Rừng xưa đã khép


Máy bay rời phi đạo mùng 5 tháng giêng lúc 11 giờ. Hãng hàng không Southwest Airline không yêu cầu hành khách ngồi theo số ghế in sẵn trong vé nên hai mẹ con được tùy nghi chọn chỗ sau người vào trước. Mẹ biết ý, nhường cho tôi vào trong, nơi có vuông cửa nhỏ để mặc tình tôi lang thang với gió cùng mây. Mẹ bây giờ cao tuổi. Phần tôi, được bác sĩ cẩn thận căn dặn không được mang xách gì quá 3 pounds. Cho nên, mấy bộ đồ ấm nặng dầy cùng quà tết muộn và những thứ lỉnh kỉnh khác được người nhà tay xách tay mang đem gởi bên hành lý. Không còn gì ngoài tay trong tay, hai mẹ con cảm thấy nhẹ thênh thang dù chưa bay bỗng lên cao. Đưa mắt nhìn quanh, mẹ buông tiếng thở dài.
-Hành khách lưa thưa, còn nhiều chỗ trống thấy sao mà tội!
Mẹ vẫn luôn thế. Thường lặng yên mà để ý sẻ chia mọi điều mọi thứ quanh mình. Vừa thắt dây nịt an toàn tôi vừa nói với mẹ:
-Đời sống càng ngày càng trở nên chật vật, khó khăn hơn vì ảnh hưởng chung.

Tôi nhìn qua ô cửa nhỏ. Bầu trời bên ngoài ấm và trong. Những chùm mây trắng cuộn lại nhiều vòng rãi đều ở khắp, quyện vào nền trời xanh thênh thang tựa tấm lụa khổng lồ phủ kín lên mặt đất. Thấy mình nhỏ nhoi như chưa từng có mặt. Như hạt sương, như hạt bụi bay lạc giữa cuộc đời không vết lưu. Vậy so đo, tính toán làm chi. Sống như người lữ khách dừng chân nơi quán trọ, để ngắm để nhìn khổ đau và hoan lạc của người hay của chính mình. Nên làm gì trong chuyến viễn du đời, để khi rời khỏi không còn chi luyến tiếc.

Chuyến đi không định trước làm người thân băn khoăn. Người anh xa dặn dò.
-Em còn yếu lắm. Hãy nhớ mà điện thoại hỏi bác sĩ trước khi lấy vé đi xa, xem ông ấy nói thế nào.

Thói quen lắng nghe, theo dõi từng đổi thay biến chuyển của thân tâm, đã phần nào giúp tôi biết rõ mình hơn. Những lọ thuốc giảm đau cực mạnh sau khi rời bệnh viện chỉ được dùng trong mấy đêm đầu. Cơn đau thường nhanh kéo đến lan rộng rồi ngấm sâu. Sau đó thật lâu dịu xuống từng phần rồi nhẹ nhàng đi khỏi, thưa dần. Hiểu rõ từng chu kỳ đến, đi như thế nên tôi không lo lắng và lệ thuộc nhiều vào thuốc giống ngày xưa. Mỗi ngày được chở sang nhà mẹ. Được ăn những bữa ăn mẹ nấu bằng tuổi già với tình thương bao la. Tôi làm sao không mau bình phục, để nhận ra đôi mắt đăm chiêu và nỗi khắc khoải trong lòng.

Chị tôi ở tiểu bang xa cũng mới vừa qua cuộc giải phẫu chỉ sau tôi hơn tuần lễ. Mẹ để chiếc điện thoại cạnh chỗ tôi nằm, nhắc tôi gọi mỗi giờ cho người anh rễ, từ lúc chị vào phòng giải phẫu cho đến khi tỉnh dậy.
-Tội nghiệp chị con. Số lạc loài xa cách gia đình. Bao nhiêu lần mỗ xẻ chỉ có chồng con, không khi nào có cha mẹ, anh em tới viếng thăm.
Tôi nhìn thấy vẽ hân hoan của mẹ, khi nghe tôi buột miệng:
-Con sẽ dẫn mẹ đi thăm chị. Con dắt đi nhưng mẹ phải cẩn thận hơn. Đôi chân yếu nếu mà bị vấp, sẽ làm hai người ngã xuống một lần!
Mẹ cười, hứa sẽ chậm chứ không nôn nóng đi mau như thói quen. Khi nghe báo tin, chị tôi không giấu nỗi băn khoăn.
-Chị không sao. Cũng đã quen dần với những sống chết cận kề. Mẹ yếu và em cần tịnh dưỡng. Mỗi năm chị mỗi về xum họp với gia đình mà. Chị về hôm lễ giáng sinh, nhớ không?
Tôi cười, nói cho chị hay:
-Vé đã mua xong. Em cũng cần trở lại để thăm cảnh cũ, người xưa sau mấy mươi năm bỏ tu "xuống núi"!

Chuyến bay dừng lại phi trường St Louis sau hơn 2 giờ bay cho hành khách xuống và đón hành khách lên, tiếp tục cuộc hành trình đến trạm cuối là thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky. Tôi nao nao nhớ lại, kể cho mẹ nghe điều tôi chưa từng kể bao giờ.
-Mẹ có biết rằng hai mươi mấy năm xưa cũng ở chỗ này. Một đêm mùa đông con ngồi ôm mặt khóc. Chuyến bay dừng lại không phải 20 phút như thường lệ mà phải dừng qua hết một đêm vì kẹt bão tuyết. Nỗi lạc lõng bơ vơ nơi phi trường xa của một người vừa bỏ nước ra đi, không lớn bằng nỗi sợ khi con về mẹ đã đi rồi. Mẹ nhớ không, lần mẹ bệnh nhiều. Đêm 30 tết em con gọi khóc. Nó nói chị về mau. Em chắc sẽ đi tu nếu mẹ bỏ tụi mình đi
Mẹ bùi ngùi đưa tay chùi giọt nước mắt. Tôi liến thoắng.
-Không ngờ lần này ghé lại, người ngồi bên cạnh con là mẹ. Cũng là lần đầu tiên chỉ có hai mẹ con đi với nhau một chuyến đi xa.

Người anh rễ đứng đợi tự bao giờ trên đường ra nhận hành lý. Vẫn nụ cười hiền, anh khẽ gật đầu nói hai tiếng ngắn "chào mẹ" rồi giang rộng đôi tay ôm nhẹ nhàng như sợ tôi đau.
-Em khỏe chưa? Anh chị thật không ngờ em trở lại lúc này.
Tôi gật đầu.
-Em nghĩ rằng em khỏe hơn anh, vì anh vừa lo cho chị vừa lao đao với bệnh của anh.
Bản tính xưa giờ vốn không coi bất cứ điều gì xẩy đến cho mình là quan trọng, anh rễ tôi cười:
-Có gì đâu! Tại chị em nói quá thôi mà.
Phi trường nhỏ nên mẹ và tôi nối bước sau anh chừng khoảng ngắn đã ra tới bãi đậu xe. Mẹ mừng vì không bị lạnh nhiều. Anh cho biết
-Hai ngày trước bão tuyết, rồi yên. Chắc mẹ và em đem nắng ấm Houston đến đây.
Riêng tôi vừa ngại lạnh, vừa bâng khuâng muốn nhìn lại mùa đông trắng xóa thuở nào xa. Chợt nhớ lần này còn có mẹ. Tôi gật đầu cười.
-Coi như mẹ với em về làm ấm bầu trời. Bao lâu mình về tới nhà anh? Lâu quá em không nhớ. Chỉ nhớ ngày đó cả nhà thường đi về đoạn đường này.
Nghe tôi hỏi, anh cười dí dõm
-Chỉ cần em khép mắt nghỉ ngơi. Khi mở mắt sẽ nhìn thấy căn nhà cũ. Mới hơn 3 giờ, đường còn vắng. Khoảng một tiếng nữa thôi. Gần hơn một bận anh lái xe từ nhà đến sở làm.

Không hẹn mà mẹ và tôi cùng đưa mắt nhìn cảnh hai bên đường. Không thấy màu xanh của lá cây. Nhiều dãy đồi thấp ẩn hiện sau khu rừng mùa đông ảm đạm, trơ trọi những nhánh khô và muôn ngàn cánh lá mục phũ lên màu đất đỏ. Dọc theo bìa rừng, rãi rác những căn trailer mộc mạc, đơn sơ. Mẹ xa xót như chính mình đang ở trong căn nhà đó.
-Ở đây mùa đông lạnh nhiều. Những người sống trong đó sao đủ ấm?
Lòng tôi xôn xao, khi đôi mắt lướt nhìn tấm bảng nhỏ bên đường. Còn mười mấy dặm nữa sẽ về tới Elizabeth Town và Racliff- nơi một thời tôi đã tạm dung. Thấp thoáng trong trí nhớ, căn nhà có nhiều ô cửa kính viền chung quanh màu trắng. Cho tôi tựa cửa ngắm mùa thu lần đầu ở trong đời. Ngắm mùa đông qua tới mùa xuân, rồi bước sang hè đi chẳng quay về.

Xe bắt đầu rẻ vào con đường nhỏ. Người anh rễ hỏi tôi:
-Em có nhận ra sự đổi khác nào không?
Tôi trả lời bằng cái lắc đầu. Anh đưa tay chỉ:
-Đó là những căn nhà tuần tự mọc lên từ sau lúc em đi. Nhà cất thưa, lẫn với rừng cây cho nên em chưa nhận ra.
Qua nhiều khúc quanh, nhiều dốc đồi. Xe từ từ chậm lại đủ để cho tôi nhìn thấy những ô cửa trắng hiện ra trên đầu dốc. Cửa nhà xe bật mở trên cao, tôi chợt nhớ và buột miệng:
-Những ngày tuyết phủ, em sợ cái driveway này nhất. Vừa nhỏ, vừa cao mà dài khiến em rịn mồ hôi trong những buổi sáng chị lái xe xuống mặt đường xa thấp dưới kia.
Xe ngừng. Mẹ và tôi bước xuống. Chị đứng đó tự bao giờ, nơi cánh cửa trên những bậc tam cấp nối liền nhà bếp với nhà xe. Trên khuôn mặt nét bơ phờ còn đọng lại. Chị cất giọng reo vui gọi mẹ, cùng lúc hai chị em ôm mừng nhau bằng vòng tay buông lỏng nhẹ nhàng, bởi sợ chạm vào vết thương chưa lành hẳn của nhau. Bên ngoài chiều xuống thật nhanh. Mẹ nhắc hai đứa khép cửa đi vào trong cho ấm.

Bữa ăn tối là món cháo do chị nấu, bằng những miếng ức gà thịt trắng nõn. Mẹ cười, nói thiếu bắp cải và rau răm cho món gỏi phải không? Chị khẽ gật:
-Ở đây thiếu nhiều thứ, con đành quen ăn giản dị.
Riêng tôi cảm thấy ngon hơn bao giờ. Món cháo nóng rắc lên chút tiêu và hành ngò thơm ngát, được nấu từ bàn tay người chị yếu, làm ấm cả trời đông. Mẹ xót dạ, hỏi sao không chờ mẹ nấu cho, dù biết chị là người tươm tất. Hay lo gần, lo xa về tất cả mọi điều. Chị cười, nhẫn chịu hơn bao giờ
-Từ bệnh viện về, con có nghỉ ngơi đâu! Vết mỗ mới còn rỉ máu nhưng lưng đau quặn thắt. Suốt ngày chỉ đứng hoặc ngồi thôi. Đêm mệt lả, con chợp mắt may ra vài tiếng. Không nằm nghỉ được, với con nấu nướng, dọn dẹp cũng là một cách để quên đau.

Mẹ như quên đi thân bệnh yếu của mình, vẻ thương xót ngập tràn trên khuôn mặt. Quanh vòng cổ của chị là vết sẹo đã lành, mờ nhạt với thời gian. Cục bướu lấy ra mười năm trước, kết quả thử nghiệm là ung thư, đã không quay trở lại làm khổ chị như nỗi lo của những người thân. Nhưng giọng hát ngọt ngào làm rung động bao người đã mất đi vĩnh viễn. Lần cuối cùng còn được nghe chị hát là trong đêm tiệc cưới của tôi. Hai năm trước chị bắt đầu vật vã vì nỗi đau tê dại lúc về đêm, bởi đốt xương sau cùng ngay cột sống bị lệch ra khỏi khớp. Người thân ai cũng nghĩ đó là hậu quả của lần chị bị tai nạn kinh hồn trên chuyến xe tốc hành ngày còn ở bên nhà. Qua năm tháng chất chồng, xương ngày càng yếu nên lệch lạc. Cuộc giải phẫu sẽ kéo theo nhiều rủi ro có thể, chị ngại ngần chấp nhận nỗi đau, để mỗi hai tuần phải vào bệnh viện một lần, được gây mê rồi chích thẳng vào xương. Với cây kim thật lớn chích vào xương cứng, chị vật vã nằm dài khi thuốc mê tan. Để rồi sau ngày nghỉ cuối tuần, đầu tuần chị đến sở tiếp tục việc làm quen thuộc. Nỗi đau tạm ngủ yên chừng tuần lễ. Qua tuần thứ hai thức dậy làm tội tình thân chị không ngừng.

Mẹ nhiều lần khuyên chị nghỉ làm. Chị hẹn lần, cốt để mẹ an tâm. Tôi hiểu không phải vì nợ áo cơm ràng buộc. Chị sợ ngày sẽ dài hơn, sẽ trống rỗng và vô nghĩa để rồi bị lấp đầy bởi phải thường xuyên đối mặt với từng cơn đau đến rồi đi. Lần rồi, khi chuẩn bị về trong ngày mừng thọ mẹ, chị được bác sĩ hẹn vào bệnh viện để báo tin: Một trái thận bị hư cần giải phẫu ngay. Chị về thăm nhà, bình thản như không. Trong khi mẹ và tất cả anh em đều ân cần trong nỗi ngậm ngùi. Tưởng chừng chị mong manh như sương sớm, sẽ vội tan lúc mặt trời lên. Chị vui đùa cùng với mọi người, dù đêm đến có là cực hình đi chăng nữa.

Sau bữa ăn tối mẹ lên phòng đi ngủ sớm, không quên dặn dò tôi:
-Con ngủ chung với mẹ nghe!
Hai chị em như chẳng rời nhau. Chị và tôi cùng bật cười khi anh rễ đến bên chào, chúc ngủ ngon kèm nụ cười trêu chọc:
-Có phải hai chị em ghé lại thăm từng phòng không vậy?
Thì ra như chuyện ngẫu nhiên, tôi kéo chị đi từ phòng này qua phòng khác trong lúc hàn huyên mà không biết, không hay. Từ lò sưởi tôi đi qua phòng khách, chỉ vì muốn nâng niu những chùm hoa rực rỡ chị trồng trong nhiều chiếc chậu nhỏ thật xinh, xếp cạnh nhau trên bệ cửa. Bốn mùa hoa vẫn nở đều. Có lẽ vì vậy mà mùa đông thêm ấm, dù không có màn che ở những vuông cửa sổ. Lần này tôi được chị tặng cho mấy nhánh lá xanh, đã đâm rễ sẵn đang chờ trồng vô chậu. Chị là người có tay trồng. Nhánh cây nào chị cắt ra ngâm trong nước cũng hứa hẹn cho thêm một cây hoa mới.

Đêm vào khuya đã từ lâu. Tôi tắt đèn, theo chị lên những bậc thang. Không hẹn, cả hai chị em cùng dừng lại trước căn phòng bỏ trống nhiều năm. Đèn bật sáng. Lòng tôi không khỏi bâng khuâng khi nhìn lại căn phòng thời thiếu nữ ngày nào. Chiếc tủ đó. Chỗ nằm này. Chị vẫn trải giường tươm tất dù không còn ai ở đây. Bên khung cửa sổ không có màn che, là chỗ tôi thường dõi mắt xa vời, dẫu biết rằng chẳng nhìn thấy được gì ngoài màu tuyết trắng bám đầy trên mặt kính. Thỉnh thoảng đứa cháu trai 6 tuổi, bước vào phòng chợt thấy dì buồn thẩn thờ, đã thay câu chúc ngủ ngon bằng câu hỏi:
-Đêm nay con có thể qua đây ngủ chung với dì không?
Tôi gật đầu, quay về thực tại. Tiếng hát người ca sĩ đã ngừng. Để lại tôi sầu thảm, lang thang trong mộng du. Nhiều năm sau tôi bỗng giật mình. Phải chăng ngày đó mình chưa từng biết nghe là gì hết. Âm thanh đến từ tai, sao có thể đẩy hồn tôi xa vạn dặm khi không còn tiếng hát? Đứa con trai bé bỏng ngày xưa chừng xa xót lắm, nói với mẹ rằng thường thấy tôi nghe hoài những bản nhạc buồn. Sợ tôi một mình sẽ khóc trong đêm, cháu tôi đã có sẵn trong đầu nhiều câu hỏi để đem tâm về lại với thân tôi.

Chị đóng lại cánh cửa căn phòng ngày cũ. Thoáng chút bồi hồi trong đáy tim tôi. Đêm đã vào sâu hòa cùng tiếng máy sưởi chạy đều. Chị nói khẽ:
-Mẹ mệt, ngủ say sưa thấy mà thương. Khuya lắm rồi. Chị trở về phòng. Em ngủ ngon nha!
-Chị cũng ngủ ngon.
-Ừ. Chị ráng ngủ được bao nhiêu mừng bấy nhiêu thôi.

Hơn 20 năm. Sau chừng đó thời gian trở lại. Chị bây giờ thân yếu lao đao, nhưng vẫn là người chị luôn để ý, chăm sóc cho tôi từng chút nhỏ nhoi. Chợt nhận ra tôi xưa ích kỹ vô cùng, đón nhận tình thương của chị như điều tự nhiên phải có. Những buổi chiều tan sở, chị lửng thửng đi trong khi tôi chạy ra bãi đậu xe, để lơ ngơ đứng trước nhiều khối tuyết mang nhiều hình dáng. Không dễ gì nhận biết xe nào là xe của chị, bởi hồn tôi ở tận đâu đâu. Chị biết tôi sợ lạnh, nên đứng ngoài trời cào tuyết một mình, sau khi nổ máy xe và mở sưởi cho tôi được ấm. Màn đêm buông xuống nhanh. Tôi ngồi lặng lẽ, trong lúc chị gian nan với đường về như chợt dài thêm vì bão tuyết đang trên đường kéo tới.

Người chị ngày xưa yểu điệu, dáng tha thướt mượt mà một thời làm điêu đứng bao người. Đâu ngờ rồi một ngày chị bỏ hết phấn son, sống đơn giản khi chưa qua tới tuổi ba mươi. Ngày gặp lại nhau sau những năm xa, lũ em tôi và mẹ ngạc nhiên nhiều vô kể. Cho đến khi theo chị về sống giữa rừng hoa dogwood, được gặp gỡ bạn bè của chị nơi này, tôi hiểu vì sao chị đổi thay nhanh. Ở đây tôi học nấu ăn, học làm bánh, học đan và móc từ những người vợ, người mẹ trẻ, giản dị hiền hoà, ngoài đi làm chỉ biết có gia đình. Niềm vui không có ở bên ngoài, mà chính là niềm vui thật sự ở nội tâm. An phận, bằng lòng với những gì đang có bên mình.

Nghe tin tôi trở lại, lần này còn có mẹ theo về, căn nhà vắng im chợt rộn ràng hồi chuông cửa ngân vang. Những người bạn thâm tình của chị đến thăm, với đủ thứ bánh trái tự tay làm, còn thêm khay bún xào chay. Mẹ đãi các chị bằng bữa cơm mang hương vị tết vì vẫn đang tuần lễ đầu tiên của tháng giêng, và thưởng thức tài nấu nướng của những người ở xa phố chợ. Như bà mẹ hiền mái tóc bạc phơ, ngồi giữa bầy con gái đã qua thời xuân sắc. Tôi không chút ngạc nhiên khi thấy bạn của chị choàng tay ôm hoài bờ vai mẹ, có lúc tựa đầu lên trên như tìm chút hơi hương của người mẹ đã xa đời. Mẹ chu đáo mang theo bao lì xì đỏ, để nhận ra từng ánh mắt rưng rưng khi được mẹ ân cần nắm lấy bàn tay trao tặng những thương yêu.

Phần tôi, không biết trả lời sao khi nghe câu trách khẽ.
-Sao nhỏ đi mất hút, biệt tăm? Phải hơn 20 năm Ly Huế mới gặp Ly Saigon trở lại. Khi em quay về thì các chị đã già.
Tôi chợt nhớ ra khi mới đến đây, các chị gọi tôi là "Ly Saigon", để khỏi lẫn lộn với chị Ly dù xa Huế từ thuở nằm nôi vẫn mãi thiết tha. Có chút gì bâng khuâng trong dạ, bởi cho đến ngày này tôi chưa hề trở lại Saigon. Thoáng nhìn từng khuôn mặt thân quen của ngày xưa, ngoài mái tóc màu sương tuyết để tự nhiên không nhuộm, các chị dường như không đổi thay nhiều. Dấu thời gian không lưu lại, hằn sâu trên khuôn mặt trong sáng, đơn sơ chẳng chút phấn son. Tôi thật sự cảm thấy mừng cho những người đã trút được thật nhiều trói buộc thường tình. Có lẽ nhờ sống giản dị, hồn nhiên không màng hình thức bên ngoài, cho nên các chị vẫn còn mãi nụ cuời thanh xuân giòn giã của ngày xưa.

Qua chị tôi vẫn thường nghe và biết nhiều về những đứa trẻ năm nào nay đã trưởng thành. Những đứa bé mà thuở đó tôi cùng xếp hàng trong tiệm pizza, tự tay chọn nhân bánh và đặt vào lò nướng trong ngày sinh nhật chúng. Cùng chúng cắt chia miếng bánh ngọt ngào và hát mừng ngày sinh nhật tuổi thơ. Có đứa bây giờ là goá phụ. Đứa mấy lần dang dở, truân chuyên. Đứa hạnh phúc, nên người hữu dụng. Đứa làm mẹ rơi những giọt lệ âm thầm vì được sinh ra không hoàn hảo, nên suốt đời chẳng bao giờ có cuộc sống bình thường. Điều này phải đợi đến khi con khôn lớn, trưởng thành mẹ cha mới cùng đau khổ nhận ra. Dù sao tôi vẫn an tâm, khi nhìn thấy những nụ cười chấp nhận, cuộc đời là một chuỗi khóc cười, cho nên dù khổ hay vui các chị vẫn ung dung.

Bình cà phê đã cạn. Ngày qua mau và trời trở lạnh hơn trong lần từ giã tiếp theo. Những vòng tay quyến luyến buông lơi. Hai chị em tôi và mẹ đứng nhìn theo những bước chân xa dần phía dưới mặt đường. Tình người ở nơi này đằm thắm, từ hòa. Có lẽ vì vậy mà chị không nghĩ đến chuyện dọn về nơi ấm áp hơn, dù hai đứa con trai không còn ở cạnh bên.

Về lần này, cháu tôi đứa mới làm cha, đứa dẫn về giới thiệu với bà ngoại và dì người bạn gái sẽ cưới trong mùa hè sắp tới. Đó là chú bé con thuở trước, không muốn nhìn thấy tôi buồn nên hay luẩn quẩn tới bên hỏi chuyện Việt Nam. Khi nghe chị tôi nhắc về tuổi thơ của mấy chị em trong lúc chiến tranh, cháu tôi nói bằng ánh mắt trĩu buồn:
-Con hiểu đó là điều bất hạnh, cho nên con thương mẹ với dì nhiều lắm.
Xa nhau nhiều năm. Những lần theo cha mẹ về thăm bên ngoại cũng thưa dần theo thời gian hai đứa trẻ trưởng thành. Gặp tôi, bao giờ hai đứa cũng đến ôm vai, trìu mến không khác ngày xưa. Một đôi lần chị kể với tôi.
-Hai đứa nhỏ nói với chị tụi nó vui nhiều, vì lần này gặp lại dì con thấy an tâm. Không còn vẻ buồn bã, bi quan như ngày đó.
Chị cười.
-Con chỉ thấy vậy thôi mà đâu biết hết những gian nan, sóng gió chẳng bình yên.
Đứa con trai nói giọng thật hiền
-Dù sóng gió nhưng biết chọn cách đối mặt cùng với nó sao cho không ngã xuống, thì mới có được nụ cười tươi. Mẹ có nghĩ như con?

Tôi giật mình. Chú nhỏ 6 tuổi năm xưa đã tìm biết cách dẫn tôi thoát ra khỏi cơn mộng đêm ngày, bởi chạy theo ảo giác là bỏ quên hiện tại. Còn thằng anh 11 tuổi hay lặng nhìn tôi, giờ vẫn nhìn tôi để chỉ nói câu "con đã an tâm". Có phải những con nước từ muôn nguồn, đã xuôi giòng tìm ra biển gặp nhau. Tôi chia với chị hạnh phúc ít người may mắn được, là những đứa con thảo đã thành nhân bên người chồng tận tụy một đời. Mẹ nhìn chị được chồng con bảo bọc nâng niu, nhưng vẫn không ngưng được tiếng thở dài.
-Hạnh phúc tràn đầy nhưng trọn vẹn đâu! Có hình hài là có khổ sầu. Người khổ tâm, người đau đớn xác thân.
Tôi nghĩ sau khi thăm chị lần này, mẹ sẽ ít còn nhắc tới điều mong ước, là muốn chị thu xếp chuyển về gần với mẹ, với anh em. Chị đã không còn vướng bận gì, khi nói với mẹ:
-Dù xa hay gần người thân, thì sớm muộn gì cũng bỏ lại để ra đi. Con nghĩ càng nhiều quyến luyến càng không thể thanh thản được mai này.

Những ngày êm đềm qua mau. Buổi sáng cuối cùng tôi ngồi bên cửa sổ đợi sương tan. Chị pha tách cà phê thật nhạt chia chung với mẹ. Mặc thêm chiếc áo mở cửa bước ra ngoài, tôi đi chầm chậm về nơi cuối dốc. Mẹ an tâm, không dặn dò như buổi sáng đầu tiên. Sợ tôi không chịu nỗi lạnh, sợ tôi không đủ sức lang thang một mình trên dốc đồi nơi này.

Tôi kéo cao cổ áo, nhìn con dốc. Gió từ muôn phương thổi về. Từng cụm mây trời lãng đãng cuốn theo biết về đâu? Bên này là đồi cỏ úa với hàng thông xanh rì rào. Bên kia là rừng hoa dogwood trơ cành đang chờ nắng xuân về nẩy lộc. Những chiếc lá vàng trải đều như lớp thảm dày, chở che cho mặt đất. Tôi lặng yên nghe nhịp thở nhẹ đều. Thấy trong gió có mình cùng góp mặt. Đôi chân bước đi những bước nhẹ tênh, cảm nhận thật rõ từng bàn chân chạm xuống mặt đường im vắng. Đứng từ trên cao ngó xuống, thấy trời chở che cho đất. Thấy lá lót mình cho cây trổ muôn hoa. Thấy đồi uá vàng đang trở mình sau những ngày dài tuyết giá. Chỉ thêm vài tuần nữa, sau khi tôi rời khỏi nơi này, rừng sẽ vươn mình thức dậy sau giấc ngủ mùa đông. Cây lá, cỏ hoa, gió và nắng sẽ cùng nhau hợp tấu bản đồng ca bất tận.

Chụp thêm vài tấm ảnh đánh dấu lần trở lại. Người năm cũ giờ không tìm đâu ra nữa trên bước chân tìm lại. Cảnh nay vẫn đầy ắp thêm tôi như cảnh xưa nhưng đành quay trở về. Bước ra nhẹ nhỏm thênh thang trên bước vào vướng vấp. Tan loãng vào hư không, khu rừng ngày xưa đã khép.

Quỳnh My

Comments

Anonymous said…
Cam on L. cho mot bai viet that hay, rat nhe nhang va nhieu cam xuc. Đoc đe nho lai nhung ngay đau bo vo tren xu la que ngưoi. Đe chot song lai mot quang đoi long đong nhung day ky niem.

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do