Ngày cuối tháng Mười

"Tháng Mười chưa cười đã tối". Tháng Mười bóng tối kéo về nhanh hơn, khi đồng hồ được vặn lui lại một giờ. Dù sao, sáng nay My có quyền lười biếng, không dậy vội vàng khi bóng tối còn vây quanh. Thôi thì hãy vui với buổi sáng chẳng tất bật chạy theo kim giờ trên chiếc đồng hồ, để không nghĩ tới những chiều vội tối, như đi sáng- về đêm trong chừng đó giờ, làm việc.

Tháng Mười, sau cơn bão đi qua để lại riêng My những cơn gió đời thổi mạnh. Việc làm an nhàn bên cạnh toàn người dễ mến, dễ thương đã trở thành quá khứ. My chật vật với những ngày nắng mưa nhòa lang thang dong ruỗi. Để rồi nhìn ngày của tháng Mười ngắn, ngắn hơn, bên giờ làm mới của My dài hơn. "đừng để Blog héo khô, tàn tạ,cho đến khi em tưới tẩm, nâng niu chãm sóc lại thì cũng muộn màng rồi. Làm sao vực dậy, ban sự sống cho thân cây đã mục rã tự bên trong..". Biết thế, vẫn đành như thế. My không khô héo, lụi tàn là may! Mỗi buổi sáng không còn nhàn nhã, pha ly cà phê nóng đầu ngày, ngồi, viết, đọc thảnh thơi. Buổi trưa không còn ngồi lặng lẽ một mình, nghe nhạc, thiền hay viết một vài đoạn ngắn. Đoạn đường đi về của My hai buổi cũng kéo xa hơn. My đếm được 17 ngọn đèn ở mỗi ngã đường. Đã thử đi thêm hai con đường khác, nhưng không đường nào rút ngắn lại thời gian. My chọn đi "đường làng", vừa đi vừa đếm những ngọn đèn, tựa như vài người My biết dù bao năm sống ở hải ngoại vẫn chưa lần nào dám lái xe ra xa lộ. HH nghe My kể đã cười. Thong dong như My mà cũng muốn đi nhanh nữa sao? Nghĩ tới đêm về vội khi My ra khỏi nơi làm và hai đứa trẻ vẫn đợi mẹ về lo bữa tối làm sao không vội.

Cũng tháng Mười, gia đình cậu mợ dọn đi qua nơi ở mới. Không xa nhưng My cảm nghe như trống vắng nhiều. Căn nhà quen My thường đi bộ tới, và lái xe ngang mỗi buổi đi về suốt nhiều năm, bây giờ trở thành dĩ vãng. Những khuôn mặt lạ sẽ làm đầy căn nhà cũ. My không còn bao giờ ghé lại để mang cho mợ những món ăn mẹ nấu gởi cầm về. Hàn huyên với mợ và những cô em gái, chuyện đạo, chuyện đời trong cuộc sống hằng ngày. Những loại hoa bốn mùa thay nhau khoe sắc, chắc cũng sẽ theo về nơi mới của mợ từ đây. Sẽ không còn nghe tiếng chuông cửa gọi My vào sáng sớm, vào giờ My có thể mời mợ cùng ngồi uống ly cà phê pha vội cho hai mợ cháu trước lúc đi làm, để nghe Mợ nói một vài điều vướng mắc trong lòng, hay hỏi thăm mẹ và từng người thân của gia đình. Một đôi khi mợ tìm sang để check email, khi máy ở nhà bị trục trặc. Còn nhiều lắm những buổi sáng My ghé, ngồi ngắm hoa và trái mợ trồng ở vườn nhà. Một đóa hoa vừa nở, một chồi non từ nhánh ngắn mợ cắt và ươm thành cây con...My được chỉ cho xem và được một phần từ những chăm sóc, nâng niu đó. Đôi khi mợ còn mang qua trồng xuống cho My những cội hoa, vì biết My ngại làm nặng. Bên dãy hàng rào ở khu thương mại VN, có hàng cây palm lớn nhanh, là những cây palm mợ ươm từ hạt khô rụng xuống tặng My. Cội hoa vàng My không biết tên gì, cho những chùm rực rỡ bằng những cánh hoa mai ghép lại trước sân nhà My mỗi độ thu về, cũng là những cội hoa mợ lượm hột ở sân chùa, về uơm chờ cây lớn mang sang trồng xuống cho My. Hoa ở khắp nơi và nhìn đâu đâu My cũng thấy bóng dáng của mợ quanh My. Không dưng mà cảm thấy buồn khi mợ báo tin dọn đi qua nơi khác.

Chủ nhật rồi My đi bộ lang thang qua nhà mợ. Cánh cửa bên hiên nhà vẫn mở như tự thuở nào giờ. Giàn hoa ti gôn vẫn tươi thắm một màu. Những cánh hoa tim nhỏ xíu nở từng chùm mong manh đẹp kiêu sa. My chụp vội vài tấm hình trước khi hoa tàn, và người lạ sẽ có mặt trưóc khi mùa Thu hết. Dưới giàn hoa ti gôn mát rượi bên hiên nhà mợ, My còn nhìn thấy những ly và phê đã khô, cạnh chiếc băng dài My thường ngồi. Mợ có lẽ lo dọn vội vã bên trong, nên còn để lại dấu tích khiến My gợi nhớ. Mợ đi rồi, giàn hoa ti gôn chỉ còn là kỷ niệm. Băng ghế dài và chỗ ngồi quen thuộc sẽ không bao giờ còn có My hiện diện. Tấm hình chụp hoa ti gôn sẽ gởi cho người anh xa ngắm. My lặng lẽ đi về duy nhất một lần không gặp người nào.

Tháng Mười hết, con trai theo hỏi. Mẹ ơi, mình sẽ đi đâu bữa hôm nay? Đi thăm bà ngoại rồi mẹ có đi mua kẹo hay không? My nhìn con lắc đầu. Mai mẹ về muộn chắc không kịp mở cửa ra cho kẹo đám trẻ con giống mọi năm. Con trai nhìn My thất vọng. Rồi mẹ cũng không dắt con xin kẹo nữa sao? Nhìn mắt con ngó xuống buồn hiu. My bảo con nói bố ráng về sớm may ra kịp. My không nhớ đã có bao nhiêu lần dẫn con đi vòng quanh khu xóm. Năm dẫn con đi lần đầu, nhiều người lầm tưởng là My cùng đi kiếm kẹo với em trai, bảo My sao không bước lại gần hơn đưa giỏ kẹo ra cho họ bỏ vô. My cười, nói chỉ cần cho con trai là đủ. Khi con trai lớn chưa kịp chán ngày Halloween theo tuổi lớn, My tiếp tục mỗi năm dẫn đứa em đi. Nhìn kẹo ê hề sau một vòng đi qua khu xóm quanh nhà, rồi sau đó phần nhiều là đem bỏ vì ngại chẳng an toàn khi ăn, chợt nhớ thời tuổi nhỏ và thương cho những đứa trẻ nơi quê nghèo bên đó. Mẹ ơi, nhiều kẹo ngon con thích. Không phải kẹo rời mà từng thỏi nhỏ riêng. Mẹ cho con giữ lại, đừng quăng nha mẹ! My không hiểu mọi người đã tiêu biết bao nhiêu cho lễ hội này. Quần aó hoá trang, kẹo và đồ dùng trang trí trong ngoài những ngôi nhà. Chưa kể tiệc tùng cho ngưòi lớn rủ nhau vui ké...Nhìn kẹo bày bán ê hề và được tiêu thụ gần như ít khi ế ẩm, My chợt thấy vô lý làm sao vì mua về để cho đi, như trao tặng chút niềm vui trong khoảnh khắc thôi, vì ngưòi nhận rồi đem vứt bỏ.

My đang cười nhận ra My lẩn thẩn nhiều. Sống bao năm nơi xứ người sao còn bơi ngược giòng. Không thấy My đã từng dừng lại trước sân nhà thờ trên con đường có cây cao bóng mát êm đềm. Cũng chỉ để chụp vội tấm hình những trái bí ngập đầy sân, trong một buổi sáng tình cờ ngang qua từ tháng trước.

Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do