Mẹ, trái chín trên cây

Từ sau ngày ba mất, chị em My không còn trở về căn nhà nhỏ đều đặn mỗi tuần. Mẹ rời Võ Đang đi về với đám Nga Mi chợt thường hơn, có lẽ vì nơi chốn yên nghĩ của ba bây giờ là nghĩa trang và chùa ở gần bên phía Nga Mi.

Mùa này trước sân nhà mẹ, cây đào, cây lê không còn sai ngập trái trên cành giống thuở nào. Lá vẫn mướt xanh nhưng trái nhìn thưa thớt và teo nhỏ lại. Mấy cây bưởi, cây hồng bên cạnh ngôi chùa , lần lượt theo nhau trụi lá, khô cành ngó thật buồn. Mẹ chắc không vui khi chạnh lòng cảnh cũ người xưa, nên bảo mấy anh My đốn bỏ. Cây rồi cũng theo ba về với đất, một ngày. Ngôi chùa một cột xinh xắn bao năm ôm trọn bóng hình ba, giờ không còn dấu tích vì đã được tháo gỡ vào tháng chạp năm rồi. Mẹ vẫn còn nhiều trói buộc. Đi đến đâu, ở nơi nào cũng băn khoăn, bứt rứt muốn quay về. "Chùa của ba" không ai lo nhang khói, mỗi ngày mấy bận vào ra dâng hưong cúng Phật. Bàn thờ ba sẽ lạnh lẽo một mình với khói lạnh, hương tàn... Đi tới nhà đứa con gái nào cũng có bàn thờ Phật, thờ ba. Mẹ chừng như vẫn nghĩ, ba chỉ "hiện diện" nơi căn nhà riêng của hai người, nên bồn chồn không yên khi ở lại hơi lâu với đám Nga Mi. Nghĩa trang, chùa, căn nhà nhỏ hơn 20 năm đầy dấu tích kỷ niệm của đoạn đời xa xứ... Đám con trai nhìn thấy rõ mẹ càng có nhiều nơi để nghĩ về, càng bị buộc ràng nhiều trong lẩn quẩn nhớ, quên. Đôi chân yếu nhưng lòng thì quay quắt, mẹ lúc nào cũng vội vàng như sắp trễ hẹn với ai, dù chỉ là đi đến nghĩa trang, tới chùa hay trở về căn nhà hiu quạnh. Cả đám anh em My còn thấy rõ, những bậc thang bước lên chùa một cột hơi cao, là nỗi bất an luôn ám ảnh đàn con. Mỗi ngày mẹ hai lần bước thấp, bước cao lên xuống những nấc thang, trên tay bưng chiếc mâm nhỏ đựng trái cây hay những bình hoa cúng Phật. Các anh không nói, chỉ làm. My có bổn phận thuyết phục, giải thích cho mẹ hiểu, chấp nhận vì sao cần tháo giở ngôi chùa mà đứa em trai đã vẽ kiểu dựng lên, cho ba có nơi yên tĩnh sớm hôm chuông mõ.

Sau chuyến đi VN vào dịp tết, trở về đứa em gái ngã bệnh nằm vùi. Mẹ dù chưa hồi sức với chuyến đi dài vui ít buồn nhiều, đã vội vã đến nuôi con bệnh. My ghé thăm, thấy Mẹ tất bật nấu cháo múc ra chén nhỏ, gọi em ăn. Chén cháo nóng có làn khói mỏng bay lên, quyện mùi tiêu hành thơm ngát. Mẹ còn nướng khoai lang Nhật, củ khoai to có ruột màu vàng vì em nói thèm ăn. Chén cháo dần nguội lạnh tự bao giờ. Những khoanh khoai lang nướng nóng hổi Mẹ lột vỏ cắt sẵn vẫn còn nguyên. Đứa em gái gầy gò nằm vật vã, thỉnh thoảng lập lại câu mệt nhọc, Mẹ để đó đi, đừng kêu con nữa làm chi! Mẹ buồn buồn, nói với My qua tiếng thở dài. Chưa tới tuổi già mà mỗi lần bệnh giống như người sắp lìa đời. Không gắng gượng ngồi dậy ráng ăn, uống thuốc cho mau lành bệnh. Những cơn nóng mặt bừng lên đỏ rực. Mồ hôi ra đẫm ướt như vừa ngoi ở sông lên. Tiếp theo là từng cơn lạnh không rõ từ đâu kéo tới, em gái My run lập cập lấy áo ấm mặc dù đang mùa nóng. Đêm về, hai con mắt ráo hoãnh mở to. Đêm dài quá em đâm ra giận hờn vô cớ tiếng ngáy quen thuộc đều đều bên cạnh. Vậy là ôm gối sang phòng mẹ, ghé nằm như trẻ thơ đi tìm hơi ấm, vỗ về. Mẹ giật mình, thức trắng cùng con.

My nghe tiếng xì xào của hai đứa em sau. Chị Thúy mỗi lần bệnh là mỗi lần thành em bé, quên mất rằng Mẹ giờ già yếu lắm rồi. My cười nhớ lại chuyện xưa. Mấy mươi năm trước ở nhà thương Sùng Chính...Người anh My bị bệnh thương hàn. Mẹ mỗi ngày vào ra bệnh viện hai lần trên những chiếc xích lô. Lúc đó anh đã lớn, đã vào đại học. Một buổi, mẹ mang cháo nóng bưng đến cạnh giường nài nỉ anh ăn lót dạ rồi uống thuốc. Có lẽ thân đau và tâm cũng đau luôn, anh vừa nằm nhắm mắt vừa trả lời xẵng giọng. Người đàn ông đứng tuổi nằm giường bên cạnh chợt ngồi dậy, nhìn anh bằng ánh mắt thật nghiêm. Ông bất bình tuôn ra ý nghĩ của mình. Cậu có biết, có nghĩ đến tấm lòng người mẹ, mà không phải ai cũng may mắn có trong đời như cậu đang có ngay bên cạnh hay không? Chẳng phải là trẻ thơ, tại sao có thể vô tình đến thế?

Mẹ có năm đứa con gái, trong đó hết ba đứa "nuôi hoài không lớn". Vóc dáng bình thường vốn đã chẳng bằng ai, đứa em My sụt mất 10 pounds nhìn mỏng manh như có thể bị gió cuốn đi. Không ăn, không ngủ được thêm quay cuồng với những cơn nóng, lạnh kinh hồn và thèm bộc phát nỗi khó chịu, bất bình vô cớ. Vị bác sĩ gia đình không ngại ngần gởi em đi thử test HIV, bướu cổ và đề nghị em nên hẹn gặp bác sĩ tâm thần xem có bị trục trặc gì không? Một bữa My ghé thăm, em cười nụ cười héo hắt trên khuôn mặt hóp lại thấy chỉ toàn xương. Em biết bệnh em rồi. Là chu kỳ chuyển đổi trong đời. Đàn bà sao mà khổ, trước khi tới thời kỳ "xuống dốc" cũng bị hành tả tơi, bầm dập thế này đây. Chắc muốn nhắc cho mình nhớ kỹ thời xuân sắc qua rồi, nên bằng lòng an phận với tuổi già trước mặt! May cho chị, đang "trường kỳ kháng chiến", nên được ông lão thời gian ngó lơ chút xíu. Nếu cùng lúc tứ bề thọ địch, dù nội công có thâm hậu tới đâu em nghĩ cũng chưa chắc vượt qua một cách bình yên. Mẹ thở một hơi dài, trút đi bao nỗi buồn lo. Có lẽ mẹ bị ám ảnh bởi trong thành phố có vài người sau khi ở VN về mang bệnh, lìa đời. Hai dứa em nhỏ vẫn còn ganh tỵ. Ba chị em mình mỗi lần bị bệnh nằm hẫm hiu một mình rồi gượng dậy tự lo. Không muốn ăn cũng ráng nuốt vội để uống thuốc hầu giữ sức lo cho người khác, vì biết rõ mình như cỗ máy, kéo theo mấy toa tàu. Máy ngừng, mọi thứ chung quanh cùng tê liệt, thảm thương. Rời ngôi nhà có mẹ, theo chồng là phải chấp nhận rồi. Không còn mơ ước được hưởng những chăm sóc ngọt ngào, ấm áp mỗi ngày từ đôi bàn tay yếu giống ngày xưa...

Cứ thế, mẹ lẩn quẩn mỗi ngày nấu dọn, mong con mau lành bệnh để về lại căn nhà nhỏ của mình. Những hột giống dưa leo, bầu, mướp chọn giữ lại năm rồi được mang ra gieo xuống ở vườn nhà em gái. Năm nay, mấy chị em ngăn lại, không muốn mẹ ương thêm ớt để trồng. Ớt ra trái nhiều vô kể, mẹ cực nhọc nhiều vì phải hái mỗi ngày. Sau đó rữa sạch, lau khô rồi đem xay, nấu giấm bỏ vào keo hàng hàng lớp lớp, đem chia cho cả đàn con lẫn người quen. Mua đất mới, phân và tưới nước ngày hai bận, em gái nói với My. Nhà vườn đầu tư kiểu này lỗ nặng rồi! Công của mẹ làm sao tính nổi, mà huê lợi thì chỉ là những trái mướp, dưa leo, bầu chia cho mấy đứa con vừa gái vừa dâu, nấu ăn mấy lần cho mỗi một mùa thu hoạch trong năm! Chưa kể những ngày mẹ về Võ Đang vắng mặt, lòng băn khoăn lo lắng cho cây. Lo con gái đi làm về mệt, bỏ mặc cho con rễ tưới cây không tỉ mỉ, nhẹ nhàng giống như mình.

Em My tĩnh táo lại dần trước ngày lễ vừa qua. Mẹ hăm hở quay về chốn cũ. Không nghỉ ngơi chỉ lo cặm cụi, chuẩn bị bữa ăn cho ngày chủ nhật có lũ cháu, con về. Ngày lễ thiêng liêng dành cho mẹ, nhưng mẹ lại là người nôn nao nấu những món ngon để sẵn đợi con. Buổi sáng chủ nhật khi còn đang lười biếng nằm nhìn tia nắng chiếu qua song cửa sổ, nghe tiếng chim ríu rít đầu ngày. Mẹ gọi My hỏi thức dậy chưa con? Chừng nào về, nhớ ghé chợ mẹ cần thêm nhiều thứ. My đã quen nghe tiếng phone reo như nghe mẹ đánh thức ngày xưa. Khác chăng, bây giờ không bị mắng nhẹ tội ngủ nướng, biếng lười. Chỉ có câu hỏi nhẹ nhàng con đã thức dậy chưa. Có khi, My nhắc khẽ. Chỉ là bữa ăn gia đình dành cho lũ con đã lớn, sắp già. Đâu phải ngày trọng đại, có người đi coi mắt con gái ế của mẹ đâu mà bận rộn ,xôn xao như sợ trễ giờ "thầy đã chọn". Em gái nhỏ của My phụ hoạ. Thầy nói thứ bảy là ngày xấu. Đám cưới đổi thành ngày chủ nhật tức thì. Đâu ngờ đó là ngày chủ nhật thê lương nhất đời con! Thà để tiền mua vé số chứ không nuôi thầy bói. Mua chút niềm hy vọng mong manh vẫn vui hơn là ngây thơ đặt để, trông mong hạnh phúc đời mình qua lời phán quyết không bảo chứng của người dưng, nước lạnh. My cười. Sau cùng em cũng tìm ra "chân lý" dược rồi. Sương đã tan và ánh mặt trời lên chiếu rọi khắp nơi!

My bước vào nhà. Hai đứa con trai vòng tay, cúi đầu. "Ạ bà quại. Con mới về". Vẫn cách chào như thuở bé thơ. Anh em My dưnờg như đã quen nhìn, quen nghe từ dạo bắt đầu trở thành cha, thành mẹ. Chỉ thấy cử chỉ và lời lẽ dễ thương, dù pha trộn hơi ngộ nghĩnh. Những đứa cháu trai đã ra dáng thanh niên và đàn cháu gái giờ là thiếu nữ, vẫn lập lại cử chỉ và câu chào hệt y như hồi mới bắt đầu học nói, học chào. Đôi khi, mấy người anh cười hỏi My rằng? Hai tên nhóc này không biết được xếp nào người miền nào đây hi? Mẹ 50% bắc, 50% nam. Con 50% trung, 25% bắc, 25% nam, đủ hết. Trong một câu chào có đủ cả ba miền. My cũng không hiểu tại sao mấy chú nhóc của My khi dùng tiếng mẹ lại pha trộn đủ miền đất nước. Chữ "quại" tự dưng mà có, vì gia đình đâu ai nói tiếng này. Mẹ cười hiền mừng lũ cháu con về, rồi đến ngồi bên cửa sổ tiếp tục ngóng thêm con cùng cháu. Đám con gái, con dâu loay hoay trong bếp, dọn bàn. Lũ cháu nội ngoại vừa lớn vừa nhỏ ngồi chật nơi phòng khách. Không có tiếng ồn ào cười nói vang nhà. Cả đám lặng yên ngồi sát cạnh nhau theo dõi chuyện phim. Những chàng trai và những cô thiếu nữ mỗi khi về quẩn quanh bên cạnh mẹ, bà và bác, cậu dì dường như vẫn giống hệt trẻ thơ. Khi đám con trai, con rễ theo lời mẹ ngồi vào bàn, thì đám con gái, con dâu bận rộn làm thức ăn bưng đưa tận tay từng đứa cháu con. Nhà chật, người đông. Nhìn vào bữa ăn nào của đại gia đình nơi nhà mẹ, cũng thấy cảnh rõ ràng như câu "nam trọng, nữ khinh". Đám đàn ông được mời gọi ngồi vào bàn cùng với mẹ và dì. Chung quanh có chị, em và vợ túc trực lo tỉ mỉ từ đầu đến cuối. Khi đám đàn ông và lũ cháu con xong bữa, no say mẹ bắt đầu gọi từng đứa con dâu, con gái ngừng mọi chuyện ngồi vào bàn tiếp tục. Mẹ dường như no khi thấy cháu con no, còn tấm tắc khen bữa ăn ngon và món chè tráng miệng tuyệt hão vì mẹ không nấu không quá ngọt nên tha hồ ăn thêm nữa. My khoe với cô bạn nhỏ, đã ăn chè của mẹ nấu rồi sẽ chẳng bao giờ mua chè ở bất cứ đâu. Lần này trên bếp là nồi chè bắp, đang còn nóng hổi. Mẹ quên lưng nhức, chân đau đã ngồi bào mấy mươi trái bắp thật tươi, thật vàng em gái mua về. Nồi chè khổng lồ trên bếp cạn dần. My kịp dành lại một phần mang về cho cô bạn láng giềng.

Người anh về muộn nhất mở cửa bưóc vào với một nụ cười. Đôi mắt mẹ ánh lên mừng như đón đứa con xa. Bây giờ chiếc ghế mẹ ngồi mới xoay lại vào trong. Mẹ thôi ngóng ra ngoài song cửa vì các con về đã đủ. Tiếng bầy em gái lao xao trong bếp. Anh dễ thương ghê, canh giờ về rữa chén hôm nay. Đúng là ngày Mother's Day nên tụi em được ưu tiên, ưu đãi nhiều hơn. Anh ngồi vào chiếc ghế bên cạnh chị, cười cười giải thích nguyên do về muộn. Con ra nghĩa trang thăm ba. Sau đó ghé vô chùa thắp nhang cho ba nữa. Trạm sau cuối là tiệm hớt tóc nên về trễ. Lũ em gái không tha. Hôm nay anh kiếm điểm quá chừng. Nhưng trạm cuối hơi trục trặc vì tóc lưa thưa mấy sợi đâu cần gấp mà phải hớt. Anh vì mái tóc hay vì cô cắt tóc? Không nói ra nhưng ai cũng biết mẹ vui nhiều khi nghe anh nói ghé thăm ba. Giọng rộn ràng mẹ tiếp lời anh. Hồi sáng này, mẹ bảo Út mua hoa về cúng Phật, cúng ba. Út than hoa ngày lễ mắc không tưởng được. Anh My nói từ từ, không nhìn thấy nụ cười. Sao mẹ không nói trước để con "mượn đỡ" hoa trong nghĩa trang, nhiều biết mấy!

Bữa ăn tàn. Những người đàn ông chuyện vãn một hồi. Người anh nuôi đứng lên trước nhất chào mẹ với dì và đám em, hẹn ngày mai gặp lại vào buổi tụng kinh cầu siêu cho ngày giỗ của ba My. Mẹ bận rộn tiếp phone gọi về từ người chị và anh ở phương xa. My cùng các chị em loay hoay dọn rữa. Bé Trâm bước tới trao tay thêm chiếc đĩa dơ. Con gái ơi, sao lạ vậy? Dì My cứ tưởng hôm nay tụi con giành rữa chén thay cho dì và mẹ.
Đứa cháu gái ôm My xiết nhẹ, nói ngọt ngào cùng với nụ cười và ánh mắt ấm nồng "I love you" thay cho câu trả lời My. Em gái đứng lắc đầu như dấu hiệu của sự chấp nhận có còn hơn không, chẳng thể khác hơn. Vui với những gì mình may mắn có ngay trong phút giây hiện tại này đây. Là những đứa con, đứa cháu dịu hiền và thật chân thành. Chấp nhận sự thờ ơ đôi khi trở thành ích kỷ, vô tình của đám trẻ con được sinh ra, và lớn nhanh ở nơi đây. Những trái chuối vỏ màu vàng, ruột trắng không ngờ!

My và em gái kế ra về khi chiều đã tắt. Trời êm mát dịu dàng sau cơn mưa bất chợt đi qua. Đứa em khác vội về trong mưa lúc nãy, lòng mẹ xốn xang lo lắng không yên. Ôm mẹ trong tay, đặt lên trên đôi má nhăn nheo một nụ hôn, cho My cảm tưởng mẹ là trái chuối vỏ vàng, trong ruột cũng vàng. Trái chuối đã chín mùi không biết rụng lúc nào. My dẫu biết cũng ngậm ngùi. Mẹ ơi, nguyện cầu cho chúng con còn có mẹ mùa sau...

Quỳnh My

Comments

Anonymous said…
Mẹ ơi, nguyện cầu cho chúng con còn có mẹ mùa sau...
Xin góp lời nguyện cầu cùng tác giả Quỳnh My.
Cám ơn bài viết rất cảm động.
Trời xanh Toronto

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê