng có mẹ cạnh bên. Khi mẹ không đi ra ngoài nữa, những buổi họp mặt với các anh em trường cũ thường tổ chức ở nhà tôi. Mẹ nhận nhiều tình thương mến của Thầy Cô và các anh em. “Bà mẹ Nguyễn Trãi” là cách gọi trân quý dành cho mẹ. Ngày mẹ còn, một cựu giáo sư từ Virginia đã nói với tôi. Cô muốn dọn về đây ở cho ấm áp nên xin “điều đình” một chuyện trước khi cô quyết định. Khi cô có nhà, xin các em cho mẹ về sống với cô. Cô sẽ chăm sóc mẹ cho các em yên tâm đi làm, không lo lắng nhiều giống bây giờ. Bù lại, cô được gặp các em ghé thăm mẹ mỗi ngày. Như vậy là ổn thỏa mọi bề.
Nghe những lời chân thành xuất phát từ con tim tràn ngập yêu thương, tôi biết mẹ có phước và chị em tôi có phước, trước tình thương vô bờ bến của người cựu giáo sư trường Nguyễn Trãi Sài Gòn- người thầy đức độ cao dày, dẫu chị em tôi chưa từng được học với cô. Cô dạy các lớp đàn anh, khi tôi vào trường thì cô đã thật xa rồi. Duyên đưa đến chỉ sau một lần gặp, khi cô đến thăm học trò cũ ở đây. Cô chưa dọn về thì mẹ đã ra đi. Những lần về sau đó cô ở nhà tôi, trong căn phòng dành cho mẹ ngày nào. Chỗ mẹ ngồi niệm Phật là chỗ cô ngồi thiền mỗi tối. Những lần từ giã là từng vòng tay ôm dịu dàng, kèm nụ hôn ấm cô âu yếm dành cho tôi trước lúc chia tay. Những tưởng sẽ đón cô về vùng nắng ấm đong đầy, chàng của tôi không ngần ngại mời cô về sống với chúng tôi, thay vì một mình hiu quạnh trong căn nhà vắng. Cô chưa nhận lời mà chị em tôi đã tưởng tượng ra, chúng tôi sẽ có từng buổi sáng quay quần bên cô trước lúc đi làm như thuở còn có mẹ.
Đời sống là chuỗi dài nhân duyên vô tận. Cô không về sống nơi này như dự định ban đầu. Tuổi hạc mong manh, sức khỏe giờ đã yếu nhiều khiến cô phải dừng chân. Em ơi, lực bất tòng tâm! Em từng chứng kiến thân mình là ngôi nhà mục, trong những ngày bên mẹ trước đây. Thôi thầy trò mình hãy tập xa nhau dần, bởi đường về ai rồi cũng chỉ một mình thôi. Đã hơn bốn năm, tôi chưa gặp lại người mẹ hiền qua bóng dáng người thầy. Mong ước sang năm tới, được đón cô về làm lễ mừng thọ cho cô không biết có thành không?
Gần tới ngày lễ dành cho mẹ, lòng thấy ngậm ngùi trong từng câu chúc Happy Mother’s Day, trong từng vòng ôm nồng ấm của những người làm mẹ trao nhau thay câu chào lúc giã từ ở nơi làm việc. Rồi trên trang FB, một người anh cùng nơi chào đời post lại tấm hình của mẹ năm nào. Trong hình, mẹ và các cựu giáo sư Trung học Bình Long, cùng cắt chiếc bánh mừng lần hội ngộ đầu tiên của dân An Lộc tại California, sau mấy mươi năm tứ tán muôn phương. Tôi rưng rưng chùi nước mắt, bởi đó cũng là lần đi xa sau cùng của mẹ và bầy con gái trong nhà. Hơn nửa năm sau đó mẹ ra đi.
Mẹ không còn, tôi vui nhìn từng người mẹ quanh đời. Khi hiểu và thương được họ, chợt nhận ra mẹ luôn luôn ở trong tôi. Biết thương yêu và nhận lại yêu thương. Phải chăng mẹ vẫn mãi còn trong từng hơi thở, của những đứa con biết thương người như thể thương mình.


Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do