Hương xuân

29 tết...
Đi làm muộn, vừa đủ thời gian để viếng một nơi. Gọi hỏi đứa em, có muốn đi thăm Ba với chị không? Em đã ra thăm sáng hôm qua. Hai mẹ con em nhổ hết cỏ dại và mua thêm hoa cho ngày tết. Buổi sáng ở nghĩa trang không một bóng người, như vẫn thoáng gặp trong những lần thăm viếng. Nắng chưa lên. Sương đêm còn đọng lại trên những ngọn cỏ úa vàng. Một thoáng ngạc nhiên trong ngày lặng gió. Những cây nhang được đốt cháy dễ dàng và hai bàn tay không run rẩy vì gió ở nghĩa trang dường như bao giờ cũng lạnh hơn. Những ngôi mộ đó đây nhìn tươm tất hơn thường lệ. Có lẽ My là người đến muộn trong những ngày năm cũ sắp tàn. Bầy chim ríu rít chuyền cành, hòa với âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng phát ra từ chiếc phong linh được ai đó treo trên cây sồi có nhiều tàng lá thấp. Năm nay mùa đông ở đây không đến nổi tiêu điều. Những nụ hồng và tỉ muội nở đều nơi vuông đất nhỏ. Bên cạnh những cành hoa ngày tết có vài lư hương còn nghi ngút khói bay. Người ở lại dường như muốn gởi chút hương xuân cho người xa khuất, đã không còn biết bốn mùa chung quanh trời đất ra sao. Năm ngoái, 30 tết, ở đây là một ngày mưa. Trời lạnh hơn nên chỉ còn sót lại những bông hoa giả. Chỉ muốn thăm ba trong ngày cuối của năm. Chắp tay xá, My thầm thì. Trời mưa, con không ở với ba lâu, cũng không có nén nhang nào con thắp cho ba bữa hôm nay. Mưa thì mưa, My rời nghĩa trang rồi chạy lang thang theo những cái hẹn của việc làm sắp tới hay không bao giờ tới. Năm cũ và mới, cũng giống như có và không, My vẫn mãi còn bị chi phối, cuốn trôi trong cơn lốc của vòng xoay...

Ngày cuối năm...
Sáng thức dậy thật sớm. "Thư không phong bì" em gái gởi: Hai mẹ con đi chợ hoa. Em quay phim, Mai Hoa chụp hình nên không thưởng thức tận tình những gì vừa tìm gặp lại nơi này. Chỉ có mẹ, nhìn thưong lắm chị ơi! Thấy khóm hoa nào quen thuộc cũng nhìn ngắm, nâng niu. Vẻ mừng vui tắt vội qua câu nói hoa này ba rất thích. Hồi đó, năm nào ba cũng đem hoa về nhà cùng với ba trên chiếc xích lô. Em ước gì có cái wheelchair, em sẽ đẩy mẹ đi cho đến khi chân mỏi mới thôi. Chị biết rồi, mẹ chỉ đi bộ được trong chốc lát, rồi đón taxi về. À! Túi mẹ nhẹ mau vì đi đâu cũng đón taxi. Còn em. Báo cho chị biết là em "tiến bộ" lắm rồi! Đã dám đi "xe ôm" mỗi khi cần đi đâu mà không có ai chờ sẵn đón đưa. Sợ nhất vẫn là khói, bụi, hơi nóng và ngưòi, xe dày đặc. Tưởng chừng như không có một khoảng hở nào trước mặt cho mình đi tới. Khi sợ run, em nhắm mắt lại là xong...Đúng y boong! Út chê em "cù lần". Tả cảnh, tả tình thiếu sót, nghèo nàn vì không quen gõ email. Đêm về nhà nóng, thêm đàn muỗi đón chào em hơi kỹ. Cứ khoảng một giờ sáng là em thức giấc, giống như người mãi thao thức, trở trăn lo chuyện...nước non! Máy hình kè kè trong túi xách, chụp tha hồ chẳng tốn phim nhưng không gởi "tin thời sự nóng hổi kèm hình ảnh" về cho chị. Mà chị có thắc mắc, do đâu có lá thư dài em kể tràng giang ngày đầu tiên về tới VN? Chị Phượng đánh máy như tốc ký. Em chỉ việc đứng bên, đọc không kịp thở....My cười. Làm sao chẳng ngạc nhiên, khi vừa nói chuyện với mẹ xong, mở hộp thư đã thấy lá thư dài, cách đó mấy mươi phút chưa hiện diện. Lời lẽ dí dõm, lưu loát đọc xong còn giữ lại nụ cười, dù có nhận ra một vài chữ hơi là lạ. Thì ra, em có "quới nhơn" là phóng viên nhà báo chính hiệu ra tay giúp, thì còn chê vào đâu nữa!
Nghe em gái kể, bỗng dưng chợt nhớ, những chiều 30 tết thuở bên ngưòi. Thích lang thang dạo chợ hoa, rồi đi bộ đến cuối con đường. Đêm xuống dần, ngắm sông nước im lìm cùng những ánh đèn lấp lánh xa mờ. Thấy bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Ngày mai vẫn chìm đắm một màu đen.

Thôi, không lẩn thẩn nhớ, quên. Còn một ngày làm việc thật dài- rơi đúng vào ngày cuối của tuần, của tháng, của năm. Dọn bánh mứt, trái cây cúng Phật. Thêm vài món ăn chay cúng rước ông bà rồi vội vã đi làm. Buổi trưa trời vần vũ đỗ mưa. Chiều về xa lộ xe dập dìu, những giòng xe chậm chạp nối đuôi nhau, tưởng như người vẫn hoài đợi chờ người. Mưa nhẹ hạt dần, sắp tạnh. Bầu trời như cúi xuống thấp hơn qua những dãi mây màu xám giăng ngang. Gọi em gái nhỏ, em vẫn còn lang thang chưa trở về nhà. Buông câu trách nhẹ, ngày cuối năm trời tối sớm lại mưa, sao không lo chở con về khi đường vẫn còn xa? Nhà vắng mẹ, cũng đâu có gì bắt buộc phải làm xong trước tết. Chuyện tu bổ lại căn nhà mới vừa mua, có chậm lại vài hôm cũng chẳng làm sao.
Ghé trạm xăng gần nhà đổ đầy bình xăng cho năm mới, không quên mua thêm thẻ gọi điện thoại để chúc tết mẹ ở VN. Bây giờ thẻ gọi đt đi các nước Á châu thông dụng đến nổi đâu đâu cũng có, không cần phải đến đúng cửa tiệm của người VN để mua như lúc trước đây. Mọi người có lẽ ưa dùng thẻ vì giá rẻ hơn dùng đường dây đt ở nhà, còn có sự tiện lợi riêng là cuộc điện đàm sẽ không có kiểu liên tu bất tận, gọi một lần nhớ tới giật mình, vì sau đó hoá đơn đt làm mờ cả mắt! Ở VN chắc giờ ai cũng hiểu, "Lan" sẽ nhẹ nhàng cắt đứt dây chuông sau khi báo trước mấy mươi giây, vì thời gian của cuộc điện đàm đã ấn định rồi. "Điệp" bên kia tuy có tiếc ngẩn ngơ, nhưng còn nhiều hy vọng gặp lại nhau dài dài sau đó.
Đem quà tết sang nhà cậu mợ. Chỉ đến rồi đi, không dám ở lâu. Nhìn gia đình cậu mợ tụ họp cúng ông bà rồi cùng quây quần trong bữa ăn tối cuối năm, cho My cảm nghe ngấm sâu hơn, những gì mình thiếu vắng năm nay- năm duy nhất tết về không có mẹ. Về nhà thấy trên bàn quà tết của cô bạn láng giềng. Quà tết dành cho chị em đem từ Cali về đó! My không mua quà, chỉ chia với cô những món đồ chay nấu cúng ông bà, thêm thịt kho tàu, dưa chua cho ngưòi bạn học năm xưa. Đ gọi, giọng nói bao giờ cũng rộn rã ân cần. Chị làm em cảm động, thấy như em có tết năm nay! Vừa chia phần cho anh Th, vừa lo cho em trong tháng ăn chay. May mà có chị nên Houston thêm ấm áp, với người từ xứ lạnh dọn về trong những ngày sau cuối của năm, chung quanh không có một người thân. Có gì đâu! Chị coi như có thêm một cô em ở cạnh đây. Chợt nhận ra, mình rồi y như mẹ. Không có "tâm hồn ăn uống" nhưng luôn có niềm vui khi chăm sóc miếng ăn cho những người thân. Nghĩ tới người anh xa lòng thoáng ngậm ngùi. Phải chi em có thể chia cho anh hương vị tết.
Đ hỏi, chị có đi chùa đón giao thừa đêm nay, cho em với mẹ cùng đi. Chị ở nhà cúng giao thừa. Mai mùng một mới vào chùa với đại gia đình. Cô bé xem ra thất vọng. Mẹ muốn đi mà em ngại chùa lạ, người đông. Tới sớm thì đợi mỏi mòn, còn tới trễ đậu xe xa quá biết mẹ em có lội bộ nổi hay không trong gió lạnh, đêm khuya? My đâu biết làm gì hơn. Thoáng nghĩ tới người bạn học sao lười quá đổi, không chở Đ cùng mẹ tới chùa đón giao thừa.

Gọi nhắc từng người anh, từng đứa em giờ gặp nhau sáng đầu năm. Anh trai hỏi, chứ không phải rãnh giờ nào đi thăm ba và đến chùa giờ đó hay sao? My cười. Anh phải làm đúng y như khi mẹ có mặt ở đây. Em biết, Mẹ ở xa và cũng muốn thử xem, mai này khi không còn mẹ anh em mình có xúm xít cùng nhau hay mỗi đứa mỗi nơi. Anh cười hiền, thoáng chút ngập ngừng. Anh sẽ có mặt vào 9:30 sáng ở nghĩa trang. Tối nay anh chị vẫn đón giao thừa ở chùa như khi có mẹ ở nhà. My nghĩ thầm vậy là đủ điểm rồi, dù mẹ có thoáng buồn vì những ngày ở bên kia "không thấy đứa con trai nào gọi điện thoại hỏi han..." My có nhắc anh và em trai chuyện mẹ mong. Chỉ nghe tiếng cười nhỏ, rồi đâu vào đó. Người anh từ thành phố khác còn chọc ghẹo. Để mẹ vui chơi, anh không dám làm mất thời giờ hiếm hoi mẹ có được với người thân ở VN.
Gần giao thừa bên này là gần buổi trưa mùng một bên nhà. Gọi chúc tết mẹ nhưng gọi hoài đường dây vẫn bận. Lòng không băn khoăn lắm, vì mỗi ngày My vẫn tường trình đầy đủ chuyện bên này và nghe lại chuyện bên kia. Tưởng chừng như My cũng có mặt đi bên mẹ dạo chợ hoa, cùng dẫm chân trên những góc phố quen mà lạ vì quá nhiều thay đổi. Cô bạn thân thời trung học ở Saigon bất ngờ gọi sang gần lúc nửa đêm. Cô khoe đã đến thăm mẹ và em gái ngay khi vừa về đến. Th khen mẹ lớn tuổi hơn mẹ Th, nhưng nhìn khỏe mạnh hồng hào và nhanh nhẹn hơn nhiều. My cưòi, là kết quả của mấy mươi năm học theo cách sống tự lập, tự lo ở bên đây. Không có cảnh ngồi ôm tuổi già thở than và trông mong được cháu con chăm sóc, nâng niu. Đi chợ, nấu ăn, làm vưòn, thay bóng đèn, lau chùi, quét dọn trong ngoài. Cuối tuần cặm cụi trong bếp nấu những món ngon đợi con cháu về ăn. Mỗi năm còn gói bánh tét thật nhiều như đem bán, để có chia cho khắp gần xa. Th cười. Đúng là bà mẹ VN ở xứ người mạnh mẽ hơn bà mẹ quê nhà. Mừng nhất vẫn là được gặp và nhìn thấy ở mẹ My vẻ phúc hậu, sự an vui và tinh thần minh mẫn không khác gì mấy chục năm về trước. Ừ, vậy thì nhỏ an tâm rồi! Dù mấy chục năm sau My mới trở về, chỉ cần mắt vẫn sáng, tai vẫn còn nghe rõ và chân chưa run rẩy, lẩm cẩm, lụm cụm... thì tụi mình vẫn còn cơ hội vui xuân muộn. Tiếng cười giòn chợt tắt. Đường dây nối hai bờ chắc quá tải rồi! Vậy cũng đủ, vì đã tới giờ My cúng giao thừa.

Sáng mùng một...
Ở bên kia mẹ đi lễ Phật đầu năm. Đứa em gái gởi hình chụp trong chùa, khoe mẹ với Mai Hoa, chị Phượng và em đi viếng 10 ngôi chùa trong thành phố. Còn viện dưỡng lão và nơi nuôi trẻ mồ côi sẽ đến thăm sau. Dự định đi tàu ngầm từ bến Bạch Đằng ra Vũng Tàu để viếng nhiều chùa. Phút chót chương trình thay đổi vì mấy đứa em con dì nói mẹ chẳng nên đi. Ngày tết khách hàng đông, người lái tàu dường như cẩu thả, vội vàng không có sự an toàn. Kể cho mẹ nghe về lũ cháu con vắng mẹ ở bên đây, thêm những lá thư gõ vội mỗi ngày trước lúc đi làm. Chợt nghĩ, trong đời mình không có nhiều dịp để viết thư gởi mẹ, bởi từ lúc được sinh ra cho đến bây giờ, My chỉ xa mẹ chừng đâu có mấy tháng thôi

Mẹ ơi không có "quại", mình đi đâu bữa hôm nay? Tụi con có phải ăn mặc "đàng quàng" hay thích gì mặc đó? Phải đàng hoàng. Tuy ra lệnh là như vậy, nhưng chỉ chú nhỏ là mặc đồ mẹ chọn. Đứa con trai gần 17 tuổi không ưa mặc tươm tất, khiến mẹ nó nhiều khi cũng lắc đầu. Con biết chắc là sẽ đi thăm ông ngoại, đi chùa. Không về nhà ngoại mình đi đâu sau đó? Con có phải theo bố mẹ đi tới chỗ có nhiều người VN mà chẳng biết để làm chi! My biết con thuờng lạc lỏng, cảm thấy xa lạ, tách rời nơi hội chợ tết mỗi năm. Con tỏ ra chưa muốn hỏi gì về những cội nguồn. Không hứng thú nhưng vẫn không từ chối đi chung với bố mẹ đến nhiều nơi trong ngày tết tha hưong ở nơi đây. My không bi quan lắm. Vẫn còn có dấu hiệu cho thấy mai này khi thật sự trưởng thành, con sẽ biết lối để tìm về những con đường mẹ thường hay dẫn con đi. Còn biết làm vui lòng mẹ dù chưa thấu hiểu vì sao mẹ muốn con theo đến những nơi mà trong thâm tâm con không muốn trở lại lần sau, là còn hy vọng một ngày không xa con sẽ hiểu vì sao ở nơi đây mãi vẫn còn người chắt chiu, gìn giữ lại chút mùa xuân của quê nhà.

Các anh chị và em có mặt trước My ở nghĩa trang, trừ gia đình đứa em trai nhỏ nhất đòi ra sớm nhưng tới trễ. Em dâu cười nhận lỗi. Giờ cuối, bé M mặc chiếc áo dài của chị Trâm cho có hai chiếc nút đã rơi rụng mất. Em phải chạy ra VCS mua nút áo về đơm lại, nên lâu...Nhìn đứa cháu gái cao nhanh cho áo quần đều ngắn, thấy ngây thơ và rất đổi dễ thưong. Bước thấp bước cao, ba chị em mặc áo dài đi như chạy ở nghĩa trang, tay cầm bao lì xì đỏ khiến mùa xuân thêm ấm áp, dù đang ở một nơi không còn ý nghĩa của thời gian. Năm nay My không quên mang theo tấm ny lông, trải lên trên bờ cỏ ướt để tất cả anh em cùng thắp nhang quỳ lạy. Cũng may ngày 30 mưa, mùng một nắng hanh vàng. Trời ấm áp, và không có gió để cho những tà áo mùa xuân phải khép nép, co ro giống mọi năm.

Tới chùa lễ Phật, lạy ba. Mấy chị em nhận tiền mừng tuổi của thầy. My thay mẹ chuyển lời chúc tết, mừng tuổi thầy năm mới. Sân chùa nhộn nhịp. Bãi đậu xe thật rộng đã đầy xe. Đứa em trai xoay nhanh ống kính khi bắt gặp những hình ảnh dễ thương bất chợt. Vẻ lạc lỏng của đứa cháu 16 tuổi nhìn sao tội nghiệp, tương phản với nét hớn hở mừng vui khi đám trẻ thơ nhìn thấy đoàn lân. Bảo con trai đứng gần bên mẹ. Mẹ muốn mỗi năm có một tấm hình hai mẹ con mình. Định lắc đầu từ chối, nhưng khi nhìn thấy người cậu hưóng ống kính vào, khẽ gật đầu như khuyến khích thêm, con bước tới để yên cho My vòng tay ôm mà không phản đối, ngại ngùng vì có đông người. Được lắm con trai. Con đứng yên thêm một phút, cho cậu chụp thêm tấm nữa thôi. Hai mẹ con chưa đủ. Còn cu Duy, con phải đứng ngay bên mẹ của con. Hai, b,a rồi tất cả bốn ngưòi. Vậy là My có đủ nhân số để gởi về trình diện mỗi năm cho bên nội các con. Dường như nếu không kiên nhẫn, gọi mời chắc không bao giờ có được tấm ảnh gia đình. Ai bảo chỉ mình My bên cạnh những ba đấng đàn ông, mỗi khi nhìn thấy máy ảnh là đồng loạt tránh xa như chẳng quen My!

Đi một vòng trong hội chợ, cảm thấy mỗi năm người Việt đông hơn nhưng cảnh trí nghèo nàn hơn, làm như cho có không màng chi hình thức. Chỉ một nơi thu hút nhất là chương trình ca nhạc có nhiều ca sĩ ở xa về. Tội cho con lòng vòng thơ thẩn một mình để đợi chờ. Hai chị em về sớm ghé qua nhà dì chúc tết. Không có mẹ cả nhà được ăn bánh tét của dì. Mấy đứa trẻ đi tới đâu cũng nhận được bao lì xì đỏ. Vô nhà thắp nhang cho ba xong, đi một vòng chúc tết các anh. Không có mẹ, chị dâu nấu dọn bữa ăn tươm tất với đủ cả hai món mặn và chay. Dì thay mẹ tìm vào để vui cùng bầy trẻ tới đêm. Có một nơi chốn để tìm về làm ấm áp thật nhiều.

Mùa xuân đã ghé qua như thế, ở đây...

Quỳnh My







Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê