Sinh nhật Dì

Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 81 của dì- người em gái duy nhất của mẹ còn sót lại và là người có khuôn mặt giống mẹ nhiều.

Ông bà ngoại có sáu người con, bốn gái hai trai. Nghe mẹ kể bà ngoại là người xinh đẹp, đảm đang, đã tận tụy với nhà chồng cho đến lúc lìa đời. Bà ngoại làm nhiều thứ bánh cho mẹ đem đi bán. Ngoại nhọc nhằn, mẹ cũng nhọc nhằn. Đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, mẹ rời nhà khi trời chưa rạng sáng bên nhiều nỗi sợ vây quanh. Người thiếu nữ đẹp mặn mà thuở ấy, sợ bóng tối, sợ ma, sợ cả người khi một mình rão bước trên đường làng lúc trở về, vì có nhiều trai làng đi theo trêu ghẹo, cho dẫu họ không ngần ngại mua hết bánh trong những ngày mẹ bán ế trở về. Khi bán hết hàng, niềm vui của mẹ không bao giờ trọn vẹn, bởi số tiền lời chỉ đủ cho bữa ăn vô cùng đạm bạc. Mẹ lết thết rời phiên chợ làng với những giọt nước mắt nuốt vào trong khi nghĩ đến bà ngoại bệnh quanh năm bởi lao lực, lao tâm, chưa bao giờ được nếm những món ăn đủ đầy dinh dưỡng.

Mẹ đi lấy chồng năm mười chín tuổi. Hai mươi tuổi mẹ sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc ngoại lìa đời. Trong đàn em nhỏ mồ côi của mẹ, có cậu dì còn hớn hở, mừng vui khi được thay áo mới thọ tang cho ngoại. Hơn bốn mươi tuổi bà ngoại mất chỉ vì bệnh không có tiền chạy chữa thuốc thang. Mẹ mang nỗi đau bởi bất lực, chưa làm gì để đáp đền. Nghe người lớn nói bà ngoại chưa siêu thoát, hay trở về bên đàn con dại mồ côi. Mẹ nhiều đêm ngồi trong bóng tối, trong căn buồng chỗ của ngoại nằm, quơ tay tìm giữa khoảng không, ao ước một lần được chạm vào bà ngoại.

Rồi một ngày tin dữ đưa về. Ông ngoại và người em trai kế của mẹ bị chặt đầu quăng xác xuống sông, vì tham gia phong trào chống pháp. Nhờ người lặn xuống sông tìm xác, mẹ đợi đêm về cùng người bà con bó xác ông ngoại và xác cậu, hai người gánh hai đầu, lén lút mang về chôn cất lặng thầm. Cũng vì lòng căm phẫn giặc Tây mà người em trai ông ngoại bỏ nhà theo kháng chiến. Lòng yêu nước bị phản bội, đã cầm chân ông ở lại đất bắc cho đến năm 1975. Đàn em của mẹ chia hai. Hai người em gái về ở với ông bà cố, cậu út và dì theo về cùng mẹ. Mười mấy tuổi dì theo cha ra ngoài kiếm sống. Có lần sau cuộc giao tranh giữa rừng cao su của hai bên, cha hốt hoảng đi tìm. Dì nằm bất động bên nhiều xác chết, chiếc nón lá phũ lên khuôn mặt. Cha đau đớn không cầm nước mắt, nghĩ cách làm sao mang xác đứa em về. Cùng lúc dì bật dậy mừng rỡ kể. Em đã giả bộ chết để qua mắt họ.




Rồi dì đi lấy chồng. Ba mẹ gả dì cho người đàn ông từ bắc trốn vào nam giống như cha. Sau những tháng năm lận đận trong nghèo khó, cha mẹ rời Sài gòn về sống nơi tỉnh nhỏ như chạy trốn nỗi buồn khi người anh trai mười tuổi chết vì bệnh thương hàn. Những ngày cơ cực qua đi. Cha tạo nên cơ nghiệp nơi đất lành chim đậu. Thừa hưởng tính đảm đang từ ngoại, dì lấy chồng về sống ở Saigon, vừa tròn bổn phận làm dâu vừa buôn bán tại nhà phụ nuôi một đàn con. Thỉnh thoảng dì bỏ hết để đi thăm ba mẹ. Căn nhà mỗi lúc có dì tràn ngập niềm vui. Ngoài quà bánh mua từ thành phố, là tình thương dành cho lũ cháu đong đầy. 

Mẹ với các dì xuất thân là thôn nữ nhà nghèo, nhưng có gương mặt tỏa sáng và thanh thoát. Cách đi đứng, nói cười rất đổi khoan thai. Đám cháu đôi khi đã ngẩn ngơ, khi lặng ngắm dì mồi lửa châm thuốc hút. Dì cười hiền rồi phân trần. Tại hồi nhỏ đi chăn trâu cả ngày đâu biết làm gì. Nhà ngoại trồng thuốc rê, bắt chước mọi người hút thử dì ghiền lúc nào không biết. Mẹ cũng chăn trâu khi còn bé và may thay không hút thuốc như hai người em gái. Kỷ niệm chăn trâu của mẹ là không nhận ra con trâu nào của nhà mình. Người bà con của mẹ ham chơi, đã biết cách làm cho mẹ trông nom trâu người mà tưởng trâu mình cho đến lúc chiều về.

Nhờ dì bươn chải nên tuy làm công chức, dì chú đã xây thêm một căn nhà thuộc quận Nhà Bè. Sau mùa hè đỏ lửa 72, ba mẹ bắt đầu lại bằng hai bàn tay trắng. Đàn con 10 đứa giờ chia tứ tán. Người ở lại chiến trường An Lộc, người đóng bên giòng sông Thạch Hãn năm xưa. Một người anh lên đại học về Sàigon ở với dì. Thương đám cháu nhỏ, dì chú mời ba mẹ về Saigon ở căn nhà còn bỏ trống. Thêm lần nữa cha cố sức, lo cho đàn con còn lại ấm no. Cuộc sống vừa đi vào an ổn, ngày tang của đất nước ập về năm 1975. Đàn con của ba mẹ giờ thu nhỏ lại. Đứa theo chồng rời nước đã lâu. Đứa xuống tàu làm người di tản. Đứa vượt biên tìm đất sống bình yên. Dì nghèo nhanh vì đồng lương chết đói của chồng, vì mọi người cùng đói rách khó mà buôn bán. Mỗi buổi sáng dì đi đò qua sông sang nhà cũ. Mẹ đợi dì cùng đi chợ với nhau, để mua thêm cho dì đủ nấu một ngày. Thỉnh thoảng mẹ ngồi bên đợi, trả tiền khi dì ăn xong món ăn ưa thích mà lâu rồi không có dịp nấu ở nhà. Mẹ vốn ngại ngần chuyện ăn uống bên ngoài. Thương em nên ngồi đợi em ăn.

Rồi các anh chị bảo lãnh gia đình đi Mỹ. Mẹ ra đi mà lòng gởi lại bên nhà. Người em gái út của mẹ đã mất vì bệnh ung thư, khi khám phá ra thì đã muộn. Dì vẫn tiếp tục cuộc sống khốn khó cho đến khi đứa con gái vượt biển thành công, sang sống cùng ba mẹ bên đây. Sau vài năm, hai chi em may mắn ở cạnh nhau. Dì bây giờ đã ngừng hút thuốc rồi, mỗi ngày các anh thay nhau chở dì sang chăm sóc cho ba mẹ. Với dì, cha là người anh lớn đã bảo bọc từ khi dì là đứa trẻ mồ côi. Dường như nhân duyên đã có tự bao giờ. Đến cuối đời, dì vẫn là người cận kề bên ba mẹ. Dì nấu cháo, rót nước, cạo gió cho anh chị trong những ngày bệnh mà cả đàn con mỗi đứa mỗi sống cuộc đời riêng. Sau khi cha từ giã cuộc đời, đứa em mua miếng đất cạnh chỗ nằm ba mẹ. Rồi mẹ ra đi, chú ra đi. Mai này dì rồi cũng yên nghỉ cạnh bên ba mẹ.

Dì là mẹ còn sót lại trên đường đời đang ngắn lại từng ngày. Sinh nhật dì đám con cháu vây quanh, trong nỗi hạnh phúc còn dì là còn mẹ

 


 Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do