Tình Cha



Sau ngày cha mất, lũ con chợt khám phá ra tình mẹ dành cho cha quá đậm. Như cây cổ thụ xum xuê một ngày bật gốc, để lại người nép bóng phận đời chới với. Mẹ từng ngày đưa tay quơ tìm giữa khoảng không còn lại.

"Má bầy trẻ" và "ba thằng Đường" là cách xưng hô hằng ngày của hai người mà đàn con mười đứa vẫn  nghe. Có lần giữa bữa ăn, em gái út tinh nghịch hỏi. Hồi mới gặp, ba má gọi nhau bằng gì? Có bao giờ anh em với nhau không? Rồi khi mới cưới, chưa có con để trở thành má bầy trẻ hay ba thằng Đường, thì gọi bằng gì? Anh em tôi bật cười, và câu hỏi vẫn còn là nỗi thắc mắc - ít ra với em tôi. Mẹ tôi giải thích, mà như không giải thích được gì. Chưa cưới về đã bao giờ gặp nhau đâu mà nói chuyện, xưng hô. Bé út la lên. Trời ơi! Không ai bạo gan như Má, dám lấy người chỉ nhìn loáng thoáng đôi lần. Không nói chuyện, không biết người ta ra sao mà gởi phận trao duyên. Mẹ cười, thì phước ai nấy hưởng, vậy thôi. Có gặp, có hiểu, có tìm thì cũng lầm cũng lẫn như thường. Các con bây giờ tự do chọn lựa, mà nhiều cuộc hôn nhân có đi đến nơi về đến chốn đâu!

Gia đình bên nội tôi khá giả để cha tôi có cơ hội được học chữ quốc ngữ cùng chữ nho, có thầy đến dạy tại nhà. Nhưng dường như ông không được hưởng sự hồn nhiên của tuổi thơ. Nhìn cảnh nhà trên đà phá sản vì sự vung tay quá trớn của ông tôi, đứa con trai còn lại duy nhất là cha sớm nhận biết những ngày sắp tới là tương lai mù tối. Có lẽ nghĩ mình không thể chôn cuộc đời nơi ruộng đồng trơ trọi ở quê nghèo, cha tôi lặng lẽ theo đoàn người trong nhóm mộ phu trốn vào Nam. Vùng trời thăm thẳm, xa xôi chưa biết là đâu. Chỉ nghe người ta nói nơi đó đất trời êm dịu, hiền hòa. Khí hậu không khắc nghiệt, đất đai trừu phú và lòng người thì rộng mở.

Giã từ quê nội Thái Bình, chưa đầy 15 tuổi cha tôi trở thành ngưòi phu đồn điền nhỏ tuổi xuôi Nam, mang ý chí đổi thay cuộc sống dù chưa bao giờ nếm mùi của nhọc nhằn. Khi những rừng cao su bạt ngàn lớn vội, cũng là khi cha đủ ngấm sâu nỗi tủi cực từng ngày cùng những phận đời lưu lạc quanh mình. Cha không còn e ngại, len lỏi tách mình ra khỏi những giòng nhựa trắng, chảy từ thân cây có hòa chung nước mắt, mồ hôi của đám người tha phương. Ông xin vào học nghề thợ máy ở một ga ra sửa xe nơi tỉnh nhỏ. Học nghề không phải tới trường, không đóng học phí nên phải đổi lại bằng muôn ngàn cay đắng. Được chủ nuôi cơm và sai vặt ngày đêm, từ chuyện có liên quan tới nghề cho tới chuyện của tên đầy tớ, kèm theo những mắng chưởi không ngừng. Đôi khi được kèm theo bằng những cái tát tai, những cú đấm vô lý trong cơn giận dữ. Cho tới khi cha tôi làm có chút tiền lương và có dịp xuôi ngược tới vùng quê nghèo bên ngoại. Tính thâm trầm, điềm đạm thêm ảnh huởng của nho gia nên cho dù nét mặt hơi khắc khổ, cha vẫn mang dáng vẽ đặc biệt trong đám người chân lấm, tay bùn. Khi nghe chị em tôi ca cẩm, cha độc tài, vô lý gì đâu khi nghiêm cấm lũ con hát xướng đàn ca. Anh chị tôi thường phải trốn sang nhà hàng xóm khi thèm ca hát. Mẹ tôi cười cười, tiết lộ điều này. Hồi đó ông cũng đờn ca tài tử như ai. Dân Bắc kỳ mà đờn vọng cổ thiệt mùi, đến nỗi chinh phục được luôn người đẹp. Tưởng là có kết cuộc vui. Ai dè nhà gái hồi hôn vì chê ông phiêu bạt nghèo nàn, không xứng với người ta. Từ đó ông quăng đàn không ca hát nữa.

Tôi không ngạc nhiên khi nghe chuyện kể không thứ tự, về cuộc đời của cha tôi những lúc mẹ vui. Thừa hưởng từ cha tính nhẫn nhịn, siêng năng, chừng mực, có pha chút dí dõm, nên dù có hay không dáng dấp, phong lưu các anh em trai của tôi dường như thường thu phục cảm tình của người khác phái dễ dàng. Phải nói cha tôi là một người đàn ông chẳng đẹp trai. Lại là người đàn ông "Bắc kỳ" duy nhất trôi giạt về vùng quê ngoại. Trong khi mẹ tôi là con nhà nghèo nhưng được bao người, theo đuổi ước mơ vì đức hạnh và dịu dàng, xinh xắn. Khi cha hỏi cưới mẹ, đã nhờ người mà mẹ tôi từ chối làm dâu đứng ra đại diện nhà trai. Bà nhận lời nhưng xa xót thở than. Tưởng con dâu của mình, ai ngờ giờ lại đứng ra hỏi cưới về làm dâu người khác. Nghe chuyện hấp dẫn, ly kỳ chị em tôi hỏi tới thêm. Bà mẹ có vẻ là người nhân hậu. Còn ông đó là ai? Lý do nào người ta đi dạm má lại chối từ? Mẹ tôi bùi ngùi. Ngày xưa hai gia đình có hứa hôn. Ông là công tử con nhà giàu, đi học ở Saigon. Cứ 3 tháng hè về quê, mặc bộ pyjama, xách cây đờn lủi thủi đi theo sau những buổi má gánh hàng đi bán. Bán ế trở về ông chận đường nài nỉ đòi mua cho bằng hết. Má thấy người ta giàu lại học hành cao. Mình nghèo quá không chữ nghĩa làm sao xứng, nên từ chối. Má lấy chồng, làng quê có tiếng xì xào. Đúng là già kén, chẹn hom. Chê làm dâu nhà giàu, tưởng lấy ai, hoá ra là tên Bắc kỳ nghèo xơ xác.

Người mẹ nhân từ, đức độ thuở xưa, đã trở thành “bà nội” của anh em tôi khi nối lại liên lạc sau này. Cậu công tử nhà giàu thương mẹ ngày xưa đã lập gia đình và đem người mẹ về phụng dưỡng ở Saigon. Bà mẹ ấy đã thuyết phục ba mẹ tôi đưa anh trai lớn của tôi về Saigon học trường lớn cùng kết làm anh em với cháu nội của bà. Anh trai tôi được thương yêu, nuông chiều như cậu ấm con nhà giàu, nên lơ là chuyện học hành. Vài năm sau anh bị cha tôi triệu hồi về mái nhà xưa. Ngày "bà nội" qua đời, cũng như ngày người cha không duyên nợ với mẹ tôi vĩnh viễn ra đi, ba mẹ tôi từ tỉnh nhỏ về Saigon đưa tiển như tiển đưa một người thân. Khi đủ tuổi để hiểu rõ về sự liên hệ giữa ba mẹ tôi với người bà nội nhân từ, thương từ mẹ tôi cho tới ba tôi và luôn cả đàn con. Mối tình si ngày cũ biến thành tình thương bất diệt, chỉ biết cho đi cho đến cuối cuộc đời thôi. Anh em tôi vừa cảm phục, vừa biết mình có phước nhiều. Chợt nhận ra tình của người xưa cao cả quá.

Bình Dương, Bình Long, Dầu Tiếng, Saigon, Rừng Lá, Gia Rây, Định Quán…là những nơi chốn dừng chân của gia đình. Khác với nhiều người hay bám đất, bám quê khi nhận thấy cần thay đổi cha tôi không ngần ngại. Nơi dừng chân lâu nhất của cha, có lẽ là miền  cao su đât đỏ Bình Long. Nửa đàn con còn lại của ba mẹ tôi đã chào đời ở nơi này. Cũng ở đây cha tôi tạo nên sự nghiệp và phủi tay gởi lại như chưa từng đến và đi. Tuy nhiên những tháng năm êm đềm nơi tỉnh lỵ hiền hoà, đã để lại dấu ấn sâu đậm chuyển đổi đời sống tâm linh của cha tôi.

Khi cha tôi có khả năng bảo bọc người thân, thì đường về đã bị ngăn chia hai miền Nam Bắc. Đau xót ngập lòng ngày cha nhận tấm bưu thiếp từ quê nhà. Bà tôi mất trong nạn đói năm Ất dậu. Ông tôi kéo lê chuỗi ngày tàn trong khó nghèo không nguời thân ruột thịt ở cạnh bên, may nhờ có họ hàng chăm sóc lúc cuối đời. Dù có thể ngồi nhà điều hành công việc kinh doanh với mẹ tôi, đồng thời coi sóc được những chiếc xe hàng và xe chở khách có thuê tài xế, nhưng cha tôi vẫn miệt mài làm việc không ngừng. Ông như sợ phải đối diện với những giờ phút thảnh thơi, nhàn rỗi. Dù cực nhọc, dù hằng ngày phải giao tiếp với đủ hạng người dung tục, nhưng trước sau cha tôi vẫn là người lặng lẽ, thâm trầm trong thế giới của riêng mình. Ông kể thuở còn ở Saigon, những buổi trưa mướn ghế bố nằm nghỉ chờ đến chuyến của mình, từ phòng bên cạnh là tiếng kêu dọc tẩu của những bàn đèn thuốc phiện mà dân ghiền lui tới mỗi ngày. Trên vách, những con thằn lằn kéo ra hít khói vì hình như chúng cũng nghiện theo, trong khi cha tôi thản nhiên nằm đếm thời gian. Sòng bạc là nơi ông xa lánh, bởi nỗi đau thầm lặng ngày xua, chưa kịp lớn đã chứng kiến điều bi thảm mà lẽ ra không xãy tới, nếu như ông tôi không có máu đỏ đen, bán hết gia sản ông cha để lại. Cha tôi dạy con rất đỗi nghiêm. Không chấp nhận bất cứ lời nói khiếm nhã nào, sẽ phạt rất nặng chẳng chừa ai, nếu như một trong mười anh em tôi phạm lỗi. Không muốn bất cứ đứa con trai nào bén mãng đến gần những lá bài, dù chỉ là trò chơi trẻ nhỏ, đặt bằng những cọng dây thun hay bao thuốc lá không.

Căn nhà mới cất nằm trên con dốc, có ngôi tịnh xá thật gần. Hình ảnh những vị sư đầu đội trần, chân đạp đất xếp hàng dài đi khất thực trong ánh nắng như thiêu đốt trên con đường nhựa, đã làm cha tôi xúc động, bồi hồi. Từ đó luật lệ dành cho anh em tôi bỗng như thắt chặt thêm, sau khi cha tôi tìm đến ngôi tịnh xá tìm hiểu và học Phật từ nơi những vị sư thường lặng lẽ khép mắt bước đi trên những con dốc có nắng vàng, bụi đỏ ngập đầy. Cho mãi đến mấy mươi năm sau tôi mới nhận ra, từ thuở nhỏ anh em tôi đã được cha dạy hạnh nhẫn nhục từ nơi cách sống của ông và áp dụng luôn cho cả đàn con. Không nhìn lỗi người, chỉ ráng thấy lỗi mình. Nhịn mà không thấy nhục vì đó là cách mình chọn để sống với mọi nguời, những người cũng có niềm vui, nỗi khổ như mình, chỉ vì nghiệp quả khác nên hình tướng khác. Còn lại ai ai cũng ước mong được hạnh phúc, bình an. Đã mong hạnh phúc thì đừng bao giờ gieo đau khổ cho ai, dù họ đối với mình có ra sao đi nữa. Anh em tôi đã một thời uất ức tủi buồn. Nghĩ cha bất công, chỉ biết lo cho con đầy đủ ấm no mà thiếu tình thương, bởi quá nghiêm khắc, đòi hỏi con phải làm người lớn khi tuổi còn thơ dại. Chỉ cần người anh nghịch ngợm nhất nhà phạm lỗi, là cả đám anh em bị nằm xếp hàng nhận lãnh những ngọn roi từ một cọng mây. Cha bảo nếu như anh tôi không chơi chung với đám nghịch phá thì hàng xóm không tới phiền hà, dù sự thật lần đó anh không góp mặt. Người ta tức bực những người bao che, bênh vực con hư nên tìm tới cha tôi cho hả dạ, vì biết cha sẽ xử tội anh tôi không cần biết những lời cáo buộc kia có đúng như sự thật hay không. Lần đó, tôi chưa đủ tuổi để lãnh quả chung với anh tôi nên ngơ ngác kêu lên khiến chị tôi điếng hồn luôn. Chị vốn sợ đòn roi nên ráng thật ngoan. Vậy mà vẫn bị cha tôi ra lệnh tất cả chịu đòn chung như luật lệ đã ra. Chị cuống quýt tuột ngồi thụp xuống cạnh bên chiếc đi văng. Chụp cái giỏ đi chợ của mẹ treo gần đó lên đầu mong cho cha tôi không để ý. Sau lần đó, cha tôi tội nghiệp, đã tha không bắt lũ con gái chịu đòn chung .

Còn rất nhỏ đã được huấn luyện thật nghiêm như trong quân đội, cho nên tính ra anh em tôi ít bị đòn roi. Người nào cũng lo giữ thân mình, cũng chính là giữ gìn cho người vô tội khác trong nhà. Phải có đàn con đông, phải gánh oằn vai trách nhiệm vật chất lẫn tinh thần và luyện rèn đạo đức cho con, mới thấu hiểu tấm lòng của người cha. Bên cạnh việc để mắt uốn nắn và dạy dỗ khắt khe, cha tôi không nói gì về tâm từ, nhưng chúng tôi học hai chữ từ bi, bằng chính cách sống của cha và mẹ mỗi ngày ở trong đời. Cha cho thiếu hoặc không lấy tiền vé xe đò với đám học trò con nhà nghèo đi trọ học xa nhà. Cha đem về cho ngủ qua đêm những người thiếu nữ hoặc đàn bà lỡ đuờng không có người thân. Một trong những người thiếu nữ hoạn nạn đã trở thành con dâu của cha mấy năm sau.  Anh trai tôi vào quân ngủ lâu rồi, không có mặt trong đêm định mệnh. vậy mà duyên nợ buộc vào nhau. Qua đêm tá túc ở nhà tôi, người thiếu nữ trở về miền Tây và tìm gặp anh tôi để trao tay lá thư mẹ kêu tôi viết gởi cho anh.

Mẹ tôi một đôi lần xót dạ, bởi thỉnh thoảng sau đêm tá túc, khách lạ ra đi mang theo quần áo hay một vài món đồ ở trong nhà. Cha tôi nghe phàn nàn chỉ cười trừ. Thì họ lâm cảnh khốn cùng coi như mình bố thí. Cha tôi bắt đầu ăn chay niệm Phật và thỉnh về những bộ kinh để tụng hằng đêm. Căn gác nhỏ trở thành giang san riêng biệt. Mỗi tối và khuya, giờ chuông mõ tụng kinh, trong nhà tôi là một khoảnh vắng im. Tiếng nói chuyện thì thào. Radio, tivi tắt hẳn tưởng như không có âm thanh nào trong căn nhà rất nhiều người. Có lẽ không chịu nỗi không khí u trầm tĩnh lặng, nên những chị hai giúp việc sau một thời gian lặng lẽ rút lui với cùng một lý do. Ở đây buồn quá, dù con được đối xử như các em trong nhà, hơn bất cứ nơi nào con đã vào làm. Mẹ tôi cực nhọc nhiều hơn mỗi lúc "mất" chị hai. Tôi với chị lớn thay thế giặt thau quần áo của cả nhà, giặt luôn quần áo  người giúp việc của cha tôi. Anh em tôi được dạy tính không phân biệt, mà không hề biết đó là hành trang quý giá của cha trao. Hai đấng sinh thành vẫn đều đặn đón tiếp và lưu lại vô thời hạn những người bà con xa gần nơi quê ngoại, tới ở chơi hay chữa bệnh dài ngày. Khi về ai cũng có quà là bánh trái, thuốc men kèm với ít tiền làm lộ phí.

Phần thưởng của cha tôi chính là niềm vui nhận từ nhiều người xa lạ bên ngoài. Họ cảm ơn cha tôi đã sinh một người con tử tế, hiền lương. Người anh phụ trách về an ninh trong quận lỵ, thường xuyên tiếp xúc với những người có liên lạc với phía bên kia, bởi người thân của họ theo việt cộng. Cảm thông với kẻ ở giữa hai lằn đạn, anh sẵn lòng giúp đỡ mọi điều. Mua giúp dụng cụ cá nhân trong lúc tạm giam. Nhắn tin cho gia đình biết để không lo lắng, kể luôn tiền để đi xe về nhà lúc được thả ra…Một trong những “chị hai” của nhà tôi là người thường bị mời lên để điều tra. Chị sống ở vùng xôi đậu, có chồng theo vc từ lâu. Cảm thông nỗi sợ hãi thường xuyên của chị, anh tôi bảo lãnh cho chị về giúp việc ăn lương của mẹ tôi. Một ngày chị hốt hoảng gần ngất xiũ, khi nhìn thấy đôi dép râu ở cửa sau. Rồi nhanh tay chị lấy đôi dép đem chôn xuống đất. Cho đến khi anh tôi tìm không thấy nên hỏi chị. Thì ra chị hai hoảng sợ, ngỡ người chồng vc mò về để đôi dép sau nhà. Đâu biết rằng anh tôi đang ‘có khách” là vc, đêm rồi đã cắt kẻm gai đột nhập vào quận ly. Anh bỏ giày lại ở văn phòng, xỏ đôi dép râu chiến lợi phẩm đi về nhà cho mát bàn chân!

Không tranh cãi hơn thua, cho rằng mình đúng người sai. Không để mắt vào chuyện người khác và lặng lẽ rút lui khi người gây hấn. Đám anh em tôi đã đi vào đời bằng những bước nhẹ nhàng. Một đôi khi người anh hiền nhất thở than. Sống chân thật, nhường nhịn không hơn thua với bất cứ ai, đôi khi mình giống như ngu khờ dưới mắt mọi người. Tôi an ủi anh tôi. Khờ mà ăn ngon, ngủ yên. Thêm bạn, bớt thù cũng hạnh phúc rồi. Hãy nói cho em nghe, xưa nay anh có kẻ thù không? Anh tôi cười hiền, bởi thừa hiểu những gì nhận được qua cách sống của cha tôi. Không cần nói bằng lời, vẫn làm cho người giao tiếp thân cận cảm nhận sự tin tưởng, bình an. Anh có thêm nhiều những người anh, người chị trong đời bên cạnh gia đình vốn lớn sẵn rồi. Đó là những người khách hàng, cảm mến và mở rộng vòng tay đón nhận anh như một người thân.

Tôi nhớ thời trung học ở Saigon, có nhiều buổi sáng trước sân trường tôi bỗng dưng ao ước tình cha. Hình ảnh cô bạn học ngồi vòng tay ôm người cha trên chiếc vespa, ngó sao ngọt ngào, đầm ấm, dễ thương. Xe dừng lại trước cổng trường. Cô nhỏ bước xuống ôm vai cha và nhận lại gói quà sáng người cha đặt vào tay con gái, xiết nhẹ và ân cần dặn nhỏ điều gì. Tôi thường được Tuyết Dung bạn tôi chia chung quà sáng của cha. Là chiếc bánh bao còn nóng, hoặc gói xôi, khúc bánh mì.... mua đâu đó trên đường chở con đi học. Một lần, tôi đến nhà Dung. Hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy bạn tôi- cô tiểu thư xinh đẹp, hiền ngoan và học giỏi đang trãi tình thương cho lũ heo con. Căn nhà ở ngoại ô thành phố với khu vườn cây ăn trái, đất rộng mênh mông, phía sau còn có một chuồng heo. Nhìn bạn tôi vừa tắm cho lũ heo con, vừa nâng niu đùa giỡn như đang chơi đùa với lũ em thơ. Tôi nhận ra những gì Dung đón nhận từ cha, cô đem chia lại cho đàn heo mọi đen thui, bé bỏng. Chợt biết, mình hay khao khát được thương yêu nhưng dường như quá ích kỷ. Chỉ mong đón nhận hơn là cho ra những gì mình có thể, dù đó là thứ càng cho đi, càng thấy giàu thêm. Những bài học từ bi cha tôi một đời không ngừng dạy bằng ngay cách sống của người. Vậy mà tôi cứ thấy cha là cha và tôi là tôi, cho nên vẫn luôn thầm khao khát tình cha.
Cha tôi ra đi đã 4 năm. Mẹ tôi vẫn hụt hẫng sau khi đã nép bóng bên người 61 năm dài. Riêng tôi luôn cảm nhận cha hiện diện mọi lúc mọi nơi, quanh tôi. Cha ở trên khuôn mặt chị tôi với những vết đồi mồi. Cha ở trên vầng trán cao cương nghị, trong giọng nói hiền ấm của những người anh. Cha ở trong tình thương mà mẹ tôi tiếp tục trải dài từ quê hương mới bên này tới quê hương bên kia. Từ ngôi chùa lớn cho tới mái lá nghèo nuôi trẻ mồ côi ở Việt Nam. Cha còn mãi qua lời an ủi, trong những giờ phút sau cùng tôi quanh quẩn cạnh cha ở nhà thương. Con ơi, không phải chỉ người dư giả, giàu sang mới có cơ hội bố thí, cúng dường. Nếu biết cho ra không suy tính đắn đo những gì đang có sẵn nơi con, là tình thương và sự hiểu biết, thì hạnh phúc của người cũng là hạnh phúc của con.

Gia tài cha để lại, không thấy gì nhưng trùm khắp quanh đây, chở che từng bước. Vậy mà ngày xưa tôi đã ngây ngô ao ước tình cha.

Qùynh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê