Sao không trở lại?

My đến phi trường lúc 7 giờ chiều. Tới sớm hơn My là gia đình dì, người em gái duy nhất của mẹ sang đây đã mười năm. Mười năm với thật nhiều trắc trở. Cuối cùng dì chú thỏa dần ước nguyện. Ðêm nay ba đứa con của dì sang đoàn tụ với gia đình.

My thấy hạnh phúc tràn đầy trên mặt chú. My nhớ lại, như phép lạ. Chỉ cách đây vài năm thôi, Người đàn ông đó sụt xuống còn hơn 80 pounds, phải chuyền thức ăn dinh dưỡng qua ống dẫn vào bao tử, nằm thoi thóp chờ trút hơi thở... Ngày đó trong bệnh viện, hai chị em My nước mắt đầm đìa ôm người người chồng của dì. Tụi con thương chú lắm. Chú ơi, chú ráng vượt qua để còn có cơ hội đem các em sang đây như tâm nguyện. My biết lúc đó My nói mà không dám trông mong, bởi tiếng nói của chú đã tắt, không còn thoát ra được từ thanh quản. Chú nằm im chịu đựng cơn đau. Hai hố mắt sâu và thân xác bất động. Em gái My vừa khóc vừa bảo em rễ đem vào cho chú cái máy nhỏ, để ghi âm lại những gì muốn nhắn gởi với đàn con còn lại ở VN, nếu như chú còn có thể nói được trong giây phút cuối. Rồi em gọi cô y tá, phụ tiếp tay nâng chú vào phòng tắm để em tự tay tắm gội sạch sẽ, thể như chăm sóc cho cha. Dì của My có một thói quen rất kỳ khôi. Dì có thể làm mọi chuyện dù cực nhọc tới độ nào để chăm sóc chồng con, trừ ra lúc phải vào nhà thương. Dì đến thăm như thăm một người quen, rồi vội vã ra về, nhất định không ở lại lâu, như sợ phải xúc chạm vào thịt da người bệnh. Mẹ đã bất bình nhiều khi thấy dì bình thản ra về, nhất định không cận kề bên cạnh người chồng kiệt sức trong bệnh viện. Dì chú sang đây đoàn tụ do đứa con gái một mình vượt biển ngày nào. Ðứa em này qua tới đảo, được anh My bảo trợ sang sống với ba mẹ vài năm. Rồi em tìm sang Canada, đem người bạn trai gặp ở đảo qua đây chung sống. Khởi đầu chỉ một người có mặt nơi này, là nhịp cầu nối dài cho những người thân tiếp bước qua. Nhờ ý chí mãnh liệt, phải sống để thực hiện xong ước nguyện, tạo cơ hội cho đàn con còn lại cơ hội thoát ra khỏi cảnh sống tối tăm, mà chú đã vượt qua nổi chết cận kề. Ngày đó, trong hành lang bệnh viện, ba My đã ngậm ngùi nói vói My rằng, có lẽ nào chú ra đi mang theo luôn những ước mơ chưa thành.

Vậy mà sau đó không lâu, chú vượt qua tất cả làm người sống sót trở về đưa tiễn ba My. Những đứa em còn lại bên nhà, ngày nghe tin ba My mất đả trở thành những đứa con đi vào chùa, quấn khăn tang tụng kinh mỗi thất cho ba My. Thầy trụ trì xúc động nhiều, bởi chưa lần nào nhìn thấy những đứa cháu thọ tang cho người bác chồng của dì mình, tới chùa tụng kinh cầu siêu thất tuần và mỗi năm đúng ngày giỗ đều tới chùa làm lễ cầu siêu như những đứa con hiếu đạo.

Mẹ My lấy chồng năm 18. Năm sau mẹ sinh đứa con đầu rồi cùng ba My giang tay ra để bảo bọc đám em nhỏ mồ côi bởi ông bà ngoại lần lượt ra đi khi chưa chạm tới tuổi già nua. Dì là đứa em gần gủi ba mẹ My hơn hết. Ba My vừa là người anh cả vừa tựa như một người cha. Mẹ là con gái Nam kỳ mộc mạc, lấy người đàn ông phiêu bạt đến từ đất Bắc mù xa. Rồi đứa em vợ lớn dần được ba gả chồng- cũng là một người trai từ Bắc vào Nam lưu lạc, như ba. Anh em My gọi chồng của các dì bằng dượng. Chỉ duy nhất một người gọi bằng chú mà thôi. Cũng vậy, ba và mẹ cũng có riêng một đám cháu gọi cả hai bằng bác. Khác với đám cháu con các dì khác gọi bằng dì dượng theo cách xưng hô của người Nam. Mẹ My bao năm vẫn giống vậy thôi. Dì trái lại nói giọng Bắc như người xứ Bắc và nấu những món ăn Bắc kỳ không thua bất cứ ai! Có lẽ nhờ dì làm dâu qua những tháng năm. Khác với mẹ, vì ba My lạc loài chỉ có một mình. Những người em chồng của dì, đều bắt chước dì gọi ba My bằng hai tiếng "anh Hai" nghe gần gủi làm sao! Còn có thêm những nhân duyên cùng làm việc chung với nhau một khoảng thời gian. Ba My lúc nào cũng được quý kính như bậc trưởng thượng kể luôn bên gia đình chồng của dì My. Đến phút cuối, ba vẫn còn nhân duyên gặp lại người em gái chú. Cô từ VN sang chơi, thăm chú dì và ba mẹ của My. Những ngày cuối cô ở lại, cũng là ngày cô có mặt để tiễn ba My về nơi an nghỉ.

My và lũ em ở phía sau My có nhiều gắn bó vói chú hơn các anh chị lớn. Sau mùa Hè đỏ lửa 72, chú là người đã thuyết phục ba mẹ đem chị em My về sinh sống ở Saigon. My rời nơi được gọi tên là Rừng Lá. Chấm dứt những đêm nằm nằm nghe tiếng mưa rơi từng giọt nhẹ, gõ xuống thanh âm đều đều trên mái lá. Cũng từ vách lá vọng sang tiếng đàn và giọng ca buồn não nuột trong bài hát Mưa Rừng của cô bé hàng xóm xinh như công chúa, sống lạc giữa chốn núi rừng giống chị em My. Chú thương xót chị em My chưa bao giờ ra khỏi căn nhà rộng rãi, êm đềm. Qua cơn binh lửa, phút chốc như trở thành dân du mục. Ðứa em gái giờ vẫn còn mang vết sẹo dài ở ống chân, trong một lần vào rừng đi tắm suối năm nào. My đã trãi qua những đêm trăng nằm ngắm trời sao, trên chiếc đệm trãi trước sân căn nhà lá nhỏ. Những buổi sáng trời mù sương, chưa nhìn thấy dáng những ngọn núi màu tím thẩm, lẫn trong mây buồn ảm đạm quanh năm. My còn loáng thoáng trong trí nhớ, dáng ai cao sừng sững bước lang thang. Những bước rã rời mang trái tim trầy trụa, quặn đau, của người bạn học si tình cô em gái con người dì Út. Em đẹp kiêu sa và dư biết mình xinh đẹp, đủ để dễ dàng làm điêu đứng những mắt nhìn, những con tim dễ lạc nhịp trong khoảnh khắc. My như in sâu vào trong trí dáng lao đao, tiều tụy, như người mắc bệnh tương tư My bắt gặp thuở xưa, trong những lần tiễn My ra chuyến xe đò đưa My về thành phố, để gởi theo những lời hỏi han và trái tim đang vật lộn với những nổi đau..Có lẽ vì vậy mà những năm sau, khi bắt gặp lại dáng cao gầy sừng sững đợi chờ My trên đường về ở Saigon, My chỉ thoáng lao xao chút xíu. Kẻ si tình hoài đi lại những con đường. Rồi sẽ đi qua đoạn gập ghềnh. Rồi sẽ quên trong nhớ và đời trôi đi mãi.

Những ngày đầu về thành phố, My thường ngồi phía sau lưng chú trên chiếc vespa. Chú chở My đi, chỉ dẫn những nơi chốn My cần để có thể tự mình lo cho My cùng các em đến trường trở lại sau mùa hè năm đó. Có lẽ thấy chú tỉ mỉ, để ý chăm sóc cho chị em My từng chút, đem tất cả từ miền núi rừng về ở căn nhà chú vừa mới dọn ra chẳng bao lâu, một trong những người em gái chú, đã đôi khi bóng gió, xa xôi. Chú vẫn thản nhiên bỏ ngoài tai, thay ba My sắp xếp và ổn định cuộc sống cho bầy con gái nhỏ, bơ vơ về thành phố sau cơn binh lửa. Nắng Saigon trong những ngày ngồi sau chú trên chiếc vespa, và sau những tháng làm người miền núi khiến My đen như người Thượng. "Con nhỏ đen thui" là mấy tiếng quen thuộc mà người em chú gọi My. Ðể sau 20 năm gặp lại ở đây, khi MY lên tiếng hỏi chào, người em gái chú ngẩn ngơ, hỏi con nhỏ nào đây, tại sao cô không thể nhớ ra. My cười, là con "con nhỏ đen thui" của ngày xưa. Trời ơi, sao con lạ vậy? Cô không ngờ con nhỏ xíu bây giờ. Mà da thì trắng! Nghĩ cũng lạ, ai cũng được nhận ra dễ dàng sau hơn 20 năm không gặp. Chỉ riêng My thường phải giới thiệu lại tên với người thân. Nào con nhỏ đen thui. Nào con nhỏ đau răng khóc ngập lụt chung quanh. Toàn những hình ảnh mà khi nhớ thấy ngại ngùng vì không chút...nên thơ !

My nhớ khi dì chú còn ở căn nhà cũ, thỉnh thoảng My về chơi vài ngày. Mỗi lần My xuống bếp nhìn dì nấu nướng, dì hay bảo con nêm nếm theo kiểu Nam bữa nay đi. Những đứa em con dì mỗi người một vẻ. Mai Hoa lớn hơn My mấy tuổi, sâu lắng, nhẹ nhàng ngược lại với Thái Hòa bằng tuổi My luôn rộn rã tiếng nói câu cười chừng như không ngừng nghỉ. My thân với Mai Hòa và gần gũi Thái Hòa. Ðám em còn lại My thương quý nhưng không gần lắm. Cả hai chị em này đều hát hay. Hoa hát giọng trầm buồn như khuôn mặt thường thoáng nét u sầu kể cả lúc cười. Thái Hòa thuở ấy hay hát vang những bài tuổi ngọc, tuổi thần tiên như ca sĩ Thái Hiền. Ðời mấy đứa con gái của dì sao buồn. Cả ba đứa em lần lượt theo chồng rồi mang khuôn mặt đầm đìa nước mắt trở về. Mai Hoa bền bỉ, âm thầm trong cảnh khổ kéo dài. Mãi đến khi con lớn mới có đủ can đảm để cắt đứt mới tình thơ mộng thời thiếu nữ nhưng lại trở thành cuộc hôn nhân tràn ngập khổ đau. My nhớ ngày đám cưới Thái Hòa, người dì Út xinh đẹp nhưng khó tính của cả đám cứ theo căn dặn mãi. Ngày mai người ta tới rước dâu, con nhớ không cười, nói thoải mái toàn những câu dễ chọc cười người khác. Phải ra dáng nhu mì, hiền thục một lần. Mai mốt ván đóng thuyền rồi có hiện ra nguyên hình cũng được! Mẹ là chị lớn, My có 3 dì là dì Tư, dì Sáu, mẹ Thái Hòa và dì Út có duy nhất cô con gái đẹp kiêu sa. Dì Út ở quê nhưng đẹp cao sang, và khó tính hơn bất cứ dì nào hết. Dặn dò Thái Hòa chưa đủ. Dì còn thêm, chắc là dì phải cột sợi vào cổ tay của cô dâu để gịật nhẹ, để nhắc cho nó nhớ đừng cười nói khi có mặt của nhà trai trong buổi lễ. Thái Hòa chỉ cười không nói. Em đi theo chồng với nụ cười, để rồi hơn một năm sau trở về với tấm thân tiều tụy, chừng như vướng bệnh lao phổi vì những ngày làm dâu đói rách, nhọc nhằn xa mãi đâu đâu My thật sự đã quên. Cũng may chưa có đứa con nào ra đời trong khoảng đới tăm tối của Thái Hòa. Em sống trở lại thời độc thân vui tính cho mãi đến ngày nay.

Chuyến bay đến phi trường Houston buổi tối hôm qua mang cho dì chú của My 3 đứa con xa. My cùng chàng có mặt ở phi trường lúc 7 giờ, đã bắt gặp cả gia đình chú và gia đình đứa con gái ở chung tới sớm hơn. Những chuyến bay đưa người từ VN sang thường đến vào buổi tối. My không biết đã có bao nhiêu lần đêm ra phi trưòng đón đợi người thân. Cậu mợ, mẹ, anh chị và em gái , lần lượt hiện diện. Chuyến bay đến muộn hơn một tiếng, làm mọi người có dịp ngồi nhắc lại những lần đưa đón. Như mới ngày nào cả mọi người tới đón chú dì. Bây giờ dì chú là người đem thêm những đứa con qua. Người chị dâu của My hơn 4 năm xưa một mình ngơ ngác đến nơi này. Ðêm nay bên cạnh chị là hai đứa bé đang tung tăng chạy nhảy. Hơn 22 năm không gặp, vẫn thường nhìn thấy qua hình cho nên My nghĩ rằng không khó nhận ra nhau. Nhìn dòng người lũ lượt ra khỏi máy bay đi xuống nơi nhận hành lý, My ngạc nhiên vì cả một chuyến bay chỉ bắt gặp môt người Mỹ lạc loài. Còn lại tất cả hầu như là dân Á Ðông của mình thôi. Ba chị em Thái Hòa là những người đi sau cùng. My nhìn thấy Thái Hòa từ trên cao với ánh mắt ngơ ngác, kiếm tìm nhanh. Bàn tay mừng rỡ giơ lên vẫy, và nụ cười năm xưa vẫn còn nguyên. Bước nhanh tới ôm My, nhỏ em cùng tuổi giọng nghe giòn giã, tựa như My chưa bao giờ cách biệt một khoảng đời dài. Trời ơi, My thiệt tệ. Ði mất biệt, mấy mươi năm nhất định không về, để cho em phải lặn lội đi qua, khổ thiệt nha! My nghe ấm áp, thân quen câu trách nhẹ hồn nhiên. Nhìn Cậu đang mỉm cười bên cạnh, My nghĩ phải giới thiệu thêm với cậu về cô em có tính vui đùa tự thuở nào giờ. Cậu chắc chưa biết Thái Hòa con của dì nói chuyện tiếu lâm gần giống HÐào.

Ðứa em trai sau phút bỡ ngỡ tới ôm vai My chụp hình chung. Phải đợi đến mấy mươi năm mới được ôm vai chị một lần, lâu thật là lâu! Chị không già như em tưởng. Vẫn nhỏ nhắn như xưa chư không phát tưóng ha!! My nhìn đứa em nhỏ nhất thấy thật gần. Em mang vóc dáng của Mai Hoa và có vẻ trầm mặc giống như My ngày "ngơ ngác cỏi ngươ`i".. Ngày My chia tay, em mới mấy tuổi thôi. Mai Hân vui nhất vì con gái Út của dì từ đây không xa mẹ nữa. Theo gia đình dì từ phi trường về nhà. Mẹ và anh em My ở lại mừng một lúc rồi về. Dì nấu sẵn nồi phở lớn nên tỏ ra thất vọng khi không ai ở lại ăn chung vì đã muộn. Thái Hòa ngồi kể cho chị em My và mẹ nghe về những người thân. Câu cuối cùng trước lúc ra sân là áo dài của các chị đẹp lắm, nhưng ráng đợi em soạn ra sau vì đêm nay chưa cần mặc phải không? My cười, nói chắc vẫn còn cơ hội gả chồng cho nhỏ nữa rồi. Vẫn không bao giờ già nổi sau mấy mươi năm không gặp! Thái Hòa cười, tóc chị sao rồi, tóc em bạc, nhuộm hoài. Chồng con gì nữa, em lo kiếm tiền để sinh sống thôi, không kiếm chồng đâu! My nhắc lại, vậy mà mấy mươi năm trưóc, rủ chị đi kiếm ông thầy bói đòi tiền vì bói sẽ lấy chồng mà đợi hoài chẳng thấy chồng đâu?

Mẹ, chị em My và những đứa em xa vừa gặp lại rảo bước ra sân. Những nụ cười ấm áp theo My về trên đoạn đường dài. Mẹ, chị em My và đám em con của dì, dù ở nơi đâu vẫn mãi mãi gần. My mừng chú dì có thêm con bên cạnh cuộc đời đã gần bóng hoàng hôn.

Thầm cầu chúc và thầm mong những đứa em qua sau, sẽ sớm thích nghi với đời sống mới. Kiên nhẫn và có thật nhiều may mắn để vượt qua đoạn gập ghềnh trong những bước đầu tiên, như bao nhiêu bước đi trước của những người, sống kiếp chim tha hương, chọn đất trích làm nơi nương tựa.

Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do