Giá của Tự Do

Image may contain: 3 people, including Thảo Ly, people smiling, people sitting and indoor
Tôi gặp Tuyết Nga và chị Thu Hương từ dạo tháng hai, khi trao tặng số tiền mà Thầy Cô và anh em trường Trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn xưa cùng đóng góp, giúp hai người đàn bà có số phận vô cùng bất hạnh. Mới đó mà hơn nửa năm trôi qua rồi chị em tôi mới có dịp đến thăm. Lần đến thăm này các chị tiếp chúng tôi ở chung cư. Không như thời gian mới định cư ở Houston, vì là nạn nhân của tệ nạn buôn người nên tạm thời cả hai không được phép tiết lộ nơi cư ngụ.

Trước khi đi, em tôi phone hỏi rồi hai chị em ghé qua chợ VN để mua vài món các chị cần. Đến thăm Tuyết Nga, Thu Hương lần này có vợ chồng bs nha khoa Chu Văn Cương (Phục Hưng)- Phạm Thùy Linh và các cô em nhóm Âu Cơ. Thùy Linh chu đáo order thức ăn trưa mang đến ăn chung cho có không khí gia đình, thay vì kéo nhau ra nhà hàng quanh đó. Chúng tôi còn mang tới nhiều quần áo cho mùa hè lẫn mùa đông cho hai chị.

Tuyết Nga ngoài những thương tật trầm trọng đeo mang, vừa thoát khỏi địa ngục của lũ buôn người, em vướng thêm căn bệnh ung thư khi mới định cư chẳng bao lâu. Vừa qua khỏi 25 lần hóa trị, thân xác hao gầy của em càng mỏng manh hơn. Dẫu vậy, lần này khuôn mặt hằn vết bỏng vì acid tươi vui hơn lần gặp trước. Em cất tiếng chào, giọng reo vui khi chị Thu Hương mở cửa đón chúng tôi. Nét thẩn thờ, u uất không còn đọng lại để cho người đối diện phải ngậm ngùi yên lặng. Tóc em vẫn còn nhiều, không rụng xác xơ như những bệnh nhân ung thư thường gặp. Em nói, kể nhiều hơn từng đoạn đời tối tăm, đau khổ vừa qua. Chúng tôi ngồi nghe quên cả thời gian, bữa ăn trưa thật muộn mà không ai thấy đói.

Tôi biết Tuyết Nga từng hoảng loạn và sợ hãi nên trốn trong giấc ngủ sâu. 9 viên thuốc ngủ một ngày trong rất nhiều năm, tôi không hiểu em làm sao qua khỏi những tháng ngày tăm tối đó. Tôi hỏi em đã tới đây rồi, không còn ai hãm hại được mình, em có còn dùng thuốc ngủ như dạo trước. Tuyết Nga cho biết phải qua những lần giải phẫu và nỗi lo vì bệnh cancer, em vẫn còn cần thuốc ngủ, chỉ có 3 viên cho em ngủ để quên đau. Em hứa sau này khi bình phục lại rồi, sẽ tiếp tục giảm để đầu óc minh mẫn lại. Nói rồi em vén tóc lên cao, hỏi chúng tôi. Hãy nhìn thử cái trán này xem có đần độn hay không? Tôi cười, muốn nói lại thôi. Đây là vầng trán của một người thông minh, bướng bỉnh!
Chị Thu Hương vui tính hay cười nói. Tuyết Nga có lẽ vì không còn đôi mắt để nhìn nên thận trọng, lắng nghe. Cả hai đều không giấu nỗi mừng vui, khi nói từ ngày định cư tới giờ hôm nay là ngày hai chị em vui nhất, vì căn nhà rộn ràng ấm áp tình thân. Tôi hiểu vừa thoát kiếp đọa đày ở địa ngục trần gian, đến đây không một người thân ở cạnh bên, bảo sao cả hai không lạc lỏng vì thiếu vắng không khí của một gia đình thật sự. Chị Thu Hương cho biết chị lập gia đình khoảng 10 năm. Chồng chị hiện đang ở Philadelphia và có đến thăm. Chúng tôi hỏi anh ấy có vui khi chị quyết định ở đây chăm sóc Tuyết Nga. Chị cười, nói anh ấy rất vui lòng.

Giữa những chuyện kể không nối tiếp về quá khứ, chúng tôi được nghe thêm một chuyện vui mới xảy ra. Có một nhà đạo diễn phim gốc Việt từ New York đến, muốn thực hiện cuốn phim về cuộc đời của Tuyết Nga. Dĩ nhiên em sẽ là nhân vật chính, bên cạnh còn có chị Thu Hương. Tuyết Nga trả lời em còn đang chữa trị, cho đến khi bình phục mới nghĩ tới điều này. Em và chị Thu Hương cùng không che giấu ước mơ là họ có thể đóng phim để nói về sự thật nạn buôn người ác độc, vô nhân tính đã giết hại và làm tàn phế biết bao người đàn bà vô tội từ VN đến Cam Bốt, Thái Lan, Indonesia...mà trên hết vẫn là những nạn nhân, vì muốn thoát khỏi công sản nên đi tìm tự do, để rồi sa vào tay kẻ ác. Và nếu như ký hợp đồng, được trả thù lao, cả hai sẽ chỉ giữ lại 1/3 để trang trải cho cuộc sống. 2/3 còn lại dùng để giúp người tranh đấu bị tù đày ở quê nhà. Mới đây, vì xót thương người hoạn nạn trên đất Thái, cả hai đã nhịn tiêu xài để cứu người đang bệnh ngặt nghèo cần giải phẫu để bảo toàn tính mạng.
Cũng hôm nay, những người đến thăm đều lấy làm tâm đắc khi nghe hai người đàn bà cho biết thói quen hằng ngày của họ khi rảnh rỗi. Tuyết Nga bị mù nên thường nghe chương trình phát thanh Đáp lời sông núi và các video clip của Lisa Phạm! Chị Thu Hương thì hay đọc báo và vẫn thường liên lạc với những bạn bè tranh đấu bên nhà. Cả hai cùng hướng về VN, dõi mắt theo những người đấu tranh cho dân chủ, tự do và chia sẻ phần nào trong khả năng giới hạn. Việc làm của chị Thu Hương bây giờ là chăm sóc Tuyết Nga do chính phủ trả lương. Thêm khoản tiền trợ cấp tàn tật của Tuyết Nga, cả hai tạm đủ sống trong dè sẻn với phương tiện đi lại là xe bus và nhờ người giúp chở đi khám hay điều trị bệnh. Vợ chồng nha sĩ Cương và Thùy Linh tình nguyện chăm sóc răng cho cả hai. Nhóm Phụ nữ Âu Cơ cũng đóng góp trao tặng hai chị một số tiền để bồi bổ sức khỏe và chi dùng cần thiết.

Sắp hết buổi chiều, chúng tôi từ giã ra về trong nỗi luyến lưu. Tuyết Nga được mọi người ôm hug nhiều lần, kèm lời dặn ráng bảo trọng để có cơ hội làm thêm nhiều điều tốt đẹp. Chị Thu Hương theo ra bãi đậu xe, bịn rịn mãi không thôi. Chúng tôi dặn lòng sẽ trở lại thăm, các chị sẽ không lạc lỏng cô đơn khi có mặt nơi đây- miền đất tự do đầy ắp tình thương.

 
Qùynh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ