Hội ngộ tháng Ba



Gần cuối tháng ba, xứ mặt trời bên kia mùa hạ trời bỗng dưng trở lạnh, tựa như "người ngỡ đã đi xa nhưng người bỗng lại về...".Buổi chiều nắng tắt vội vàng, gió thổi tung mái tóc cho bờ vai thêm lạnh. Hai bàn tay quanh năm chẳng ấm, giờ như không còn cảm giác. Tôi vừa vén tóc vừa cố giữ tầm nhìn thật rõ, trước khi băng qua con đường nhỏ đến chỗ đâu xe. Buổi sáng trong nắng ấm, là một góc mùa xuân nơi con phố nhỏ êm đềm với những luống hoa nhiều màu mới được trồng khoe đủ sắc màu. Buổi chiều khi mây trắng giăng đều, bầu trời ẩm ướt nhạt mờ, ánh đèn hiu hắt dọi xuống từ quán trà xanh đầu con phố, ngỡ mùa đông còn hiện diện nơi đây.

Những ngôi trường trong thành phố tuần tự cho đám trẻ nghỉ đầu xuân. Đứa hớn hở mừng vui cùng bố mẹ với những chuyến đi chơi vài ngày đâu đó xa thành phố; đứa cảm nghe có chút não nề, quanh cuộc sống tẻ nhạt ngày mỗi ngày vẫn đều đều như nhau dù xuân, dù hạ hay đông... Riêng tôi, có một chút hạnh phúc vào ngày chủ nhật, không thức dậy vội vàng vào giờ quen thuộc đầu ngày. Nằm yên nghe hơi thở vào ra, nghe tiếng chim hót như nhắn nhũ mảnh vườn sau cần chăm bón. Hoa cam đang nở trắng góc vườn, quyện trong làm gió nhẹ tỏa hương thơm ngào ngạt. Sáng nay hơi khác. Buổi sáng chủ nhật có chút hăm hở, rộn ràng dù phải vặn đồng hồ báo thức sớm hơn nhiều. 5 giờ thức dậy. Rời nhà 5 giờ 45,đến nhà đứa em gái chưa tới 6 giờ. Mẹ và vợ chồng đứa em đã sẵn sàng, nhưng cùng nán lại vừa đủ thời gian cho ly cà phê buổi sáng, là niềm ưu ái dành cho tôi- ngưòi nếu không có cà phê, dường như không thể có bình an!

Đường đến chùa xa thẳm, với hơn một tiếng lái xe. Mẹ nghĩ không theo con gái nổi vì đôi chân yếu rất khó khăn khi ngồi trên ghế hơi lâu. Nhưng ước mong được tham dự một phần khóa tu học ngắn ngày của các vị thầy ở xa về, cũng như lời hẹn sẽ gặp "Thầy bên Úc"ở chùa Tịnh Luật từ nhiều tháng trước, như tạo thêm sức mạnh cho mẹ hăng hái theo con. Đứa em rễ như một cộng sự viên trung thành, tận tụy, luôn luôn lẳng lặng chuẩn bị sẵn sàng. Không thắc mắc, hỏi han mỗi khi đưọc nhờ đón đưa trên những đoạn đường xa. Có lẽ vì vậy mà hai chị em thường ỷ lại. Đã đi vài lần vẫn lơ ngơ chẳng biết đường nào dẫn đến chùa. Chợt nhớ tới bác Phật tử quen mà hổ thẹn thầm. 75 tuổi nhưng người mẹ nhỏ nhắn, gầy gò vẫn hằng tuần một mình lái xe tới ngôi chùa xa ở ngoại ô, vì không muốn làm rộn phiền đến con cái sau những ngày làm việc mệt mỏi trong tuần. Lần đầu khi nghe kể, tôi không ngăn được xúc động, đã vòng tay ôm người mẹ quá dễ thương. Con cảm động và thêm cảm phục, bởi bác đến tuổi này vẫn mạnh mẽ và vững chãi một mình. Không bám víu vào con mà còn hết sức sẻ chia những nổi nhọc nhằn lo toan trong cuộc sống của con. Tôi nhận lại nụ cười hiền rất đổi hiền. Có gì đâu. Bác chỉ tiếc là khi đời không còn vướng bận, thì coi như quá trễ rồi cho chuyện tu học, chuẩn bị nẻo về đang ngắn lại từng ngày. Bác ơi, không có trễ đâu! Bởi chung quanh bác có rất nhiều người cho đến hết đời vẫn không có đủ duyên để đến với cửa chùa, học hiểu pháp Phật, để sống nhẹ nhàng, chết được bình an. Bác còn đôi mắt sáng để lái xe, còn sức khỏe dù hạn chế nhưng vẫn có thể một mình đến đi, không lệ thuộc vào ai. Như vậy là phước lớn so với rất nhiều người đồng tuổi. Khuôn mặt người mẹ già thoáng nổi băn khoăn. Con nghĩ, với thân xác rã rời đau nhức dêm ngày và trí óc ngày càng trì trệ lu mờ, thì sự tu tập của người già như bác làm sao bằng con trẻ?

Sân chùa im vắng. Phật tử đã tề tựu đầy đủ trong thính phòng, chờ cung thỉnh thầy vào thuyết giảng. Tuy chưa bao giờ rũ bỏ hết những vướng bận hằng ngày, để tới tham dự khóa tu học liên tiếp 3 ngày, ăn ngủ tại chùa nhưng tôi biết thời khóa tuần tự trong chương trình tu học. Khi thầy tri sự rời giảng đường, để mẹ và em gái lại nơi đây, tôi bước vội theo chắp tay chào. Xin thầy gíup cho con được gặp thầy Nguyên Tạng. Thầy hỏi, pháp danh của chị là chi, để tôi trình lại với thầy. Bảo tôi ngồi đợi trên chiếc ghế xích đu ở sân chùa, vị thầy trẻ đi nhanh vào dãy nhà ngang, sau đó trở ra từ chánh điện, cũng thật nhanh như lúc bước đi. Chị NT cứ ngồi chờ đây. Thầy sẽ ra gặp chị khi xong việc. Không có gì vội vã. Cuộc hội ngộ này đã hẹn trưóc lâu rồi. Cách đây hai năm, thầy và tôi cũng hẹn gặp nhau ở Houston, nhưng không gặp được vì cả hai thầy trò đều có vẻ hơi... ngơ ngác, ơ hờ bởi không hỏi rõ nhau hơn, trong chuyến hoằng pháp vòng quanh nước Mỹ của thầy lần trước. Cho tới ngày nghĩ rằng sẽ gặp, Thầy mới chợt biết Dallas và Houston là một khoảng cách xa. Còn tôi, có lỗi đã vô tình, không tìm biết cặn kẽ lịch trình đi và đến, để khỏi ngóng trông chuyện... không thể xãy ra, làm thầy hơi bất ngờ, kèm theo một chút băn khoăn, vì không lấy số phone để gọi báo tin cho tôi biết vì sao chẳng thể gặp như đã định. Lần này, thầy chu đáo vô cùng., vừa gởi lịch trình hoằng pháp vừa cẩn thận lấy số phone. Thầy gọi cho tôi ngay khi vừa tới California vào tuần lễ trước..

Gió sớm mai lành lạnh thổi nhẹ nhàng, làm lao xao nhũng chiếc lá trên cành. Giải mây trắng như màu sương đục phũ mờ cả bầu trời. Từ những chiếc loa phóng thanh gắn chung quanh, tôi nghe lời giảng trầm ấm, có lúc vui nhộn và dí dõm của vị thầy mới thoáng gặp lần đầu. Chợt nhớ tháng Ba, với riêng tôi dường như chẳng êm đềm, "Tháng Ba, bà già đi biển", vậy mà người sư huynh ở xa nói tôi "say sóng" hơi lâu. Làm sao có thể nói ra, những quả chợt trỗ hay là nghiệp quả làm lao đao, khốn đốn triền miên. Phải là người lênh đênh trên biển, không có gì ngoài đôi tay yếu đuối, bơ vơ và vô vọng khi đối diện với bão tố, cuồng phong mới thấu hiểu mình không thể nào trốn chạy khi khổ nạn lừng lững kéo về, cho dù đã lâu rồi tự xem mình như hạt bụi, nổi trôi biệt mù trong cơn gió nghiệp chập chùng. "Không làm điều ác. Gắng làm các việc lành. Giữ tâm ý trong sạch" là những gì tôi tâm niệm từng giờ, từng ngày trong những năm tháng sau này. Vậy mà vẫn không đủ để được thấu hiểu, cảm thông. Gai góc, chướng ngại vẫn không ngờ vây bũa.

Không dưng mà chợt nhớ đến bài hát vừa nghe khi mở radio ở trong xe. "Tàn mùa đông. Vào chùa bỡ ngỡ. Tiển đưa em, trong áo quan này. Từng cội hoa, trầm lặng thương nhớ. Tóc em xưa, tơ óng như mây. Vườn chùa đây, vào nằm trong đất. Nép bên hoa, đây những hoa vàng. Vườn đào thơm, chập chờn cánh bướm. Bướm quơ râu, ngơ ngác bay ngang. Mộ của em, mộ vừa mới lấp. Có con chim nào hót trên cây. Lời của chim, chìm vào tiếng suối. Suối xanh lơ, buồn khóc ai hoài. Rồi từ đây, vườn chùa thanh vắng, đến thăm em, ngày tháng qua mau. Một nụ mai, vừa nở trong nắng. Hỡi em ơi, mây đã qua cầu...". Cũng những lời ca quen, quen lắm ngày xưa. Nhưng thật lạ, bởi không còn cảm nghe buồn muốn khóc như ngày cũ. Sẽ vô cùng hạnh phúc, nếu thân này nằm yên ngủ thật sâu trong lòng đất sân chùa. Nỗi buồn nếu có của ai, rồi cũng sẽ nhẹ bay đi mất dấu như mây. Còn lại tiếng chim hót, lá rơi và nụ mai e ấp nở khoe hương sắc trong nắng ấm. Ở đây, còn có thêm niềm hạnh phúc lớn hơn, nằm yên nghỉ và nghe pháp thoại đến từ các vị thầy ở khắp muôn phương, há chẳng phải là niềm hạnh phúc vô bờ....Tôi giật mình. Có phải là mình đang yếm thế, bi quan. Muốn buông trôi hết để thảnh thơi yên nghỉ trong khi chưa "thanh toán" hết những gì còn dính mắc, kéo lôi. Biết tháo gỡ thì nghịch sẽ trở thành thuận, chướng duyên cũng là thắng duyên, lẽ đâu tôi không nhớ điều này. Huống chi, sư huynh vẫn nhắc hoài hoài: "Việc dễ thành đạt thì kiêu sa nổi dậy. Càng trở ngại, càng gian khổ khi vượt qua được thì sự thành công càng có giá trị hơn.". Không. tôi sẽ không trốn chạy những gì đang xãy đến. Chỉ thấy nước mắt và nụ cười nhiều khi hòa làm một không ngờ. Sư huynh ơi! Lâu lâu tiểu muội cũng cần được nghe sư huynh nhắc nhỡ, hành trang vào đời của những người con Phật là Bi, Trí, Dũng phải không? Cũng lâu lâu, người hiền huynh đằm thắm từ hòa, trở thành người thầy nghiêm khắc khi thấy tiểu muội lẫn lộn giữa nhẫn nhục và nhu nhược."Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi. Khó vì lòng người ngại núi, e sông". Sư huynh ơi, núi sông của thiên nhiên dường như dễ vượt qua, hơn là những thành quách kiên cố của thành kiến, sợ hãi khiến người không ngừng trở nên điên đảo mộng tưởng hoài hoài. Sư huynh đừng băn khoăn hỏi, có giọt nước mắt nào chảy ra không lúc sư huynh vì ai phải xuống núi đôi khi. Chỉ có một chút tủi thân nhưng tiểu muội vẫn mĩm cười. Nụ cười thật sự vì biết mình chẳng bơ vơ trong biển khổ một mình. Thầy lành, bạn tốt huynh hiền và thêm một đứa em gái mới nhận vào trong cuộc sống với lòng bi mẫn tràn đầy, bên cạnh những người thân lúc nào lo lắng, xẻ chia... tiểu muội luôn nhận biết mình có phước.

"Đưa tâm về nhà", về lại với thân. Tôi tự nhắc mình rồi xé rời trang giấy trắng, ghi vội đôi giòng gởi cho thầy, nếu như không có cơ hội hàn huyên vì những thời khóa định sẵn, trong khi tôi chỉ có mặt vào giờ phút cuối. Thầy tri sự trở ra lần nữa, nói nếu ngại chờ lâu tôi có thể đi vào chánh điện, nơi thầy NT đang giảng pháp cho các em thiếu nhi cùng theo cha mẹ đến chùa tham dự khóa tu học ba ngày. Chắp tay cảm ơn thầy, tôi rão bước đi về nơi chánh điện. Vừa cởi bỏ giày xong, tôi bắt gặp ánh nhìn của thầy hướng ra ngoài, kèm câu nói chị NT, hãy vào đây với các em. Tôi thầm nghĩ, phút đầu tiên thầy trò gặp nhau như đã gặp tự bao giờ. Thế giới ảo bao năm giờ là thật trong phút giây hiện hữu. Thầy mặc chiếc áo nâu giản dị hiền lành đang ngồi xếp bằng nơi chánh điên. Phía dưới là sư cô Hạnh Trì cùng với mười mấy đứa trẻ vừa trai vừa gái ngồi lặng yên chăm chú lắng nghe. Các em đang chuẩn bị cho buổi lễ quy y sau khi bế mạc khóa tu học hôm nay. Thầy giảng cho các em nghe về Tam quy, Ngũ giới trong nhà Phật. Sư cô Hạnh Trì như một người mẹ hiền, dành trọn thời giờ để dạy dỗ, hướng dẫn sinh hoạt và chăm sóc đám trẻ con suốt đêm ngày, trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với các em. Sư cô- một người đến từ phương trời xa thẳm mịt mờ, bỗng chốc trở thành người mẹ hiền, với vòng tay từ ái, dịu dàng mở ra ôm trọn đàn con. Bên cạnh việc gieo trồng chủng tử Phật trên mảnh đất tâm màu mỡ phù sa, chỉ qua đôi câu đối thoại giữa sư cô và đám trẻ, tôi tin chắc hình ảnh sư cô sẽ in sâu vào tâm thức của đám trẻ thơ như hình ảnh đức Quán Thế Âm với tình thương rộng khắp, bao la.

Sau buổi giảng thầy bảo tôi cùng ngồi xuống cạnh các em, để sư cô chụp hình lưu niệm với thầy. Sau đó tôi cầm máy ảnh, chụp lại vài tấm ảnh có sư cô. Tôi không quên lấy chiếc máy nhỏ mang theo, dù biết chắc thầy thường chu đáo, giữ liên lạc đều đặn, không để cho “mất dấu chim bay” suốt bao năm. Tôi rão bước theo thầy ra phía sau chánh điện. Thầy ân cần hỏi han về những sinh hoạt và đời sống quanh tôi ở nơi đây, nhất là về mẹ- ngưòi mẹ dù chưa lần tạng mặt, thầy vẫn thường xuyên thăm hỏi qua thư. Bảo tôi ngồi đợi trong giây lát, thầy đi ra phía hậu liêu rồi trở lại mang theo quà tặng cho mẹ và tôi. Là quyển sách mới in do thầy dịch và nhiều CD thầy thuyết giảng. Dù ở xa, dù bận rộn cho việc học, việc dịch sách, việc Phật sự nơi tu viện cũng như điều hành trang nhà Quảng Đức....công việc đa đoan như vậy nhưng thầy vẫn không quên gói ghém, ra bưu điện gởi cho tôi những pháp bảo đều đặn không ngừng trong suốt những năm qua. Tôi cười khi bị sư huynh quở trách thật nghiêm, nhưng tự dưng chảy nước mắt khi nói cho thầy nghe về những cơn gió chướng bát phong. Trên giòng sông tôi đang mệt lã tay chèo, còn va vào tảng đá ngầm chướng ngại làm sao không chới với. Thầy lặng nghe như chia sẻ cùng tôi những gian nan, sau đó giới thiệu tôi cùng người bạn đạo đến từ Dallas. Thầy mong tôi sẽ vuợt qua và hoàn thành tâm nguyện của mình, bên cạnh sự trợ giúp của những người bạn đạo có chuyên môn và kinh nghiệm về những gì mà tôi đang cần học hỏi để vượt qua. Dành riêng cho tôi một khoảng thời gian để hàn huyên, tôi nghĩ mình không nên "tham" hơn nữa trong thời giờ giới hạn của thầy ở nơi này. Nghe tôi xin phép trở lại giảng đường nghe pháp, thầy đưa máy bảo người đệ tử chụp cho thầy và chị NT hai tấm hình lưu niệm. Nhớ chụp luôn cả gác chuông ở ngoài kia. Sau đó chiếc máy ảnh được trao qua tay tôi để tôi chụp hình Quảng Pháp đứng cạnh thầy, thay vào chỗ tôi vừa mới đứng. Thầy còn chu đáo, bảo hai chị em vào đứng với nhau cho thầy chụp hình chung. Mai mốt giữ liên lạc, ráng giúp nhau làm Phật sự. Thầy sẽ gởi hình qua email cho cả hai vào buổi tối nay.

Tôi nhẹ nhàng bước tới cạnh chỗ ngồi cô em gái. Đứa em rễ không có mặt trong giảng đường mà vừa dạo quanh vừa nghe ở sân chùa qua máy phóng thanh. Mẹ với chân đau, không thể ngồi xếp bằng nên ngồi trên hàng ghế xếp dài ở cuối phòng. Sau giờ nghỉ giải lao, giờ giảng cuối dành cho thầy Như Điển. Buổi tu học cuối cùng dường như thoải mái nhiều. Bộ óc lung lay quên nhiều, nhớ ít của tôi giữ lại được đôi câu. Thầy "không tự ti nhưng rất tự tin. Không lợi dụng bất cứ ai, bất cứ điều gì- chỉ lợi dụng thời giờ". Đúng là tôi có duyên lớn hôm nay. Hơn bao giờ hết tôi đang cần tự tin và biết lợi dụng thời giờ quá chật vật của mình để tiếp tục đi tới, ráng thực hiện điều tôi hằng tâm nguyện, như trong lá thư bữa hôm sau thầy NT đã tỏ ý quan tâm và gởi lời chúc lành đến cho tôi. Cũng qua thầy Như Điển, tôi được biết có một quyển sách sắp hoàn thành và phát hành trong tháng 9 năm nay, là quyển Dưới bóng đa chùa Viên Giác do Trần Trung Đạo và thầy cùng viết. Thầy và nhà thơ này đã có duyên gặp và cùng sống chung dưới mái chùa Viên Giác khoảng hơn 1 năm thuở xa xưa. Cũng qua lời thầy, còn một quyển khác sẽ xuất bản trong vài tháng tới do thầy viết. Tôi không biết thầy có đùa không khi nói đó là quyển Giai nhân và hoà thượng. Người đệ tử của thầy khi đánh máy bản thảo đã tẩm ướt lap top bằng nước mắt của anh. Thầy nói giọng dí dõm, đọc rồi sẽ biết anh rơi nước mắt vì giai nhân hay hoà thượng!

Giờ thọ trai, tất cả chư tăng ni và Phật tử đều dùng cơm chung ở trai đường. Sau lời chú nguyện , bữa ăn trôi qua thật lặng lẽ, êm đềm trong chánh niệm. Tôi thành tâm tán thán những tấm lòng của rất nhiều người, âm thầm cực nhọc đêm ngày để chăm sóc từng bữa ăn tươm tất sáng, trưa, chiều, tối, cho một trăm mấy chục Phật tử cùng các vị tăng ni về chùa tu học qua nhiều thời khóa liên tục vào những ngày lễ lớn nhỏ trong năm nơi chùa Tịnh Luật. Tôi cũng vô cùng biết ơn và kính ngưõng quý thầy, từ thầy trụ trì đến hết thảy các thầy đã không quản ngại nhọc nhằn, dành nhiều tâm sức để liên tục cung thỉnh chư vị tôn túc ở khắp nơi trên thế giói, về chùa giảng pháp, dắt dìu những người con Phật có tâm cầu đạo. Buổi lễ bế mạc diễn ra trong không khí trang nghiêm và ấm áp ngọt ngào đạo vị. Các thầy trao quà cho những Phật tử xuất sắc trong ba ngày tu học vừa rồi, trong đó có bà cụ khoảng tuổi mẹ tôi, 80 mấy tuổi mà cụ vô cùng lưu loát và vững chãi trong tu tập ,quả không phụ lòng giáo hóa, dắt dìu của quý thầy. Tán thán công đức của chư tăng ni trong đoàn hoằng pháp đến từ nước Úc, nước Đức cũng như trong nưóc Mỹ và quý thầy chùa Tịnh Luật, tất cả Phật tử cùng quỳ xuống đãnh lễ xong dâng lên cúng dường cho từng vị. Những chiếc máy ảnh thay phiên nhau chụp hình lưu niệm toàn chùa.

Tôi đưa mẹ và em gái đến chào thầy NT. Thầy hỏi thăm mẹ và em, không quên hỏi đến người em rễ đang loanh quanh ngoài sân chùa từ sáng sớm đến giờ. Ba mẹ con cùng đứng chắp tay cạnh bên thầy để chụp hình- những tấm hình tôi biết chắc rằng sẽ có, vì thầy đã nhắc đến trong buổi sáng ngay khi vừa gặp. Mẹ tôi vẫn tính im lìm cố hữu, dù trong lòng mẹ thầy rất đổi gần tuy đây là lần gặp đầu tiên. Bởi tôi không nhắc thì lâu lâu mẹ là người nhắc, dường như tất cả những gì liên quan đến việc tu tập, chùa chiềng quanh đời sống của tôi đều có mẹ cùng chia. Cũng như đứa em gái kế, giống như chiếc bóng lặng thầm theo tôi trên từng bước gập ghềnh. Được gặp thầy, sau nhiều năm chỉ gặp nhau bằng những mẫu tự trên bàn phím là một nổi vui. Được thầy chia sẻ, an ủi và khích lệ là niềm hạnh phúc. Bên cạnh đó tôi còn niềm vui lớn, bởi sau buổi tham dự khóa tu học ngắn ngủi ở chùa em gái tôi như vừa tìm lại con đường trở về nhà, sau những ngày lang thang lạc lối bấy lâu nay. Tôi nghĩ mình đôi khi thiếu sót, bởi hơi ơ hờ và có chút nãn lòng. Hạt giống đã gieo cần siêng năng tưới tẩm. Tôi có lúc chỉ nhìn thấy tôi nên đã thối chí, ơ hờ với đứa em dường như có ước hẹn cùng chia với tôi từng nổi khổ, niềm vui...Bước theo sau thầy ra khỏi giảng đường, mấy mẹ con dừng lại ở sân chùa chắp tay chào tạm biệt thầy. Thầy cho tôi biết sẽ ra phi trưòng sáng ngày mai, rời Houston để tới Oklahoma và sau đó là Minesota theo chương trình hoằng pháp.

Ngày thứ hai, tôi đi làm bỏ quên điện thoại ở nhà. Buổi tối về mở nghe lời nhắn: Thầy cần điạ chỉ email để gởi hình. Nhớ tôi hay dùng hai địa chỉ khác nhau nhưng thầy không chắc nhớ đúng cho nên muốn hỏi lại tôi. Tôi mĩm cười bấm số gọi cho thầy. Xếp chiếc điện thoại nhỏ, lòng chợt ấm khi nhận lời chúc ngủ ngon thầy gởi cho tôi, dù đêm nay nhiệt độ nơi đây xuống thấp giống như mùa đông còn ở lại, chưa đi...

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do