nẻo về

- Mẹ ơi! Ông ngoại mất rồi. Người đi kế tiếp sẽ là bà ngoại con có phải không?

- Chuyện tương lai sao biết được hở con..
Hân bùi ngùi cầm giải khăn tang, sau tang lễ con mở ra trao lại. Nghĩ tới người chị quanh năm đau yếu. Chị chấp nhận có thân, có khổ. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày được sống bằng lòng kham nhẫn vô bờ. Nhẫn với chính mình, với người thân để nhận diện từng cơn đau tìm đến, lắng dịu hay trở nên dữ dội theo chu kỳ quen thuộc. Người chị thuở xưa đi đâu vẫn dắt theo đứa em gái nhỏ. Qua đoạn đời xa cách hơi lâu, gặp lại rồi xa tiếp tục. Chị ở nơi có những mùa đông bão tuyết. Hân ở chốn quanh năm nắng ấm. Một đôi lần nhận những dòng chữ bất ngờ. Những người ngỡ sẽ không bao giờ gặp, bỗng đâu gởi cho câu hỏi mà như có luôn câu trả lời trong đó.

-Có phải là Hân, em chị Yến ngày xưa? Nhìn khuôn mặt, nụ cười thật giống dù ngày đó em còn bé xíu. Dễ nhận ra vì dường như có chị trong em.
Thoáng ngạc nhiên cùng nỗi vui. Con bé ù lì xa cách mọi người, còn nhỏ đã hay buồn vơ vẩn, khác xa người chị lúc nào cũng rạng rỡ. Vậy mà nhiều người vẫn cho rằng hai chị em giống nhau. Bây giờ chắc giống nụ cười, giống luôn giọng nói. Nhưng chị hát hay trong khi Hân chỉ biết nghêu ngao hát ru em. Những bài hát ru em của hai miền nam bắc Hân thuộc nằm lòng từ những bà mẹ hàng xóm ở hai bên trái, phải căn phố nhỏ. Mấy đứa em mỗi ngày Hân vẫn bế bồng, quen được dỗ vào giấc ngủ bằng lời ru mộc mạc à ơi. Cũng nhờ nụ cười và nơi chốn chào đời Hân nhắc nhở đôi lần ở góc vườn riêng, mà tìm lại được người năm cũ ở bên này hay ở bên kia.

Buổi chiều gió heo may về. Mây xuống thấp, màu xám làm mờ khoảng không gian như có nước bao quanh. Con đường trải những viên đá nhỏ màu đen vắng lặng hơn bao giờ. Chiều xuống nhanh, hứa hẹn cơn mưa sẽ đi qua, làm chùn bước những người thường có mặt sau giờ tan sở. Không có ai đi bộ ngoài Hân. Không có những bước chân chạy làm sỏi đá trở mình. Quanh bờ hồ vắng bóng lũ chim đến vui đùa, chỉ có dáng con cò trắng in hình trên mặt nước lăn tăn lẻ loi. Hình ảnh con cò đơn độc, đứng lênh khênh khuấy động tâm tư, làm sống dậy hình ảnh mặt hồ bát ngát ở hướng đông con lộ 90. Những bông sen trắng hồng nở rộ chen chút vươn lên cạnh đám lá xanh. Nghe nói không ai trồng. Hoa sen tự mọc ở vùng ngoại ô xa khuất nên có nhiều người đến cắt đem vào chùa cúng, trong đó có chị em Hân. Cũng ở đó có lần Hân nghe lời mời gọi, nên có mặt trên con thuyền nhỏ, len lỏi giữa rừng sen tiến vào hòn đảo hẹp, là nơi trú ngụ của hằng hà sa số cò trắng. Không biết có bao nhiêu trứng cò đang chờ ngày nứt vỏ chui ra đã bị người ta gom đem về. Mùi tanh của sinh vật làm Hân kinh sợ. Thêm ánh mắt của cha như chứa nỗi thất vọng, khi biết Hân bước lên con thuyền không phải chỉ đi ngắm hoa sen. Hối tiếc và hỗ thẹn, Hân nhận ra chỉ vì chữ tham. Cũng nhờ nếm thử hương vị không như mình tưởng, đã dừng lại lòng ham muốn của biết bao người từng háo hức đi vào vùng đảo nhỏ giữa hồ, nhặt đem về hàng chục, hàng trăm trứng cò, đang hình thành sự sống ở bên trong. Nghe nói hồ xưa đã cạn khô, không còn dấu vết của ngàn búp sen vươn mình trên vùng nước đục ngầu ngày đó. Cầu mong sao lũ cò tội nghiệp được bình an ở một chốn riêng, không còn nỗi sợ hãi khi bị con người hủy diệt

Dòng tâm thức quay lui về quá khứ chợt dừng. Chiếc điện thoại nhỏ trong túi áo rung lên. Mong rằng không phải mẹ cần Hân trở vào ngay.
-Em đang ở đâu? Chị gọi phone nhà không ai bắt. Mẹ khỏe không em?

-Em mới ra công viên sau nhà để thiền hành. Mẹ đau nhức lắm, cũng như chị vậy. Nhiều đêm không ngủ rồi mất sức. Chị ra sao, có bớt chút nào không?
Nghe tiếng thở dài như cơn gió thoảng bên tai.
-Chị ráng được tới đâu, hay tới đó. Sống thêm một ngày là hạnh phúc một ngày. Nghe tiếng người thân, được cơ hội làm điều hữu ích là đẹp một ngày. Thôi chị ngừng cho em tiếp tục thiền hành. Tối chị sẽ gọi thăm trước khi mẹ ngủ. Chị mừng vì mất ngủ hoài mà em vẫn còn sức để thiền hành.
-Em đã từng "yêu cho biết sao đêm dài" mà. Vẫn bình yên đến ngày nay! Bây giờ thức đêm cũng chỉ vì thương, thì làm sao ngã gục phải không?
Tiếng cười của chị từ xa vọng lại, chấm dứt cuộc nói chuyện bắt đầu bằng tiếng thở dài. Chị lúc nào cũng hiểu em mình. Cùng đi bên mẹ trên đoạn đường có hai nỗi khổ sau cùng của một đời người, em cần nuôi dưỡng thân tâm mỗi ngày bằng những phút thiền hành. Lòng chị ngậm ngùi khi nghe kể. Một đêm Hân ngồi cạnh bên giường, ánh mắt mẹ chợt dừng lại trên đỉnh đầu con gái.
-Trời ơi sao nhanh vậy! Tóc con bạc trắng từng chùm ở trên đầu. Xích lại gần đây mẹ nhổ tóc cho con.

-Trước sau gì cũng bạc, mẹ à. Mẹ nhổ hết chắc con thành ni cô quá! Khuya lắm rồi. Chỉ cần mẹ thấu rõ, cảm thông nhưng để ra ngoài mọi thứ. Thôi trăn trở, lo âu chuyện cháu con may ra giấc ngủ đến dễ hơn. Tóc con bạc chậm hay nhanh đã có... thuốc nhuộm.
Tuy thế nhưng Hân vẫn chiều lòng mẹ, dẫu biết rằng những sợi tóc mất đi sẽ làm cho mái tóc rụng nhiều hơn mọc xác xơ thêm. Chỉ biết hạnh phúc mình đang có là mắt mẹ còn nhìn thấy được qua ánh điện nhoà của bóng đèn tròn. Mẹ còn cầm cây nhíp giữa hai ngón tay gầy. Còn để ý xót xa bởi sợ tóc con sớm theo tóc mẹ trắng như mây. Hình ảnh mẹ già tay run run nhổ tóc bạc cho đứa con từng đêm cùng thức, ngủ cạnh bên, làm chạnh lòng nguời chị không được cơ hội ở gần để chia sẻ. Lời nói đùa vui như chẳng có gì, cũng là lời nhắc mẹ gắng buông xả hết những lục dục thất tình còn nặng đeo mang bởi cháu bởi con. Từng đêm với giấc ngủ chập chờn, cạnh người mẹ đi sắp hết đọạn đường sau cuối. Vậy mà vẫn còn đó nụ cười mỗi sớm mai thức dậy bắt đầu thêm ngày mới. Hân nhắc mẹ rằng mỗi đêm ở nơi xa chị cũng đang trăn trở vì đau.
-Khi không thể nào ngủ được, mẹ đừng quên cùng lúc đó, có bao người đang thấy đêm dài. Mẹ hít vào thật sâu rồi thở từ từ ra. Ngay cơn đau này nghĩ đến nỗi đau của muôn loài, để thương hết thảy mà không còn phân biệt. Dẫu thân đau, lòng an ổn không lo nghĩ, không ghét thương, vướng bận chuyện ở hay đi. Được như vậy mẹ coi như sống trong cỏi tịnh. Hạnh phúc, an vui không tìm kiếm đâu xa. Còn hơn ngồi niệm Phật mỗi ngày, mong được vãng sanh về miền cực lạc trong khi lòng đầy phiền não. Thân xác đã như căn nhà mục, chờ ngày sụp đổ. Mẹ đừng lo chuyện sẽ về đâu. Chỉ cần hằng sống với tâm từ bi, hỷ xả thì không cần lang thang tìm Phật ở đâu xa.
Chị có lần băn khoăn hỏi:
-Chứng kiến ngày đêm nỗi khổ của sinh lão bệnh tử, thêm bao chướng ngại trong cuộc sống em có bi quan, buồn chán không?
-Em mừng, xem như phước của mình. Nói về vô thường ai cũng tin mình thấu hiểu, nhưng khi chạm đến thì không đủ bình thản, an nhiên nhận diện. Em thấy mình còn cơ hội nắm tay dẫn mẹ đi dù chỉ đoạn ngắn thôi. Đường một mình rồi ai cũng sẽ qua. Em muốn mẹ đi bằng bước chân vững chải, thong dong thay vì hoang mang sợ hãi không biết đâu là phương hướng. Còn giông bão cuộc đời, em coi như... bí kiếp để luyện công. Nghe Thầy giảng tựa như nghe tiếng ru êm thuở nằm nôi. Phải phong trần sương gió mới được dịp mang ra ứng dụng.
Chị thường an tâm khi nghĩ về Hân. Chị biết Hân không đi tìm, cũng không tránh đám đông. Thấy hạnh phúc khi góp phần chia sẻ với nhiều người nhưng không bị chốn lao xao lôi cuốn, lại rất vui những lúc một mình. Đứa em ngày chia xa mới tuổi 13, bây giờ trở thành người nhắc chị sống cho hiện tại. Từ mỗi câu Hân rỉ rả nhỏ to, chị nhìn thật rõ hành trình đi qua cỏi tạm. Nỗi đau thân xác triền miên bỗng nhẹ đi. Chị cười thoải mái thay vì buồn bã. Cũng là những trạng thái của tâm khi bất an lúc bình an. Mọi thứ vẫn đến đi khi đủ nhân duyên. Mở ra được những mắc tự mình cột mình chị an nhiên vui sống. Đã hơn 6 năm kể từ ngày cha mất, câu hỏi của con trai ngày nào chưa thể trả lời. Chị và mẹ mỗi người một phương, cùng đi những bước chậm vượt qua từng đoạn.

Hân chú tâm vào bước chân đi cho đủ năm vòng, là hai dặm rưỡi mỗi buổi thiền hành sớm, tối. Cổ chân trái hay đau lúc về đêm nhờ đi nhiều mà bớt làm khó dễ Hân hơn lúc trước.Chiều nay mới tới vòng thứ ba, vừa lúc ngang qua cổng nhà mình, Hân cảm nghe nhói chân bên phải. Cùng lúc gió lạnh từ đâu thổi về. Hân đưa hai tay ôm mặt cho bớt lạnh nhưng vẫn rùng mình khựng lại. Mới vào thu, lẽ ra nơi đây còn ấm nhiều. Hân bước tiếp, thêm lần nữa bắp chân phải đau như xoắn lại, gió thổi liên hồi làm lạnh buốt toàn thân. Lần thứ ba lập lại y như vậy. Chỉ mới qua khỏi nhà một khoảng, Hân quay gót. Phải ngừng thôi vì lạnh và đau.
Đã nửa đêm. Phòng hai mẹ con đèn vẫn sáng. Hân đặt lư hương nhỏ lên chiếc bàn mấy chị em thường ngồi uống cà phê sáng. Mẹ thắp lên một cây nhang rồi ngồi ở ghế cạnh bên, vừa lau nước mắt vừa niệm Phật. Hân cũng chùi nước mắt gọi thầm. Chị Ngân ơi, có thật chị đã ra đi? Quyển album để hình gia đình mở ra trước mặt. Hân cắt đôi tấm ảnh hai chị em mặc áo dài màu tím huế ngồi dựa lưng nhau trong tiệc cưới, để vào khung hình nhỏ. Hình chị cười rạng rỡ. Tuổi vào thu còn đẹp hương xuân. Nụ cười đó bây giờ thành hư ảo trên bàn thờ thoảng khói hương. Hân lau giòng nước mắt. Một kiếp phù du đã qua. Lâu lắm rồi Hân mới có lần khóc như đứa trẻ, vừa chùi nước mắt vừa đốt cây nhang cắm tiếp vào bình hương thế cho cây sắp tàn. Lấy cho mẹ chiếc áo ấm và đôi bao tay bằng len để tránh gió khuya. Chợt nhận ra áo mẹ, áo Hân cũng của chị mua. Căn phòng mới sửa dành cho mẹ, chị ân cần đo chiều dài tủ áo để may màn, hẹn tuần lễ tới mang lên -là ngày cả nhà ăn mừng mẹ về ở với Hân, có phòng mới làm thêm rộng rãi, khang trang. Đâu ngờ ngày đó không ai còn nghĩ tới. Trong căn phòng đó mẹ để thêm bàn thờ chị, để chị được ấm bên cạnh tình thương của mẹ và mấy đứa em. Trước khi rời nhà Hân vặn chiếc máy niệm Phật để gần khung ảnh chị. Trong đêm khuya câu niệm Phật nghe buồn. Nỗi buồn mất chị đêm nay.
Đêm trên freeway gió nhiều. Chiếc xe chở mẹ cùng hai gia đình nhỏ của Hân và em gái.chạy về hướng 59 North,
rẻ qua I-10 East về nhà anh chị. Khi xe chạy ngang qua phố, người em rễ đưa tay chỉ vào lề đường bên phải.
-Chị Ngân ra đi ở chỗ này trong tai nạn hồi chiều.
Những đôi mắt trong xe cùng hướng theo ngón tay chỉ của người em. Vẫn còn vết nám đen và mùi cháy khét vương vất qua khung cửa xe đóng kín. Mẹ bật lên tiếng than lẫn trong màn nước mắt
-Tội cho con quá con ơi! Người tốt lành sao ra đi trong đơn độc, đau thương.-Chị trả xong nghiệp lớn. Mẹ nên mừng chị từ đây nhẹ bước thảnh thơi.
Người em rễ an ủi mẹ sau lời than áo não. Mọi người lặng yên tưởng như đang có chị quẩn quanh. Mẹ niệm Phật nhanh hơn để dằn cơn xúc cảm dâng tràn. Hân nắm bàn tay gầy lạnh để truyền hơi ấm, chợt nhận ra tay mình lạnh hơn tay mẹ. Nỗi bàng hoàng lan tỏa. Có lẽ nào lúc Hân dừng ngang, bỏ dở buổi thiền hành, cũng là lúc chị ra đi trong đau khổ, cô đơn không ai biết. Chiều nay anh Hân đi làm về ngang qua phố. Tai nạn lớn làm freeway bị đóng phải chạy vòng nên về nhà muộn. Căn nhà vắng lạnh lạ kỳ. Chẳng biết tìm đâu ra người vợ vừa cùng nhau ăn chung bữa ăn trưa. Một giờ trước. Anh bảo Hân ra siêu thị tìm, may ra còn dấu chiếc xe, sau khi anh đã dò tìm khắp mọi bệnh viện trong thành phố. Đêm chỉ còn lại vài quán hàng mở cửa. Bãi đậu xe rộng thênh thang trong nỗi vắng im. Tâm trạng Hân thật mâu thuẫn lúc này. Vừa mong tìm thấy xe của chị vừa mong đừng gặp. Bây giờ Hân mới thật sự ngấm sâu, nỗi đau khổ, hoang mang, lo sợ khi người thân yêu bỗng dưng biến mất không tìm ra dấu vết.
Cánh cổng lớn mở ra để sẵn. Hai cha con người anh buồn bã, thất thần. Đứa con trai giờ trưởng thành, tỏ lòng kính thương, hiếu thảo với người mẹ kế sau bao năm làm chị gian nan. Hạnh phúc mong manh như hơi thở, chị không hưởng được dài lâu. Một đời đa đoan bỏ lại phía sau. Đêm khuya, bốn nhân viên cảnh sát tìm đến báo tin buồn, hai cha con anh ngỡ trong mơ. Giấc mơ kinh hãi làm tê liệt cảm xúc.Cả nhà dì Hân cũng có mặt đêm nay. Tất cả đều sụt sùi thương cảm vì khoảng trống chị để lại. Anh bảo Hân vào phòng chọn dùm sẵn hai bộ áo. Với Hân chỉ cần một bộ thôi, nhưng Hân vẫn lặng lẽ làm theo. Chiếc áo dài lam chị mới may để dành mặc đi chùa, chưa kịp mặc lần nào. Thêm chiếc áo nhung đen Hân gởi đi theo.
Chờ mọi người vơi cảm xúc, tất cả theo Hân vào phòng đọc sách, ngồi xuống trước bàn thờ Phật cùng nhau hộ niệm. Trước lúc giã từ người anh buồn bã dặn dò. Hân là người lo tang lễ chị dâu, giống như sáu năm về trước anh bảo Hân giúp anh lo mọi chuyện cho cha. Mọi người lũ lượt ra sân. Đứng giữa vườn khuya nghe âm thanh ngàn cánh lá xạt xào trong gió, tưởng như có chị quanh đây. Khu vườn rộng, cây trái cỏ hoa đang ngậm sương đêm, có biết rằng đôi bàn tay chăm sóc nâng niu chúng bao năm đã vĩnh viễn lìa xa. Nhìn đâu Hân cũng thấy chị bên Hân. Lúc chạy vào nhà lấy kéo, lấy túi ny lông cho Hân cắt, đựng rau và trái. Khi bảo Hân đừng vội, phải đợi chị xịt thuốc trước khi hái trái, cắt rau không cho muỗi chạm vào Hân. Chị khệ nệ bưng những chậu cây và hoa chất đầy xe, còn ân cần dặn lần sau chở tiếp nếu như em còn thích. Một đôi lần Hân trêu mẹ.
-Chị Ngân mát tay nên trồng gì cũng hoa trái xum xuê. Còn mẹ trồng cây như người hiếm muộn, mặc bao công khó vẫn lưa thưa hoa trái, chưa kể tuổi thọ của cây cũng không dài.
Khu vườn là giang san, là thú vui duy nhất của chị Ngân. Buổi sáng khi mọi người chưa thức dậy chị đã ở ngoài sân. Buổi chiều vừa đi làm về, chị miệt mài đến tối mới vào nhà. Chăm sóc, nâng niu như chăm sóc lũ con vậy mà chị ân cần, vui vẻ cho đi không kể gì công sức, tốn hao. Chiếc xe đẩy đất còn nguyên mấy bao phân nằm chênh vênh cạnh những luống hoa. Khu vườn rực rỡ trong mùa hè, lấp lánh ánh đèn ấm áp lúc sang đông chỉ còn trong kỷ niệm kể từ đây. Không biết nghĩ gì mà dạo hè rồi chị căng lều làm sinh nhật cho anh ở ngoài sân. Hân được chị kéo tay dẫn tới cây ngọc lan đang trổ những nụ hoa trắng thoảng hương trong gió. Chị cười khoe:
-Chị đem cây này về trồng chỉ vì cháu của em. Nó vẫn thắc mắc về tên Việt của mình khi nghe chị nói đó là một loài hoa rất dễ thương. Bây giờ nhìn thấy cây ngọc lan lá xanh mướt cạnh những nụ hoa trắng thơm tinh khiết, nó vui lắm khoe với bạn bè tên mẹ đặt cho.

Mùa thu, lẫn trong đám lá uá vàng theo gió lìa cành có chiếc lá còn xanh của chị Ngân. Hân mang nặng ân tình của chị, chưa làm gì để đáp lại tình thương đong đầy, nhận từ ngày kết làm người thân chung một gia đình. Để ý chăm lo cho mẹ đã đành, chị ân cần lo lắng cho Hân tỉ mỉ hơn. Trước mỗi chuyến đi xa, dù bận thế nào chị vẫn gặp Hân. Đi về miền biển hay tới thăm xứ lạnh hành trang của Hân có chị thêm vào cho đủ vì biết Hân đơn sơ, sao cũng được miễn lòng vui. Thật ra Hân không tâm sự với chị nhiều, chỉ thỉnh thoảng lắng nghe chị nói mỗi khi chị nặng buồn lo. Hân không nói về mình, chị vẫn như chiếc bóng theo sau, lặng lẽ giang tay ra bảo bọc. Sau mẹ, chị là người thứ hai âm thầm lo lắng cho Hân khi khổ, khi vui như tình mẹ cho con bất kể tháng năm. Hân lo chuẩn bị cho đưòng về của mẹ, của người chị phương xa ngày tháng mong manh, đâu ngờ chị ra đi trước. Điều làm Hân thấy nặng lòng chính là vì chưa có đủ duyên giúp chị chọn đường đi. Phòng đọc sách của chị như thư viện nhỏ. Chị say mê đọc, nghiên cứu về nhiều lãnh vực.Từ nghệ thuật trang trí, làm vườn, đồ cổ, đồ đồng đến địa lý, phong thuỷ, nấu ăn và từng căn bệnh từ tây y đến đông y. Chị từng hăm hở đổi bếp sang hướng khác, đăt bồn nước trước sân nhà và đưa cho Hân cái la bàn nhỏ xíu để xem phương hướng. Muốn dẫn chị thoát ra khoảnh tối mang tên tà kiến, Hân vẫn loay hoay bởi một chữ duyên. Lượng đường trong máu bất thường, bệnh mới phát làm chị lao đao một khoảng thời gian. Chị vừa đọc sách, đi gặp bác sĩ, cũng vừa gọi tìm Hân.
-Sao dạo này chị bệnh hoài. Có lúc ngất đi mà không hiểu nguyên do. Em có thể vô chùa mời Thầy về coi xem nhà cửa tìm nguyên nhân để giúp chị được không?
Trong nỗi lo vẫn có tiếng cười. Nhớ đến chị ai cũng nhớ nụ cười trước nhất Hân cười theo xong chậm rãi nói qua phone
-Chị Ngân à. Quý Thầy ở chùa có những khóa lễ cầu an, cầu siêu với tâm nguyện dùng nguyện lực và công năng tu tập của tăng đoàn giúp người sống an tâm, thanh thản khi mang thân bệnh. Giúp người ra đi nhẹ nhàng, hiểu thấu lối về để không lạc hướng sinh về cảnh khổ. Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào phước, nghiệp của từng người. Những người tu Phật tin sâu vào nhân quả chứ không tin vào ma quái, thần linh chi phối cuộc sống hay nỗi chết của ai. Ngay đức Phật cũng không ban ân sủng hay giáng hoạ cho bất cứ người nào để hết đau bệnh mà không cần chạy chữa chỉ lo cầu nguyện.
Chị ngạc nhiên, có lẽ nghĩ Ngân sẽ sốt sắng giúp mời Thầy lúc chị nhờ. Nhân cơ hội đó Hân trao chị vài cuốn sách trong lần gặp kế.
-Chị hay tìm tòi nghiên cứu nhiều điều. Lần này em mong chị đọc mấy quyển này thử xem có giúp được gì không?
Chị vui vẻ đem sách về, lần gặp kế mang trả cho Hân
-Chị đọc rồi, thấy lòng nhẹ phần nào. Biết rõ hơn về tôn giáo mình theo tự bấy lâu nay.
Hân bảo chị giữ để lâu lâu đọc lại, chị nói liền
-Em giữ tốt hơn vì em sẽ đưa cho nhiều người đọc. Chị giữ một mình không giúp thêm ai.
Hân biết chị đi chùa cốt để mẹ vui. Hết lòng giúp đỡ, cho đi không tiếc trong phạm vi gia đình, bạn bè cùng những ai đã gặp đã quen. Hân muốn chị vượt ra vòng giới hạn, để nắm tay các chị em và mẹ đi chung. Chợt nhận ra dù quý thương Hân, vui với những gì Hân làm nhưng chị chọn đứng nhìn ở bên ngoài. Một lần thăm mẹ, đợi Hân từ thiền viện về chung với đứa em. Chị chắp tay, cung kính cúi đầu trong tiếng cười.
-A Di Đà Phật. Chào hai sư cô mới ở chùa về ạ!
Giống như khi nhìn Hân mặc áo chị mua- cũng gần mười năm nay Hân không mua gì vì chị là người mua sắm cho Hân. Chị ngắm, tươi cười lộ vẻ hài lòng y như khi Hân mặc áo lam. Có lẽ nào chị mãi là kẻ ngắm nhìn. Không trói buộc, không điều kiện như khi đem tình thương dồn hết cho Hân. Đổi lại dù thương chị tới đâu, Hân không làm được gì hơn.
Hân xin hòa thượng làm lễ quy y cho chị. Xa đời rồi chị mới có ngày này. Tuy dẫu muộn còn hơn không. Tro chị sẽ đem gởi vào chùa. Gởi cũng là gởi tạm. Không lâu nữa cả gia đình sẽ mang tro ra biển rải, trên chuyến tàu có vé dành cho chị đã mua từ trước. Hành trang của Hân lần này cũng có bàn tay chị góp vào thêm. Chị nói mình sẽ ghé chơi trên đảo, nên khi đi Hawaii về có áo tắm đẹp cho Hân. Chị vẫn bên Hân, bên mẹ và người thân cùng khắp mọi nơi Những cây của chị cho trồng sau vườn có cây lá còn xanh, có cây lá rụng xác xơ. Cây hoa sứ ủ rũ không đâm chồi khi chẳng còn chị. Cây mai tứ quý um tùm xanh mướt mọc thêm nhiều lá mới. Hân gom lá rụng làm phân. Thấy chị là lá rụng, hoa tàn cho cây còn lại thêm xanh, thêm đẹp. Mỗi ngày mẹ thắp nhang, cúng hai bữa cơm chay. Mấy đứa em sáng thức dậy sớm qua nhà thăm mẹ để có đủ giờ pha cà phê để lên bàn thờ trước khi cùng Hân tụng một thời kinh. Nụ cười chị sáng lung linh giữa khói hương trầm. Chắc bây giờ chị hiểu vì sao Hân băn khoăn khi đón nhận tình thương của người chị, mỗi lần chào nhau là một vòng tay nồng ấm quanh Hân. Đôi khi chị xoa nhẹ bờ vai, vỗ về Hân hay đứa em gái nhỏ truân chuyên
-Bất cứ khi nào em cần chị luôn ở cạnh bên em. Nhớ kiếm chị, đừng im lặng. Chị thương em lắm, biết không?
Làm sao mà Hân không biết. Trong những món quà vẫn còn tờ giấy nhỏ chị ghi kèm Hân giữ nhiều năm.Chị cho không màng nhận bằng tình thương chân thật.
Tang lễ đã xong. Chiều nay Ngân và em gái vừa mang giày vừa hỏi người chị ở xa về.
-Chị có muốn ra ngoài sau thiền hành với tụi em không?
Chị cười, lắc đầu
-Chị yếu, đi không nổi. Em rủ anh đi. Coi như có người thay.
Người anh rễ hiền lành đoán hiểu, gật đầu. Ba anh em mở cổng sau bước ra con đường trải đá bao quanh công viên hẹp. Hân nói với anh
-Tụi em đi bộ cũng là thiền hành nên tránh nói chuyện. Em đi bước ngắn vì... không đủ chiều cao, anh có thể đi nhanh. Nhỏ này thích chạy để giữ eo nhưng trong 7 tuần lễ chỉ theo em thiền hành để gởi lòng thương đến chị Ngân.
Anh gật đầu với một nụ cười, rồi đi thật chậm cùng chị em Hân trong im lặng. Một đôi lần anh xoay người lại bước lui đợi mấy đứa em. Gió thu không ngừng thổi qua mặt hồ tĩnh lặng. Bây giờ Hân có thể đi bằng bước chân thanh thản. Hôm qua về nhà anh chị chào từ giã những đứa cháu ở xa về đưa tiễn mẹ, Hân an tâm nhiều khi nghĩ về người đã ra đi. Vào thắp nhang cho chị, những cây nhang tiếp nối đêm ngày đọng lại tro tàn. Hân lau sạch tàn nhang, nghĩ cần sắp lại bàn thờ cho chị. Đứa con trai lớn lẩn quẩn bên bàn thờ mẹ, trao cho Hân chiếc ghế đứng lên. Bây giờ Hân mới thấy trên tầng cao nhất chị thờ Phật Thích Ca. tầng kế tiếp là bồ tát Di Lặc đặt cạnh bên ông địa. Hân cười, trao "ông địa" cho đứa cháu
-Con dẹp bớt dùm cô. Ông địa ngồi dưới đất chứ không ở trên này. Cô nghĩ mẹ con lúc nào cũng cười nên thích những hình tượng vui tươi, chứ không hiểu hết ý nghĩa đâu.
Nụ cười hiếm hoi chợt nhìn thấy ở đứa con trai khuôn mặt lúc nào cũng đẫm buồn.
-Vậy "ông Phật cười" này ý nghĩa ra sao vậy hở cô?-Đó là bồ tát Di Lặc- cũng là một vị Phật sẽ hạ sanh ở tương lai, và sáu đứa trẻ theo quấy phá tượng trưng cho sáu giác quan của mình- là nguyên nhân sinh ra đau khổ, cũng là cánh cửa mở ra chân hạnh phúc nếu như mình biết cách như ngài Di Lặc.
Hân giật mình khi nghe đứa cháu giải bày.
-Con theo bà ngoại ăn chay từ nhỏ nhưng không hiểu gì về đạo Phật của bà. Con mới ngừng ăn chay vì công việc cần giao tiếp luôn luôn. Mẹ mất chắc con "lên núi" lại. Lần này cần phải học thầy.
Nỗi ngạc nhiên hôm nhìn thấy ở nhà quàn tan biến trong Hân. Hôm đó sau buổi niệm chú của vị sư Tây Tạng, năm đứa con vừa riêng vừa chung ở Cali, ở Hawaii về, thêm dâu rễ người bản xứ và ngoại quốc cùng nối bước theo vị sư về chùa đảnh lễ quy y. Hân còn khám phá ra trong nhà anh chị có rất nhiều tượng Phật bằng gỗ, bằng đá và cả bằng đồng đen nữa. Chị chiêm ngưỡng đức Phật như ngắm nhìn cổ vật, mỗi vẻ khác nhau nên để khắp nơi, kể cả ngoài vườn để nhìn ngắm mỗi ngày. Hân mỉm cười nghĩ đến chữ duyên. Chị chưa biết gì về "ông Phật cười" Di Lặc nhưng đã biết về một thái tử từ bỏ gia đình, điện ngọc để tìm đường giải thoát muôn loài qua quyển sách Hân trao cho chị. Anh Hân nói mỗi lần đi hội chợ, nhìn thấy tượng Phât là chị đem về, nói để chiêm ngưỡng còn hơn vào tay người không biết giữ gìn.

Nỗi tiếc thương trong lòng mẹ nguôi ngoai, khi chứng kiến lũ con cháu một lòng trao gởi tình thương về chị. Không biết chữ Việt nhưng tất cả cùng mở trang kinh đoán chữ đọc tụng theo Hân và những đứa em ngày hai buổi cho đến khi nhuần nhuyễn. Những đứa con, đứa cháu gọi chị bằng thiếm, bằng dì ở xa đã nghỉ phép, nghỉ học về cư tang cho chị. Nghĩa cử này trong gia đình ai cũng bàng hoàng. Lần đầu tiên, đám con cháu đã làm anh Hân xúc động, phát nguyện ăn chay thất tuần theo chúng và lũ em gái trong nhà, nguyện cho chị được vãng sanh.
Thắp cho chị cây nhang, Hân thấy nụ cười trong ảnh an lạc hơn bao giờ. Không biết tự bao giờ lòng Hân cũng nhẹ tênh. Chữ duyên Hân mang nặng, trông chờ đã rớt xuống trên nẻo về của chị.

quỳnh my

Comments

Anonymous said…
Con người khi còn sống, bận bịu sinh kế, quay cuồng với bao âu lo, quên hẳn nẻo về.
Cho đến khi sắp ra đi thì hoảng hốt, bởi chuyến đi xa cuối cùng lại không được chuẩn bị chu đáo như các chuyến đi chơi trong đời.
Lễ cầu nguyện cho người ra đi thường là cái duyên chuẩn bị tư trang, chỉ rõ nẻo về, nhận được bao nhiêu là phước duyên của mỗi người. Đó là tâm từ bi trong nhà Phật.
Cám ơn quỳnh my nỗi ấm lòng trong mùa đông năm nay. Chúc quỳnh my và tất cả năm mới kỷ sửu gặp vận hội mới.
Thân
trời xanh canada
Anonymous said…
Chuyến đi cho dẫu chuẩn bị thế nào cũng là chưa đầy đủ. Cái duyên trong nẻo đến sẽ dẫn độ nẻo về. 49 dẫn vào 100, rồi 100 đưa về 365, rồi n*365. Tất cả như giòng kẻ của luân hồi phải thuận theo. Đến rồi đi, để ai cũng như ai.
Bài viết đọc ấm lòng người trên khoảng chật của con phố mùa đông nhiều mưa trong gió chuẩn bị tiễn những ngày sót lại của năm.
Cảm ơn tác giả đã để lại những dấu vết thật thân thưong gần gũi và xin chúc tác giả một năm mới an khang với thật nhiều niềm vui.
Mến,
LãngDu

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê