Viết cho Ba

Kính dâng Ba và tất cả những người Cha yêu dấu trên đời
Ba yêu kính của con,

Đã hết thật rồi những ngày lễ, lũ anh em chúng con cùng rủ nhau về, dù về chỉ để nhìn thấy ba nằm lặng lẽ trong phòng, chợt lên tiếng hỏi, đứa nào vừa về đó? Đôi mắt ba kể từ ngày gần như mất đi ánh sáng, khiến con không còn ngại ngần bước tới bên ba. Con ôm nhẹ đôi vai gầy guộc của ba, nói là con- Ly đó ba ơi! Cùng lúc đó con biết ba cũng đã nhận ra giọng nói.
 

Con nhớ khi bắt đầu đi học được vài năm, có một lần con về nhà mếu máo trách ba rằng: Ba đặt tên con không đẹp. Mấy đứa con trai cứ chọc ghẹo hoài, kêu con là tách, là cốc thêm ly, chén.. Con ghét tên Ly ba có biết không? Trong khoảnh khắc ba như khựng lại, nhìn con giọt ngắn, giọt dài tức tưởi giận hờn. Giận ba đặt tên con xấu xí, kỳ khôi. Rồi ba kéo nhẹ con vào lòng khẽ vỗ về. Tên con đẹp chỉ tại con không hiểu. Anh con là Lưu cho nên con mới tên Ly. Là ngọc lưu ly trong sáng, rạng ngời. Mai mốt lớn lên đọc kinh phật rồi con sẽ hiểu. Con chùi nước mắt nhưng trong lòng vẫn nghĩ ba đặt tên cho con không đẹp. Con chỉ thật sự gần ba khi còn nhỏ. Càng lớn con như càng như xa cách ba hơn. Qua cái tuổi ngồi nhỗ tóc bạc cho ba những buổi trưa hè, hay đọc truyện tàu cho cả ba và mẹ cùng nghe, con cảm nhận mình có người cha nghiêm khắc quá, buồn bã quá. Nhất là sau khi chị bỏ theo chồng sống ở xứ người. Con biết con là đứa bé không xinh xắn ngay từ khi còn rất nhỏ, chỉ vì có lần nghe ba buột miệng xót xa. Tội cho đứa con gái xấu xí này. Mai mốt lớn rồi sẽ thiệt thòi nhiều. Chiến tranh thiêu hủy hết những tấm hình hiếm hoi thời thơ dại, cho nên con không tưởng tượng ra khuôn mặt mình khi còn bé ra sao. Có một điều ba không làm sao biết, vẻ xa xót của ba và câu nói bất chợt được nghe đã khiến con mang mặc cảm thật nhiều kể từ khi con biết soi gương. Con ví con như đứa thị tỳ, đi bên cạnh cô tiểu thư trang nhã thướt tha là chị của con.

Có một mùa hè, con được đi theo ba về tỉnh Bình Dương. Đó là những ngày duy nhất trong đời con xa nhà và được đi riêng với chỉ một mình ba. Buổi sáng trước khi đi lo công việc, ba thường dắt con đi ăn hủ tiếu. Con nhớ ba uống cà phê được pha trong chiếc vợt sậm màu, dài gần bằng chiếc vớ cho con cảm tưởng là không sạch sẽ. Một buổi sáng ba thay quần áo xong bước ra sân nhà của dì Tư- là nơi hai cha con cư ngụ trong những ngày ở BD. Con lẻo đẻo theo sau, lòng lo lắng, bất an. Nổi lo thật đúng khi ba nắm tay con dặn dò con ở nhà chơi với các em con của dì Tư. Ba đi tới chỗ này không tiện dẫn con theo bữa hôm nay. Nước mắt con từ đâu tuôn xuống như mưa. Con nắm chặt tay ba nhất định chẳng buông, nói con muốn đi theo ba. Ba đừng bỏ con một mình. Con không thích chơi với ai, con chỉ muốn ba thôi. Ba dỗ dành không được cho nên làm nghiêm nét mặt, gọi tên con và hỏi con có nghe ba nói gì không? Con đưa tay áo chùi nhanh nước mắt. Giận ba và giận luôn nhỏ em gái con dì lém lỉnh đứng nhìn. Nó mỉa mai,Ai thèm chơi chung mà bày đặt nọ kia. Để một mình cho ma nhát cho mà biết. Ba còn nhớ không ba? Nhà dì Tư ở trong quê. Ra khỏi đường đất hẹp là con đường đá sỏi gồ ghề, có những chiếc xe đò chở người ra tỉnh chạy ngang qua. Con vừa khóc vừa chạy lắp xắp phía sau ba một đọan ngắn trên con đường đất, cho đến khi bóng ba khuất dần và con cũng sợ ba bất chợt quay nhìn lại biết con chẳng nghe lời. Con lủi thủi đi trở lại, thoáng nhìn thấy đứa em bà con nhỏ hơn con 2 tuổi, nhưng lúc nào cũng làm như ta đây, coi con là đứa nhóc con mít ướt không hơn. Con buồn bã, cảm thấy bơ vơ hơn bao giờ hết. Dì Tư chắc là qua nhà hang xóm chơi bài tứ sắc rồi. Con làm sao có thể lẩn quẩn vào ra một mình con bên cạnh đứa em không thân thiện, dễ thương. Con tủi thân chợt nghĩ con cần ba hơn bao giờ hết. Có lẽ giống tính mẹ, con thường e dè không nói ra điều con nghĩ trong lòng. Nếu ba biết được, con tin rằng ba sẽ không nở bỏ con một mình khi đã dắt con làm chuyến đi xa chỉ với một mình ba, là điều chưa bao giờ có vớI đứa con nào trong nhà hết. Ngại đối mặt đứa em ngỗ ngáo, con bước đi lang thang về phía có giòng sông ẩn hiện sau những vườn cây trái trong thôn xóm. Con đi hoài cho tới khi nhìn thấy bến sông, dọc bên bờ là bóng mát thật êm đềm. Con thích ngắm giòng nước hiền hoà không gợn sóng, nhưng không dám bước tới gần hơn khi nhìn quanh chẳng thấy ai quanh đó ngoài con. Tiếng ve sầu kêu rộn rã vang lừng. Nắng lên cao dần và chung quanh quạnh quẽ quá làm con e ngại. Con rão bước dọc hàng dừa rợp bóng. Ngước nhìn những trái dừa xanh chợt nghe khát nước và thèm uống nước dừa tươi có bỏ vô chút muối như dì Tư vẫn thường cho con uống. Bây giờ con mới nhớ là con phải trở về. Vắng con lâu dì Tư không biết có tìm không? Con nhớ con đã quay trở lại con đường cũ, mà sao càng đi càng thấy xa thêm. Cho tới lúc này con mới bắt đầu lo lắng, phập phồng. Nhà trong quê nhìn đâu cũng giống như nhau, và dạo ấy con đâu đã biết tìm ra điểm khác biệt, hay biết ghi nhận đặc điểm nơi con vừa rão bước đi qua. Mồ hôi con bắt đầu rịn ra tay, và đôi mắt bắt đầu ướt chừng như muốn khóc. Con thu hết can đảm bước vào một ngôi vườn xa lạ. Cố moi trong trí óc non nớt dại khờ một cái tên để hỏi thăm. Con mừng rỡ nhớ có lần nghe dì Tư nhắc đến tên của dượng Tư, bởi đây là quê chồng của dì thì có nói tên dì chắc cũng không ai biết. Những đứa bé con không biết từ đâu kéo ra sân vây lại, khi con đứng trưóc cánh cửa đang mở rộng. Bà ơi cho con hỏi đường nào đi về nhà của ông Một hở bà? Người đàn bà miền quê miệng nhai trầu nhanh nhẹn bước ra. Hỏi con là ai mà hỏi đưòng tới nhà ông Một? Con lí nhí nói con là cháu kêu ông một bằng dượng Tư. Con lỡ đi xa quá bây giờ không nhớ đường quay lại. Người đàn bà có nụ cười mộc mạc hỏi liền. Có phải con là con gái của chị Hai ở Bình Long? Con mừng, gật đầu vì nghĩ mình đã hỏi đúng người, và chợt ngượng nghịu khi nghe câu nói. Trèn ơi, môi con gái đỏ như son ngó thiệt dễ thương! Con Búp với con Nở đâu mau dắt dùm chị dìa con. Con lí nhí cúi đầu nói con cảm ơn bà rồi lẳng lặng đi theo hai đứa con gái trạc bằng tuổi của con nhưng xem ra nhanh nhẹn và khoẻ mạnh hơn con nhiều lắm. Trong đám trẻ tò mò còn đứng lại trước sân nhà, con nghe có tiếng cười khúc khích sau câu nói “bây ơi, là Bắc kỳ con”. Ba từ đất Bắc vào Nam khi mới vừa 15 tuổi. Những tháng năm lăn lộn vào đời và sống nhiều năm nơi miền quê ngoạI hiền hòa ở quận lỵ Bến Cát, ba không còn giữ lạI giọng nói miền quê nội. Phải để ý lắng nghe thật kỹ, mới nhận ra có một chút xíu gì còn đọng lại mơ hồ. Nhưng con, đứa con gái 6, 7 tuổi sống bên cạnh những người láng giềng gần di cư từ đất Bắc, cho nên con có thể nói được hai giọng Nam và Bắc trong thời tuổi nhỏ. Khi chị sai con đi mượn sách hay tập vỡ của bạn học gần trong xóm, con tự dưng nói giọng Bắc ngọt ngào lúc vào nhà “ngườI Bắc di cư”. Với những người bạn Nam kỳ của chị, con nói hồn nhiên giọng Nam mà không hiểu vì sao. Cho đến khi trở thành thiếu nữ. Con nghiêng về giọng miền Nam nhiều vì chung quanh bây giờ không còn có nhiều "người Bắc di cư” giống lúc xưa. Một điều con tự dưng thấy ngại ngùng. Thầm nghĩ người nói giọng lúc miền này khi miền khác dường như không ổn. Sau lần con buồn đi lang thang lạc mất đường về dạo đó, mỗI khi có dịp trở về nhà dì Tư ở miền quê con được mọi người gọi bằng cái tên mà chẳng phải tên “con nhỏ có đôi môi đỏ như son”.

Ba nói con là “con gái xấu xí”. Dượng Bảy nói con là con gái hay hờn. Con gái “có môi xào một chão” Dượng trêu con có môi dày. “Mỏng môi hay hớt. Dày môi hay hờn”. Lại thêm một người đã góp phần tạo nên căn bệnh mặc cảm của con mà đâu có ai hay. Lẽ ra ba không cần phải tăng thêm mức độ khắc khe với riêng con. Bởi khi con dần lớn đâu có cảnh dập dìu ong bướm giống y như chị ngày xưa. Mặc cảm xấu xí khiến con ngại giao tiếp, thường ù lì, câm nín lúc ra ngoài, nhưng không vì thế mà ba yên tâm, bớt xiết chặt gần như nghẹt thở bằng nhiều luật lệ, cấm đoán gắt gao. Ba quên mất con là con và chị là chị. Hai chị em hoàn toàn khác biệt nhau. Ngày nhỏ từ con trở xuống, 3 chị em bị mẹ cho hớt tóc con trai suốt nhiều năm. Mẹ nói để ngăn ngừa chí rận, vì để tóc dài dễ bị lây từ những đứa bạn chơi chung. Con biết điều này vì chị em con từng đứa, đã bị dì Bảy bắt ngồi yên hằng giờ trong đôi tay kềm kẹp như sắt thép của dì. Dì vạch tóc chận bắt những con chí nhỏ to, rồi nhấn 2 đầu móng tay xuống giết lia liạ ngay trên da đầu đang ngứa ngáy vì chí cắn. Khi nào còn nhìn thấy một cái trứng sắp nở ra, hay một con chí mén dù rất nhỏ, dì nhất định chẳng buông tay dù da đầu lũ chúng con đã rát bỏng theo những con chí chết. Nếu vùng vằng, dì Bảy sẽ chẳng ngại ngùng ký lên đầu tụi con một cái đau chảy nước mắt ra và lũ chúng con tiếp tục ngồi yên chịu trận thôi. Qua khỏi những tháng năm “có chí thì nên”, tụi con được mẹ cho để tóc trở lại để làm con gái. Năm nào khi cận tết, ba cũng chở 3 chị em con đi lên Lộc Ninh, quận lỵ gần bên có tiệm uốn tóc của chị Nhung là người chị bà con. Dưới mắt con lúc đó, chị Nhung là người con gái xinh đẹp, văn minh khiến lũ chị em con ngưỡng mộ biết bao. Mỗi lần uốn cho chị em con mái tóc quăn xong, chị trang trọng cài lên những chiếc nơ mỗi đứa mỗi màu. Con và các em quý chiếc nơ này đến độ khi đi ngủ cũng không chịu gỡ ra khỏi tóc. Sau khi chờ chị em con ở tiệm tóc ra, ba chở đi ăn hủ tiếu và mua những chiếc bánh bao nóng hổi đem về. Viết đến đây con mới chợt nhớ ra. Ba đến từ đất Bắc lẽ ra ưa món phở, mà sao dường như bao giờ đi với ba, lũ con gái tụi con cũng được gọi cho món hủ tiếu quanh năm. Thời gian trôi qua nhanh trước khi con nhận biết. Ba rồi không còn cho chị em con uốn tóc như xưa. Không phải ba lơ là khi lũ con gái lớn dần, sắp trở thành thiếu nữ không còn cần ba chăm sóc nữa. Ba vẫn để ý tới từng điều nhỏ nhặt không ngờ. Ở bàn ăn gia đình, con thường là người xới những chén cơm rồi chuyền tay đều khắp từ ba mẹ cho đến đứa em nhỏ nhất . Con đã giật mình khi nghe ba nhắc, con nên cắt móng tay cho ngắn lại. Chỉ cần sạch sẽ đủ rồi. Tập sống sao càng giản dị, càng hay. Hình thức bên ngoài không đáng để bận tâm, bằng cách sống, cách hành xử của mình đối với mọi người. Một tấm lòng chân thật, biết mở ra chia sớt niềm đau, nổi khổ của người. Biết mang niềm vui đến dù rất nhỏ cho người khác bằng vật chất hoặc tinh thần. Sống đời sống hữu dụng, thiện lành. Khi biết sống giản dị, ít nhu cầu với riêng mình, thì trong hoàn cảnh nào con cũng đều sống được dễ dàng thôi…Con nghe và chưa hiểu hết điều ba nói, cho nên thầm không vui vì nghĩ ba già rồi nên không có chút xíu cảm thông với đám trẻ giống như con. Ba muốn con gái để tóc dài, thả buông xuống ngang vai mà không nói ra ý muốn của ba. Con chỉ biết trong lần ba giận dữ trách phiền mẹ như là tòng phạm, đã để cho con cắt mái tóc dài và uốn những lọn cong. Lúc đó con đang ngồi trong tiệm uốn tóc ở Saigon. Con 18 tuổI chứ đâu còn nhỏ nữa, vậy mà em gái hớt hãi chạy vào nói thì thầm, đến nổi con phải nói với ngườI thợ làm tóc. Chị ơi, làm ơn tháo những chiếc ống cuốn tóc này ra. Em có việc cần về liền, sẽ trở lại với chị vào khi khác. Con về, nghe mẹ và em kể lại chuyện ba nổi nóng, mắng mẹ chỉ vì con đem uốn đi mái tóc của con. Con vừa giận hờn ba, vừa xót xa cho mẹ, khi nhìn những giọt nước mắt tủi buồn của người mẹ hiền lành. Con nói ba gần con bao năm mà như không hề biết con là ai hết. Mái tóc là mái tóc. Con là con mà ba có nhớ đâu! Ba nói hình thức không là gì hết. Thì con đâu thể nào trở nên hư vì mát tóc của con. Ba nhìn con sững sờ một vài giây, rồi thẳng tay tát vào một bên má của con, cái tát hằn lên dấu ngón tay ba. Con lì lợm cố không bật lên tiếng khóc. Chỉ giang đôi tay của con ôm mẹ lúc ấy vì đau xót cho con nên nức nở buông ra tiếng than van. Cơn nóng của ba bừng lên rồi tắt ngúm. Ba thẩn thờ buông xuôi, đi những bước ngã nghiêng lên căn gác nhỏ của ba. Hồi kinh đêm hôm đó đến sớm hơn thường lệ. Căn nhà đông người chợt lặng lẽ buồn hiu theo tiếng mõ và chuông vọng xuống từ căn gác nhỏ. Con giận ba những ngày sau đó, dù biết trong lòng ba ngập đầy những hối hận, ăn năn. Con thấy mắt ba nhìn con trìu mến thương yêu. Nhưng con vẫn như không có gì để nói, vì nghĩ dù con có ngoan hiền hơn chị tới đâu, ba vẫn bị nổi ám ảnh cũ, niềm đau xưa chi phối. Ba nhìn con qua hình ảnh chị. Ba đôi khi trút xuống nơi con những giận hờn vô lý không ngờ. Nhưng càng lớn con càng nhận ra lòng trắc ẩn. vì bao giờ ba cũng là người đầu hàng trước đứa con gái giận dai. Đáng lẽ ba phải thêm vào tên con một cái dấu huyền, bởi con dù đã hết giận hờn ba, vẫn giả bộ làm ra vẻ mặt buồn buồn, không nói không cười. Con nhớ ngay cả khi con còn nhỏ, mỗi khi ba không kềm cơn nóng, nói những câu làm mẹ buồn lòng. Con dù rất e dè tánh nóng như lửa đốt của ba, nhưng con vẫn đôi khi bạo gan lên tiếng nhắc Con nhận từ ba tia nhìn nghiêm khắc, nhưng không che giấu sự ngạc nhiên. Bởi những anh chị lớn không người nào dám lảng vảng quanh ba lúc đó. Cơn giận của ba chợt dịu xuống thật nhanh. Ba nhìn mẹ, nhìn con như hối tiếc. Con nhỏ này luôn luôn biết cách nói khiến người nghe thấy xuôi tai. Đó là câu nói thay cho lời xin lỗi mẹ. Nhưng không phải lúc nào con cũng làm tròn nhiệm vụ “sứ giả hoà bình”. Một đôi khi con cũng trở thành nạn nhân trong cơn nóng giận của ba. Và cứ thế luôn luôn ba vẫn là người “làm hoà” trước, dù trong nhà ba vẫn uy nghi một cõi.

Lần ba tặng con một cái tát tay, con biết ba bị dằn vặt nhiều ngày sau đó. Con không còn giận dai như thời tuổi nhỏ, thấy thương ba nhiều bởi luôn luôn tự làm khổ mình, khổ luôn tới người thân vì không kềm nổi những cơn sân tiềm ẩn bên trong. Một buổi chiều sau khi đạp xe một vòng dọc bến Bạch Đằng, ba gọi con lại hỏi con có muốn cùng các em đi chơi một chuyến hơi xa? Con ngạc nhiên và vô cùng cảm động, bởi từ bé đến giờ có bao giờ ba “thả” đám chị em gái của con đi bất cứ đâu xa mà không có mẹ cha ở cạnh bên. Những cô bạn láng giềng thân thiết, có quê ở miền Tây thường rũ con về chơi dịp hè để biết quê nhà. Con được sinh ra ở vùng đất đỏ miền Đông. Rồi về Saigon, ngoài những lần Ba đưa cả nhà đi nghỉ mát ở Long Hải, Vũng Tàu hay theo về quê ngoại, con chưa bao giờ biết đến nơi nào khác. Miền Tây vẫn là nơi con ao ước được một lần tìm đến trong đời. Vậy mà lần nào xin phép ba đi, con cũng nhận được cái lắc đầu cương quyết. Ba không muốn con đi đâu ở qua đêm với người không phải ruột rà. Có lẽ vì ba giữ con kỹ quá nên cho mãi đến khi ra khỏi nước, đám chị em con vẫn chưa biết một tỉnh nào của miền tây hết. Lần này mẹ nói ba “lo lót” cho con vì nghĩ rằng ba quá đáng, hành xử thật là vô lý với con. Ba nói ba đã ghi tên cho con và hai đứa em, một gái, một trai theo đoàn hành hương đi Dalat trong tuần tới. Dalat là nơi con chỉ đến có một lần, sau mùa hè đỏ lửa nhà trường tồ chức chuyến đi dài ngày trong dịp hè cho những học sinh xuất sắc và những người tham gia văn nghệ trong trường. Đó là chuyến đi xa duy nhất, trong thâm tâm con chẳng dám mơ, đã được ba chấp thuận. Con mê thành phố đó. Thầm nghĩ khi nào con có thể sống cho riêng mình được, nhất định Dalat sẽ là nơi con tìm đến đầu tiên. Lần này được ba cho ân huệ bất ngờ. Con mừng rỡ muốn ôm ba để tỏ lộ nổi mừng vui, nhưng thói quen không biểu lộ tình cảm ra ngoài, không nói lời cảm ơn dù rất biết ơn đã khiến con không nói năng chi. Con chỉ nhìn ba bằng ánh mắt sáng ngời, hỏi ba ơi có thật vậy không?

Chuyến đi không êm đềm như con nghĩ. Sau khi chiếc xe đò chạy Dalat -Saigon đuợc chùa thuê vừa chạy đến Hố Nai, thì chết máy nằm yên một chỗ. Con và hai em đã ngủ qua đêm ở trên xe, đậu ngay trước một nhà thờ họ đạo. Trên xe có vị thầy trụ trì ngôi chùa ở gần nhà. Còn lại hầu hết là Phật tử của ngôi chùa đó. Con chỉ hơi thất vọng vì chuyến đi ngắn lại, bởi dừng chờ sửa xe cho nên coi như bớt đi một ngày rong chơi ở thành phố mù sương. Hai đứa em hồn nhiên đi vào giấc ngủ vật vờ, vì ngủ ngồi trên ghế làm sao mà thoải mái. Đêm đó ở nhà thờ dường như làm lễ, cho một người vừa từ giả cuộc đời. Con ngồi nghe những bài thánh ca buồn, trầm bỗng du dương khiến con như quên mất không gian với thời gian. Đó là lần đầu tiên trong đời con nghe nhạc đạo, để rồi sau này con có dịp được những người nữ tu ở bên đây tặng cho con nhiều CD do chính các sơ thực hiện, khi biết một người Phật tử là con rất thích nghe. Trở về, sau một tuần lễ vui chơi. Khi nghe kể lại chuyện ba chị em đã qua một đêm đáng nhớ ở Hố Nai, ai cũng ngạc nhiên. Mẹ cười, nói ba ký phép cho đi chơi xa thì đâu phải chuyện bình thường. Cách nào thì cũng là chuyến đi “nhớ đời” của các con thôi.

Sau biến cố tháng Tư, các anh khuyên ba nghỉ ngơi sau những tháng năm dài một mình nuôi nấng đàn con quá đổi đông. Con thầm lo lắng, nghĩ chắc không “thở” nổi vì ba rãnh rang hơn và sẽ xiết chặt hơn chút tự do vốn quá đổi ít oi của lũ con gái chúng con. Cho dù vẫn thường nghe ba nhắc, đừng thương ai, đừng ước hẹn với ai, để khỏi phải buồn khổ, dở dang vì trước sau cả gia đình cũng sẽ rời bỏ quê hương để ra đi…Con và em Hạnh Nguyện dù cố tránh, cho đến một ngày vẫn buông tay đầu hàng, chỉ vì chị em con dù sao chỉ là những đứa con gái bình thường, có trái tim biết cho đi và nhận lại yêu thương. Con không muốn giấu diếm, cũng không muốn bối rối vì những buổi hẹn hò có được bằng lời nói dối hoài hoài. Nhưng con đã từ chối nhiều lần, ước muốn được đến nhà để làm quen, gặp gỡ người thân. Cho đến một buổi chiều chủ nhật sau cơn mưa hạ, con bối rối giới thiệu với ba và mẹ người khách không mời mà đến nhà mình. Các anh chị lớn chưa bao giờ dám dắt người yêu về giới thiệu với ba, dù thời của các anh chị chưa hề “ban hành luật” không được thương ai hết trước khi ra khỏi nước. Thì con, đứa con gái sợ ba mang nổi ám ảnh từ ngày xưa tháng cũ, càng cố tránh không làm điều gì đễ ba phải buồn lo. Ba không muốn con gái ba ca hát, cho nên con chối từ không tham gia ban văn nghệ trong trường. Con chỉ hát cho bạn bè, thầy cô trong lớp học nghe, và luôn luôn không bao giờ góp mặt trong những đám đông hay trên sân khấu. Con chắc là cho đến hết đời, ba vẫn không hề biết con là đứa cũng mê ca hát. Ba không thích se sua trang điểm. Cho đến khi ra khỏi mái trường và đi làm việc nhiều năm, con vẫn không son phấn như thời còn đi học. Mái tóc con vàng hoe vì nắng Saigon. Da mặt con “mặn mà” vì không có phấn son, khiến chú Đông Nam ngày đó cứ gọi con là con nhỏ đen thui. Con không nói nhưng âm thầm làm hết, những gì con có thể làm để cho ba khỏi bận lòng về con nhiều như với chị ngày xưa. Vậy mà buổi chiều hôm đó, con đã làm ba chợt bàng hoàng. Con nhìn nụ cười như thầm tạ lỗi của ai, mà cảm nghe bứt rứt không yên làm sao đó! Con ngại ngùng bỏ ra sau bếp, phụ mẹ lo dọn bữa cơm chiều cho cả gia đình. Thầm mong người không biết giữ lời đã hứa với con, mau mau chào ba mẹ ra về sớm, để con còn biết phản ứng của ba ra sao về chuyện của con. Ngược lại với điều con nghĩ. Bữa cơm chiều hôm đó người khách mới gặp lần đầu đã được ba ân cần kêu ở lại, góp mặt trong bữa cơm gia đình. Trừ ba, ai cũng ngạc nhiên.

Ba kính yêu của con. Con nói mà không cần giấu diếm, con chỉ thật sự biết thương ba nhiều từ sau khi con có người thương. Người đã nhắc con đừng quá ơ hờ. Tình phụ tử cũng cao vời như tình mẫu tử. Em hãy nhìn xem vẻ cô đơn, trơ trọi của người cha, bên cạnh đàn con lúc nào dường như cũng lãng ra xa, quên đi sự hiện diện của người cha gần bên cạnh. Có một lần, khi hai đứa con đang tay trong tay đi dọc trên hè phố Saigon. Con hoảng hốt khi nhìn thấy ba dừng chiếc xe PC trước mặt. Con càng bối rối nhiều hơn nữa, khi muốn rút bàn tay ra khỏi tay ai nhưng dường như bị giữ chặt thêm. Ba cười, không có vẻ gì khó chịu, phiền lòng khi cả hai lên tiếng chào ba. Con ngạc nhiên quá đổi khi nghe ba hỏi, hai đứa ăn gì chưa? Đi ăn với ba nghe! Sau lần đó con biết con vẫn chưa bao giờ hiểu thấu lòng ba. Em thấy chưa? Chỉ cần em bước lại gần ba, em sẽ thấy khoảng cách là điều không có thật. Khi con tập nói vớI ba tự nhiên những gì con nghĩ, thì những đứa em cũng bắt chước theo. Hạnh Nguyện ngày càng lớn, càng bắt đầu “gằn bó” với ba hơn. Em theo ba đi chùa những ngày rằm. Buổi sáng trời mát, ba chạy xe đạp, Hạnh Nguyện đi chiếc PC chậm rãi chạy bên ba. Buổi trưa sau khóa lễ từ ngôi chùa ở Phú Lâm về, Hạnh Nguyện đi xe đạp, nhường chiếc PC cho ba về nhanh kẻo nắng. Hạnh Nguyện còn lẻo đẻo theo ba lên căn gác nhỏ, ngồi cạnh bên ba để cùng tụng chung những phẩm kinh Pháp Hoa. Nhiều buổi tối có khi cúp điện, hai cha con cùng tụng kinh trong ánh nến lung linh. Khi ba đi đâu đó vắng nhà, em gái trịnh trọng mặc vào chiếc áo tràng của ba trước khi lên gác tụng kinh với đủ cả tiếng chuông và mõ đệm theo. Em đứng ở lưng chừng cầu thang dặn dò các chị và em: Đã tới giờ tụng kinh rồi, “mấy đứa” đừng làm ồn vì “em” cần yên tĩnh! Ba ơi, càng nặng lòng với người mà con biết rồi sẽ xa cách một ngày nào, con càng hiểu vì sao ba đón nhận khuôn mặt lạ, để rồi trở nên gần gủi cảm thông như đã thân từ thuở nào xa. Người đã nhắc cho con nhớ, sự hiện hữu của ba và tình thương quá rộng sâu mà con đã thờ ơ đến độ lãng quên. Sau này khi xum họp ở bên này, chị lớn của con đã thật ngạc nhiên. Ba bây giờ sao gần gủi và dể cảm thông khác với ba xưa.

Năm 70 tuổi ba đặt chân đến Mỹ. Dù có buồn vì ngày càng xa mãi quê hương. Ba chấp nhận dễ dàng hòan cảnh, nói đời ba là một chuỗi dài lưu lạc tha phương, thì có ở đâu cũng vậy thôi. Con đọc được trong ánh mắt ba cả niềm xa xót, khi nhìn mấy đứa con gái cho tới khi qua đến xứ người mới thật sự lao vào đời. Ba thở dài nói phải chi mình có mặt sớm hơn, để tất cả chị em con đều tiếp tục đến trường mong ngày sau yên ấm tấm thân. Có đâu đứa học hành, đứa đi làm. Ba ước gì ba trẻ lại, để tiếp tục nuôi các con ăn học cho đến khi đỗ đạt. Con an ủi ba, như tự an ủi chính mình. Ba coi, ở đây chỉ cần siêng năng làm việc, sống an phận không đua đòi, thì chuyện áo cơm không đến nổi gian nan giống như ở bên kia. Ba là người huấn luyện viên miệt mài tận tụy, đã dạy con những bài học trách nhiệm, không trông mong ỷ lại vào ai. Siêng năng làm việc bất kể nhọc nhằn, sống giản dị với chính mình bao nhiêu thì mở rộng lòng ra cho người khác bấy nhiêu. Nhìn phân nửa đàn con còn lại, quấn quýt thuận hoà và bảo bọc cho nhau bên cạnh mẹ cha tuổi bóng xế hoàng hôn. Con chắc ba thầm mãn nguyện, vì dù không vào chùa học Phật như ba, nhưng lũ chúng con ngoài cách sống thiện lành, không còn cách sống nào khác nữa. Ngày nhỏ con thấy ba có vẻ hẩm hiu, cô độc quá. Ba không uống trà, không không uống rượu và ngay cả tới một giọt bia. Trong khi mẹ và đàn con gái đứa nào cũng có thể uống bình thường không nhăn mặt chút nào. Ba không có bạn bè đồng tuổi, trừ ra một vài ngưòi bạn nối khố trong thời trai trẻ, cơ hàn. Niềm vui của ba có lẽ ở trong lời kinh Phật. Ở sự làm việc không mỏi mệt, kiếm thật nhiều tiền để nuôi con và có thêm phương tiện thực hành hạnh bố thí trong nhà Phật. Con vẫn nhớ hình ảnh những vị sư mặc áo màu vàng xậm, ôm bình bát, khép mắt lặng lẽ đi một hàng dài bằng đôi chân trần, dướI ánh nắng gắt gay trên những con đường tráng nhựa trong tỉnh nhỏ ngày xưa. Nhà ba mẹ ở gần ngôi tịnh xá, có những vị sư tu theo hệ khất sĩ như thời đức Phật còn tại thế. Con thấy lòng xa xót, thầm nghĩ sự khổ hạnh này dường như con tìm thấy ở nơi ba. Ba sống giản dị đến nổi như không còn gì có thể giản dị hơn. Ra sức làm việc thiện như để bù đắp lại nổi đau đớn lặng thầm vì đã bỏ quê hương cha mẹ ra đi- chuyến đi từ Bắc vào Nam, không có đường về, cho tới khi ông bà nội qua đời trong bệnh khổ, trơ trọi chẳng người thân. Sau năm 75 ba đã một mình lên tàu về lại làng xưa. Ba ra sức đáp nghĩa, đền ơn bất cứ người nào có biết hoặc từng có mặt bên cạnh ông bà nội trong đọan cuối cuộc đời nơi đất Bắc. Bà nội mất trong trận đói năm Ất dậu. Lúc đó ba vẫn còn cơ cực lầm than không biết, không hay. Chỉ còn ông nội kéo dài kiếp sống buồn phiền. Ông nội chỉ ở một nơi cho đến lúc lìa đời, nhưng khi ba tìm về thì có quá nhiều người họ hàng xa nhận là đã cưu mang ông nội, để cho ba cơ hội đền ơn! Sau chuyến đi ba về kể lại, nói dù có thật hay không thì mọi ngưòi đều vẫn đáng cho mình chia sẻ nổi khốn khó lầm than của cuộc sống quá tối tăm.

Ba vẫn cùng mẹ tiếp tục cưu mang họ hàng nội ngoại, bằng đôi tay giờ đã yếu, bằng sức già còn lại của mình: xới đất trồng rau đem bỏ mối cho siêu thị VN. Rãnh rang, ba đem từng chiếc xe con gái ra sân chùi rữa, lau khô bóng lóang. Ba châm thêm nước, bảo em trai mua filter về để ba tự thay dầu theo mỗi định kỳ. Với bốn đứa con gái và bốn chiếc xe đi học, đi làm, ba có cuốn sổ nhỏ ghi ngày tháng và số mile của mỗi chiếc xe. Một lần ba tập họp bốn đứa con và thêm đứa cháu gái ở chung nhà, đứng vây quanh để ba chỉ cách cho thay lốp xe, để lỡ khi xãy ra chỉ có một mình không ai giúp, các con có thể tự lo. Con là bún thiêu không làm gì có chút nặng nề như mẹ nói đã đành. Ba đứa em gái cũng cười trừ thôi và quên nhanh sau lúc ba cẩn thận chỉ cho từng bước phải làm sao. Con nghĩ có lẽ đây là những tháng ngày an vui, tự tại nhất của ba và mẹ. Em trai dạo đó chưa bận rộn nhiều. Ngoài đi học và đi làm thêm chút xíu giờ, những ngày cuối tuần hay ngày lễ em thường chở ba mẹ đi tới các thành phố lân cận một đôi ngày, để tham dự những khóa tu học do chùa tổ chức. Tính dễ nóng giận của ba ngày càng giảm dần. Sau này khi có duyên học Phật, con nhận biết ra và thật an tâm, bởi thấy ba buông bỏ dễ dàng những vướng mắc quanh đời. Khác với mẹ, thường lo lắng, buồn vui theo những khổ đau hay hạnh phúc của các con. Ba bình thản dù tình thương vẫn bao la không bờ bến. Bà ơi, Mình như cỗ máy quá cũ mòn. Có thể ngừng chạy không biết vào bất cứ lúc nào. Thương con, là an ủi, nhắc nhỡ, khuyến khích. Chia sẻ và cảm thông cho những hoạn nạn không may đến với con. Sức mòn, lực đã cạn dần. Bà đeo mang làm chi nhiều quá! Buồn rầu, sinh bệnh chỉ tự làm khổ mình, làm khổ con có ích gì đâu. Hoàn cảnh chúng nó cũng không vì mình buồn lo mà thay đổi khác hơn. Một đôi khi ba cũng buông tiếng thở dài. Con dâu mình xem ra đứa nào cũng hạnh phúc hơn là đám con gái đời sao giông bão triền miên. Lúc này như đã an phận, vui với những gì mình đang có. Ba bắt đầu học luật lái xe để đi thi. Sau nhiều lần rớt lên, rớt xuống. Một ngày đẹp trời ba hớn hở báo tin: từ nay ba có thể tự mình chở mẹ đi chùa mỗi cuối tuần, mà không phải trông chờ em gái nhỏ với thời khóa biểu tuần đi, tuần nghỉ sau khi anh chị lần lượt có gia đình. Để mừng ba thi đậu bằng lái xe, anh trai mua tặng ba chiếc xe tuy hơi cũ nhưng còn rất tốt. Ba chăm sóc, giữ gìn “tài sản” riêng duy nhất mà ba có được ở bên này. Rồi em trai cũng vẽ kiễu và cất cho ba trên khoảnh đất trước sân nhà một ngôi chùa nhỏ, có hình dáng như chùa Một Cột nơi đất Bắc. Em biết ba thích yên tĩnh một mình trong những thời công phu mỗi sáng và đêm. Vùng ngoại ô ba mẹ ở dường như không giới hạn nhiều luật lệ, nhờ vậy ngôi chùa được hình thành chỉ do một tay em. Ba có thêm niềm vui nhỏ mỗi ngày. Ba mẹ cũng hết trồng bạc hà đem bỏ mối, mà trồng thật nhiều hoa để cúng Phật. Bưởi ba trồng trước sân nhà đầy những trái. Mấy cây hồng giòn cạnh bên chùa cũng cho trái thật nhiều. Chưa kể cây đào, cây lê đầy hoa trái mỗi năm. Khi về nhà ba mẹ vào mùa hè, chị em con thường có dịp leo lên cây hái trái như khi còn thơ dại. Mấy đứa cháu ngoại của ba mẹ đứng phía dưới nhìn lên tỏ vẽ lạ kỳ. Chắc không ngờ mẹ chúng lớn rồi mà vẫn còn leo trèo nghịch ngợm. Lũ cháu con biết ý ba, cho nên không bao giờ hái trái trên cành. Chỉ khi nào mẹ bảo hái thì mới hái để đem vào cúng Phật.

Niềm vui của ba không có được bao lâu. Các anh không muốn cho ba lái xe nữa dù chỉ là quanh khu xóm. Đôi mắt ba ngày càng kém cõi. Ba bắt đầu không còn phân biệt được hình dáng của người thân. Sau vài lần đi giảI phẫu, ba hy vọng để rồi thêm tuyệt vọng hơn. Chiếc xe của ba được bao che cẩn thận. Chỉ thỉnh thoảng lấy ra khi ba mẹ nhờ mấy đứa cháu nội chở đi chợ hay đi bác sĩ thôi. Ba không còn đi bộ một mình quanh khu xóm, mà đi chung với con chó nhỏ và cây gậy dò đường. Ba được giới thiệu đến những người bác sĩ nổi tiếng chuyên khoa về mắt, nhưng rồi cũng chỉ còn lại chút ánh sáng le lói nhạt mờ không đủ để nhận ra khuôn mặt của người thân. Chiếc xe ba chăm sóc ngày nào, được tặng cho người cậu- em bà con của mẹ mới đi diện HO qua Mỹ. Đôi mắt gần mất đi ánh sáng đã làm cho ba suy sụp phần nào. Một đôi lần ba tỏ vẻ bi quan, nói với mẹ ba muốn trở về VN sống những ngày cuối trong đời. Mẹ bối rối như ngày xưa từng bối rối, mỗi khi ba nóng nảy giận phiền. Con lại cũng là đứa theo ba gíup mẹ giống thuở xưa. Khác chăng, bây giờ con không còn ngập ngừng, sợ sệt. Con đến bên ba, ôm nhẹ đôi vai một đời vất vã nhọc nhằn. Con nói mẹ ở đây, đàn con của ba ở nơi đây sao ba lại muốn ra đi? Ba chống chế thật là yếu ớt. Ba bây giờ như ngọn đèn sắp tắt rồi. Có ở lại đây hay đi xa cũng vậy thôi con. Con ôm ba nói như sắp khóc. Con thương ba, muốn được có ba cho tới ngày ba nhắm mắt ra đi. Không lẽ cho tới bây giờ, ba vẫn chưa thấu rõ con thương ba, ai cũng thương ba không muốn ba đi. Không dưng mà đàn con của ba chia đều ra hai nhóm. Từ con trở xuống luôn luôn không e ngại tỏ bày tình thương đối với ba. Từ người anh kế trở lên, con thấy ai cũng im lìm không bao giờ bày tỏ bằng cử chỉ hay lời nói. Từ khi ba không còn nhìn thấy rõ, con có thêm cơ hội để tự tay chăm sóc cho ba. Ba đợi con về để cắt móng tay hay hớt tóc. Ba ngại đôi mắt mẹ không còn tinh anh và tay lại hơi run không cắt được những móng tay vẫn mọc ra nhanh và rất cứng của ba. Một đôi lần mẹ vô tình khiến ba có vẽ buồn phiền. Thấy con vội vã chạy về trong đêm tối, ba tự dưng chợt hiểu vì sao. Nhìn ba ngạc nhiên rồi xa xót, hỏi giờ này trễ rồi, mai phải đi làm con về làm chi nữa vậy con? Con nói lãng xa, tuần rồi con bận không về. Mẹ nói tóc ba dài không thoải mái cho nên con về hớt. Ba lẳng lặng ngồi yên trong khi con choàng khăn hớt tóc cho ba. Đã tối lắm rồi mà ba phải đi vào phòng tắm thêm lần nữa, sau khi nói câu quen thuộc: ba cảm ơn con. Em gái Út nhìn mẹ cười nheo mắt. “chồng của má” văn minh như người bản xứ bên này. Có sứ giả hoà bình tìm đến đêm nay, coi như đã hết “hờn anh, giận em” rồi đó! Con thấy lòng nhẹ nhàng dễ chịu. Mẹ cũng nhìn con bằng ánh mắt hài lòng. Con biết khi con chào ba mẹ trở về nhà. Nghĩ tới đêm tối, đoạn đường xa, ba vì xót cho con mà không buồn mẹ nữa. Nghe ba phân trần con làm sao không hiểu ba nhiều. Con ơi, chỉ cần con khép mắt lại rồi lần mò bước đi trong bóng tồi giống như ba. Con sẽ hiểu thế nào là hạnh phúc khi mình còn ánh sáng, còn nhìn thấy mỗI ngày khuôn mặt của người thân. Kể từ khi đôi mắt trở nên vô dụng, đời ba có còn chi nữa đâu con! Con biết mẹ nghe ba nói với con tới đâu, lòng ngập tràn hối tiếc ăn năn tới đó. Dù cố gắng nhiều nhưng mẹ cũng già yếu lắm rồi, cho nên mới đôi khi không giữ được lời thở than khiến ba ngỡ như mình trở thành gánh nặng của người thân.

Những ngày tháng cuối ba nằm hoài như không dậy nổi. Con và em gái thường về ngủ lại qua đêm. Em dễ ngủ cho nên sau khi đấm lưng và nắn bóp tay chân cho mẹ, em nằm ngủ ngon lành như đứa trẻ hồn nhiên. Con thủ thỉ nói chuyện hoài với mẹ, rồi nằm nghe những lời kinh êm đềm vẳng lại từ cái cassette ở phòng ba. Nằm bên cạnh mẹ và đi vào giấc ngủ bằng tiếng kinh thay những lờI ru, con cảm thấy an lành giống thuở còn nằm trong vòng tay mẹ. Khi con tới bên chào ba để đi về. Ba dặn dò bao giờ con về nhớ vô phòng kể chuyện cho ba nghe. Đừng ngại, kêu ba thức dậy. Ba mệt chứ không phải ngủ. Ba muốn nghe con kể chuyện, về những người bạn ở xa xôi chưa từng gặp trong đời, đã dắt con đi vào cửa đạo- điều mà ba không làm được cho con. Cứ thế cha con mình một người nói, một người nghe. Ba nói ba mừng hơn gì hết khi biết con đã tìm ra cách để tự mình bơi qua biển khổ. Rồi một ngày ba bảo con khép cửa phòng. Ba có một điều chôn chặt tận đáy lòng gần suốt cuộc đời. Ba nghĩ ba phải nói cho con nghe điều khó nói này đây. Con mừng vì bao giờ ba cũng chọn con để sẻ chia. Bí mật ba cất giữ chính là lỗi lầm khi còn trẻ. Con nghe mà thương ba đã sống triền miên trong ray rứt, ăn năn. Con ôm vai ba, nói phải chi ba đừng đợi tới ngày nay. Con biết làm sao để gúp ba tìm lại sự thanh thản bình an thật sự. Ba lại nói cảm ơn con đã hiểu mà không trách gì ba. Con cười, nói ba quên rồi lời ba thường nói khi xưa:”con nhỏ này luôn biết cách nói làm cho người nghe thấy xuôi tai” Con tự biết không phải con khéo nói. Vì con vốn nghe nhiều hơn nói thuở giờ. Con chỉ có sự chân thành đáp lại. Cảm thấy trong nổi khổ của người có nổi khổ chính mình. Nhờ không chê khen, phán đoán. Con được nghe những lời như sám hối của nhiều người.

Khi bác sĩ nói cho con nghe về bệnh gan mới phát của ba, con chợt biết con không còn có ba thêm bao lâu nữa. Mỗi lần con chở ba vào bệnh viện, luôn luôn có mẹ cận kề. Hình ảnh hai mái đầu tóc bạc như sương, dìu nhau đi trong hành lang bệnh viện, mãi mãi vẫn còn đậm sâu trong trí nhớ của con. Vào những ngày mưa, con dìu ba và mẹ che dù. Cứ thế ba người cùng bước chậm cạnh bên nhau. Ba lúc nào cũng lo con bị ướt. Con nói con không sao, chỉ cần mẹ với ba không bị ướt lúc ra xe. Bao nhiêu đợt thử nghiệm làm ba mòn mỏi. Những đường gân như chìm sâu, yên ngủ trên hai cánh tay khẳng khiu không còn sức sống của ba. Lần nào khi cần thử máu, cũng thay đổi hai hoặc ba ngườI mới lấy xong vài ống máu của ba. Nhìn ba đôi khi nhăn mặt vì kim đâm vào không đúng chỗ, con bóp nhẹ vai ba, nhắc ba buông thư, ngồi thầm niệm Phật, rồi mọi chuyện sẽ qua nhanh. Con không muốn nói cho ba nghe, về tình trạng không khả quan sau những lần thử nghiệm kéo dài, và những gì người bác sĩ của ba trao đổi với con. Con cảm thấy nhiều cho ba quá, trong đoạn cuối đời. Thôi thì cứ để ba thản nhiên đi cho đến tận cùng. Đôi mắt ba giờ gần như mù lòa, cùng những cơn đau hành hạ không ngừng trên thân xác già nua. Mẹ và đám anh em con bắt đầu vào bệnh viện mỗi ngày. Các anh em trai thay nhau vào ở với ba ban đêm. Mẹ và con thay nhau hai buổi sáng chiều. Ngày cuối tuần thì những đứa em khác luân phiên đến với ba. Em gái kế thật là tội nghiệp. Ngày nào cũng thức dậy sớm, có mặt ở nhà thương lúc 5 giờ sáng. Em ở đó với ba cho tới 8 giờ hơn rồi ra xe đi làm trước khi con kịp gặp. Ba lúc nào cũng có vẻ ngóng trông. Mong đứa cháu nào đó chở mẹ vào thăm sớm, để cho con về đi làm những giờ còn lại trong ngày. Lần nào cũng vậy, khi ôm nhẹ cánh tay ba nói con về để đi làm. Ba cứ nói hoài câu cảm ơn con đã vì ba vất vả, ngược xuôi. Bà ơi, biết làm gì đây để bù đắp cho con? Mẹ nói nhỏ nhẹ, ông lại lẩn thẩn nữa rồi. Con thương cha chỉ mong có cơ hội báo hiếu phần nào. Có gì đâu sao cứ mãi cảm ơn.

Có lẽ khi ba nằm bệnh viện, chính là thời gian con có cơ hộI được gần ba nhiều, sau những tháng năm con chỉ sống cho con, cùng với những khổ đau nghiệt ngã riêng mang. Con nhớ hoài những buổi sáng êm đềm trong bệnh viện, ba nằm yên lặng thật lâu rồi chợt hỏi con đang làm gì ? Con đọc sách báo hay kinh sách Phật? Con nói cho ba nghe con đang đọc bộ sách của ngưòi hiền huynh xa gởi tặng, có tên là Cư trần lạc đạo. Ba có muốn con đọc cho ba cùng nghe với con không? Ba trả lời giọng buồn buồn. Tai ba từ hôm bệnh nhiều bây giờ không nghe rõ nữa rồi. “Sống đời, vui đạo”. Nghe tên quyển sách thì ba đoán rằng người viết sách cũng là người tu Phật phải không con? Con gật đầu, dạ đúng là như vậy đó ba. Ba có vẽ an tâm khi nói với con. Ba mừng vì cuối cùng thì trong 10 đứa, cũng có đưọc anh con lui tới cửa chùa từ khi còn trẻ tới bây giờ. Có con đã tìm thấy lối đi vào cửa đạo. Ba biết đời con không có gì vui. Con là đứa con gái bất hạnh nhiều hơn hết trong nhà. Ba xót cho con mà không biết làm gì để giúp. Bây giờ thì ba thật sự an lòng. Con khổ mà không sân hận. Con buồn mà không yếm thế, bi quan. Ngược lại còn đem đến sự nhẹ nhàng, an lạc cho những người quanh con nữa. Con có biết vì sao mà dù sống với nhẫn nhục, từ bi, con ngưòi vẫn còn gặp hoài khổ nạn không con? Con gật đầu nói với ba rằng, con hiểu vì phước mỏng, nghiệp dày cho nên lúc nào con cũng cố gắng để vượt qua dù lắm gian nan.

Người y tá đem vào phòng tờ giấy. Mẹ nhìn con đầy vẻ bất an. Mẹ thì thầm có nên nói với ba không, sau khi nghe con cho biết bệnh viện muốn ba ký tên vào trong trường hợp bị hôn mê, nên tiếp tục sự sống trong giấc ngủ triền miên không hay biết, hay rút dây, chấm dứt ra đi…Con nắm tay mẹ nói không có gì đâu. Người ta chỉ làm thủ tục cần phải có trong bệnh viện. Rồi con đến xoa nắn cánh tay khẳng khiu yếu ớt, hỏi tự nhiên ba ơi, ba có sợ chết không ba? Ba từ tốn trả lời. Sống trong đau đớn mới sợ. Chết là giải thoát có gì đâu mà sợ hả con? Vậy nếu như vào phút cuốI, ba chìm vào hôn mê, ba muốn mẹ và chúng con phải làm sao? Hãy để ba đi, đừng tiếc nuối gì. Chắc ba không cần nhắc, chỉ tiễn ba bằng câu lục tự Nam mô A Di Đà Phật. Đừng khóc, đừng buồn, con nhớ phải không? Đêm đó là đêm chủ nhật. Con vào bệnh viện với ba và ở lại cho tới khi anh trai lớn nhất vào thay. Đã biết hôm sau ba được xuất viện trở về nhà, nhưng trong lòng con linh cảm đây là lần cuối cùng ba xuất viện. Ba muốn con pha sẵn cho ba ly cà phê thật nhạt, rồi dặn dò con lái xe cẩn thận với đường đêm.

Ba kính yêu của con,

Như ánh sáng của ngọn đèn dầu le lói. Chợt lóe lên rồi tắt lịm thật nhanh. Ba có được một tuần lễ nhẹ nhàng, thanh thản, bình an. Con về nhà trong ngày chủ nhật cuối cùng, được cơ hội vừa ngồi nói chuyện vừa đút cho ba từng muỗng cháo, bên cạnh mẹ và các anh chị em, chỉ thiếu một người thôi. Qua đến ngày thứ tư sau đó ba ra đi. Con đã làm theo y như lời nhắn nhũ sau cùng. Ba chìm vào hôn mê trên đôi vai mẹ lúc ở trên xe, dọc đường anh chị đưa ba vào bệnh viện. Khi người bác sĩ vào phòng đợi tìm con dể nói những lời không dễ nói, mẹ và tất cả anh em con được phép vào với ba đang trong giấc ngủ triền miên. Những người nhân viên bnệh viện chưa vội làm phận sự của mình theo như ý nguyện của ba. Họ nhường cho gia đình có những giây phút cuối với người thân yêu nhất. Đứa em dâu nhỏ rời bệnh viện thật nhanh rồi trở lại cùng với một vị thầy ở ngôi chùa ba mẹ vẫn thường đi. Con nghĩ ba thật sự an lòng trong câu niệm Phật không ngừng quanh giường bệnh, nên đôi mắt từ từ khép lại nhẹ nhàng.

Ngày tiễn đưa ba ra nghĩa trang xong, lũ chúng con theo mẹ về nhà. Anh Lưu vừa vào đến nhà đã thay vộI chiếc áo ra sân cắt cỏ. Ba ơi, con đã quay đi chùi nhanh nước mắt, khi thấy anh khoát vào chiếc áo bạc màu ba thường mặc làm vườn, và đội trên đầu chiếc nón mà ba thường đội lúc ra ngoài trời nắng. Tối đó em dâu gọi phone cho mẹ kể rằng. Em trai về đóng cửa phòng, khóc như đứa trẻ thơ. Khóc nhu chưa bao giờ khóc kể từ khi làm người lớn. Trong đoạn phim em làm giữ lạI, có mấy giòng chữ mở đầu: Ba ơi, tại sao từ khi có trí khôn đủ để thấu hiểu tình cha, con vẫn chưa một lần nói vớI ba : “con thương ba” như lòng con thường nghĩ. Riêng con, con nghe lòng quặn lạI khi nhớ một đôi lần ba đã hỏi mẹ rằng: Bà ơi, con Ly lại giận tôi rồi nên lâu chẳng về thăm có phải không? Mẹ nhắc ba. Ông lại lẩn thẩn nữa rồi. Con nó mới ghé thăm hôm qua, ngồi thủ thỉ với ông cả buổi trước khi đi làm trễ. Con biết trong trí nhớ cùn mòn, lãng đãng của người cha sức mỏi, hơi mòn vẫn đôi khi còn bị nổi ray rứt buồn phiền gậm nhấm, vì những cơn nóng giận không kềm nổi đã làm cho đứa con gái nhỏ giận buồn.

Ba ơi, Con đã học theo ba, thường xới cày lên mảnh đất tâm, chọn những hạt giống lành để gieo trồng. Lòng con bây giờ rất nhẹ nhàng, bởi dường như con không thấy ghét ai. Cơn giận nếu có cũng thoáng qua như cơn gió, thổi nhẹ qua rồi tan loãng vào hư không, ngay cả với người làm cho con khốn đốn triền miên. Con thường nhìn thấy điểm tốt lành ở những người bị trách, chê nhiều. Con chắc bây giờ ba đã an tâm . Ba đã hiểu đứa con gái hơi lì lợm, thường giận ba ngày trước, là đứa trẻ thơ khao khát được yêu thương có phải không ba? Giữa những ngọn sóng đời nghiệt ngã vây quanh, con bao giờ cũng nhận ra hạnh phúc lớn mà con có, chính là được sinh ra làm con của mẹ và ba. Ba ơi, ba có biết là con vừa đưa tay chùi nước mắt, thèm được về nhà rón rén bước vào phòng, quỳ xuống bên giường nhẹ ôm đôi vai gầy yếu của ba, nói với ba câu quen thuộc: Ba ơi, con là Ly. Con mới về đây...

Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do