Đoản khúc dâng Thầy

Một đoản khúc dâng Thầy thô thiển như vậy sao? Con không dám. Xin được đê đầu đãnh lễ sám hối Người- Đấng Tôn Sư.

Hôm đầu tiên đu chiếc xe than ra thiền viện xin tu, con đã chưng hững khi gặp lại Thầy trong bộ đồ núi, tay xách giỏ đệm, chân mang đôi dép mũ. Thường Chiếu un nắng, gió thổi rát da. Thầy ngồi trên chiếc ghế mây mốc thếch dưới bụi tre vàng, cạnh cái thất sàn nhỏ. Tất cả đều rất lạ, chỉ có nụ cười vẫn cứ quen. Chính nụ cười ấy, con đã cọc cạch chiếc xe đạp suốt cả một thời học trò, chạy qua bao nhiêu ngỏ phố, đến bao nhiêu chùa, chỉ để theo Thầy thính pháp, văn kinh và...khóc. Hôm đó, chắc Thầy cũng không nghĩ là con sẽ tu được, tại vì con còn bụi lắm.

Thoáng chốc đã 20 năm. Hai mươi năm ân Thầy giáo dưỡng. Giật mình nhìn lại con vẫn ngờ ngợ chính mình, nửa lạ nửa quen. Kính bạch Thầy. Con có lỗi với Thầy nhiều lắm "Hoài bão lớn nhất của Thầy là niềm vui của các con. Tăng, ni có an vui, dù nhọc nhằn cách mấy Thầy cũng quên đi, vượt qua. Tăng, ni không vui, Thầy thấy không an vì chưa tròn bổn phận". Điều này con đã nghe, đã biết từ lâu nhưng tại sao đến bây giờ Thầy vẫn còn nhiều nhọc nhằn vì tụi con.

Không kể những bài pháp, những buổi giảng khô cổ, đắng môi Thầy dành cho tăng ni, tứ chúng, băng từ, sách vỡ ghi hết cả rồi. Còn lại là những năm tháng đi mưa về nắng, chia bùi xẻ ngọt của Thầy đối với tăng ni, con không biết chứa ở đâu, ghi vào chỗ nào? Một trái mãng cầu, một miếng mít ăn thấy ngon, Thầy liền gởi xuống cho các thiền viện. Một chai dầu xanh, một xấp vải nhỏ Người cũng dành dụm hết cho tụi con những năm tháng nghèo thiếu. Buổi tối, bên ánh đèn dầu leo lét, Thầy cùng chư tăng nhặt từng hạt đậu phộng, sưng phồng cả ngón tay. Chuyện cũ kể lại vẫn như son. Trời mưa, Thầy chống gậy đi bộ vào Viên Chiếu một mình. Giảng xong thời pháp, lại chống gậy đi về một mình, cũng trong mưa. Thấy cực quá, chư tăng tìm cho Thầy một chiếc xe đạp. Chạy không quen, Thầy té, lại đưúng dậy tiếp tục lên đường. Chưa bao giờ Thầy bỏ tụi con. Đau nhất là khi tụi con trở chứng đỗ tật, nói không nghe, Thầy nhịn.

Được tin các đại đệ tử bệnh, Thầy đến thăm và nói: "Tôi già rồi. Mấy chú đau yếu thế này, tôi biết trông cậy vào ai?" Còn bài pháp nào ở đây? Thôi, con xin khép lại, cho yên.

Thiền sư Tông Bổn- Viên Chiếu sau một thời dạo gót khắp nhân gian độ khách hữu duyên. Đến lúc già, ngài lui về núi rừng ẩn thân. Thiền sư đánh trống nhóm chúng, từ biệt.

Bổn thị vô gia khách
Na kham nhậm lý du
Thuận phong gia lỗ trạo
Thuyền tử hạ Dương Châu

Tạm dịch:

Vốn là khách không nhà
Mặc tình ý dạo xa
Xuôi gió chèo thêm chóng
Dương Châu thuyền cập qua

Kẻ tăng, người tục đưa Thầy ra khỏi thành, chen chân không lọt. Khi nhìn nhau lần cuối, sư để lại lời nhắc nhỡ:

Không nên vui đùa năm tháng, già chết chẳng hẹn cùng người. Chỉ nên siêng năng tu hành, chớ lười trễ. Ấy là thật vì nhau. Mọi người cảm động rơi lệ...

Làm con nhớ đến Thầy. "Chỉ còn một năm rưởi nữa thôi. Thầy cố dạy dỗ tụi con. Tăng ni Phật tử gắng tu hành có đầy đủ niềm tin. Được vậy, chẳng những quý vị không cô phụ mình, mà cũng là đền ơn chư Phật"

Bây giờ, khoảng canh ba. Mỗi chị em quanh con là mỗi thế giới tịch mịch, mỗi mộng mơ, mỗi đức Phật, mỗi hoá thân Bồ tát, hay cũng có thể đơn thuần là mỗi đứa đệ tử của Thầy. Tất cả đang ngủ rất ngon lành. Bên ngoài, ánh trăng lóng lánh giọt sương, rớt xuống thềm một bóng dáng thần tăng, cưỡi trên cánh phụng hoàng bay lên, ảnh trầm hàn thủy. Con chợt giật mình. Mai này Thầy về núi, con vẫn còn ở lại nơi đây. Nắng hạn, mưa giông. Tụi con không đứa nào muốn xa Thầy, nhưng kém duyên ở cạnh Người, xin được thực hành lời Thầy dạy để tâm thành gần gủi tôn sư.

Thầy ơi. Cha mẹ sinh thân chỉ một đời mà ân còn trời bể. Đức tôn sư huấn dục muôn kiếp thoát tử sinh, ngôn từ nào để lại. Xin cho huynh đệ chúng con đem yêu thương gối đầu lên thù hận, để trang kinh cuối xóa hết nét chấm phá sau cùng, vụt biến thành khói hương nghi ngút cúng dường mười phương chư Phật. trong đó có một nén dâng Thầy, nhưng con không chỉ được.

Cúi mong Thầy nhận cho.

TN Hạnh Chiếu
(Mùa hoa son)




Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do