Những mảnh đời sau song sắt

-Lên tàu ra biển lần này, chị mang em theo đó, biết không? Sách của em chị đọc trong những ngày lênh đênh quanh các đảo vùng Nam Mỹ .

Tôi nói với đứa em chưa lần gặp, nhận lại nỗi ngạc nhiên, cảm động của em. Trước chuyến đi, chàng của tôi đặt mua ở Amazon hai quyển “Những mảnh đời sau song sắt”, bút ký của Phạm Thanh Nghiên, song ngữ Việt- Anh do tủ sách Tiếng Quê Hương- Virginia, Hoa Kỳ xuất bản tháng 11 năm 2017. Một quyển cho tôi với chàng, quyển kia dành tặng cho người anh có lòng với quê nhà, thường âm thầm tiếp sức người tranh đấu còn trong nước.

Bỏ lại những lo toan, chộn rộn quanh cuộc sống trên bờ lẫn trên tàu, tôi tìm khoảng lặng cho riêng mình. Thế rồi có hai chiếc ghế kéo ra khỏi hàng ghế dài dọc boong tàu trong những buổi trưa, để hai đứa tôi gần với biển hơn. Bên cạnh tôi, chàng lặng lẽ hơn bao giờ trong nỗi trầm mặc, ngắm mây nối liền với nước một màu xanh biếc. Biển ở nơi này thanh bình quá. Lòng chàng sao khỏi ngậm ngùi, khi nghĩ về vùng biển chết miền Trung tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Tôi bỏ quên hiện tại, hồn đắm chìm theo từng hàng chữ trên trang sách, tưởng chừng như em đang ở bên tôi, thủ thỉ kể cho tôi nghe về những tháng năm tù ngục đã qua.

Chỉ qua một vài câu nói tình cờ bắt gặp trên FB, đủ để chúng tôi quen nhau, tưởng chừng như nhìn thấu lòng nhau. Không có nhiều thời giờ, em chỉ xuất hiện trên FB khi cần thiết, hoặc thỉnh thoảng chia với mọi người chút niềm vui nhỏ trong nhà tù lớn, bởi những đôi mắt cú vọ vẫn không ngừng theo sau từng bước chân em. Bên cạnh những bài nhận định sắc bén về tình hình thời sự hơặc biến động vừa mới xảy ra, những việc liên quan đến người cùng chung hàng ngũ đấu tranh...Em còn một con người khác, chân thành và rất hồn nhiên. Trong bài viết cũng như trong lời nói, tôi nhận ra nhân cách cùng tâm hồn thật đẹp nơi em. Vững chải, hiên ngang và cao ngạo lồng trong vóc dáng mảnh mai, nhỏ bé của em những khi đối mặt với kẻ cầm quyền bạo ngược, cho dù phải nhận lãnh những trận đòn thù, ảnh hưởng lâu dài cho đến hết cuộc đời em.

Điều đáng nói, dẫu chào đời nơi đất Bắc, hấp thụ nền giáo dục chỉ chú trong đến việc nhồi nhét, tuyên truyền dối trá, nhưng ngôn ngữ em dùng, lời văn em viết, không bị ảnh hưởng như những người sống trong xã hội cs hiện nay. Em- đứa trẻ ra đời năm 1977 ở Hải Phòng, có bố mẹ từng là đảng viên cộng sản, biết gạn lọc để tạo cho mình một chỗ đứng riêng, không lẫn lộn với ai. Với tôi, em là đoá sen trắng giữa ao tù chữ nghĩa hiện nay ở Việt Nam.

Chuyện trong tù được kể bằng ngòi viết chân thành, thắm đượm tình người. Trong số cả ngàn tù nhân nữ, là cả ngàn con người vất vưỡng bên lề xã hội, không biết làm gì để sống ngoài việc trở thành tội phạm. Chỉ có em là người tù nhân lương tâm duy nhất ở đây. Rình rập, nghi kỵ, sợ hãi và xa lánh là những gì bạn đồng tù dành sẵn cho em, chỉ vì sự dọa dẫm, răn đe của đám cai ngục thừa hành mệnh lệnh cấp trên. Có lẽ họ tự biết mình thấp kém, cho nên mặc cảm, tự ti biến thành phách lối, tự tôn. Em, người tù đặc biệt đã vượt lên trên nỗi sợ, không cúi đầu chấp nhận những điều vô lý đã thành khuôn mẫu trong nhà tù cs. Không nhận mình có tội, luật lệ gắt gao không trói buộc được em. Vừa đấu trí với đám người rắp tâm ép buộc em nhận tội, em vừa âm thầm tranh đấu cho quyền lợi tối thiểu của người tù như nước uống, băng vệ sinh cho nữ tù nhân... 

Em đứng từ xa mà trải lòng thương tới những người tù tội nghiệp, dẫu biết họ theo dõi em để lập công, mong rút ngắn thời gian tù tội. Nhìn thấu nguyên nhân làm cho xã hội và con người băng hoại, bởi kẻ cầm quyền không làm gì ích nước, lợi dân mà chỉ lo tranh đua vơ vét cho túi tham không đáy. Lòng nhân ái của “con phản động” là em, đã cảm hóa được những con người chai sạn, coi nhà tù là chốn đi về. Họ gian trá lọc lừa, tàn nhẫn, làm điều phạm pháp ở ngoài đời, để rồi chứng kiến, thu thập thêm những bất công, gian trá, vô lương trong nhà tù cs. Thật kỳ lạ! Người ta không hỗ thẹn khi làm điều xấu ác ngoài đời, nhưng ở trong tù họ lại sợ mang nỗi nhục vì được cứu sống sau khi tự tử! Tình người, tình đồng loại đâu rồi? Thay cho lòng thương xót kẻ cùng đường đi tìm cái chết không xong, là lời mỉa mai trách mắng nạn nhân khốn khổ.

Câu chuyện trong tù, mang lại nhiều thích thú bất ngờ là câu chuyện “Nhớ rừng- Tôi hỏi, khách làm ngơ”. Tôi biết em yêu thơ, nhạc và ca hát. Tâm hồn nghệ sĩ đó, giúp em nhẹ đi áp lực đè nặng khi trong tù hay lúc ngoài đời. Nhà cầm quyền cs đã phải nhọc công đào tạo, để có những người bỏ nhiều công sức, thời gian tìm hiểu thói quen cùng sở thích của em. Họ thích thú dùng nó làm trò chơi tâm lý, mong lung lạc ý chí hay có thể hạ gục em, chỉ để thỏa mãn lòng kiêu ngạo. Tôi nghĩ trước và sau em chưa có người tù nào, trong giờ hỏi cung được hỏi muốn nghe bài hát nào của Trịnh Công Sơn để họ hát cho nghe. Thêm bài thơ “Thư gửi thầy mẹ” của Nguyễn Bính, tên điều tra viên chọn đọc để khơi dậy niềm đau giấu kín trong em. Bốn năm tù là bốn năm dài vô tận, khi nghĩ về người mẹ già ngồi chết lặng, chứng kiến đứa con yêu nhỏ bé, mong manh bị còng tay bắt đem đi. Nhưng hắn đã lầm. Em không dễ dàng ngã gục bởi tình riêng. Bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ được đọc thật to đáp trả, cho thấy phần nào bản lĩnh của em.

“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm”.

Bên cạnh những mảnh đời nghiệt ngã, em tìm thấy niềm vui trong việc san sẻ tình thương cho đám trẻ thơ, đã chào đời và ở tù chung với mẹ. Niềm vui trở thành nỗi đau khổ không lâu, là lúc em chấp nhận mình hoàn toàn bất lực. Ngày người mẹ ra tù cũng là ngày đứa bé bất hạnh kia bị bán đi. Mẹ nó không biết làm gì để sống, để nuôi con. Sinh mạng con người trong nhà tù quá rẻ khi còn sống. Không may bệnh tật, họ bị bỏ mặc cho đến chết và cũng không được chết ở nhà giam, vì sẽ làm cho trại tù mất điểm thi đua! Đến cả những con vật nuôi như chó, mèo của cai tù cũng bị đem giết khi đoàn thanh tra muốn được ăn thịt chúng. Làm sao có thể tưởng tượng, người cs vui say bày yến tiệc giữa nhà tù như thế. Một đám người chỉ nghĩ tới nhu cầu thấp kém nhỏ nhoi, làm sao đất nước có thể chạm tới ánh sáng văn minh nhân loại. Tôi hiểu nỗi đau của em, một người hết lòng yêu thương, xem những con vật thân gần như người bạn trung thành, mang đến cho em sự an ổn giữa nơi thiếu vắng lòng tin cùng bất trắc vây quanh.

“Những mảnh đời sau song sắt”, với bút pháp nhẹ nhàng và lối diễn tả sống động, cho người đọc ngấm sâu, cảm nhận nhiều hơn điều em muốn sẻ chia. Tôi không khỏi ngậm ngùi. Chạnh nghĩ nếu như em được sống đời bình thường trên một đất nước tự do, với khả năng thiên phú biết đâu em sẽ tặng cho đời thật nhiều tác phẩm văn chương khác. Em sẽ làm thơ, ca hát hồn nhiên. Sẽ nuôi chó, nuôi mèo để chăm sóc, thương yêu chúng trong ngôi nhà thật sự không còn ai canh giữ.

Tôi khép lại trang sách, mang theo hình ảnh của người mẹ già trong bài hát “Lạy mẹ con đi” mà nhạc sĩ Đình Đại từ Pháp quốc đã viết riêng cho Phạm Thanh Nghiên, tên bài hát cũng do em đặt. Người mẹ yêu thương của em dẫu đã lìa đời nhưng không có mất đi. Bà luôn hiện diện trong ý chí mạnh mẽ, trong tình yêu rộng lớn dành cho con người, cho đất biển của cha ông để lại, trong khát vọng tự do luôn bừng cháy trong em. Tôi biết ở đâu đó mẹ em đang mỉm cười an ổn, dẫu đường em đi còn lắm chông gai. Tình yêu và cuộc hôn nhân đến muộn, đã cho em niềm hạnh phúc không gì sánh nỗi. Khi tác phẩm “Những mảnh đời trong song sắt” ra đời, cũng là lúc em cho chào đời cô công chúa nhỏ.

“Lạy mẹ con đi về chốn bễ dâu 
Lạy mẹ con đi vì không muốn cúi đầu 
Lạy mẹ con đi dù tuổi xuân tàn úa 
Dù cùm sắt với xà lim con vẫn không sờn lòng...”
... 
“Mẹ dạy cho con thương từng tấc đất của non sông 
Nơi cha anh đã nằm xuống ngàn đời...”

Tôi biết rồi con em sẽ lớn, sẽ được ấp ũ bằng tiếng hát, lời ru ươm mầm tình yêu quê hương, dân tộc thiết tha từ nơi em đó Phạm Thanh Nghiên- người tù nhân lương tâm không ngừng đấu tranh cho hai chữ tự do.

Mùa Giáng sinh 2017

Comments

Anonymous said…
I feel that is among the so much significant information for me.
And i'm happy studying your article. But want to remark
on few common issues, The web site style is ideal,
the articles is in reality nice : D. Just right activity, cheers

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do