Tìm đâu

"tìm nhau tìm cuối đường bay
mù sương trắng nõn tháng ngày phù vân
phố xưa giữ cái tần ngần
cơn mưa phùn đến lúc gần lúc xa (*)"

Đọc lá thư không phong bì đến đúng ngày cuối của năm. Lại băn khoăn qua câu "Có thể tìm cho Hân bạn ngày xưa? Đây là ảnh Hân có được...". Cho mũi tên chạy nhanh xuống dưới, chẳng rõ vì sao cô bạn phố xa lại chọn riêng mình để hỏi tìm một kẻ lạc, thất lạc lâu, quá lâu rồi.

Tấm ảnh đen trắng nhiều nét mờ chụp lại từ quyển lưu bút nào đó. Mái tóc ngắn khuôn mặt tròn không nét ngây thơ. Phải rồi, đôi mắt. Giật mình giữa thoáng lạ thoáng quen. Chợt bàng hoàng. Cô bé đang trở thành thiếu nữ sao vướng buồn dầy. Không tìm ra chút gì ở lại cùng người tuổi vào thu, có nhiều sợi tóc ánh lên màu thời gian với thiếu vắng nụ cười theo bốn mùa. Mình xưa và bây giờ là một hay hai? Không là một, cũng chẳng phải hai. Con sông cũ vẫn còn, nào ai biết nước trên giòng ngày đó về đâu. Tìm mãi mà chưa gặp thì sao Hân tìm cho ra? Thôi biên trả lời Hân. Tưởng ai, nhỏ này đã chết lâu rồi. Không tin, Hân thử đi tìm suốt đời xem có gặp lại không?. Ngày xưa nên xem như chuyện nước qua cầu. Sống cho hôm nay nhiều khi đủ bơ phờ. Còn tuổi ngọc, chưa biết yêu ai, chưa có gì để giữ riêng hay để mất. Hân ơi, phải chăng lỡ gieo hạt giống buồn, theo mưa nắng đời mọc lên cây khổ! Cây khổ sinh trái gì ai biết. Bởi xưa là hoang, là buồn. Đoạn đường dài vượt qua từng con sóng, giọt nước mắt khô mất dấu thay nụ cười chấp nhận. Hay là tại dở trong trò chơi trí nhớ nên thường thay tạ lỗi bằng nụ cười. Phải chăng đó là khiếm khuyết mà cũng là may mắn của người không đủ hành trang trên nẻo đường chông gai . Mấy tiếng ngày đó, bây giờ, nếu như, ước gì, phải chi, ...đầy nỗi vô vàn. Đã lâu như không quen nói với ai. Nghĩ tội nghiệp cho người đi, vẫn vọng phía sau, ngày một lùi xa. Xới lên là nỗi đau, là vết đã lành lặn. Gieo hạt lên đất đã thành sa mạc, là việc có nên làm? Tấm ảnh sót lại từ cơn đổi đời làm kẻ mang bệnh lãng quên bàng hoàng. Bàng hoàng khi chợt nhớ ra chút gì của 'tôi' xưa.

Con dốc ngập bụi đỏ. Con dốc nắng mưa quanh tà áo trắng đến trường. Sau khi đứa bạn chung lớp, chung đường dọn đi xa, để lại riêng mình đếm bước trong mưa nắng hai mùa. Bạn từ con bé gầy, chuyển mình thành thiếu nữ tóc mượt dài bờ vai. Tiếng nói trong làm ngẩn ngơ khi chợt nhận ra chúng tôi không còn bé. Khác chăng, thâm trầm của người già. Ngân Hà nhí nhảnh, mộng mơ cho dẫu học giỏi và là con mọt sách. Không hiểu làm sao hai đứa thân nhau. Ngân Hà tự tin. Có bất cần như không 'thèm' thân ai hết, ngoài tôi. Bữa tiệc tất niên Hà hát. "Nhắm mắt, chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất. Và tiếng hát, và nước mắt. Đôi khi em muốn quên, đôi khi em muốn quên. Ôi những người khóc .. lẻ loi ... một mình". Trên đường về, hỏi sao mấy ngày xuân lại hát bài đó. Ngân Hà không trả lời, chớp đôi mắt có hàng mi dài. Hỏi cho có thôi. Nơi cuối dốc thênh thang đó, có phải ngưòi ta đặt tên là "Chân Trời Tím" hay không? Ngân Hà đồng ý. Hình như vậy, chỉ dành cho kẻ yêu nhau khi nơi điểm hẹn là của buổi chiều trên dãi mây tím. Để "đôi khi con tim hò hẹn, ngậm ngùi vì một ngày mưa bắt đầu".

Đột ngột Ngân Hà bỏ đi , theo gia đình về Phước Long qua sự thuyên chuyển của người cha. Đã trót nói ra ý nghĩ của mình như một niềm chia ly. Từ giã miền bụi đỏ, từ giã dốc đồi, từ giã rừng cao su bạt ngàn; Ngân Hà bỏ đi. Tưởng về đó vui hơn. Ai ngờ cũng là tỉnh nhỏ, nghe đâu chẳng bình yên. Bạn tôi với thoáng đăm chiêu. Chị Thiên Kim lấy chồng rồi theo chồng về Mỹ ở đây ai cũng biết. Hai đứa mình chưa kịp lớn, chưa làm gì đã trở thành nạn nhân của dèm pha, của đúng sai, của bóng gió xa xôi. Thương Ngân Hà như thương chính mình. Làm sao biết giấu sau dáng tiểu thư cô bé xinh xắn hồn nhiên pha chút kiêu căng, cũng có nỗi buồn âm thầm chẳng kém.

Ai bảo "con mọt sách" là hình ảnh kẻ nghiêm nghị để dần thành khô khan. Trong lớp năm đó toàn những cô bé vừa đẹp vừa thông minh vừa đầy mộng mơ. Trót mang vẻ "cụ non" cũng chỉ vỏ ngoài. So đám bạn thì họ là những kẻ tiên phong để mình làm đứa ngu ngơ lùi lại đàng sau. Thụy Miên tóc dài điểm trang cho đôi mắt buồn, cất lên tiếng hát "Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp phũ phàng...". Ánh Tuyết người đứng đầu lớp mang cặp mắt bồ câu vẫn thường ngân nga "Còn một chút gì để nhớ, để quên..". Thôi thì bỏ ngoài tai lời nhỏ to. Tránh thắc mắc, tránh tìm hôm qua để so với hôm nay. Vui với đám nghịch ăn hoài không chịu lớn, nhìn trước, sau không phân biệt dễ chút nào. Lại còn, lại ưa sửa lời nhạc. Bên cạnh thêm rỉ rả, thố lộ tâm tình của những đứa ham làm người lớn. Bây giờ, thỉnh thoảng hỏi Phượng Tím, còn nhớ nhỏ Thanh Thanh ngày xưa hát gì không? Biết hỏi đúng người, bởi Phượng Tím khổ vì suốt đời luôn nhớ. Nhớ nên Phượng Tím lao đao. Nhớ niềm vui cũ, nhớ nỗi buồn xưa, đem nhớ đem pha đem trộn vào hiện tại. Phượng Tím không dưng làm nhớ thêm hai câu thơ nghe từ người anh:
Xé tờ lịch cũ vơi năm tháng.
Thương nhớ đầy vơi theo tháng năm."
Có dịp hỏi anh có phải vì đầy vơi cùng thương nhớ, cho nên anh vẫn chọn làm kẻ độc hành. Anh trả lời, anh bây giờ không nhớ, không quên thì còn chi để nói!

Ngân Hà đi để lại tôi một mình nghe tiếng guốc trên đoạn đường quen. Chưa kể những ngày mưa đoạn đường đất đỏ quện đặc Lối đi về của tuổi học trò không chỉ là hoa và bướm, là gió lộng áo bay theo bước chân chim sáo ngày xưa. Đường đi học có thể ngang qua con phố nhỏ, dưới hàng me lắm người qua. Có thể là con đường hun hút, thiếu bóng cây cho dịu đi ánh nắng mà thừa những giọt mưa. Tóc ướt, áo ướt trong những ngày như vậy. Vẫn phải đi về dù lạnh tê ướt loi ngoi. Không ai nghỉ học với lý do trời mưa! Nhờ vậy mà bắt thân được một lúc ba người bạn, nhưng cả ba đều về người mỗi ngã. Kim Phai cương nghị thông minh kèm tính mộng mơ. Dung có khuôn mặt buồn như nhẫn nhục của bà mẹ VN. Hồng Vân mạnh bạo, chân thành, và ngoài tâm hồn ăn uống bạn tôi không bao giờ phán đoán ai nhưng sẵn sàng che chở bạn không cho ai lấn lướt. Không hẹn mà cả bọn đều vào đời sớm. Cũng như, cùng làm chị với trách nhiệm. Kim Phai rất mộng mơ nhưng không đến nỗi sống trên mây, để rồi thường hay hỏi tại sao giống người già trước tuổi. Mới mười mấy mà bạn tôi như cụ non, nhắc nhở đứa em phải làm sao để mai đây khỏi hụt hẫng lao đao khi đối diện với cuộc đời. Không bi quan cũng đừng lạc quan. Bởi xấu và tốt luôn lẫn vào nhau khắp chung quanh. Nhỏ ơi đừng nằm mơ nghĩ đời là trang sách đẹp. Mi toàn đọc những quyển sách chọn lọc, thanh khiết, nhẹ nhàng qua tay kiểm duyệt của anh P, nên đâu biết cuộc đời nhiều bi đát, lâm li như tuồng cải lương trên sân khấu. Anh P cấm không cho mi đọc “tiểu thuyết rẻ tiền”, nhưng trong đó là cuộc sống được nhìn qua góc cạnh thật gần đó, nhỏ à!

Không đủ mộng mơ để sống bằng lãng mạng, cũng không có đủ bén nhạy để nhìn ngắm cuộc đời qua đôi mắt tiếp cận thật gần như đứa bạn thân. Lơ lửng và thu mình, thích ngồi lặng lẽ bên hiên nhà nhìn đám trẻ thả diều, hay ngắm những cụm mây ngã màu, chìm dần vào khoảng tối ven rừng. Đôi khi trốn mẹ, trốn bồng em chui vào căn hầm trú ẩn, ngồi trong bóng tối thật lâu. Chiếc tủ thờ để ở giữa nhà có một khoảng trống cách bức tường ngăn ở phía sau, cũng là một góc bình yên đi tìm những suy tư. Người anh kế cách hai tuổi. Đi với nhau đôi khi có người hỏi ai lớn hơn ai? Dù vẫn quen nghe câu hỏi đó, vẫn giả vờ trả lời tĩnh queo tôi là chị! Anh tưởng nhỏ em ham làm lớn, tội nghiệp nên nhắc. "Nhận lớn hơn tức là muốn mình già trước tuổi" - điều mà con gái luôn luôn sợ. Đành cười chấp nhận thôi. Em già từ khi trẻ, mai mốt đâu ai còn để ý mà chê! Bây giờ thì hết ấm ức trong lòng, bởi đã khám phá ra vì sao ngày đó những bài luận văn cho đem về nhà đầu năm học, được Cô giáo 'Ngàn Năm Áo Tím' cho điểm cao nhưng vẫn thoáng hoài nghi. Mãi đến khi Cô cho làm bài trong lớp, đứa học trò cụ non mới tỏ dỗi hờn bằng bài viết bỏ lửng đem lên nộp. Ngạc nhiên vì vẫn được Cô cho điểm rộng. Chắc Cô nhận ra giữa bầy tiên nữ trong lớp học, có một “cụ” học trò lạc vào. Có lẽ vì điểm này, mà người anh khác lớn hơn dường như luôn tin tưởng, không để mắt hay xét hỏi chuyện học mà để sức lại kiểm soát kèm dạy cho các em khác. Nỗi sợ hãi luôn luôn hiện diện mỗi khi các em bị anh quần chóng mặt qua bài toán làm hoài vẫn đáp số sai. Vậy mà anh tin tưởng đến nổi không khám phá ra tôi dốt toán. Vẫn biết rằng giấu sẽ chấp nhận mình là người dốt muôn năm! Nhưng thật không đủ can đảm để nhờ anh kèm thêm môn toán, môn sợ nhất xưa giờ. Ai bảo anh như hung thần thiên vị, dữ với lũ em, nhưng êm ái, nhẹ nhàng với riêng tôi. Lòng tham rộng rãi theo ngày. Tham nhận sự ưu đãi, dù biết rằng mình không xứng đáng trước lòng tin và tình thương của anh.

Ngân Hà theo gia đình ra đi chưa được bao lâu, tất cả những người ở lại cũng chạy tìm đường sống khi binh lửa lan rộng. Bạn bè kẻ còn người mất. Phượng Tím và Kim Phai cùng đàn em thơ dại vấn trên đầu vành tang trắng dẫu rằng Phượng Tím còn hồn nhiên và Kim Phai chớm vào đời mang hành trang không nhiều. Một chiều trên phố Saigon, bắt gặp dáng đi thất thểu của Kim Phai, đứa bạn mà tôi nghĩ có nhiều nghị lực. Hai đứa ôm nhau, bồi hồi nước mắt. Lòng tôi quặn lại khi nhìn nét phong trần hiện hữu nơi bạn thân, xa cách chỉ mới vài năm. Hỏi Phai giờ ra sao, còn ở với các em hay có cuộc sống riêng? Có mà không có, cho nên ra như thế. Vi ơi có phải suốt đời mình không thể nào có bên mình một ngưòi trong mộng bao giờ? Kim Phai thú nhận, một người thường tự hào luôn sống bằng lý trí, không ủy mỵ lại rơi vào nghiệt ngã như vầy. Hai đứa nắm tay nhau tìm vào quán ăn. Tôi vẫn nghe nhiều hơn nói. Hơn nữa bên cạnh đứa bạn thân, so ra tôi ngu ngơ thì biết nói gì đây?. Hẹn nhau sẽ gặp thường hơn, vì Kim Phai vẫn đi về đoạn đường nối liền thành phố với rừng xưa. Nhìn dáng bạn thất thểu như người vừa qua bạo bệnh, khuất dần trong lòng phố, gọi thầm Phai .. Phai ơi đừng bỏ cuộc. Giòng đời mình chưa bước vào mà bạn đã dợm bước ra. Cầu mong sóng gió bớt dần cho bạn đủ sức bước đi. Có ngủ mơ cũng khó mà tin, người thiếu nữ mồ côi mẹ sớm, chưa tới tuổi 20 đã tạo nên sự nghiệp với đôi bàn tay trắng. Đúng như đã từng nghĩ, Kim Phai có nghị lực để bước trên đường đời. Nhưng với đường tình bạn lại chới với, lao đao. Mãi mãi mình vẫn bước đằng sau nhìn Phai đi những bước trong thành công của vật chất cùng khổ đau của đường tình mà thuở đó có lẽ mình còn ngây thơ chưa đủ sức hiểu.

Sau 30 năm gặp lại bên này. Phượng Tím vẫn giữ cười nụ cười kèm nỗi băn khoăn về những dấu chân ghi vết thời gian nơi đôi mắt buồn xưa. Bật cười, khi nghe Phưọng Tím nói cả nhỏ Hân cũng lo cho đôi mắt bị quầng thâm nên không ngủ ít hơn tiêu chuẩn “cẩm nang”. Không dưng mà hai đứa bạn cũ cùng sống chung thành phố, lại cùng nhắm mục tiêu quan trọng để giữ gìn là đôi mắt của mình. Lạ! Người xưa vẫn còn đây mà tìm hoài không thấy, thì mắt xưa làm sao mãi chẳng đổi thay? Bây giờ không có thương hoài ngàn năm. Không có uớc hẹn trăm năm. Không có hẹn biển. Không có thề non. Chắc chắn cũng không có chuyện mãi mãi. Đã lần ngu ngơ cùng với hẹn thề, bởi không thấu hiểu sống hôm nay khó biết chuyện ngày mai. Chẳng là tôi xưa mà cũng không là tôi của bây giờ. Chỉ như nước xuôi giòng ra biển dẫu có khi giòng nước mạnh mẽ, có khi kẹt lại bên hốc đá tội tình.

Ngày cuối của năm, Phượng Tím tìm về chốn cũ. Em biết không, Phượng trở về, BL mưa nhiều vô kể. Mưa và lạnh, lạnh hơn Dalat dù đây không có mùa Đông giống nơi em. Thư Cô giáo ngày xưa, vẫn nét chữ thân tình gởi gấm .. Cô không dám tưởng tượng mai mốt em về…Sẽ là mùa xuân, mùa hạ hoặc mùa thu? Dịp lễ này người anh xa của em có về không? Cho cô gởi lời chào đến P nếu như em có gặp. P bây giờ ra sao? Không biết trả lời cho cô như thế nào. Mỗi lần về anh đều ghé thăm Cô. Câu hỏi vui hay buồn chợt có vì Cô hiểu có cơn bão mạnh thổi ngang cuộc đời anh. Xưa mỗi lần về thăm có nhiều người đi chung với anh. Tôi nhìn thấy vẻ nhẫn chịu hơn là niềm vui đầm ấm. Mấy năm sau anh về. Lặng lẽ, một mình. Gần gũi vui bên mẹ cùng đám anh em, người nào cũng con, cháu đầy đàn. Tôi gởi cho Cô xem tấm hình mới nhất, chụp hai anh em trong dịp lễ. Trong hình, anh đứng choàng tay lên vai em gái, như bù đắp lại những năm tháng lạc nhau trong đời. Có điều bây giờ “hung thần” ngày xưa không còn làm ai sợ. Mấy đứa em quá tuổi hồn nhiên, vẫn xúm xít đứng ôm ngang vòng lưng anh lúc chụp hình. Tưởng như độc quyền giành ưu ái của anh. Sự thật không hẳn vậy, vì qua mẹ, anh vẫn nặng lòng lo lắng cho tôi bằng sự chăm sóc đặc biệt.

Ngày mai, khi thời gian chuyển năm mới, anh một mình trên chuyến bay về nơi thành phố. Nơi có Phượng Tím đi xa. Nơi có Hân lẩn thẩn tìm 'tôi' của ngày xưa. Câu hỏi của Cô đành nợ lại, bởi nhìn ra được một điều là trên mùi xum họp có vị chia xa. Bây giờ một mình đếm bước đi về, sao hiểu anh đang hạnh phúc hay đang hỏi thầm: Một nửa thật của mình có phải đang thật gần, hay chỉ là hư ảo. Tìm đâu, ôi biết tìm đâu, đâu tìm.

Quỳnh My

(*) một đoạn thơ không rõ xuất xứ

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê