Cành hoa trắng




Anh Khanh,

Bây giờ tháng Sáu. Houston mưa, mưa nhiều như bài ca trong ký ức làm em nhớ Saigon. Không chỉ nhớ Saigon, miền dấu yêu xưa, em đang nhớ anh đây.

Em chào đời tháng Sáu. Anh ra đi cũng vào tháng Sáu. Lần tình cờ  tìm lá thư lưu giữ, em đọc lại những dòng anh viết. “Anh còn nợ em mấy lần sinh nhật..”.  Cả hai đều bận, anh nói thôi để dành khi thuận tiện sẽ dắt đi ăn, mừng sinh nhật muộn. Đâu ngờ anh ra đi nhanh quá, để lại đây bao tiếc thương. Lũ em gái không cùng cha, không cùng mẹ đã chia với anh đoạn cuối đời. Đã chứng kiến những cơn đau làm anh mòn hơi. Rồi buồn vui nhìn nụ cười mãn nguyện lần sau cuối trên bờ môi khô nứt.

Sau đại hội Nguyễn Trãi ở Houston anh kiệt sức. Điều này em và anh Thạch Bình đã cảm nhận từ đầu. Cả hai nhìn anh nằm rũ trong phòng triễn lãm ngay giữa lúc anh em đang tập kịch thơ Hận Nam Quan, là bản kịch thơ anh tâm đắc bấy lâu. Không nói ra nhưng em và anh Thạch Bình có chung một nỗi lo. “Ba anh em nhà họ Nguyễn  rồi sẽ không còn như xưa nữa. Nhà họ Nguyễn là nhà Nguyễn Trãi, cũng là họ của ba anh em, qua hơn nửa đời có duyên nối kết. Dẫu mới đi chung đoạn ngắn nhưng tình thân nối dài. Khi cho mọi người nghe phần thu âm lần đầu kịch thơ Hận Nam Quan, hầu hết đều nhận xét là trong vai Nguyễn Trãi, với giọng nhẹ nhàng của anh, hợp với tâm tình người thư sinh quyết lòng chết theo cha. Nhưng qua đoạn đối thoại diễn tả khí phách của người gánh trên vai nợ nước thù nhà thì giọng anh hiền quá, không lột tả được. Thế là ba anh em cùng nhau trở lại phòng thu âm. Anh Thạch Bình sau nhiều lần né tránh đã nhận vai Nguyễn Trãi.

Phần gắng sức lo văn nghệ cho đại hội Nguyễn Trãi, phần chuẩn bị đón tiếp bạn ở xa về, anh quên bệnh nhưng bệnh không quên anh. Niềm vui hội ngộ cùng thầy cô, bạn bè đã tiếp sức cho anh tạm vượt qua một đoạn. Phải là người có ý chí mạnh và tâm hồn cao thượng mới có thể vừa chống chọi bạo bệnh, vừa làm tròn trọng trách và bổn phận trong yên lặng. Anh bắt đầu tránh trả lời câu hỏi có liên quan đến bác sĩ và bệnh viện, những khi hai anh em gặp nhau hay trò chuyện qua phone.

Một đôi lần anh gọi em cùng đứa em gái vốn không thường gặp, ra ngoài ăn trưa ở Sugar Land. Hồng và em dẫu bận nhưng muốn gặp anh để  “bắt mạch” về tình trạng sức khỏe hơn là bữa ăn bất ngờ. Chẳng mấy khi nghe anh nói về mình. Không những chỉ riêng em và Hồng mà kể luôn Thủy cùng Tuyết, là bốn chị em lúc nào cũng được anh đón nhận, quý thương như em ruột. Anh hay nói về tính tốt, thiện lành của nhiều người cùng hoàn cảnh không may cần giúp đỡ. Phần còn lại, bản tính vị tha che khuất những gì không vừa ý. Khi hứng thú, anh đôi lúc nói nhiều hơn một chút, em biết là lúc anh muốn làm “điều gì đó” cho thầy cũ, cho anh em, cho bạn bè trường Nguyễn Trải của mình. Quanh từng tranh luận đúng, sai thường không có mặt anh. Anh dùng thời giờ và ngôn từ chân bẩm để kêu gọi bạn bè cùng tiếp sức. Chuyện “vác ngà voi” là môt phần cuộc sống của anh. Không chỉ lo cho nhóm NT/B1/60-67, anh còn hướng mọi người vượt qua giới hạn, không phân chia niên khóa, gần xa. Xem lại những tấm hình sinh hoạt của Nguyễn Trãi Houston, anh thường lẩn khuất ở một góc không dễ thấy. Khác với mấy tiểu muội của anh, hay đứng ở hàng đầu rạng rỡ nụ cười. Trong buổi tiệc tân niên sau cuối, anh ngồi ôm đàn một mình nơi sân khấu. Bỗng dưng Thủy kéo em cùng anh Thạch Bình đến đứng bên anh. Nhờ vậy mà có được tấm hình kỷ niệm mấy anh em nhà họ Nguyễn chúng mình.





Tính nghệ sĩ của anh đôi khi làm khổ đám em. Hẹn ăn sáng ở quán cà phê Madeleine để bàn việc cần làm. Anh tới trễ, cười khỏa lấp. Hôm nay xa lộ quá nhiều xe. Sau này vợ anh, chị Liên Hương tiết lộ, anh mê đàn chẳng nhớ gì. Em nhớ buổi sáng hôm ấy anh vui lắm, gọi phone cho bạn ở Canada vừa nhắc anh Lê Minh Lợi viết bài, làm thơ gởi cho đặc san, vừa cao hứng giới thiệu với người đang xa lắc, có tiểu muội Thảo Ly ở đây nè. Sau này mấy đứa em hết ngạc nhiên, chuyện anh “lượm được” bầy tiểu muội trong sân trường Nguyễn Trãi, mừng khoe khắp bạn bè cùng với gia đình. Thêm một lần đã phân chia nhiệm vụ đồng đều, nhưng rồi anh bỏ mặc em xoay sở trong ngày họp mặt hằng năm, chỉ vì mê đàn. Em giống đứa học trò không thuộc bài mà bị gọi. Cũng đành nhìn anh cười trừ, nhủ lòng chấp nhận. Anh Khanh là thế!


Giữa những người anh em cùng trường tìm lại nơi đây, em không nhớ nhờ đâu anh em mình thân gần. Có lẽ từ những chăm sóc anh dành cho mẹ của em. Bà mẹ dịu hiền thường góp mặt cạnh bầy con, nhìn con vui đùa bên đám anh em mới kết thân. Chúng em bắt đầu nhận ra thói quen ở nơi anh. Khi đến anh hay mang biếu mẹ trái cây vùng nhiệt đới. Lúc về anh đem theo một vài món “to go”, nói chị không đi cùng nên phải ráng “o bế” để được cấp phép cho đi nữa. Không chỉ gắn bó trong tình Nguyễn Trãi, anh là người duy nhất được chia với mẹ giây phút cuối. Mẹ sống với em, vậy mà em không có mặt.  Cả đàn con mười đứa đều không có mặt để được nghe mẹ nói lần sau cuối. Trưa 30 tết anh đột ngột đến thăm, dẫu gia đình Nguyễn Trãi đã hẹn nhau họp mặt mừng năm mới tuần sau ở nhà em. Anh kể mẹ than nhức đầu.  Anh ngồi bóp trán cho mẹ một lúc rồi về. Đâu ngờ sau lúc anh về, uống xong hai viên thuốc Tylenol, mẹ ngủ để rồi không bao giờ tỉnh dậy. Có phải mẹ chọn cách ra đi lặng lẽ, không muốn các con bịn rịn thêm vướng  bận. Chỉ mình anh có mặt, bên hai đứa cháu trai trông chừng bà ngoại ngủ. Khi em về, cánh cửa mở ra không nghe câu nói mừng vui những lúc thấy mặt em.

Chúng em mồ côi mẹ trong đêm giao thừa năm đó. Ngày họp mặt gia đình Nguyễn Trãi hằng năm không còn mẹ nữa. Anh cùng anh Vượng đàn, tập cho em hát bài Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.  Bài nhạc anh Võ Tá Hân phổ từ thơ Trần trung Đạo.

Em còn nhớ nụ cười anh rạng rỡ hơn bao giờ, trong buổi chiều ở Canvas Café, nơi bạn bè chung lớp hội tụ. Niềm vui của bạn cũng là niềm vui riêng anh. Những đứa em lặng lẽ nhìn anh mang niềm vui đó đi loanh quanh vuông sân nhỏ bên ngoài quán. Có lẽ anh mệt, cần hít thở thật sâu hơn là góp tiếng. Cùng các cô Ngọc Hạnh, Phương Loan và cô Kim Phụng, chúng em được tham dự buổi hội ngộ của lớp B1/60-67. Được nghe từng người luân phiên kể chuyện đời mình, trong đó có tiếng cười hòa giòng lệ ngậm ngùi. Bên cạnh những người thành danh, tên tuổi là những mảnh đời lận đận gian truân. Vòng tay không đủ rộng để ôm hết, để xoa dịu nỗi bất hạnh nhìn đâu cũng thấy. Anh âm thầm làm hết sức mình, mỉm cười chia với bạn niềm vui xum họp. Hôm đó em nhớ người trưởng lớp tại chỗ của anh là anh Phan Công Đoàn, đến từ Pháp, kể chuyện đời mình theo giòng nước mắt lăn dài. Em biết anh Đoàn đã khóc thêm lần nữa khi nghe tin anh ra đi. Tấm lòng, nghĩa cử của anh trong tình bạn, ngát hương theo gió bay xa.

Là sĩ quan Sư đoàn 5 Bộ binh, sau 30 tháng Tư anh bị đi tù. Năm năm sau anh vượt biển cùng ba người cháu kêu bằng cậu. Chuyến vượt biển đưa tất cả đến trại tỵ nạn Thái Lan. Chính nơi đây anh có duyên gặp chị Liên Hương- người con gái mà hai năm sau đó trở thành bà Nguyễn Đình Khanh ở Chalotte, N.Carolina. Thời gian sau anh về Houston cùng với đại gia đình của chị. Tổ ấm của anh là căn nhà nhỏ, với 30 năm vun trồng hạnh phúc êm đềm.

Anh đi rồi, đứa con trai lớn cảm nhận nỗi trống vắng vây quanh. Cháu nói với mẹ những lời hết sức dễ thương, trong bữa cơm tối giờ chỉ còn hai người. “Mẹ hãy kể cho con nghe chuyện trong ngày. Bất cứ chuyện gì, như mẹ từng kể với bố khi xưa trong bữa ăn tối. Con muốn chia với mẹ từng ngày trôi qua trong đời như bố vẫn làm”.

Xem lại video đại hội, ai cũng nhận ra niềm hạnh phúc khi anh đứng cạnh cô Đào kim Phụng, trả lời phỏng vấn cho đài truyền hình. Bằng những lời mộc mạc, chân thành anh nói:  “Mỗi khi ở cạnh cô giáo của mình, niềm vui không khác trẻ thơ”. Anh nói bằng con tim, bằng nỗi hân hoan của mấy mươi năm về trước, của chú bé học trò vui mừng được đứng cạnh cô giáo của mình. Một lần anh gọi điện thoại khoe. Anh vừa mới gọi thăm cô An hà Châu trên Dallas. Cô vui lắm. Anh nói cô giờ cao tuổi rồi. Có mơ ước gì xin cô hãy nói ra, chúng em sẽ thực hiện cho cô khi còn có thể. Em biết cô không nói cho anh nghe mơ ước của cô, bởi ước mơ không cần thiết trước nghĩa tình cao đẹp của học trò trao tặng. 

Tâm hồn anh trong sáng và bộc trực, đôi khi quá thẳng. Thương nói thương, giận nói giận. Làm việc nhiếu giờ ở sở, lo văn nghệ cho đại hội cùng chuẩn bị đón tiếp bạn bè trong tình trạng sức khỏe đến hồi sa sút, khiến một đôi lần anh đổ quạu bất ngờ. Em nghĩ là em hiểu anh nhiều, thật ra em làm sao biết anh đang đuối sức. Gần nửa đêm em gởi email hỏi anh có “ấm đầu” không? Rồi sẵn em biên luôn là khi đọc email mà giận thì đừng gởi trả lời liền. Cứ viết rồi để đó. Hôm sau đọc lại là sẽ biết mình không cần gởi nữa. Anh hồi âm lại, than vừa mệt vừa bị stress nên mới… tới luôn. Giờ anh đang mệt lắm. Đã vậy, khuya rồi còn bị nhỏ em cằn nhằn.  Rõ khổ! Em nói đùa. Em còn khổ hơn vì vừa lo việc của em vừa “đỡ đạn” cho anh.Tất cả đều trở thành chuyện nhỏ trong niềm vui thành công của đại hội. Khi được giới thiệu thành phần Ban tổ chức, anh bước lên sân khấu trong thoáng chốc là biến mất. Làm việc âm thầm, không màng ai biết mặt, biết tên là bản tính của anh. Suốt buổi trình diễn văn nghệ, dáng anh thấp thoáng phía sau sân khấu, Anh cười nói với Long, chồng của Thủy. Long, anh em mình là chiến sĩ vô danh.

Làm sao em có thể quên, buổi chiều cô Ngọc Hạnh mời mọi người ăn tối trước khi cô về lại Virginia. Anh và chị Liên Hương tới muộn. Mỏi mệt, bơ phờ hiện rõ nơi anh hơn bao giờ. Giữa đông người, anh trao cho hai đứa thiệp mừng, bảo là quà cưới của anh chị tặng, chúc hai em hạnh phúc thật nhiều. Em nhận trong cảm động, bàng hoàng chen lẫn. Phải chăng là điềm sẽ không còn cơ hội bày tỏ tấm lòng của người anh luôn quan tâm đến niềm vui, hạnh phúc của em. Giữa những cơn đau càng lúc đến thường hơn, anh vẫn nhắc, dặn em nên để ý đến đứa em gái út. Anh nói vừa bận rộn trong việc làm, việc thiện nguyện bên ngoài cùng  trách nhiệm của người mẹ… Đôi khi thấy nó buồn, anh thương nó làm sao. Phải lạc quan vui sống, hướng về điều tốt đẹp thì ngày mai sẽ sáng đẹp hơn. Em cảm động nhiều nhưng vẫn trêu đùa. Anh cần khuyên bảo, nhắc nhỡ nó thường xuyên. Lời nói của anh trai vẫn quý hơn của chị, phải không? Anh cười hiền. Đã biết rồi, anh không quen nói nhiều, nhất là khi thấy ai buồn.

Hẹn đến xem video đại hội để sửa cho vừa ý. Anh đến trễ rồi lang thang đi bộ tới tiệm chè mua đem lại cho mọi người, không quan tâm bàn luận về nội dung của video. Khi chia tay nhau, khác với mọi lần, chị em Phương Loan vòng tay trìu mến ôm anh bên góc phố, nhắc anh giữ gìn sức khỏe cùng lo chữa bệnh. Vì đứa con trai chở bố tới, bận việc nên hai đứa em có dịp đưa anh về. Mới đi đoạn ngắn anh kêu tắp vào. Em ngơ ngác nhìn theo tay anh chỉ, thấy bảng tên Bida Trish. Em biết anh hay ghé chỗ này sau giờ làm việc. Kêu hai ly cà phê sữa đá, anh quay sang nói nhỏ. Hai đứa uống cà phê đợi anh chừng 15 phút để anh hạ nó, xong mình về. Ngồi quan sát em biết không dễ thắng như anh nói. Ly cà phê đã cạn quanh khói thuốc đã đầy mà vẫn chưa phân thắng bại. Cười với anh ngầm khuyến khích, cùng lúc cả hai đều nhận ra anh yếu lắm rồi. Cuối cùng anh cũng thắng người bạn trẻ nên thở phào, miệng mỉm cười. Anh bỏ nhỏ với tụi em: Không ngờ mới hơn một tuần mà nó chơi khá hẳn lên! Nhìn anh vui hai đứa vui theo.

Những ngày đi làm về ghé chơi bida không còn nữa. Anh bắt đầu trị bệnh bằng loại thuốc thử nghiệm mới. Giấu nỗi lo không cho anh biết, em thường gọi chị Liên Hương. Em rủ anh buổi chiều theo chị xuống nhà em. Bốn người sẽ vừa đi bộ vừa nói chuyện ở công viên phía sau nhà, thay vì anh “tập thể dục bằng tay và mắt” trong khói thuốc ở tiệm bida. Anh từ chối tức thì. Chơi bida có thú riêng. Đi bộ mệt lắm, không được. Em biết anh đuối sức, nỗi lo lớn dần khi chị Liên Hương  bắt đầu hỏi toa thuốc nam trị bệnh gan, mua về sắc cho anh uống. Có đêm vào lúc thật khuya, chợt nhìn thấy tên Jimmy Nguyen vẫn online. Lòng em quặn lại qua hình ảnh anh trong phòng, chị bên ngoài. Cả hai cùng thức, mỗi người ôm một nỗi đau không nói được bằng lời nên trao nhau ý nghĩ trên bàn phím.

Video đại hội vừa hoàn tất, mấy anh em chọn nhà anh làm điểm hẹn coi chung. Anh Đạo và em gọi thêm anh chị Kiểm. Bạn chung lớp của anh nơi này chỉ có hai người sau khi anh Hoàng Hải không còn. Anh xanh mướt, không màng ăn uống, chỉ còn niềm vui gặp anh em, bạn bè. Căn nhà trở nên quen thuộc với nhiều người bởi tính thân thiện, chân thành của anh chị. Hôm đó chị Liên Hương nấu canh chua, cá kho tộ đãi cơm trưa. Mọi người áy náy nhưng rồi chợt hiểu khi nghe chị nói. Anh Khanh quý thương bạn bè, em út lắm. Anh ăn không được, chỉ cần nhìn mọi người quây quần bên bữa cơm gia đình, anh hạnh phúc nhiều. Mấy đưa em gái giấu nỗi buồn, lăng xăng vào bếp nấu ăn. Tính hiếu khách, anh thường tập họp mọi người đến nhà trong dịp lễ để anh em Nguyễn Trãi gặp nhau luôn. Đôi khi cao hứng anh quảng cáo thực đơn ngày họp mặt. Em sung sướng cười, gọi cho anh. Lần này em khỏe, có anh nấu món cà ri. Anh trả lời rất đổi tự nhiên. Làm gì có chuyện này. Anh ghi thực đơn, còn nấu là em nấu chứ anh làm sao biết!

Bệnh của anh càng lúc càng thêm nặng. Muốn đến thăm anh ở chơi với anh lâu, mấy anh em bàn nhau đem video đại hội cùng phong bì đến nhà anh ghi địa chỉ trước khi đem ra bưu điện gởi. Anh mừng, sốt sắng như thường lệ. Ừ, tới nhà anh ăn trưa rồi cùng làm, anh phụ một tay. Em với Thủy giấu đôi mắt ướt. Lần này gặp anh hai đứa không ngờ. Anh mặc bộ đồ ở trong nhà, bước chân yếu đi chệch choạng như muốn ngã, làn da nhợt nhạt, tái xanh. Thủy thầm thì. Nhìn anh Khanh bây giờ sao giống ba mình lúc sắp ra đi. Em lo sợ quá chị ơi! Vòng tay ôm nhẹ anh chào từ giả, mấy đứa em cố trêu anh dẫu thấy lòng đau. Ông bầu tốt bụng quá chừng, vì baby không có due day! Bụng của anh giờ đã chướng to. Đường về thêm dài trong nỗi buồn trĩu nặng mang theo của từng người.

Nỗi lo sợ trở thành sự thật khi nghe tin anh vào bệnh viện. Hôm đầu tiên đến thăm anh, là lúc anh tỉnh táo, vui nhiều sau mấy ngày vật vã vì bụng căng phình đầy nước. Từ bệnh viện anh viết email gởi ra cho các bạn, với niềm tin rồi mọi việc sẽ qua. Người anh lớn của anh về thăm lúc ấy cũng vui. Anh nói anh ở xa. Như Khanh vậy, chỉ một mình cùng bên vợ. Em cười nói với người anh. Chỉ lo cho anh thôi. Phần anh Khanh có bầy em gái ở đây. Khi nào bị “ăn hiếp” chúng em che chở. Anh cười, vẻ hãnh diện vô cùng. Có lẽ đó là lần duy nhất trong bệnh viện, anh lạc quan hy vọng sẽ vượt qua. Tiếp theo sau là những ngày ảm đạm buồn. Từng anh chị em trong gia đình lần lượt về gặp anh lần cuối. Cùng anh Đạo, buổi chiều nào mấy anh em cũng có mặt trong bệnh viện, ra vào phòng ICU vài lần để gặp anh, đau xót nhìn anh chống chọi với nỗi đau đang tàn phá, đang hoành hành thân xác. Không nhận thuốc giảm đau, anh chiến đấu như người chiến sĩ còn lại một mình và viên đạn cuối cùng. Gia đình, người thân đã ưu ái dành cho những người anh em Nguyễn Trãi của anh thật nhiều giờ thăm viếng. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, Nguyễn Trãi là một phần hơi thở của anh. Bên cạnh chị Liên Hương, anh còn có hai người đàn bà rất mực yêu thương là chị cả và em gái út. Cả ba thay nhau ở cạnh anh. Người chị lớn chỉ còn nước mắt, bất lực nhìn đứa em trai nhỏ cận kề nỗi chết. Chị nói, trong đau buồn này chỉ có các tiểu muội mới có thể làm cho Khanh cười. Những năm tháng sau này, không biết cơ duyên nào đã đưa chúng em cận kề bên giường bệnh, chứng kiến và chia sẻ giây phút sau cùng với nhiều người. Nỗi sợ hãi, đau xót trong  sự yếu mềm, mau nước mắt, không biết tự bao giờ đã thay bằng cách nhìn thấu lẽ vô thường.  Hợp rồi tan, đến rồi đi, có rồi mất…không ngừng tiếp nối. Em thay nước mắt bằng nụ cười cho người an ổn. Biến nỗi đau chia lìa thành tình thương làm hành trang cho kẻ sắp lên đường. Thấm ướt bờ môi khô héo của anh trên giường bệnh.  Nắm nhẹ bàn tay bất động, cắt những chiếc móng ra dài, cùng lúc kể  chuyện vui làm ấm lòng anh bên cạnh những người thân, là điều rất tự nhiên của mấy đứa em sau ngày làm việc cùng nhau vào bệnh viện.

Em không tránh né dẫu hiểu anh còn nuôi hy vọng trong một vài khoảnh khắc giữa cơn đau. Đợi vị mục sư bước ra ngoài, em nói với anh. Anh đã có mặt, rong chơi, đau khổ và hạnh phúc, yêu thương và nhận lại thương yêu từ cuộc đời này…Xem như đã đủ, đã xong. Những gì làm được anh đã làm. Điều gì anh muốn làm thêm xin hãy nói ra rồi thanh thản ra đi. Chúng em thương anh lắm nhưng không ai chia được nỗi đau trên thân xác của anh. Có giọt lệ tràn ra từ đôi mắt khép hờ. Anh thều thào, hai chị  em cúi xuống, áp tai vào sát ngực anh cố gắng nghe. Anh hiểu và chấp nhận. Chỉ tiếc chưa làm gì được như lòng mong muốn. Lòng đau như  cắt. Em với Thủy hôn nhiều lần lên bàn tay lạnh của anh. Đây là những nụ hôn tiễn biệt của bạn bè anh, của những người mến thương nhờ chúng em trao đến cho anh.

Đôi mắt anh khép lại thường hơn, nhưng vẫn nhớ, kể tên từng người thăm viếng.  Hôm nay có cô Tuyết Hồng đến thăm và anh Tuệ Kiên từ Dallas vội về đi vào bệnh viện….
Dẫu không nói ra nhưng em biết anh mong được gặp cô Phụng lần sau cuối. Em đã giấu anh chuyện cô đang dự khóa tu 10 ngày trong thiền viện. Ngoài việc gọi cho cô, để lại lời nhắn không biết khi cô xong khóa thiền, anh Khanh có còn hay đã đi rồi, em không biết làm gì hơn. Cô đã bay về Houston kịp lúc, cho anh gắng gượng nôn nao chờ đợi. Mới về đây đại hội tháng Tư. Tháng Sáu cô trở lại trong mệt mỏi, buồn lo trĩu nặng. Anh là người học trò nhiều phước. Hình ảnh cô giáo mong manh tuổi hạc, cầm tay vỗ về đứa học trò tóc đã hoa râm bên giường bênh, trao gởi tình thưong trước lúc chia tay, là hình ảnh không dễ có cơ hội chiêm ngưỡng thêm lần nữa trong đời.

Tháng Sáu, đêm Houston sâu lắng, ngập buồn trong  âm vang tiếng chân rảo bước của mấy thầy trò từ  bệnh viện băng qua hai con đường tới chỗ đậu xe. Không ai nói ra mà sao vẫn nghĩ là đêm cuối, mai biết có còn trở lại đây. Em gọi phone cho chị Thúy Hòa     mỗi đêm như lời dặn, chợt nghe tiếng nấc nghẹn từ xa vọng lại. Thảo Ly ơi. Chị không muốn tin mình mất anh Khanh. Chị chỉ còn biết thắp hương, niêm Phật. Nguyện cầu cho người  bạn thương mến của anh Tùng ra đi được bình an. Đêm giữa downtown Houston không giống bất cứ nơi nào, trong ý nghĩ từng người  đang có mặt. Người  thầy khả  kính, người bạn chung lo văn nghệ  lâu nay, những đứa em thân thiết trong gia đình Nguyễn Trãi Houston từng chung vai góp sức xưa giờ và người bạn thân từ thuở mới vào trường Nguyễn Trãi…Tất cả cùng hiện diện bên anh. Thật diệu kỳ. Trước khi đi vào giấc ngủ dài anh còn gắng gượng đánh nhịp để được nghe lần cuối bài Nguyễn Trãi mái trường thân yêu mà trước đây anh thường đàn cho mọi nguời hát. Nhìn cô mình đau xót lặng lẽ bưóc ra khỏi phòng, đi lang thang trong bệnh viện, em nối bước tìm cô. Anh được vỗ về cơn  đau bằng chuyện kể thời trung học, những kỷ niệm ngọt ngào với  bạn bè trong ký ức ngỡ đã nhạt nhòa cùng năm tháng từ  lâu. Anh Đạo đã đem anh trở về ngày tháng hồn nhiên chưa vướng âu lo, để anh được bơi lội thỏa thích trong dòng sông tuổi nhỏ, trong tình bạn chân thành thuở chưa bước vào đời. Mọi người lần lượt tới hôn anh chào từ biệt. Không hẹn, Cô và hai chị em cùng niệm Phật tiển anh đi. Phía bên kia giường bà mục sư, chị Liên Hương và em  gái của anh đang đọc kinh cầu nguyện. Chúa và Phật cùng ở bên anh phút lâm chung.

Anh đã ra đi trong giấc ngủ thât bình yên. Em như nhìn thấy nụ cười hóm hỉnh ngày đưa tiễn. Em chắc anh vui lắm. Sau buổi lễ tưởng niệm dành cho anh của gia đình Nguyễn Trãi Houston, cô về lại Virginia, nhưng đã sắp xếp cho sáu người anh em Nguyễn Trãi dìu anh bên chiếc áo quan. Trong đó có ba người bạn thân cùng lớp là anh Đạo, anh Kiểm và anh Hợp từ Oklahoma lái xe về vừa kịp tiễn anh đi. Theo sau là sáu chiếc áo dài trắng của chị Đỗ Gia Tuyền, bốn tiểu muôi NT của anh cùng con gái Thủy. Trên tay mỗi  người là đóa hoa hồng trắng. Phút cuối không có mặt, anh Ngô Thụy Miên vỗ về “Ngủ yên đi Khanh”, bản nhạc duy nhất dành cho tình bạn, khi hay tin anh đã ra đi. Em ngước nhìn lên trời, tưởng như anh đang nhìn xuống mỉm cười. “Chàng là mây. Đến rồi đi, bay mãi thênh thang…” Anh Phạm Mỹ Lộc từ phương xa, gởi “Mây” đến cho em, bài hát viết tặng anh trước lúc ra đi.

Quỹ xã hội Nguyễn Đình Khanh đóng lại, cho hai cây cầu nối hai bờ để mỗi ngày áo trắng tung bay. Đàn em nhỏ không còn lội qua sông đến trường hai buổi đi về. Xin cho em được thay anh nói lời cảm tạ đến Thầy Cô, anh chị em, bạn bè Nguyễn Trãi gần xa đã tỏ lòng thương mến qua sự đóng góp hình thành quỹ xã hội NĐK.
 
Mới đó mà hai năm. Trên bàn thờ nhà em cành hoa trắng ngày tiễn đưa anh còn đó. “Mây” đã bay. Em tưởng như nhìn thấy “Mây” đan vào trên hai chiếc cầu mang tên anh ở tận cùng mũi Cà Mau. Em biết dù ở đâu anh không thiếu tình thân. Những nhân duyên trùng điệp, đã đưa anh Nguyễn quang Đại lớp B1 của anh từ Pháp quốc trở về, đặt những bước chân lên hai cây cầu đó.

Cho em khép lại nỗi buồn.  Em tin rằng nơi anh đến là miền hoa thơm, cỏ biếc. Những hạt thương yêu là tâm từ đầy ắp nơi anh, sẽ tiếp tục kết hoa đơm trái. Bài kinh cô Đào Kim Phụng gởi khi anh lâm trọng bệnh, giờ em xin kính gởi cho anh.

Từ muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh là cửa ngỏ ra vào. Tử sinh là trò chơi cút bắt.
Hãy cười cùng tôi. Hãy nắm tay tôi. Hãy vẫy tay chào.
Để rồi tức thì gặp lại. Gặp lại hôm nay. Gặp lại ngày mai.
Chúng ta sẽ gặp nhau nơi suối nguồn.
Chúng ta đang gặp nhau từng giây phút trên muôn ngàn nẻo sống.

(From the very beginning I have always been free. Birth and Death are only Entrances and Exits. 
Birth and Death are but a game of 'Hide and Seek'.
Please smile with me. Hold my hand. Wave to me.
We will meet again soon. We will meet today or tomorrow.
We will meet at the origin, in Nirevana.
We are meeting every minute in all walks of life).

Tạm biệt người anh thương mến
Thảo Ly

                                          Bài cho Anh Khanh
                                 
                                  Ngày chủ nhật đan tiếng buồn lan rộng
                                  Giữa khung trời nắng ấm đọng quanh năm
                                  Cơn gió bệnh đem đi người tri kỷ
                                  Cung điệu buồn đàn khẩy tiếng mồ côi
                              
                                  Anh đã đến đã cho và để lại
                                  Thật là nhiều trên tình nhớ thân thương
                                  Vòng thân hữu vắng anh nhưng không mất
                                  Những ân cần những chăm sóc anh trao
                              
                                  Từ ngày cũ bên mái trường thân thiết
                                  Đến hôm này trong phiêu bạt lưu vong
                                  Anh vẫn vậy vẫn lấy tâm làm chính
                                  Tô cuộc đời bằng những nét thanh cao

                                  Ngày chủ nhật nhớ anh ngày đổi khác
                                  Xa lộ nằm chồng chất những tên anh
                                   Nụ hoa nở đón anh vào ngơi nghỉ
                                  Một lần này là miên viễn trăm năm

                                  Thôi anh nhé cuộc chơi đầy đủ lắm
                                  Trọn tình nhau trong kiếp tạm con người
                                  Hương hoa nở đêm thiếu trăng đằm thắm
                                  Đón ngày về muôn nét đẹp nhớ anh

                                   Song Vinh



Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do