nụ cười hoàng hôn

Nắng hoàng hôn nắng soi lời dặn khẽ
từ chốn về thêm đẹp bước chốn qua
bao la gởi tình yêu dâng lòng Mẹ
lá rụng vào nguồn cội vẫn không xa
(Lãng Du)

Cuối cùng tôi cũng về VN. Không phải về cùng mẹ và những đứa em như từng lần toan tính. Thôi thì một mình đi từ nam ra bắc, đi để nối vòng quê mẹ với quê cha, vào tương lai lần nữa.


Vé máy bay đã đặt, đã mua xong. Tưởng xong việc, nào ngờ khi đến lấy vé mới hay tên tôi bị sót. Cô bé xinh trẻ sau cú điện thoại tươi thêm một chút khi trút được gánh nặng, nhỏ nhẹ phân trần:

- Con gởi cho họ đầy đủ tên gia đình 4 người, tên cô ở cuối, lại mang họ khác. Vào lúc đang kẹt chỗ, lại thêm người làm mới, nghĩ cô là khách hàng riêng ... Họ đang sửa lại. Con sẽ tin cho cô hay khi có kết quả xong.


Tôi không biết gì hơn là chờ vì đã thanh toán xong bốn vé khứ hồi từ hai tuần trước. Chợt nghĩ tới chuyến bay sau trước, nghĩ tới chỗ ngồi còn lại riêng lẻ mà bâng khuâng. Cả tuần lễ Mẹ băn khoăn lo sợ tôi ở lại. Mãi tới khi lấy đủ vé, đủ 4 chỗ chung gần Mẹ mới thật sự an ổn.


Rồi an ổn chỉ ở lại được vài giây. Mẹ nhắc tôi hành lý mang theo, nhắc những gì sẽ tặng cho người thân lúc gặp. Nhắc hùn phước, nhắc cúng dường. Băn khoăn những phần cho chùa, những phần cho trẻ mồ côi. Những nơi tôi sẽ đến, những người tôi sẽ gặp. Tất cả đều được Mẹ trải lòng ra san sẻ. Đôi tay mẹ yếu mà vươn xa, nhưng vươn xa thế nào cũng là chưa đủ, mẹ kêu gọi đàn con tiếp sức. Người anh xa chợt hỏi: "Em thấy có xôn xao khi sửa soạn hành trang?". Tôi nói chẳng thấy gì, bởi từ lâu vẫn an nhiên giữa đến và đi. Có chăng là nỗi băn khoăn khi rời Mẹ thời gian dài. Anh thoáng ngạc nhiên khi câu hỏi được trả lại qua thái độ của người đi mang theo quê hương mà không xao động lúc tìm về.

Đi làm đến ngày sau cuối, chiều về qua thăm Mẹ được ăn bữa cơm Mẹ nấu dành cho trước khi đi. Quanh Mẹ, mấy chị em rì rào nhắc nhở, dặn dò. Mẹ giục tôi về lo thu dọn, nghỉ ngơi cho chuyến bay thật sớm của hôm sau. Không tiễn ra phi trường mẹ buồn. Tôi nghĩ vậy vẫn hơn nhìn thấy mẹ trên đường từ phi trường về lại nhà, sau lúc tôi đi.


Hôm sau, trời chưa sáng tôi ghé qua Mẹ. Ôm hôn Mẹ, cả hai mẹ con cùng bịn rịn, bịn rịn hơn cả lần đầu đi xa. Bước lên xe mẹ còn tựa cửa đứng nhìn theo. Trong màn sương đục dáng mẹ thật buồn. Có lẽ đã quen nhìn cảnh mẹ con tôi quyến luyến, người đồng hành bây giờ hết lắc đầu thêm câu than thở. "Em không bao giờ lớn nổi" Tôi đi xa mang theo nụ hôn còn ấm hương Mẹ kèm với dặn dò: "Con đi vui vẻ, bình an. Phải chi đôi chân này còn vững...Mẹ tiếc, trong đời chưa có một lần về thăm quê nội các con". Nghĩ đến đôi chân mẹ với những ống xương ngày càng rỗng và teo nhỏ lại, thêm lần giải phẫu vì té xuống trên sàn nhà trơn, lòng tôi se thắt.

- Mẹ đừng buồn. Những bước con đi luôn có mẹ.


Về lại nơi một lần bất ngờ ra đi để thật lâu mới tìm về, tôi thấy mình ngơ ngác. Saigon sau 24 năm xa đang chập chờn lạ quen dưới ánh đèn đêm. Ra khỏi phi trường lúc gần một giờ khuya, tôi bước lên chiếc taxi đợi sẵn cạnh người thân như kẻ mộng du. Những nụ cười tao ngộ. Những ánh mắt reo vui lúc nhận ra nhau. Tất cả tựa khúc phim thoáng qua nhanh. Cuộc hành trình dài làm mỏi mệt bơ phờ, nhưng tầm mắt như ráo hoảnh khi thu nhận những hình ảnh đầu tiên ngày trở lại. Tôi muốn nói với anh tôi: "Có trăm ngàn nỗi xôn xao ùa về, ngay khi em chạm bàn chân lên mảnh đất quê hương".


Saigon nửa đêm về sáng, với nhiều hàng quán mở cửa quanh ánh điện hắt hiu. Những dòng xe xuôi ngược trên đường, tưởng sẽ hút vào nhau bởi tất cả mọi người cùng thoải mái tự do theo hướng đi tự chọn. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra tâm trạng mình biến chuyển. Từ giật mình kinh hãi bất an đến cuối cùng là mặc kệ. Dù sao tôi cũng đã đến, cũng đã về. Hãy thử làm khán giả đang coi phim. Chấp nhận mình hoàn toàn mất dấu, ngẩn ngơ trên đường. Một phần đời đã sống như con nước lũ theo giòng trôi đi, đi biền biệt. Ngày đó ra đi tôi tránh không muốn nói với ai vì không muốn người ở lại buồn nhiều hơn nữa. Bây giờ về tôi vẫn chọn sự im lìm như lúc xưa. Những đứa em nhiều năm không gặp, nôn nao chờ tin để đón. Chờ hoài không thấy gì, lại phải nhắn tin qua Mẹ để có ngày giờ ra phi trường đón.


Căn nhà nhỏ đông người nằm cạnh bờ sông của dì tôi thêm hiu quạnh vì nửa đàn con của dì đã cùng bố mẹ ra đi đoàn tụ. Dì có đứa con gái ngày xưa vượt biển một mình khi chưa quá tuổi thơ ngây. Tôi ngơ ngác nhìn giòng sông trước mặt, vẫn còn đó những mái nhà chắp vá tiêu điều. Riêng nhà dì tôi giờ cất lại khang trang. Những đứa em còn ở lại cho tôi cảm giác ấm áp, thân gần như trở về ngôi nhà cũ của mình. Có điều, ngày xưa mỗi lúc sang nhà dì tôi phải qua sông. Giòng sông hẹp nằm cuối con đường cũng hẹp, làm ranh giới giữa Khánh Hội với Nhà Bè. Con đò nhỏ quanh năm chòng chành như muốn lật, dù không có ngọn sóng nào trên sông ngày nước cạn. Chỉ có rác ngập hai bên và những đứa trẻ con lom khom vớt bọc ny lông trôi dọc theo bờ. Bây giờ về qua con đường lạ. Không phải con đường vòng ngang qua cầu Tân Thuận và cư xá ngân hàng. Em tôi không quên nhắc:
- Đường về nhà giờ đi qua cây cầu mới là cầu Kinh Tẻ. Chị ráng nhớ để chỉ đường cho mọi người biết mà tìm- nếu như chị có "hẹn hò" ai khi về. Chỗ này bây giờ là quận 7. Không thuộc quận Nhà Bè như trước.

Không hẹn ai nhưng người tìm tôi mấy bận mà không được là người Mẹ yêu luôn dõi mắt theo tôi. Mẹ gọi từ khi máy bay chưa hạ cánh xuống phi trường, Mẹ gọi trên đường về, Mẹ gọi lúc vào nhà. Nghe giọng nói thân yêu, tôi không nghĩ hai mẹ con đang xa nhau nửa vòng trái đất của nửa ngày nửa đêm.
- Mọi chuyện đều bình yên chứ hả con? Con mệt nhiều không? Hai đứa Đông Duy có khoẻ không? Hành lý có nhận về đầy đủ? Hải quan có làm khó dễ gì không?
Tôi trả lời gọn nhanh mấy câu hỏi đầu tiên và thoáng ngập ngừng về câu hỏi cuối

- Sẽ bị đứng đợi hơi lâu nếu như giữa sổ thông hành không có bỏ gì thêm.
- Mẹ an tâm rồi. Trời sắp sáng để các em đi ngủ. Con cũng cần phải nghỉ ngơi để có sức mà đi.

Giấc ngủ ngắn bắt đầu khi trời gần sáng, được đánh thức bằng tiếng lao xao nhộn nhịp từ con đường dọc bờ sông. Saigon thức khuya, Saigon dậy sớm. Không dưng mà tôi cũng thức, cũng ngủ theo Saigon khi trở lại. Có một ngày nghỉ ngơi như đứa em sắp xếp, lúc mua vé chuyến bay đi Huế tiếp theo. Tôi được ân cần trao cho một số phone riêng, cài trong chiếc điện thoại mang về từ Mỹ. Mẹ có mấy người em gái, nhưng chỉ riêng những đứa con của người dì có khuôn mặt giống mẹ nhiều, đối với anh em tôi dù xa bao năm vẫn thấy thật gần, bởi hiểu và thương nhau như anh em cùng mẹ cha. Tôi được dặn dò thêm để biết chỉ đường, được nhắc khẽ những người nên gọi, trước khi tiếp tục lên đường ra Trung về thăm quê nội các con. Một ngày giữa Saigon ngơ ngác vây quanh, chưa đủ cho tôi hoán đổi đêm thành ngày để đi theo nhịp sống nơi này. Tôi thầm biết ơn những đứa em đã quan tâm từng chút nhỏ nhoi.


Mẹ vẫn tiếp tục theo tôi đi trên những dặm đường, để hỏi và nghe và kể chuyện phương xa. Tôi cầm phone thủ thỉ cùng mẹ trên đoạn đường từ phi trường Phú Bài- Huế đi về thị trấn Gio Linh, Quãng Trị. Chiếc taxi bốn chỗ ngồi lăn bánh, lướt mau trên con đường trải nhựa êm đềm, dưới ánh nắng chói chang ngày vào hạ. Hai bên đường không nhìn thấy nhà tranh với vách đất hay những mảnh ruộng héo úa khô cằn khi thừa nắng thiếu mưa. Thầm nghĩ, có lẽ mình chịu nhiều ảnh hưởng từ bài hát nghe hoài: "Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hè về thiếu ăn". Trước mắt tôi là những thửa ruộng xanh tươi, xen kẻ với nhiều căn nhà gạch khang trang trải dài theo những xóm làng. Thỉnh thoảng chợt nhìn thấy lại những hàng quán chơ vơ nằm hứng bụi bên đường. Quán cũng là nhà nên ngó quạnh hiu, trong cảnh vắng vẻ, im lìm thưa khách vãng lai. Hình ảnh gợi nhớ thuở ngồi trên những chuyến xe đò từ Saigon ra Long Khánh hoặc về Rừng Lá. Lúc nào tôi cũng ráng tìm cho mình chỗ ngồi bên khung cửa. Để ngắm, để nhìn và xa xót vì những nỗi khó của kiếp người. Ngày đó tôi là cô bé lớn trước tuổi, nên hay băn khoăn về thân phận con người. Sau này tôi hiểu ra. Chính nhờ được nếm trải sớm những tang thương, dâu bễ của mẹ cha trong đó thêm phần tôi quanh sự sinh diệt trong bom đạn vô tình, tôi sớm nhận ra bản chất của kiếp người trước khi tìm gặp Phật qua giáo pháp từ ngàn xưa để lại.

Xe qua khỏi Đông Hà tiến dần vào thị trấn Gio Linh, địa danh một thời gắn liền với miền tỉnh nhỏ tôi chào đời là An Lộc, Bình Long trong chiến trận mùa hè 1972. Người bạn đời ngồi bên quay lại, xiết nhẹ bàn tay chỉ cho tôi.
- Mình đang đi trên cầu Hiền Lương. Sông Bến Hải là đây.
Tôi bàng hoàng, bảo người tài xế chậm xe lại. Không ngờ có lần mình tìm đến nơi này. Lòng dặn thầm sẽ trở lại đây, để được đứng trên cây cầu lịch sử, để được nhìn xuống giòng sông. Không biết đã có bao nhiêu chia cắt đoạn lìa của thật nhiều năm khói lửa binh đao.


Mẹ lo âu khi nghe tin đợt nóng kinh người đang kéo tới Gio Linh. Ngày tiếp theo tôi nằm vùi ở nhà nghỉ của thị trấn, sau buổi hàn huyên kéo dài với những người thân mới gặp lần đầu ở nơi này.

- Ba người đàn ông lớn nhỏ bình yên. Tôi nói với mẹ. Chỉ mình con ngã gục sau nhiều lần gắng gượng.

- Có thể nhờ ai cạo gió cho con được hay không?
Vẫn biết cạo gió không làm thuyên giảm hoặc ngừng những cơn nóng, lạnh từng hồi. Nhưng tôi ghiền bàn tay mẹ như thuở nhỏ ghiền nâng niu, ghiền chăm sóc. Hồi đó tôi mong được bệnh, để khỏi bị bồng em vừa được mẹ ân cần lo lắng. Tôi còn mong được bệnh hoài, để an tâm rằng mẹ vẫn thuơng nhiều. Chỉ vì đàn em nhỏ mà đứa trẻ chưa hết thời thơ ấu đã mon men cùng mẹ sẻ chia trách nhiệm.


Chuỗi ngày nơi quê nội các con tôi nhẹ nhàng thanh thản. Thiếu hẳn những tiện nghi tối thiểu cộng thêm nóng bức, hai đứa trẻ không lên tiếng đòi về. Sân nhà rợp bóng mát với hàng cây im lìm không gió đi qua. Tôi nghe thoáng câu đùa. Gio Linh nghèo nhưng sang. Không xài gió nội, chỉ ưa gió ngoại từ bên Lào đưa tới. Gió Lào cũng như gió từ chiếc quạt máy tội tình lúc chạy lúc ngừng bởi mất điện hoài hoài. Điều giống nhau là cả hai cơn gió đều mang hơi nóng. Hai chú nhỏ đến từ nơi "chỉ thiếu thốn sự thiếu thốn" như người bạn hay nói đùa về lũ trẻ ở xứ người, đã biết ngồi xếp bằng trên chiếu trong bữa cơm gia đình. Đã quen nhìn những con ruồi bay quanh. Quen uống ly trà đá với mồ hôi nhỏ giọt.

Sẽ khó tìm lại những buổi chiều phai nắng, tôi ngồi xếp bằng bên hồ nhỏ trong làng, đợi lũ trâu về tắm. Lũ trẻ làng quê ngừng hẳn cuộc chơi, tò mò kéo tới vây quanh người lạ. Chỉ sau đôi phút e dè, ngần ngại chúng trở lại hồn nhiên như tôi đã hồn nhiên. Mấy cô cháu gái 16, 17 tuổi dành nhau chụp những tấm hình tôi và lũ trẻ con rão bước qua những đường quê. Chợt nhận ra chỉ riêng buổi chiều ở nơi này nhiều an ổn, nhẹ nhàng. Lòng tôi thắt lại mỗi lần ngồi trên chiếc xe nhỏ chạy chầm chậm qua con đường làng hẹp. Đồng ruộng mênh mông. Thân người bé nhỏ, đang co rút oằn mình nhẫn chịu ánh nắng thiêu đốt thịt da. Bao năm rồi vẫn còn người với trâu chung lưng cuốc bẩm. Làn da đen sạm đượm trên khuôn mặt hằn sâu nỗi nhọc nhằn. Mồ hôi đổ mỗi ngày ngấm xuống ruộng sâu. Có lẽ vì vậy mà những cô gái Gio Linh bề ngoài mảnh khảnh nhưng vô cùng cứng cỏi.

Tạm rời vùng nắng cháy Gio Linh, tôi vượt qua vĩ tuyến 17 lên đường xuôi đất bắc. Không dưng mà thêm buồn. Ngày đó đâu có gì ngăn trở nhưng chị em tôi thờ ơ trong lần duy nhất cha tôi lên tàu về Bắc. Xưa cha một mình lặng lẽ vô Nam, bốn mươi mấy năm sau trở lại vẫn một mình cha, đơn độc tìm về nơi chôn nhau cắt rún. Khi cha qua đời Mẹ tự trách hoài. Chỉ vì e ngại có quá nhiều khác biệt sau thời chinh chiến, mẹ chọn không làm kẻ đồng hành cùng cha thăm lại cố hương. Qua đường dây viễn liên của thế kỷ thứ 21, Mẹ vui nhiều khi nghe tôi nói sẽ tìm về thăm quê nội Thái Bình. Tôi muốn được nhìn thấy, được chạm gót chân lên miền đất đã cưu mang người cha lưu lạc thương yêu của tôi.

Chuyến xe khởi hành sau bữa cơm chiều. Tôi khép mắt khi màn đêm xuống nhưng không ngủ, chỉ lắng nghe hơi thở vào ra. Người tài xế trẻ mở nhạc. Những bài hát buồn như tâm trạng người về. Qua khoảnh đường dài, xe dừng nơi quán nhỏ. Tôi nghe loáng thoáng hai người tài xế cần ăn đêm trước khi tiếp tục hành trình. Tôi hỏi:
-Mình đang ở đâu?
-Thành phố Vinh, có lẽ!

Tôi bước xuống xe đi dạo quanh cho bớt mỏi. Đêm lắng sâu, đêm êm ả. Thoáng có gió thổi về làm lao xao những chiếc lá bàng bao năm mới nhìn thấy lại. Làm sao biết bàn chân mình có lúc dẫm lên mặt đường khuya tĩnh mịch ở địa danh xa thẳm, mơ hồ trong trí nhớ càng ngày càng thêm nhỏ nhoi. Quán ăn "dọc đường gió bụi" nằm lặng buồn, khuất sau hàng cây bàng già cỗi. Có nhiều người thức đợi những chuyến xe chở khách đường xa ghé lại ăn. Cô quán thất vọng nhiều, khi chiếc xe 16 chỗ ngồi dừng lại chỉ có hai người vào quán. Những chai nước mua thêm vẫn không làm khuôn mặt người đàn bà trẻ bớt u buồn trong khoảnh tối. Tôi biết đêm nay rồi chỉ còn trong ký ức mù khơi. Quê nội và những nẻo đường VN sẽ xếp lại ngủ yên trong chộn rộn nơi sinh hoạt riêng tôi.

Đến ngoại ô Hà Nội lúc rạng sáng. Mưa bay mờ trời trên những con đường gập ghềnh nước đọng bùn lầy. Đứa cháu trai dặn chờ nơi ga xe lửa Hà Đông. Bao lâu rồi, giờ mới biết Hà Đông cạnh ngay bên Hà Nội. Như Saigon qua Khánh Hội thật gần. Bữa ăn sáng trôi qua thật lẹ. Mọi người chắc không dễ gì quên món phở gà có kèm thêm muỗng bột ngọt thật đầy khuấy trong tô phở mới nhìn đã ngại. Tôi cười, an ủi con trai:
- Mình ở đâu, theo đó. Phải không con?

Mẹ cười nghe tiếp chuyện của chuyến đi xa. Đường về quê nội qua mấy cây cầu lớn và chuyến phà lúc sắp vào làng. Chiếc phà lớn trên giòng sông rộng. Nghe nói ở đây phà qua lại suốt ngày đêm, dù chỉ có một người đứng đợi sang sông giữa đêm khuya. Tự dưng tôi thầm hỏi. Bến sông này cha có lần bơi lội vẫy vùng, như trong truyện kể về thời thơ ấu của nhà văn Duyên Anh mà tôi từng đọc say mê thuở nhỏ.

Đường vào làng sạch sẽ. Không thấy cát bụi mù trời khi xe chạy ngang qua. Nghe nói dân làng tự đúc gạch, trải xi măng trên khắp nẻo đường quê. Tôi quá ngạc nhiên vì không thể hình dung. Miền quê nội giờ khác xa chuyện kể. Xe dừng lại trước sân nhà. Những người trong họ kéo ra mừng đón. Tôi vui thầm vì vẫn còn nhớ mặt mấy người em họ, từ chuyến vào Nam tìm gặp cha tôi mấy chục năm xưa. Hoa và trái cây cô em đem từ Hà Nội về được nhanh chóng bày lên khi tôi và gia đình nhỏ của tôi đốt nén nhang quỳ lạy. Nước mắt tôi nhòa nhạt trước di ảnh của Cha tôi bên cạnh ảnh thờ người Chú họ. Những đứa cháu tỏ lòng biết ơn và thương nhớ, đã thờ người bác họ như cha. Các em tôi muốn đem Cha về lại với quê nhà- nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Bữa cơm đãi người về tươm tất hơn so với lần đứa em gái kế tìm thăm quê nội. Mẹ rưng rưng nước mắt nghe tôi kể chuyện theo những đứa em ra viếng mộ ông bà. Tôi đi cạnh chồng con bằng những bước thênh thang. Xen kẻ giữa những thửa ruộng màu xanh chợt bắt gặp bờ ao nhỏ ngập màu hoa tím nhạt. Những cánh hoa lục bình như đang ngước nhìn lên nắng, hoặc cúi xuống vui đùa cùng làn nước nhẹ lăn tăn, làm dịu đi ánh nắng trưa hè miền nhiệt đới. Tôi không muốn khóc mà sao lệ cứ tràn ra, khi những người em dừng lại nơi gò đất rộng. Khuôn mặt thương yêu trên bia đá bên cạnh mộ ông bà là khuôn mặt của cha tôi. Cha từ giã cuộc đời nơi xứ lạ, vậy mà những đứa cháu vẫn xây mộ ở quê nhà cho cha ở cạnh đấng sinh thành. Họ Nguyễn mượn vay từ người đỡ đầu ngày trốn vào Nam, được thay bằng họ tên thực sự khắc trên bia mộ. Tôi xúc động vì tấm lòng người sống. Thân vay mượn đã trả lại xong. Nơi chốn, tuổi tên, chủng tộc, quê hương...cũng chỉ là cát bụi để trở về cùng cát bụi. Điều duy nhất tôi biết tôi đưọc hưởng, chính là phước duyên được vào làm con của Mẹ và Cha. Hai đấng sinh thành đức độ từ bi. Một đời đã sống kết thành hoa trái, tỏa hương theo gió thênh thang.

Căn nhà gạch hai tầng xinh xắn. Vuông sân trồng cây kiểng và nhiều loại bonsai được chăm sóc xanh tươi. Đứa em từ bao năm tôi chỉ gặp qua thư, trong chiếc sơ mi trắng hiền lành nhìn không giống nhà nông, đã dùng sức lực và tình thương trải rộng của mẹ cha tôi tạo nên được cơ ngơi. Những đứa cháu lớn lên từ giả làng quê, học hành thành đạt chọn Hà Nội làm nơi sinh sống, đã không phụ tấm lòng của nhiều người.


Tôi từ giã quê nội. Không dám nghĩ còn có lần trở lại. Những khuôn mặt dù mới gặp, đã thân thương khi bịn rịn chia tay. Xiết chặt tay người thiếm yếu đã già, ôm đứa cháu mấy mươi năm gặp lại, đâu ngờ lần về này có mấy ngưòi em tôi từng gặp ở Saigon đã nằm sâu trong lòng đất. Gió trên sông Thái Bình thổi lộng. Quê nội xa dần trong ánh mắt. Tôi thầm cảm ơn người đàn bà nơi quán nhỏ đầu làng, đã gởi theo nụ cười và câu từ biệt cho kẻ tha phương về tìm lại cội nguồn. Cảm ơn những đứa em xa, trong tình thương chân thật đã đem cha về lại cho tôi được gặp. Cảm ơn những đứa cháu đã không ngừng vươn tới tương lai, cho mẹ từ phương xa toại nguyện. Dẫu cách xa nửa vòng trái đất tôi vẫn thấy nụ cười trên khuôn mặt mẹ, khi hoàng hôn của nắng ngã dần về cuối chân trời. Mẹ ơi, dù ở đâu tình thương của mẹ vẫn bao la khắp cả đại dương.


(viết trong mùa VuLan, 2007)

Quỳnh My

Comments

Anonymous said…
"nắng hoàng hôn nắng soi lời dặn khẽ
từ chốn về thêm đẹp bước chốn qua
bao la gởi tình yêu dâng lòng mẹ
lá rụng vào nguồn cội vẫn không xa"

Một lối kể rất sống động.. Congratulations!!!
Anonymous said…
Tôi từ giã quê nội. Không dám nghĩ còn có lần trở lại.

Lần sau chính là lúc Quỳnh My trở lại Quê Hương của chính Quỳnh My.

Cầu chúc Quỳng My luôn an vui để cống hiến cho đời những dòng chữ đầy thân thương.

Trời xanh Canada
Anonymous said…
Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Đáp đền ơn nặng như là trời cao
Nhịn cơm vóc mẹ hao gầy
Cạn dòng sữa ngọt những ngày ấu thơ
Năm canh mở mắt lờ đờ
Ru con mẹ hát ấu ơ nảo nùng
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời
Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Mỗi khi trái nắng trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Cuộc đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con
Anonymous said…
Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Đáp đền ơn nặng như là trời cao
Nhịn cơm vóc mẹ hao gầy
Cạn dòng sữa ngọt những ngày ấu thơ
Năm canh mở mắt lờ đờ
Ru con mẹ hát ấu ơ nảo nùng
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời
Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Mỗi khi trái nắng trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Cuộc đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con
(Nhân mùa Vu lan - Như Hằng)

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do