Em về đâu sau tháng Tư 1975?



Tôi cảm thấy tim mình như thắt lại, lòng quặn đau theo từng giọt nước mắt không ngừng rớt xuống trên bàn phím. Đó là một ngày sắp vào đông. Người cựu giáo sư khả kính thời Trung học gởi vào diễn đàn câu chuyện thương tâm. Cô kêu gọi học trò cũ mở lòng ra giúp.
 
Người con gái bất hạnh trong câu chuyện thật, là đứa bé mới lên 5 trong ngày tang của tháng Tư xưa. Những năm tháng đi qua cuộc đời đứa trẻ mồ côi, là chuỗi ngày tối tăm, đau khổ lẫn nhục hình, gặm mòn thân xác héo khô. Từ một thiếu nữ thanh xuân chưa bước vào đời, cô đã bị bắt cóc rồi trở thành nạn nhân tình dục. Sau khi đào thoát, cô tiếp tục bị bán cho bọn buôn người. Và rồi thảm cảnh xảy ra, hủy hoại khuôn mặt và biến cô thành cô gái mù lòa tàn phế trọn đời
 
 Em tên là Nguyễn Thị Tuyết Nga. Năm lên hai tuổi, Tuyết Nga và người anh trai trở thành cô nhi. Cha em là quân nhân thuộc binh chủng nhảy dù, đã tử trận trong mùa hè đỏ lửa 72. Gia đình cô nhi tử sĩ này nhận thêm bất hạnh, khi ba mẹ con bị đẩy ra khỏi thành phố, đày đi vùng “kinh tế mới” ở Mộc Hóa, Long An. Sau một năm, bé Tuyết Nga trở thành trẻ mồ côi cả mẹ lẫn cha và vĩnh viễn mất anh. Mẹ của bé và anh trai đã lìa đời trong tai nạn thảm khốc nơi vùng kinh tế mới. Năm đó, bé Tuyết Nga mới có 6 tuổi thôi. Người hàng xóm tốt bụng đã đem em về nuôi nấng.
 
Năm 1980, gia đình ân nhân của em quyết định vượt biên bằng đường bộ, đi qua Cam bốt trước khi qua Thái Lan. Bé Tuyết Nga cũng được họ dắt đi theo. Tất cả mọi người nương náu tạm gần cảng Bôn Son khoảng 7 năm. Lần vượt thoát thứ hai, họ âm thầm ra đi để lại đứa con nuôi ở đất Miên. Năm đó Tuyết Nga 17 tuổi. Một thân, một mình không biết nương tựa vào đâu. Em lang thang thang tìm kiếm gia đình, để rồi rơi vào tay của bọn lính Khờ me đỏ. Cô gái Việt lạc loài côi cút, sa vào tay bọn quỹ râu xanh. Chúng giam giữ Tuyết Nga cùng vài cô gái khác nơi hòn đảo nhỏ, thay nhau dày vò thân xác các em trong suốt 5 năm. Tuyết Nga cho chào đời một bé gái trong khoảng thời gian hứng chịu nhục hình, bởi lũ người mang thú tính này.
 
Khi con gái được hai tuổi, Tuyết Nga cùng con tìm đường trốn thoát địa ngục trần gian để đến Thái Lan, chấm dứt 12 năm kinh hoàng sống ở đất Miên.
Tuyết Nga và Thu Hương
Khổ nạn chưa dừng lại. Hy vọng trở thành người tỵ nạn trên đất Thái tiêu tan, khi hai mẹ con Tuyết Nga bị bọn người ác độc gạt bán cho đám buôn người, trở thành kẻ ăn xin cho chúng thu lợi nhuận. Đứa con gái yêu thương của Tuyết Nga có thể bị làm cho khuyết tật để việc ăn xin có kết quả nhiều hơn! Hai mẹ con cùng làm hành khất. Một lần, Tuyết Nga liều mình ôm con chạy trốn. Việc không thành, em bị bọn lòng người dạ thú trừng trị vô cùng tàn khốc. Chúng tạt lon acid vào khuôn mặt chưa qua tuổi thanh xuân của Tuyết Nga và bắt đem đi mất đứa con gái nhỏ. Hai mắt bị mù, một bên tai biến mất vì da thịt chảy tan, lấp bằng không còn dấu vết. Đời em đã hết, đã xong, chỉ còn lại thân xác còm cõi, héo khô lây lất.
 
Sự trừng phạt vẫn chưa chấm dứt. Với khuôn mặt cùng hình hài biến dạng, bọn buôn người tiếp tục bán em cho lũ buôn người khác để tận tình khai thác. Đây là đám người tàu sống ở Mã Lai. Năm 1993, Tuyết Nga thêm lần trôi giạt, làm kẻ ăn xin trên đất Mã Lai. Mỗi ngày Tuyết Nga phải xin ăn hàng chục giờ. Em kiếm tiền cho chúng nhiều hơn người khác bằng chính nhục hình và sự khổ đau, bất hạnh của em.
 
Năm 2002, sau 10 năm lây lất xin ăn, Tuyết Nga trốn thoát khi tên đầu đảng của bọn buôn người bị bắn chết vì tranh giành quyền lực. Em trả tiền, nhờ người đưa trở lại Thái Lan với hy vọng tìm con- đứa con gái giờ đã 12 tuổi đang lậy lất đâu đó trong đám ăn mày của lũ buôn người. Không tìm gặp được con. Con đường xin tỵ nạn ở nước thứ ba cũng lụn tàn vì lòng người đã nguội từ lâu, không còn quốc gia nào tiếp nhận. Hình ảnh thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương, đã khép lại tương lai và hy vọng. Tuyết Nga không còn chọn lựa, em sống bằng nghề hành khất thực sự để mưu sinh và tiếp tục tìm con.
 
Cho mãi đến năm 2016, Tuyết Nga gặp vị cứu tinh. Đó là chị Trần Thị Thu Hương- người đàn bà thuyền nhân VN đến Thái Lan năm 1987, sau 9 năm chị bị cưỡng bức trở về VN. Năm 2002, Tuyết Hương lại vượt biên lần nữa, trở thành người cư ngụ bất hợp pháp trên đất Thái. Qua tổ chức Boat Pebleo SOS và Voice ở Thái Lan, Tuyết Hương được giúp đỡ nộp đơn xin tỵ nạn tại Cao ủy LHQ. Trong khi chờ đợị kết quả, duyên may đã dẫn đưa cho chị Thu Hương gặp “người ăn mày” bất hạnh Tuyết Nga. Cảm thương số phận đau thương, Thu hương đã dẫn dắt Tuyết Nga đến gặp các luật sư thiện nguyện để nộp đơn xin tỵ nạn vào đầu năm 2016.
 
Trời đã không phụ lòng người. Hai người đàn bà lưu lạc xứ người, đã đến được bến bờ tự do sau chặng đường khổ nhọc, gian truân. Chị Thu Hương vào độ tuổi 60. Tuyết Nga năm nay 47. Cả hai như là một. Họ sống chung với nhau một nhà. Chị Thu Hương là đôi mắt của Tuyết Nga, là người chị có tình thương vô bờ bến, dành cho đứa em bất hạnh, khổ đau. Cả hai người vóc dáng mong manh, nỗi buồn chưa tan loãng trên khuôn mặt đã vì hai chữ tự do nên hứng chịu đau thương. Tuyết Nga nhận được sự chăm sóc từ chính phủ dành cho người tàn phế. Chị Thu hương vẫn ước muốn đi làm tự kiếm sống bằng sức lực của mình. Đó là một người đàn bà đáng mến, không ỷ lại, dựa vào người khác cho dù mới đến nơi này. Tuyết Nga lặng lẽ trong cỏi riêng trầm uất. Em chỉ nói những khi được hỏi. Hai người đàn bà vừa thoát khỏi cảnh đời trầm luân, đầy bất trắc vây quanh, đã nghĩ tới việc san sẻ những gì mình có cho người còn ở lại bên đất Thái. Họ muốn mở lớp học cho trẻ con nghèo khó, vì không muốn chúng thất học trong cảnh đời lưu lạc. Muốn giúp những người trong quá khứ đã thọ ơn…

Hàng trên, từ trái: Song Vinh, Thạch Bình, Nam Lộc. Hàng dưới, từ trái: Thảo Ly,Tuyết Nga, Thu Hương, Bạch Tuyết, Nga Dung
Qua người anh cùng trường là anh Nam Lộc, sau chuyến đi Thái Lan trong tháng 11 của anh. Thầy trò trường TH Nguyễn Trãi chúng tôi đã cùng nhau góp những bàn tay, ngỏ hầu xoa dịu nỗi đau, chia sẻ phần nào những khó khăn của người mới đến, đã đánh đổi tự do bằng máu và nước mắt lẫn nhục hình trong suốt mấy mươi năm. Những vòng tay yêu thương đã mở ra từ rất nhiều nơi. Tuyết Nga và chị Thu Hương được nhiều người trẻ làm thiện nguyện trong thành phố tận tình dẫn dắt và chăm sóc. Ngoài tình thương, họ còn dùng nghề nghiệp chuyên môn, giúp cho cả hai sớm an cư, có xe làm phương tiện đi lại, chi trả nhu cầu cần thiết mà không ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội... Hiện giờ việc di chuyển và ăn uống của cả hai đều do những người có tấm lòng chăm sóc mỗi ngày. Chị Thu Hương có lẽ chẳng cần ra ngoài làm việc. Việc làm của chị là chăm sóc Tuyết Nga, được chính phủ trả lương. Cả hai có nhau và dường như thuộc về nhau. Làm sao hiểu những nhân duyên trùng điệp, của kiếp người nơi cỏi tạm này.
 
Tuyết Nga vẫn chưa khép lại quá khứ khổ đau của địa ngục trần gian. Em vẫn còn đứa con thất lạc, chưa rõ sống chết ra sao, kể từ lúc phân ly đến nay gần đúng 20 năm. Bệnh mất ngủ kinh niên ngày càng nặng. Đôi khi giữa ban ngày em vẫn còn bị ảo giác dày vò. Những hình ảnh thê lương, man rợ, thỉnh thoảng trở về không kể đêm ngày.
 
Dẫu sao, cuối cùng em cũng đã đến được bến bờ tự do này. Tôi chỉ còn biết nguyện cầu vết thương lòng của em sẽ sớm lành. Đứa con gái yêu thương từng chịu chung bất hạnh với em sẽ được tìm ra. Mong cho hai mẹ con em đoàn tụ một ngày gần, để cuộc đời còn lại của em ở nơi này thực sự được an vui thay cho ác mộng bấy lâu.
 
Thảo Ly

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do