Về với biển



Chiếc xe ngừng lại sau đọan đường dài. Đoạn đường nối liền phố nhỏ Racliff, Kentucky tới căn nhà ven biển ở Morehead City, North Carolina. Màu nước biển trong xanh gợn sóng. Bãi cát dài xoãi thênh thang. Những cơn gió theo từng đợt sóng lồng lộng phía biển thổi vào, cho nàng cảm giác nhẹ nhàng sau cuộc hành trình mệt, không chuẩn bị trước lúc lên đường. Nàng đứng thẳng nhìn ra biển, hít thở không khí dịu dàng trong buổi chiều. Bờ tóc rối tung trong gió biển, làm rát làn da đã hứng nhiều nắng gió ngày hè. Chàng cũng bước xuống đi vòng sang bên nàng, nhẹ bàn tay dìu bước tới hiên nhà. Không ai nói với ai lời nào, nhưng có chút gì bối rối, ngập ngừng. Khi chàng đưa tay nhấn vào nút chuông màu trắng đục. Cô trợ tá hiện ra nơi cửa, mau mắn hỏi có phải đây là Robert với Yen không? Nàng cười kèm theo cái gật đầu. Chúng mình nói chuyện với nhau thường, mãi cho đến hôm nay mới gặp được nhau. Cô cười, nói tôi gặp từng người trong gia đình của Mrs Johnson đã từ lâu. Gặp qua những tấm hình mà khi tỉnh bà vẫn bảo tôi đem ra tả lại khuôn mặt và hình dáng của từng người, rồi nhìn ra phía sau mặt ảnh để biết là ai, nếu như lời tôi tả làm bà phân vân, không chắc chắn.

Kể cả gia đình cô bên Texas, bà bảo tôi tìm cho được tấm hình, sau khi em gái cô gọi sang thăm lần đó. Nàng xúc động. Đôi mắt mù của người mẹ chồng dường như chẳng ảnh hưởng đến trái tim nồng ấm của bà. Thương yêu nàng, bà quý và thương luôn cả những người thân, nhất là mẹ dù cả hai chưa bao giờ gặp gỡ lần nào. Lặng lẽ theo sau cô trợ tá, nàng hỏi dù đã đoán biết câu trả lời không ao ước được nghe. Mẹ tôi có hy vọng gì vượt qua hay không? Nàng bắt gặp nụ cười tắt ngấm trên khuôn mặt thân thiện, ưa nhìn vừa thoáng gặp đã quen lâu. Đây không biết cơn stroke thứ mấy rồi. Tôi nghĩ bà vẫn còn tỉnh táo đôi khi như vậy vẫn may lắm rồi Yen! Ba người dừng lại trước căn phòng có những cửa sổ nhìn ra biển, nơi mẹ chàng đang nằm bất động nửa thân người. Cửa phòng như luôn luôn mở, bởi đôi mắt mẹ đã lòa từ mấy năm nay. Nàng xa xót nhớ người cha đã mất. Cũng tuổi của mẹ chàng bây giờ, cũng đôi mắt mù những năm cuối cuộc đời. Dõi mắt nhìn ra biển, nàng thấy chạnh lòng nghĩ mẹ bây giờ…Dù tối hay ánh sáng. Dù biển trắng xóa mênh mông hay mặt đất nhẫn chịu và câm lặng, với mẹ giờ còn nghĩa gì đâu! Khuôn mặt hiền từ đôi mắt khép hờ trong giấc ngủ buồn, làm nàng thấy lòng nhói, chợt hiểu vì sao tình thương dành cho người mẹ tóc màu bạch kim óng ánh như màu lụa trắng, không khác gì người mẹ có búi tóc mộc mạc đơn sơ đen nhánh ngày xưa.

Khi nàng theo chồng xa xứ, lúc đó mẹ nàng chưa tới tuổi 50. Ra đi như trốn ánh mắt ngập buồn, tuyệt vọng của cha, và những giòng nước mắt tuôn hoài như giòng suối của mẹ ngày tiễn biệt. Hạnh phúc của nàng chừng như đổi lấy bằng nổi đau tê dại của người thân. Bỏ lớp, bỏ trường làm tan bao ước vọng của cha. Bỏ tỉnh nhỏ, bỏ mái gia đình thương yêu bảo bọc một đời, nàng chạy theo mối tình si dại của thời mới lớn. Mối tình chỉ có nàng và chàng mới hiểu, và dường như duy nhất trên đời hiểu được chính là những người đau khổ thật nhiều, vì đã cùng nàng trở thành nạn nhân của những điều bị lên án, chối bỏ, cùng khinh rẽ. Hàng xóm, họ hàng, xã hội thu hẹp nơi tỉnh nhỏ, dẫu ai cũng biết ít nhiều nàng lớn lên trong gia đình không thiếu thứ gì, và là con của đấng sinh thành mẫu mực thuần lương, nhưng tin nàng bỏ học lấy người chồng khác chủng tộc màu da, tất cả đều quay lưng lại. Mỉa mai, bóng gió gần xa, sản nghiệp ba mẹ tạo nên từ thuở nàng chưa lớn, nhất định không phải là mồ hôi nước mắt của hai người! Tuổi trẻ bất cần thiên hạ, và tình yêu đầu trao trọn một người đã khiến nàng không dưng mà trở thành người ích kỷ, biết có mình và hạnh phúc riêng, mặc tiếng đời và nổi tủi nhục đau buồn phủ xuống mái gia đình. Đôi khi nàng tự hỏi, nếu như sự chọn lựa này đánh đổi bằng bao nhiêu đắng cay, tủi nhục vẫn chưa vừa, nàng sẽ còn bị bạc đãi, bơ vơ nơi xứ lạ, thì tội lỗi này quá nặng và sâu. Nàng có đủ can đảm để tìm về thú tội, hay trọn đời lưu lạc, chết dần mòn trong nổi đau khổ dày vò.

Dù sao, nàng cũng đã một lần đối diện cùng sự thật, dẫn chàng về cho ba mẹ gặp một lần trước khi rời bỏ quê hương, dù biết sẽ đón nhận những cơn cuồng nộ của người cha nghiêm khắc. Người anh trai từng đón đường những đứa con trai lảng vảng quanh em gái thời mới lớn, giờ vẫn là người giang tay bảo vệ cho hạnh phúc của em. Anh nói lời chào mừng, đón nhận vào gia đình thêm một người thân. Những đứa em ngại ngùng nói một câu chào, vẻ xa xót hiện trên nét mặt, khi nhìn người anh rễ có khuôn mặt hiền từ, nhẫn nhịn im lìm. Mẹ vừa xót thương vừa ái ngại, nhắc nàng đừng ra ngoài trong những ngày hai đứa ở đây. Còn cha, vẫn quay nhìn ra phía khác, dù những bữa cơm đông đủ mọi người vây quanh bàn ăn không thiếu mặt ai. Cho đến gần ngày sau cuối, người anh từ tiểu khu trở về, dường như chếch choáng hơi men. Anh nói con chỉ xin hỏi ba rằng: Thương con là mong cho con hạnh phúc, hay là đòi hỏi con phải sống theo mọi người, bất kể điều đó làm cho con khổ đau, như vậy có phải là thương? Ba đã làm xong bổn phận là nuôi dạy anh em con nên người. Bây giờ em đã trưởng thành, nó dù lấy ai rồi cũng sẽ theo chồng sống cuộc đời riêng. Tại sao ba không chấp nhận để nó ra đi với nụ cười thay vì bằng nước mắt trong sự giận buồn từ bỏ của người cha? Ba ơi, ba sống với tâm từ bi sao còn phân biệt? Em rễ con nó cũng là người, cũng biết thương yêu và mong nhận lại tình thương. Dường như thoáng ngửi được hơi men từ đứa con trai, cha nàng thẳng tay tát lên mặt người anh kế, bảo đừng nói chuyện với ba trong lúc say sưa. Vậy mà ba như đã ngấm lời anh, nên sau buổi tụng kinh đêm thường lệ đã hỏi han và dặn dò đứa con rễ chưa từng thừa nhận, nhớ chăm sóc nàng khi không còn có một người thân yêu nào bên cạnh mai này. Ba gật đầu cho mẹ theo về Saigon để tiển biệt nàng. Ra đi bỏ lại mẹ cha, hai người anh ở trong quân đội, mấy đứa em trai chưa rời ghế nhà trường và lũ em gái nhỏ còn thơ dại… Nàng không dám khóc khi mẹ còn ở phi trường, bởi chính là sự chọn lựa riêng làm khốn khó chung cho tất cả người thân. Chạnh nghĩ, nàng rồi đi đến xứ sở an bình, bỏ lại phía sau những tiếng đạn pháo đêm đêm rớt về đâu đó trong miền tỉnh nhỏ. Lòng quặn đau khi nhìn mẹ lùi dần theo những bước chân dẫn nàng đi vào lòng chiếc máy bay. Nước mắt nhạt nhòa tất cả. Nàng chợt nhận ra mình quên chưa ôm mẹ một lần lúc giã từ.

Nàng bỡ ngỡ nhìn căn nhà ven biển, nghe chàng nói dịu dàng. Nhà anh đây- nơi anh chào đời và khôn lớn, cho tới khi vào quân đội, tới quê hương em và có được em. Nhà 5 người đàn ông vì mẹ có bốn đứa con trai. Anh chắc chắn em sẽ tìm thấy mẹ em trộn lẫn vào trong mẹ của anh. Những ngày ngắn ngủi ở chung với gia đình em bên đó, anh đã nhận ra những điều tuyệt dịêu mà anh thấy ở mẹ em và cũng có luôn nơi mẹ của anh. Nàng nghe như nghe lời an ủi, vỗ về. Ngoài chàng ra tất cả đều xa lạ, cả mọi người, mọi thứ ở quanh nàng. Chàng không nói quá, nói như cốt để nàng vui. Nàng được đón mừng bằng những nụ cười ấm áp, chân tình. Người cha khuôn mặt cương nghị, nụ cười bao dung. Mẹ chàng khác với hình ảnh nàng thường hình dung trong trí. Bà nhỏ nhắn, dịu dàng, xinh đẹp với mái tóc bạch kim óng ánh mượt mà. Chỉ sau lời giới thiệu của chàng, nàng cất tiếng chào và gọi bà bằng tiếng mẹ ngọt ngào, bởi trong sâu thẳm bên trong, nàng đang bơ vơ khao khát vòng tay mẹ, mà cho đến khi mẹ thật xa rồi nàng mới ngấm và đau. Nổi khao khát lặng thầm như có thật, khi người mẹ mắt xanh, tóc óng như tơ giang rộng đôi tay, ôm nàng trong vòng tay trìu mến, kèm theo câu nói mừng con đến với gia đình. Kể từ giờ, con như là con gái của mẹ rồi. Chàng nhìn nàng như thầm hỏi, em thấy chưa, anh nói có sai đâu! Chàng ở lại nhà một tuần lễ rồi lên đường đi qua Nhật mấy năm. Nàng với đứa con đang chờ ngày ra đời, nên chọn ở lại cho đến khi cả hai mẹ con có thể bay sang xum họp. Nàng không bơ vơ như đã nghĩ. Hai đứa em trai song sinh lớn hơn nàng vài tháng đang còn đi học thật thân thiện, dễ gần, lúc nào cũng tìm mọi cách làm sao để nàng vui, dù đứa ở chung nhà, đứa đi học ở trường bên New York thỉnh thoảng mới về thăm. Nàng cùng lúc trở thành người tâm đầu ý hợp, với đứa em chồng và với người mẹ tuyệt vời y như chàng từng nói trước đây. Bà hỏi thăm và chăm chú ngồi nghe nàng kể về từng người thân ở bên nhà. Bà là người sửa soạn cho nàng thật đẹp, tự tay chụp cho nàng những tấm hình để gởi về nhà. Khi đứa con đầu lòng vừa mới ra đời, nàng như điên loạn bởi nghe tin chiến sự VN. Tỉnh nhỏ quê nhà nàng vừa bỏ lại sau lưng, đã tan hoang thành bình địa bởi những đợt mưa bom dồn dâp nối nhau cày xới trọn mùa hè đỏ lửa. Nàng vật vã chết đi sống lại. Nếu không vì bổn phận làm mẹ của đứa con thơ, nàng nghĩ có lẽ chết đi sẽ dễ chịu hơn là sống với nổi đau xâu xé ngày đêm. Làm sao để biết tin? Đứa em trai kế tự dưng chán miền tỉnh nhỏ, sau khi thi xong tú tài phần một, bỏ ra Qui Nhơn sống với người anh đang ở trong quân đội tại đây để học trường Cường Để, QN. Còn lại ba mẹ và bảy anh em nàng ở đó biết có còn sống sót hay vùi thây trong đổ nát.

Người mẹ chồng chính là người lau nước mắt cho nàng, tự tay chăm sóc cho con trai nhỏ, là đứa cháu nội đầu tiên mang hai giòng máu, có mái tóc đen như màu tóc nàng, dù đôi mắt màu xanh lơ như màu mắt của bà nội và cha. Bây giờ nàng đã hiểu vì sao ngay từ phút gặp mặt đầu tiên, chàng đã mang đến cho nàng cảm giác bình an. Chàng giống mẹ nhiều hơn hết thảy những đứa em. Giống cái tính nhẫn nại, cảm thông, từ tốn, và bao dung. Ở bên chàng hay khi ở bên người mẹ không cùng tiếng nói màu da, nàng luôn luôn cảm nhận chở che, bảo bọc. Người mẹ đã cùng khóc, cùng cười theo mệnh nước nổi trôi, với đứa con dâu đến từ đất nước nghèo, triền miên chinh chiến, chât vật lầm than. Sau hơn hai tháng sống trong tận cùng tăm tối, nàng như được hồi sinh khi nhận bức điện tín từ VN, báo tin ba mẹ và tất cả anh em đều sống sót. Nàng tạ ơn Trời Phật đã chở che cho những người thân trong cơn binh lửa. Mẹ chàng thì tạ ơn Thượng đế, đã cho con dâu bà hạnh phúc cơ may gặp lại người thân. Những đứa em chồng chia vui cùng nàng. Hai đứa em song sinh trạc tuổi với nàng, thêm em trai út nhỏ hơn nàng vài tuổi, lúc nào cũng quấn quýt, nâng niu người chị dâu đến từ đất nước xa xôi. Có lúc nàng ngỡ mình vẫn còn là đứa con gái độc nhất trong nhà, đón nhận tình thương đầy ắp bên cạnh 5 anh em trai, thuở mẹ chưa sinh thêm em gái nhỏ. Nàng cảm thấy vô cùng quyến luyến, khi từ giã gia đình chồng để theo chàng đi qua Nhật.

Sau hơn hai năm trở lại từ Okinawa, căn nhà ven biển luôn luôn là mái ấm tìm về. Lần này nàng chưa kịp vui với những tình thân đã thiếu vắng thật lâu, chợt vật vã điên cuồng vì tin bên nhà: miền Nam đã mất vào tay CS ngày cuối tháng Tư! Đường về của nàng bị ngăn mất kể từ đây. Đôi tay yếu đuối nàng làm sao ôm hết những đau thương của những khổ nạn không ngừng trút xuống quê hương, trong đó có người thân yêu nhất đời của riêng nàng. Nàng bám vào niềm hy vọng mong manh. Saigon không ngập trong biển lửa khi bị mất, chắc sinh mạng người thân không đe dọa. Nhưng còn người anh kế, đóng quân nơi tuyến đầu đất nước. Biết anh có trở về hay không. Trong những lá thư hiếm hoi nàng nhận được, lá cuối cùng được viết bên bờ sông Thạch Hãn. Anh nói bây giờ anh hút thuốc nhiều hơn, bởi nơi này cũng lạnh khi có gió đông về, và nếu như không hút thuốc thì đâu biết phải làm gì khi chợt nghĩ đến ngày mai. Chỉ ngày mai thôi cũng buồn rồi. Nước trên sông sẽ theo nhau ra biển. Còn đời lính như anh rồi về đâu nào biết mai sau? Xa thật xa rồi anh mới nhận ra. Anh em mình thương nhau nhiều nhưng chưa có bao giờ nói một lời gì, hay tỏ bày ra bằng cử chỉ phải không? Nhưng anh tin là em hiểu, vì tình thương tự nó muôn đời không cần nói bằng lời, nhưng người nhận và cho đều cảm nhận được như nhau…Những giọt nước mắt rớt trên tờ thư giấy úa vàng. Mẹ chồng nàng ái ngại bước đến lau đôi mắt nhạt nhòa giòng lệ và ôm nàng, xoa nhẹ nhàng lên bờ vai gầy gò đang rưng rưng trong tiếng nấc nàng đang cố kềm giữ lại. Mẹ tin rằng tất cả người thân của con đều được bình an. Đừng khóc nữa, hãy đi ra ngoài trong chốc lát. Bà dắt nàng đi dạo quanh bãi biển. Màu nước trong xanh gờn gợn bao la, màu mây trời trắng nhạt dịu dàng, trong phút chốc làm nàng thanh thản lại. Bà nắm tay kêu nàng ngồi xuống, trên bãi cát dài trong buổi chiều tà. Con hãy nhìn kia từng đợt sóng nhấp nhô. Mẹ nghĩ cuộc đời mình như mặt biển ở ngoài khơi. Gió không bao giờ ngừng thổi, khi nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ điên cuồng, cho nên mặt biển vẫn muôn đời dậy sóng. Mẹ tin rằng tất cả rồi sẽ qua đi. Những bất hạnh, tai ương không dành riêng cho một người nào.

Rồi bà kể cho nàng nghe chuyện đời bà. Cũng như mẹ của con, anh em mẹ là những đứa trẻ mồ côi sớm, đã nương tựa vào nhau để lớn khôn. Vì vậy âm nhạc chính là một phần đời sống, đã lấp vào khoảng trống của những nổi buồn đau cho tới lúc trưởng thành. Không phải chỉ riêng mình mẹ. Rồi con sẽ có cơ hội gặp các cậu và dì. Người nào cũng có ngón đàn tuyệt diệu mà chính hoàn cảnh sống đã đưa tất cả đến gần âm nhạc. Mẹ thấy dường như con không có sự đam mê nào hết. Mẹ nghĩ con sẽ cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng hơn nếu như con thử tìm vào viết, vẽ, đàn, hát, hoặc làm thơ. Tâm hồn mình sẽ quân bình lại dù có những điều bất như ý xẩy ra trong cuộc sống. Nàng ngước nhìn ánh mắt dịu dàng như ôm kín lấy nàng. Không cảm thấy lạnh từ những cơn gió chiều từ biển thổi về. Hai mẹ con bước những bước chậm đi trở về căn nhà có ánh đèn dọi xuống ở ngoài sân. Bà 'hug' nàng lần nữa, chúc ngủ ngon kèm theo câu nói "mẹ thương con".

Như bức màn âm u che kín, nàng không còn chút hy vọng nào về tin tức bên nhà. Cho đến một ngày như thể trong mơ, đứa em trai kế bỗng đâu sừng sững hiện ra. Em theo bước chân những người di tản sau cùng, rời quê hương vào ngày cuối khi miền Nam đã mất. Ai cũng nói hai chị em nàng phước lớn. Luôn là kẻ thoát ra ngoài những hoạn nạn tai ương. Từ mùa hè đỏ lửa năm nào cho tới nạn lớn trong nước. Nàng bây giờ bớt lạc loài. Người mẹ chồng mừng rỡ y như chính bà gặp lại người thân, dù nàng dường như bắt gặp đôi khi, nổi buồn thoáng hiện trên khuôn mặt của cha và mẹ. Nhất là người cha chồng, đã ra khỏi quân đội và đang làm việc trong quân y viện. Niềm vui có đứa em ruột thịt ở xứ người chưa được bao lâu nàng lại phải tạm chia tay theo chàng sang nước Đức. Nàng vẫn nhận thư em gái, để biết bên nhà các anh thay cha bảo bọc gia đình, dù tương lai vẫn vây phủ màu đen. Mùa đông nước Đức càng thê lương, ảm đạm khi nghe tin người cha chồng đã vĩnh viễn ra đi sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư máu. Nàng cùng con theo chàng về chỉ kịp tiển đưa cha đến nghĩa trang. Bây giờ nàng đã hiểu nổi buồn đôi khi bắt gặp trên khuôn mặt cha và mẹ những lần về. Cha chồng nàng giấu kín, bắt người bạn đời phải hứa với ông đừng cho con biết gì về bệnh trạng của ông. Các con, đứa sống tha hương, đứa mới bước vào đời, đứa đang miệt mài gầy dựng tương lai. Nhất là đứa con dâu mà ông coi như con gái, có một quê hương nhiều bất hạnh. Bệnh ông dù biết cũng không làm gì khác hơn là chờ ngày chấm dứt. Ông muốn các con bình thản, an vui với cuộc sống riêng. Nổi đau thân xác và nổi buồn ly biệt một ngày gần, hãy để cho ông và bà giữ lấy một mình. Chàng đau như chưa bao giờ cảm nhận. Ước gì thời gian quay ngược chàng sẽ không đi qua nước Đức, để có những chuỗi ngày gần bên cạnh mà chia xẻ với cha cơn đau tàn phá từng ngày.
Nàng về, hai mẹ con vẫn xoắn xít vào nhau như thuở hôm nào. Chỉ một điều nàng nhận biết, nụ cười hiền của bà bây giờ thấy buồn, và tiếng dương cầm bà dạo mỗi đêm nghe rời loãng. Nàng không ngờ bà đã bước qua tuổi 60. Trong mắt nàng bà vẫn còn trẻ như tuổi của mẹ ngày nàng giả biệt. Dù vậy bà vẫn chia với nàng niềm vui lớn, khi nghe nàng báo tin rồi một ngày không xa ba mẹ và các anh em của nàng sẽ có mặt bên đây. Hai đứa em song sinh lần lượt lập gia đình. Nàng xa xót quá khi nhìn mẹ bây giờ chỉ còn lại đứa em trai út vẫn còn đang đi học. Mẹ yêu biển, mê đàn và khiêu vũ. Nổi cô đơn trơ trọi đến với bà dường như quá sớm, hay chỉ vì bà là người có nổi hạnh phúc ngập đầy, bên cạnh người chồng ý hợp, tâm đầu và những đứa con thành đạt, thiện lành. Mà hạnh phúc thường mong manh, tắt vội, làm sao giữ được dài lâu. Bà nhu mì, hiền dịu như mang hình ảnh mẹ. Ông cứng cỏi hệt như cha. Anh em chàng cũng lớn khôn trong sự dạy dỗ vô cùng nghiêm khắc, và trở thành những đứa con ngoan, hiếu đạo giống hệt như những anh em ruột thịt của nàng xa xôi mãi bên kia. Nàng đôi khi cũng lẫn lộn. Làm sao ngờ nổi từ hơn nửa vòng trái đất, có những người không cùng ngôn ngữ màu da cũng có tình thương và cách sống giống hệt như mái gia đình nàng bỏ lại lúc ra đi. Nhất là người mẹ đã cho nàng bóng mát lúc tìm về. Trái tim người mẹ là trái tim ấm áp, bao giờ cũng có những nhịp đập yêu thương giống như nhau, mà ngôn ngữ trở nên không cần thiết, vì bất cứ ai cũng cảm nhận được điều này.

Tạm dứt những ngày phiêu bạt, từ nước Đức trở về nàng chia với mẹ tin mừng: đón người anh trai thường bảo bọc cho nàng từ bên đảo mới sang, sau cuộc hành trình vượt biển cùng chị dâu và cháu nhỏ. Nàng tạm sống chung thành phố, có người anh và đứa em trai sau những năm cố gắng miệt mài đã ra trường và có một việc làm như ước mơ và cũng lập gia đình khi đang còn đi học. Dù em không nói gì, nàng có thể nhận biết em dường như không hạnh phúc. Có lẽ em lập gia đình như là cách lẩn trốn nỗi cô đơn của người di tản một mình, bỏ lại trên quê hương mối tình đầu đời và bao nhiêu thứ nữa đã ăn sâu, gậm nhấm từng ngày trong tiếc nuối, ngậm ngùi ở bên này.

Nàng vẫn đi về thành phố biển đem theo hai đứa con trai cho người mẹ chồng bận rộn, lăng xăng quên đi nỗi cô đơn. Nàng không quên nói cho bà nghe những thủ tục bảo lãnh cho gia đình đã hoàn thành. Nàng sẽ được gặp lại tất cả người thân trong một ngày không còn xa lắm. Đứa em trai út giờ lập gia đình và đi xa, như chim đủ lông cánh bay đi rời tổ mẹ. Chỉ một người em trong cặp song sinh, vẫn ở chung thành phố biển. Đứa em này thương mẹ nhiều đến nỗi trở nên ích kỹ như đôi khi nàng chợt biết. Nàng ái ngại về sự lẻ loi cô độc, sau khi nàng cùng chồng con về căn cứ sau cùng ở Kentucky, không có nhiều cơ hội gặp bà thường nữa. Bà đưa tay vuốt tóc nàng, nói mẹ không sao. Rồi bà kể về người bạn già có cùng sở thích mà bà quen lúc gần đây. Tuổi ông hơi lớn hơn bà và chưa bao giờ lập gia đình. Hai người nghĩ rất cần nhau, để có thể chung tay dìu nhau con đường còn lại. Nàng mừng vui ghê lắm, nói con vẫn nghĩ mẹ cần một người đồng hành chia sẻ cuối đời.

Phải đợi đến 9 năm sau ngày ông nội các con qua đời, người bạn già của bà mới dọn vào căn nhà ven biển. Nàng có cảm tình với ông ngay lần gặp đầu. Những bữa ăn gia đình đầm ấm lại từ sau ngày cha chồng nàng mất. Nàng nghe tiếng đàn của ông, của mẹ quyện nhau, ngỡ như hai tâm hồn không có tuổi hòa hợp. Chỉ đứa em chồng mà nàng thân thiết ngày xưa, như bứt rứt, buồn phiền không chấp nhận hình bóng nào lấp vào khoảng trống cô đơn bên cạnh mẹ. Nàng bây giờ có hai người mẹ. Cứ mỗi lần phone về phố biển xong nàng gọi tiếp liền theo về phố có mặt trời như rớt xuống thật gần. Chàng quanh quẩn gần bên cạnh, chỉ cần nghe những gì nàng kể với mẹ chàng, là có thể đóan được những gì nàng đang kể líu lo với bà mẹ VN. Mỗi năm cả gia đình nhỏ, chia thời gian ra để dành tháng này cho mẹ ở phố biển quen, tháng kia cho đại gia đình bên Texas. Năm tháng vẫn đều đặn trôi qua thật êm đềm. Cho đến một ngày nàng vật vã đớn đau, bên cạnh khuôn mặt thẩn thờ trong tuyệt vọng của chàng. Có nên nói cho hai người mẹ biết, kết quả xét nghiệm sau lần đi thăm mẹ trở về, nàng thật sự vướng vào căn bệnh cancer. Những đứa con giờ đã lớn. Cũng như người mẹ chồng, nàng đã sống bằng những ngày hạnh phúc tràn đầy. Có điều người ra đi không phải là chàng giống như ông nội của các con ngày đó. Nàng chợt nhớ mấy đứa em gái sau khi lấy chồng rồi biết thở dài, nói chị gom góp hết hạnh phúc của bầy con gái trong nhà cho nên tụi em đâu còn nữa cho mình! Phải rồi, hạnh phúc mong manh, đời người mong manh. Ba mẹ nàng thấm nhuần tư tưởng nhà Phật nên chắc không đau đớn khi vô thường đến. Còn người mẹ nơi phố biển, là người thường nâng nàng đứng lên để tiếp tục đi. Nàng lau khô mắt gọi cho hai mẹ. Không tiếng khóc nào ngoài khỏang ngưng đọng. Con ơi, con biết từ lâu, bệnh hoạn tai ương không dành riêng cho chỉ một mình con. Hãy vui, sống những ngày đáng sống. Thương người và được mọi người thương, vậy đủ rồi con. Hai ngôn ngữ, hai khuôn mặt, nhưng cùng một trái tim. Nàng thấy lòng bình thản lạ kỳ, dù biết những ngày trước mặt là những ngày chiến đấu kiên trì cùng bệnh khổ.

Đôi khi nàng khẽ hỏi riêng chàng, sống cho đến ngày đầu bạc răng long là hạnh phúc dài lâu, hay chỉ là thú đau thương mà người có hạnh phúc hay không vẫn phải đi qua trên cây cầu sinh tử chông chênh khi gối mỏi, chân run? Chàng bao giờ cũng mỉm cười, nếu em không băn khoăn hỏi thì đôi chân sẽ vững, cho dù ở đọan nào trên những dặm đường. Đừng lo, em sẽ còn đi nhiều nữa với anh. Chẳng phải không dưng nàng lẩn thẩn, bởi bỗng đâu một ngày cả cha nàng và mẹ chàng bỗng chợt mù lòa. Người bạn già giờ trở thành đôi mắt của bà, và mẹ nàng ngày xưa bệnh hoạn triền miên, giờ là điểm tựa cho ngưòi cha già yếu đôi mắt không còn ánh sáng. Nàng đưa con về thăm bà nội. Dù không nhìn thấy gì nhưng bà vẫn ưa sự ngăn nắp, xinh tươi quanh căn nhà rộng. Ngoài sân, bốn mùa hoa vẫn đẹp như thời nàng mới về nhà. Hai đứa con trai biết bà nội lúc nào cũng tươm tất trong ngoài cho nên tình nguyện rũ nhau sơn lại bên trong, như một món quà mang đến niềm vui. Nàng có thêm cơ hội ngồi cạnh bên tiếp cho người mẹ ngày nào ân cần chăm sóc cho mình, những món ăn VN bà vẫn thích, vẫn khen ngon vì tự tay nàng nấu. Nàng như là con gái, khác với ba đứa con dâu xa cách thờ ơ. Chàng hiểu hơn ai vì đâu mẹ mình quyến luyến, yêu thương nàng dường như còn hơn cả đám con trai.

Một tuần cho bà nội rồi một tuần về bên ngoại. Nàng muốn các con về khi ngoại vẫn còn nở những nụ cười mỗi khi hai đứa cháu cùng cất lên tiếng “con chào ông ngoại” bằng ngôn ngữ mẹ. Bây giờ, đường về của nàng dù rẽ bên nào vẫn nghe như chật vật. Mẹ bên này nói hay thôi con khoan về, ba khoẻ lại rồi. Mẹ bên kia bảo con đừng lo cho mẹ lúc này, hãy an tâm lo chữa bệnh của con. Nàng nói với mẹ con sẽ về, nhất định về dù ba khỏe lại rồi. Con muốn có những ngày vui với ba vẫn hơn là đợi lúc ba không còn biết được con về. Nàng mãn nguyện với linh tính, cho nên đã được cận kề chăm sóc cha già trong những ngày cuối cuộc đời. Dù sao nàng vẫn còn đây, vẫn còn nghe được lời dặn của cha lúc sắp lìa đời. Con ráng nghe con. Chỉ có thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Ba tin rằng con sẽ bình thản đi qua đoạn đường không dễ chút nào với tất cả mọi người. Ở đây chỉ cõi tạm. Đoạn đường đời dù ngắn dù dài con đừng luyến tiếc. Nàng mãi mãi ghi ơn tạc dạ, tấm lòng biển trời của đấng sinh thành. Ngày con vào đời cha lo con không hạnh phúc. Ngày con dợm bước xa đời cha vẫn hoài mong con sẽ ra đi với sự thanh thản, bình an.

Những ngày tháng êm đềm như đã thuộc về quá khứ xa. Đôi chân càng yếu nàng càng đi nhiều hơn. Khi mẹ tạm nguôi nỗi buồn làm người ở lại trong câu niệm Phật ngày đêm, nàng chợt biết ngậm ngùi vì câu “tử biệt, sinh ly”. Mẹ chồng nàng quyết định chia tay cùng người tri kỷ, sau gần 20 năm cận kề nhau. Nàng nhìn thấy những giọt lệ, trên hai khuôn mặt già nua trong giờ phút chia tay. Bà bán đi căn nhà ven biển ở San Diego, để dọn về một nơi ven biển khác cho gần với đứa con trai ở North Carolina. Ở hai thành phố biển là San Diego và Morehead City, mỗi nơi có một đứa con trai trong cặp song sinh. Nàng hiểu khi quyết định đi về vùng biển lạ, là mẹ âm thầm trốn chạy những kỷ niệm chập chùng theo tháng năm dài. Sau cơn stroke đầu tiên đến với bà, cả hai đều phải nhìn vào sự thật là không người nào còn đủ sức để dìu nhau đi hết đoạn đường sau. Làm gì được cho mẹ bây giờ? Nàng không tìm ra câu trả lời. Mãi mãi con người vẫn bé nhỏ và bất lực, trước sự xói mòn, hủy diệt của thời gian. Thân xác mình đeo mang nhưng không làm chủ được, bởi dường như chẳng thuộc về mình. Có chăm sóc, nâng niu đến mấy, rồi một ngày cũng xuôi tay. Nàng vẫn chưa đi đến cuối con đường mà chừng như sắp vẫy tay chào, nên cảm nhận nỗi đau xót quặn lòng trong buổi phân ly của mẹ. Đôi mắt ông vẫn còn có thể nhìn thay đôi mắt mẹ, nhưng đôi chân giờ gầy yếu, lao đao mẹ không còn tựa được vào như đã từng nép tựa bên ông suốt bao năm. Về an dưỡng tại nơi cư ngụ mới, mẹ bây giờ phải thuê người chăm ngày đêm. Những ngày nàng viếng thăm, là những ngày nàng thay thế cho các cô trợ tá, 24 giờ thay nhau có mặt cạnh bà. Nàng dìu bà đi ra bãi biển. Gió từ ngoài khơi thổi về lồng lộng trong buổi chiều, có những giải mây tím xẫm phía trời xa. Nhìn mái tóc mỏng lưa thưa của mẹ, nàng vẫn chưa quen bởi trong trí vẫn thoáng còn hình ảnh khuôn mặt đẹp diệu hiền như một bà tiên, có mái tóc màu lụa trắng vờn bay trong gió. Nàng hỏi mẹ có nghe tiếng sóng biển lao xao? Bà gật đầu nói biển của mẹ bây giờ chỉ còn lại xôn xao âm vang của tiếng sóng mà thôi. Nàng đưa mẹ về trước khi khi trời tối. Tự tay tắm gội, chải cho bà kiểu tóc quen thuộc dù biết mình không được khéo. Mẹ luôn luôn tươm tất, từ chuyện chăm sóc cửa nhà cho đến cách ăn mặc. Và, nhất là mái tóc của bà. Biết rõ đứa con dâu luôn giản dị, đơn sơ cho nên cử chỉ xăm xoi chải tóc cho người mẹ không còn ánh sáng, bà hiểu hơn ai tình thương của đứa con xa. Nàng nhẫn nại, khoan thai đút cho mẹ từng bữa ăn sáng, tối. Bà nói dường như mẹ chỉ cảm thấy muốn ăn khi có con ở cạnh bên.

Sau lần thăm mẹ trở về nàng nằm vùi không dậy nổi. Cột sống đã tổn thương nhiều vì sức yếu thêm gắng gượng dìu đỡ mỗi ngày người mẹ mù lòa. Bên cạnh đó sự thật không thể nào trốn chạy là mọi thứ bên trong thân xác nàng giờ đồng lòng rủ nhau không làm theo ý muốn của nàng. Vậy mà mẹ vẫn chưa dừng lại. Bà trả vội nhà, nhất định đi đến Las Vegas- thành phố có đứa con trai út đang sinh sống. Đứa em trai nhỏ và nghèo hơn hết, vẫn chật vật chuyện cơm áo, gia đình nên đâu có thời giờ dành cho mẹ bao nhiêu. Giữa lúc mẹ chừng thấm thía nổi cô đơn trơ trọi, bên cạnh những người lạ chăm sóc ngày đêm, thì đứa con trai từ San Diego gọi báo tin, người bạn già tri kỷ lìa đời sau cơn bệnh bất ngờ, trước lúc ông thu xếp trở về Minesota sống những ngày cuối đời bên cạnh người em cho đỡ quạnh hiu. Chàng cùng nàng có mặt trên chuyến bay sớm nhất, khi nghe tin buồn cùng với tin mẹ bị thêm cơn stroke tiếp theo. Trong nổi buồn mất mát một người thân, nàng cảm nghe ấm áp bởi người duy nhất có mặt bên ông phút cuối là đứa em chồng ngày xưa không chấp nhận ông. Em đã một mình lo tang lễ, lấy tro cốt của ông đem ra biển rãi trôi theo sóng như lời ước nguyện sau cùng. Nàng chợt biết ra ông cũng yêu biển và ước mơ về với biển mai sau. Chàng tuy chia nổi đau của mẹ, không cách gì có mặt tiễn đưa người tri kỷ một đời. Nhưng chợt nghĩ đến những chuyến đi về tiếp nối không ngừng, kéo theo những cơn đau nàng đang từng ngày đối mặt, chàng hỏi mẹ nghĩ gì về thân xác rã rời của chính bà theo những lần dời đổi bất ngờ. Mẹ ôm mặt khóc và chàng cũng khóc. Mẹ xin các con tha thứ lỗi lầm này. Chính nổi bứt rứt, buồn phiền nung nấu, sợ không còn cơ hội gặp người thân, đã làm mẹ khủng hoảng đi lang thang khắp chốn. Bây giờ thì mẹ hiểu, dù ở đâu cũng không tránh khỏi sự chia lìa. Các con hãy thu xếp cho mẹ về lại North Carolina. Mẹ về bên biển, sống với biển và ra đi cùng biển. Nàng ngẩn ngơ thầm hỏi, có bao giờ mẹ chợt đi tìm nàng với chàng không? Bốn đứa con trai ở bốn nơi, mẹ đã có mặt ba nơi dù sức đã mỏi mòn, và đôi mắt chỉ còn là vũng tối.

Nàng thiếp đi trong mỏi mệt, bỗng chợt giật mình nghe tiếng mẹ hốt hoảng gọi tên nàng. Yen ơi, con đã về chưa? Nàng bắt gặp đôi tay yếu, quờ vào khoảng không như tìm một bàn tay. Nước mắt nàng tuôn lả chả, chợt nhìn quanh chàng và ba đứa em trai không biết từ bao giờ đã hiện diện đủ đầy trong căn phòng của mẹ. Nàng bước tới nắm bàn tay run rẩy, xanh xao, khẽ nói chúng con đã về bên mẹ rồi đây. Tất cả các em cũng đều đang có mặt với con. Từng đứa em bước tới, xiết bàn tay và hôn lên trên má của bà. Mẹ gọi tên từng đứa, khuôn mặt chừng thanh thản vô cùng. Mẹ đợi mỗi ngày, nhất là Yen, chỉ sợ không còn dịp để gặp con. Nàng lau nước mắt, cố giữ giọng được bình thường, để mẹ đừng biết nàng đang khóc. Tại mẹ lo vẩn vơ thôi. Lần chia tay trước ở Las Vegas con hứa với mẹ là con sẽ về thăm mẹ bất cứ khi nào mẹ cần con. Nhưng còn việc làm của con , sức khỏe của con….Thôi mẹ nhớ ra rồi! Yen ơi, hai đứa con về bằng gì, hãy nói cho mẹ biết? Anh ấy nghe mẹ yếu, liền ra xe chở con thẳng về đây. Trời ơi, đoạn đường xa như vậy, sức của con làm sao kham nổi hở con? Nàng vuốt ve bàn tay mềm mại, ngày nào vẫn lướt trên những phím đàn, nói không sao đâu, rồi tụi con cũng sẽ lái xe đi về lại như khi đến.

Sau đó mẹ như chìm vào giấc ngủ, trên môi đọng lại nụ cười thanh thản, nhẹ nhàng. Nàng nghe bốn anh em bàn chuyện nhân khi mẹ còn tĩnh táo, mời một vị linh mục đến để hoàn thành nghi lễ sau cùng. Nàng nghĩ, chỉ có vị linh mục và mẹ trong giây phút đó, nhưng khi bốn anh em chàng bước ra phòng ngoài, cửa phòng mẹ vẫn mở. Có lẽ mọi người đều có chung ước muốn như nhau, biết mẹ nghĩ gì, ôm ấp điều gì bên trong trước lúc ra đi. Nàng thoáng ngạc nhiên, nhận ra giọng nói của mẹ có âm điệu khỏe hơn thường lệ, mạch lạc rõ ràng đủ để phía bên ngoài bốn anh em chàng và nàng có thể nghe từng tiếng rõ ràng. Nàng xót xa cho mẹ biết bao, bởi lòng mẹ vẫn ngập đầy hối tiếc về những gì đã trở thành quá khứ trong đời. Bà hối tiếc vì ngày đó, chỉ ở nhà làm vợ, làm mẹ chăm sóc cho ông và những đứa con. Lẽ ra bà có khả năng để cùng lúc đi làm việc, vừa sát cánh bên ông vừa có thêm cơ hội giúp người. Dù cố ngăn giòng nước mắt, nhưng cả đám anh em và nàng không cách gì kềm giữ lại khi nghe lời xưng tội tiếp theo. Nổi ăn năn lớn nhất đời của mẹ, chính là chỉ sống chung mà không có kết hôn với người bạn già tri kỷ suốt cuộc đời chỉ có mình bà là người ông hết dạ yêu thương. Vì không kết hôn nên mới phải chia tay. Ông ra đi trong buồn bã cô đơn, trong khi chính bà cũng sống trong hụt hẫng trơ trọi, vì tất cả những gì quen thuộc trong phút chốc đã không còn, để rồi không cả một lần tiễn biệt được nhau. Lẽ ra bà là người hiện diện bên ông như đã từng là chiếc bóng, cận kề trong suốt những năm dài. Nàng tiếp tục lắng nghe tiếng nói lẫn trong tiếng khóc tủi buồn của mẹ, khi bắt đầu nhắc đến tên nàng. Bà nói bà thương nàng lắm. Thương từ phút giây gặp mặt đầu tiên. Bà nghĩ đây là đứa con gái trong giấc mơ thường ấp ũ, bỗng một ngày bà có được trong đời. Đứa con gái mang lại cho bà nổi ấm áp, nhẹ nhàng vì nàng cũng có trái tim nồng ấm, thương yêu bà như thương người mẹ sinh thành. Bà đau xót lắm khi biết nàng vướng vào căn bệnh cancer, mà chính bà trong những cơn hoảng loạn đã làm nàng điêu đứng, bỏ quên mình để có mặt bên bà, dù sức khỏe của nàng ngày một hao mòn…


Sau buổi đó, đứa em chồng ngày xưa không tán thành chuyện mẹ có người đàn ông khác trong đời, cứ ngồi nhìn mẹ hoài, lâu lâu nâng niu bàn tay mẹ rồi lau khô đôi mắt ướt của em. Nàng tội cho em và thương cho mẹ, tại sao không buông được những gì đã qua rồi. Hối tiếc nhiều đâu thay đổi được gì, có chăng chỉ tự làm mình khốn khổ nhiều hơn. Dù sao em cũng là người thay mẹ, lo cho ông sau lúc ra đi. Mẹ bây giờ như chìm trong giấc ngủ triền miên. Nàng gọi phone về nghe mẹ ở đầu dây bên kia ân cần nhắc, con ráng làm sao để lòng bà an ổn, nhẹ nhàng, khi ra đi được bình an. Mẹ bên này cầu nguyện mỗi ngày, mong cho bà sớm trút nổi đau kéo dài trên thân xác, được đi về nơi mãi mãi an vui. Nàng cũng chỉ mong có thế, lòng thầm mừng vì đã có mặt ngay khi mẹ sợ hãi, lúc ra đi không có đứa con nào ở cạnh bên mình. Nàng muốn thầm thì cùng mẹ, như đã từng chia sẻ với bà nhiều năm tháng trong đời. Mẹ ơi, khi góp mặt với cuộc đời là đứa bé thơ ngơ ngác một mình. Khi giả từ rồi cũng chỉ một mình thôi. Con hiểu vậy cho nên bình thản lắm. Càng thương mẹ bao nhiêu con càng mong mẹ sẽ ra đi bằng những bước nhẹ tênh.


Mẹ đi rồi. Chàng dìu nàng ra biển. Nhìn hải âu tung cánh nàng khẽ nói mai sau em mong sẽ là một trong những cánh hải âu. Chàng cười buồn, hỏi; vậy là em không mong trở lại làm người? Không hẹn gặp anh kiếp mai sau? Nàng nói, nhẹ như gió ..Em sống hết lòng, yêu thương cũng hết lòng nên không nuối tiếc hay bám víu dù cuộc sống là chuỗi ngày hạnh phúc tràn đầy mà em có với anh. Gặp là duyên, chia cũng duyên. Khi duyên đã tận, em ra đi không đớn đau. Anh có thấy, làm người vui ít, khổ nhiều. Em không nói riêng em, là chung cho tất cả thôi. Mai mẹ về với biển. Mẹ sẽ gặp lại ai anh biết không? Dẫu biển San Diego và biển North Carolina mãi mãi cách nhau xa. Anh có biết mình cũng như nước, là một phần trong nhau và ở trong nhau.

Quỳnh My
Cho chị dấu yêu

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do