Mai chị về - part1

Đồng hồ chỉ gần một giờ khuya khi xe về đến sân nhà . Đứa con trai trước khi đi ngủ tới hôn nhẹ lên má, kèm theo câu con chúc mẹ ngủ ngon. Đã bãi trường, nên tuần lễ qua hầu như ngày nào hai mẹ con cũng về nhà lúc gần nửa đêm. Mùa hè và ngày lễ, cũng là ngày mãn tang người Cha ra đi đã ba năm. Mấy đứa cháu xa lâu không gặp, người chị sức khoẻ ngày thêm hao mòn. My tưởng mình như chưa bao giờ rời căn nhà nhỏ để từ lâu sống cuộc đời riêng mỗi khi có dịp xum họp với tất cả người thân.

Cơn mưa buổi sáng về vội rồi ngừng trước khi My đến nghĩa trang. Ngôi mộ Ba đầy những cháu những con cùng người mẹ già tóc bạc. Cỏ ướt sau cơn mưa vội. Ba năm qua nhanh trước khi My kịp đếm thời gian. Mười đứa con xa gần và gần ba mươi đứa cháu vây quanh ngôi mộ. Ba năm, đôi mắt khép bình yên của người đi là những sóng gió chập chùng khiến người ở lại nhiều lần cạn khô nước mắt. My thương Mẹ chứng kiến nhiều đỗ vỡ, chia ly của mấy đứa con. Những đứa cháu gần xa hiện diện hôm nay, có nhiều đứa trở về dẫu mẹ cha từ sau ngày Ba My mất chẻ qua hướng khác. Những khoảnh đất trống ngày My mới đến lần đầu nơi Ba yên giấc, sau ba năm như ấm, rộn ràng hơn. Hoa ngày được trồng thêm nhiều. Cỏ bớt đi héo úa vì mọi người thay nhau chăm sóc và thắp những nén nhang cho hết những người láng giềng có nơi yên nghỉ gần nhau. Mỗi khi đến thăm Ba ở nghĩa trang, My thường đốt nhang và quỳ lạy trước tôn tượng ngài Địa Tạng- là vị Bồ Tát có lời nguyện bao giờ điạ ngục vẫn còn người thọ cực hình, thì ngài nguyện vẫn không thành Phật. Riêng My, bao giờ My cũng nguyện cầu, không phải cho riêng Ba của My mà cho tất cả những người Mẹ và Cha, những người thân yêu của My và của tất cả mọi người đã quá vãng- dù ra đi cách nào thì tất cả đều được siêu thoát, đến một nơi thật sự có an vui miên viễn.

Mẹ và em gái đã trồng xuống những bụi vạn thọ, có cánh vàng rực rỡ trước mộ Ba. Mẹ ở xa nên nhiều lúc băn khoăn. Sợ hoa không lớn nổi vì thiếu nước và sợ Ba My nằm quạnh quẽ vì thưa người thăm viếng. Lần nào đi với Mẹ đến nghĩa trang, lúc ra về My cũng nghe Mẹ nói nhỏ câu này: Ông ơi, ông ở lại một mình nghe! Bây giờ tui với con về. Tuần sau tui trở lại thăm ông. Giọng nói Nam kỳ mộc mạc, My đã nghe quen mà sao lần nào cũng chùi nhanh giòng nước mắt sắp tràn ra. My luôn là điểm tựa khi Mẹ trở nên quá yếu mềm. My chỉ khóc một mình không cho Mẹ thấy mỗi khi thương và nhớ. Ba năm, đếm từng giờ trong hơn một ngàn ngày đã qua rồi. Buổi sáng Mẹ pha ly cà phê thật nhạt, chỉ chút đường, chút cream như thói quen Ba vẫn thích ngày xưa. Sáng nay ở nghĩa trang Mẹ thẩn thờ nói với My rằng, Ba đã qua kiếp khác thì cà phê đâu còn ai uống nữa. My cười buồn, nói Ba đi từ lâu chứ đâu phải đợi đến hết ba năm. My lại nghe câu hỏi tiếp như vẫn thường nghe hỏi từ sau ngày Ba mất. Ba về đâu, không biết khổ hay vui? My lúc nào cũng nói như ý nghĩ thật trong lòng. Ba chắc chắn về cõi lành, không còn sống trong cảnh khổ triền miên dài đăng đẵng vừa qua. My nhớ ngày Ba mất chị dâu My sắp sinh ra đời đứa cháu. Mỗi lúc My về nhà Mẹ tụng kinh cầu siêu cho Ba, thì chị cũng ra ngồi bên cạnh. Đôi khi Mẹ My buồn ra ngồi niệm Phật trước bàn thờ nghi ngút khói nhang. Chị dâu cũng lặng lẽ theo ra ngồi với Mẹ dù bụng lớn và tê mỏi thật nhiều. Khi đứa cháu ra đời, em gái My bồng bế nâng niu. Nói con giỏi lắm, đã biết nằm yên nghe bà nội niệm Phật ngày này qua ngày khác. Đã cùng mẹ con tụng kinh cho ông nội nữa, phải không? Rồi một lần em gái hỏi My rằng. Sao cháu mình dễ thương đến nổi đôi khi em thoáng nghĩ, có bao giờ Ba đã tái sinh? My biết Ba My không còn gì trói buộc để quay trở lại. Ba đã sống đời đáng sống, làm chuyện phải làm của một đời người, và xong trách nhiệm với người thân. Cho nên bao giờ My cũng thầm cầu nguyện cho Ba dù đến cỏi nào cũng có duyên gặp Phật, cho đến ngày qua bờ giải thoát, không còn trầm luân trong sinh tử. My nhớ lần My cùng Mẹ và em dự một ngày tu học của vị thầy đến từ nước Pháp. My được nghe giảng về những hiện tượng ngay sau khi trút hơi thở sau cùng. Những cảnh giới tái sinh được biết, qua những vùng ấm, lạnh nơi xác thân gởi lại lúc ra đi. My nhớ rõ nhưng không bận lòng lo nghĩ đến điều này, dù My có thể biết nơi nào còn ấm áp sau lúc Ba ra đi bởi ngay khi đó, có bàn tay của My và những người thân ve vuốt, tiễn đưa. Khi Mẹ hỏi con có biết nơi nào còn ấm. My lắc đầu nói con nghĩ không cần. Ba sống thiện lành sẽ về nơi rất đổi thiện lành. Mẹ cũng vậy, đừng hoang mang làm chi nữa lúc ra đi.

Trước khi rời nghĩa trang để đến chùa làm lễ xã tang. Đứa em trai nhỏ bảo người anh ngồi xuống và một nửa như quỳ ngay bên cạnh của em. Rồi em gọi Mẹ đến ngồi lên trên đùi của hai đứa con trai. Các anh chị còn lại cùng đứng phía sau, và đám cháu nội ngoại vây quanh để có những tấm hình giữ lại mai này. Mẹ chắc không có thời giờ để kịp nâng niu nỗi buồn thưong. Nhất là khi bên cạnh có những đứa con trai hiền của Mẹ. Em gái My đôi khi nói với My rằng, em thấy Mẹ dường như thương trai nhiều hơn gái. Thương đám cháu nội hơn cháu ngoại. My cười nói; phải, mà không phải. Con gái gặp hoài, gặp trước khi nghe nhớ trong lòng. Con gái nói ra không giữ lại điều gì. Con trai ít gặp và thường lặng lẽ, cho nên tình Mẹ dành cho con cũng lặng lẽ nhưng trìu mến ngập đầy, biểu lộ trong ánh mắt, trong vòng tay nâng niu dành cho cháu nội, vì ít có cơ hội gần gủi hơn lũ cháu ngoại vây quanh. Con gái xúm xít. Con gái huyên thuyên và con gái thỉnh thoảng còn như...ganh tỵ giống lúc này! Mẹ an tâm lắm và vì gần gủi quá nên không bận lòng mong nhớ.

Rời nghĩa trang cả nhà đến ngôi chùa có gởi thờ di ảnh của Ba My. Nắng tháng năm nóng bỏmg. Chùa năm nay đẹp hơn năm rồi nhờ những hoa và cây kiểng điểm trang thêm. Dù mê chụp hình, nhất là khi có anh chị ở xa về, nhưng mấy chị em chỉ bấm vội vài tấm hình cùng đám cháu đã lâu chưa gặp rồi vô chùa chờ tới giờ làm lễ. Điều làm My mừng thầm là những đứa cháu trở về trong gia đình gẫy đỗ, chừng như khôn lớn, trưởng thành nhanh. Là những cô thiếu nữ dễ thương. Là những chàng trai trẻ cao lớn, hoạt bát, yêu đời và vô cùng gần gũi, ân cần. Lũ cháu hồn nhiên đứng cạnh choàng tay ôm những người cô, chừng như nhỏ lại, bé bỏng bên cạnh đám thanh niên cao lớn chẳng thua dân bản xứ. Một đàn cháu con và Mẹ, đã quấn lên trên tóc vành khăn tang trắng năm nào. Cho đến khi thầy tụng kinh và làm lễ mãn tang xong, những chiếc khăn tang được mở ra để lại chùa thầy sẽ thiêu sau đó. Mẹ vẫn còn khóc thổn thức, mỗi khi tới ngồi tụng kinh cạnh bên di ảnh của Ba.

My đưa mắt nhìn quanh tất cả khuôn mặt thân yêu của người thân. Thương lắm con và cháu không hiểu gì lời kinh Phật nhưng vẫn ngồi ngoan hằng giờ với vành tang trắng. Đứa cháu trai mang trong người hai giòng máu, và người anh rễ mắt màu xanh lơ cũng quỳ lạy nhịp nhàng cùng chị cạnh bên. My có lần thảng thốt vô cùng, bởi câu hỏi bất chợt của con trai nhỏ. Mẹ ơi trong "gia đình ngoại", rồi ai sẽ là người kế tiếp ra đi? Con biết rồi, không phải người nào già nhất thì mới chết. Nói với con chuyện ngày mai làm sao biết được. Mình còn có nhau ngày nào thì chỉ nên vui ngày đó, thôi con. Ngày đưa Ba My tới nghĩa trang, con trai lúc ấy gần 7 tuổi. My như còn nhìn thấy hình ảnh đứa con trai nhỏ đứng thẩn thờ bên huyệt thật lâu. Con trai My và đứa em gái cousin nhỏ hơn chút xíu, đã không ngừng chuyền nhau những bông hoa, đứng lặng yên thả xuống lòng huyệt cho tới khi đất được lấp lại, vun cao. Những vòng hoa tang bắt đầu héo dần bởi nắng hè, đuợc phủ đầy lên trên mộ. Đêm đó con trai My nằm thao thức, khẽ hỏi My. Mẹ ơi, con nghĩ tới ông ngoại nằm đó, đất lấp đầy tăm tối quá phải không? My vuốt tóc con bảo hãy ngủ ngoan. Ông ngoại cũng đang yên ngủ đời đời giấc ngủ an lành. Dù bóng tối hay ánh sáng ông ngoại vẫn ngủ ngon, con ạ. Mẹ ơi, có phải ai già rồi cũng chết hay không? Không hẳn vậy vì con đã biết, đã nhìn thấy và đã có nghe tin tức về chiến tranh, về tai nạn, về những người chết bệnh và thiên tai. Trong đó có em bé, có người trẻ, có người già...Con nhớ rồi. Vì mẹ có nói với con có nhiều đứa trẻ lớn lên không có mẹ hoặc cha. Có khi không bao giờ biết mặt mẹ cha mình nữa. Con không biết rồi con sẽ sống làm sao nếu như không còn mẹ nữa, mẹ ơi!

My thẫn thờ sau câu hỏi ngây thơ của con trai. Sinh, lão, bệnh, tử là con đường ai cũng sẽ phải qua. Nhưng vẫn có nhiều người bỏ cuộc giữa chừng, để lại biết bao nhiêu nỗi tiếc thương. Đời có ngắn, có dài. Duyên đã tận thì xuôi tay nhắm mắt ra đi. Biết thế mà sao mỗi khi nghĩ về ngưòi chị phương xa, lòng My se lại trước nỗi đau của người chị chưa gìa trong những ngày tháng sau này. Mỗi năm chị về thăm gia đình một tuần. Luôn có anh và thỉnh thoảng có các con. Hai đứa con trai rất hiền ngoan. Không nói mà ai cũng cảm nhận được ánh mắt đằm thắm yêu thương, nhẫn nại và cảm thông khiến cho đám anh em cousins dù ít gần nhưng quyến luyến, mến thương tựa như cùng sống một nhà dù cơ hội gặp nhau rất hiếm hoi. Hai đứa cháu trai con của chị, có lẽ thừa hưởng tính thâm trầm, từ tốn bao dung của người cha, và tính nhạy cảm, mộc mạc chan hòa tình thương mến dành cho những người thân thiết trong đời của mẹ. Mấy cha con người anh rễ, lúc nào cũng như chiếc bóng, lặng lẽ đi theo chị ở phía sau. Sẵn sàng giang rộng đôi tay bảo bọc. Dù không nói ra bằng lời nhưng ai cũng nhận ra, trong bầy con gái 5 đứa chị là người như "thâu gom" hết hạnh phúc lứa đôi của những đứa em.

Mẹ sinh 3 đứa con trai rồi sinh chị. Sau chị thêm 2 trai nữa rồi mới tới phần My. Chị là "công chúa” vì một mình là con gái với 5 đứa con trai vây quanh rất nhiều năm. Chị được người anh kế lớn hơn 2 tuổi, nâng niu làm hết chuyện của đứa con gái trong nhà, dù khi ấy chị đã dần qua thời thơ ấu. Mẹ nói nuôi chị khó, được người cậu nhỏ âu yếm gọi bằng hai tiếng mèo con. Mỗi khi cậu đi đâu về, thường cất tiếng gọi chị bằng tiếng kêu meo meo quen thuộc. Càng đưọc thương yêu, cưng chiều hết mực thì chị càng như mong manh, dễ vỡ trong những tháng năm của tuổi thơ. Mẹ nhiều lần tuyệt vọng, vì ngỡ không giữ được đứa con gái yếu, bệnh triền miên từ lúc chào đời. Có lẽ phải đợi đến khi My góp mặt, rồi tiếp theo là một dọc con gái nữa, chị mới bắt đầu lớn nhanh và "dễ nuôi" hơn, vì đã mất dần ngôi vị công chúa bên cạnh đám em gái nhỏ . Mẹ kể thuở nhà còn xài nước giếng. Trong nhà có một cái giếng sâu mười mấy thước và nước được lấy lên bằng cái thùng cột sợi dây thừng, quấn quanh trục gỗ tròn. Người anh lớn hơn chị 2 tuổi mỗi buổi sáng sớm thường lấy nước từ giếng lên trước lúc đến trường. Khi anh quay xong những vòng quay cuối và thùng nước đang lơ lửng gần miệng giếng. Anh gọi đứa em gái đang quẩn quanh chờ cùng anh rão bước tới trường, tới bên giúp anh kéo thùng nước đầy vào bờ giếng trong khi anh trở ngược vòng quay. Chị của My chồm người cố kéo thùng nước nặng vào. Thùng nước đã không ghé nằm yên trên bờ giếng mà kéo ngược chị cùng rơi nhanh xuống giếng sâu. Sức nặng của thùng nước và của đứa em gái nữa, anh My đành buông tay vì không giữ nổi trục quay. Anh kêu tên đứa bạn học chung ở nhà ngay bên cạnh, sang giúp anh "vớt" em gái vừa rơi xuống giếng lên. Chị kể lại dù bị thùng nước kéo theo rơi nhanh rước khi nhận biết, trong vô thức hai tay chị vẫn nắm chặt chiếc quai thùng bằng gỗ. Chị nghe đôi chân khẽ chạm vào đáy giếng, rồi sau đó bỗng nổi lên mặt nước trong lòng giếng hẹp và sâu. Anh My mừng rỡ nhận ra mái tóc đen trồi lên mặt nước, giục đứa bạn thân ráng sức quay nhanh thùng nước có đứa em gái thương yêu đang cố bám chặt tay như bám vào sinh mệnh mong manh. Chị sau cơn chết đi, sống lại vẫn ngây thơ nghe lời anh vào thay quần áo vội vàng để kịp dến trường. Mẹ My đi chợ về ngang đầu dốc. Nghe người láng giềng báo tin con gái vừa rơi xuống giếng sâu. Mẹ hoảng hồn quăng giỏ và bỏ luôn đôi guốc thấp, chạy vào nhà ngơ ngác kiếm tìm. Người hàng xóm trấn an, con bé bình yên. Như có phép lạ, nó rơi xuống đáy giếng rồi nổi lên và được hai thằng anh quay lên cùng thùng nước mà nó cố bám chặt quai từ lúc bị kéo theo rơi xuống đáy. Mẹ mếu máo chùi nhanh nước mắt. Bước thấp, bước cao vừa đi, vừa chạy tới trường. Mẹ xin thầy cho mẹ đón chị về, vì con gái vừa chết đi sống lại nên cần nghỉ ngơi cho tỉnh táo. Chị theo Mẹ về mà không hiểu tại sao mình nghỉ học. Để hôm sau vào trường bị bạn trêu đùa là dám cả gan thám hiểm giếng sâu. Chị về nhà trách Mẹ, nói làm chi để ở trường ai cũng biết.

Khi chị bắt đầu trở thành thiếu nữ, cũng là lúc người anh thêm bận rộn lo bảo vệ đứa em gái tha thướt, mượt mà làm thổn thức nhiều trái tim non của đám con trai. Anh dù hiền lành rất mực, nhưng đã biết chận đường vài đứa con trai mon men theo em gái lúc tan trường. Tới lúc này ba Mẹ My dù bận rộn tối tăm với đàn con 10 đứa , cũng bắt đầu lo lắng khi thấy đứa con gái lớn thật lòng mà nói không hẳn là xinh đẹp, mà sao ong bướm cứ vây quanh. My nhớ Ba My khó lắm. Biết chị có giọng hát hay nên vẫn cấm đóan thật là nghiêm nhặt. Mỗi lần chị sang chơi nhà người bạn gái học chung, ba về nhà hỏi và bảo My sang gọi chị về liền. Bạn của chị có anh trai là bạn của anh My. Anh mê đàn và có đám em mê hát. Nhưng điều mọi người mê hơn hết vẫn là giọng hát của chị My. Khi sang gọi chị về, luôn luôn My không nói vội, mà thủng thẳng chờ nghe một hai bài hát rồi mới báo tin Ba muốn chị về ngay. Ba My sợ chị mê ca hát, rồi vướng nghiệp cầm ca. Thỉnh thoảng khi ngôi trường Trung học tổ chức ngày lễ lớn, Ba chỉ bằng lòng cho chị tham gia hát khi có giáo sư đích thân tới nhà xin phép. Qua những lần tham gia văn nghệ trong trường, tiếng hát chị như lan xa trong vòm trời tỉnh nhỏ. Nỗi lo của Ba My cũng lớn dần theo những lần tiếp vài người khách không mời mà đến. Đó là những chức sắc ở tiểu khu, ở văn phòng hành chánh tỉnh, tìm tới xin phép cho chị tham gia hát giúp vui trong những ngày lễ lớn hoặc đón tiếp những người khách đặc biệt của tỉnh nhà. My nhớ bất cứ lần nào chị đi hát, My cũng được dắt đi theo. Đó là ý của Ba My. My nghiễm nhiên trở thành người vệ sĩ tí hon đi theo ngầm bảo vệ người chị lớn . Có lẽ suốt đời Ba My vẫn không có dịp nào nghe con gái hát, cho nên Ba đâu làm sao biết bởi càng cố sức giam giữ tiếng hát này thì càng ngày tiếng ca của chị càng vuợt ra xa. Chị bí mật nói cho My biết, là mỗi buổi sáng trên đường đi đến trường chị đã ghé ty Thông tin xã hội hát một bài cho khắp tỉnh cùng nghe. Ai cũng biết chỉ là Ba My không biết. Nhưng không vì vậy mà chị đi vào nghiệp cầm ca. My nhớ ngoài những chiếc áo dài trắng mặc thường ngày đi học, mẹ chỉ may thêm cho chị chiếc áo màu xanh da trời để mặc khi không phải là đi hát cho trường. Chị 17 thì My 10 tuổi, là đứa bé gái luôn luôn ngồi ở hàng ghế đầu, để chị vừa hát mà ánh mắt vừa dừng lại chỗ My ngồi. Không biết là My đi theo trông chừng chị, hay là chị bận bịu trông chừng đứa em nhỏ lúc nào cũng ngồi trơ trọi một mình giữa đám đông rất đổi lạ xa. Có lẽ vì vậy mà một đôi lần tan học, trên đường về nhà My và đứa bạn học ngẩn ngơ, bởi có người đón đường tặng quà cho con bé. My bối rối không dám nhận, cho đến khi nghe dặn dò, bé cầm mang về cho chị. Chỉ cần nói tên anh thì chị biết là ai. Khi hát trong những buổi văn nghệ do tiểu khu tổ chức, chị thường hát song ca toàn nhạc lính với một anh mặc bộ đồ lính trận rằn ri. Giọng hát chị ngọt ngào làm rung động nhiều người. Tà áo màu xanh đứng nép bên người lính đã làm nhiều con tim thổn thức. Mẹ gian nan thêm vì chị, bởi ngoài đám hoc trò lẻo đẽo theo sau giờ tan học, bây giờ còn có những người lính gắn hoa mai trên cổ áo lui tới nhà My. Ba bực dọc, mẹ thì lau nước mắt. Chị cũng khóc hoài nói tại người ta theo con chứ con có làm gì đâu! My nghe tiếng người anh trai là em kế chị cằn nhằn. Mặt mày trông "sáng sủa" mà sao ngốc nghếch. Ai bảo chị nói chuyện với đám đàn ông con trai bằng cái giọng ngọt ngào. Không biết tạo khỏang cách , với ai cũng anh và em hết! Tiếng khóc của chị nấc lên thêm cùng với tủi hờn. Phải nhiều năm sau đó My mới hiểu lời anh My nói. Bởi My cũng đâu có khác chị ngày xưa. Chỉ khác là thời thiếu nữ của My không có cảnh trời sầu đất thảm trong nhà. Bởi My xấu xí ra nên đường không ai săn đón. Dường như thật uổng công Ba My đã thầm lo, My rồi đi con đường cũ của chị My. Chị duyên dáng, ngọt ngào và rất đổi chân thành. Có lẽ vì lớn lên bên cạnh những người anh mà ai cũng nâng niu đứa em gái yếu ớt mong manh, cho nên chị không có cách xưng hô nào khác với những người dù lạ hay thân trạc tuổi các anh. Khi gọi ai bằng anh thì chỉ biết xưng em. Không bao giờ xưng tên với bất cứ ai và tiếng xưng tôi thì cho đến ngày này, 5 chị em gái của My dường như không bao giờ dùng tới, khi xưng hô với bất cứ ai. My và mấy đứa em sau đã phải khổ công tập luyện, để biết xưng tên với bạn học chung và với những người còn có khoảng cách trong giao tiếp.

Mặc cho ba mẹ và anh My bảo vệ, giữ gìn, chị ngày càng như bước đi những bước thênh thang. Mùa hè năm đó khi học xong lớp đệ tam, chị bỗng dưng không chịu ở nhà phụ mẹ chăm sóc đám em thơ. Chị nhất định xin vào làm thư ký ở trại Lực lượng đặc biệt của lính Biệt kích do người Mỹ chỉ huy. Ba dĩ nhiên ngăn cấm. Chị vừa khóc vừa van nài bảo rằng con chỉ muốn ra ngoài đi làm dịp hè để luyện thêm tính tự lập thôi. Ba My vốn giòng tự lập, cho nên đã xuôi tai sau nhiều đêm nằm gát tay lên trán thở dài. Hết mùa hè chị trở lại trường, nhưng không chú tâm vào chuyện học, dù là năm thi tú tài phần 1. Chị vừa học ở trường vừa học thêm đánh máy và Anh ngữ ở trường tư, vì sinh ngữ chính chị chọn trước giờ là Pháp văn chứ không phải Anh văn. Chưa tới kỳ thi, chị ngang nhiên bỏ học. Ba buồn rầu tuyệt vọng buông xuôi, bởi chị như không còn sợ chi đến hình phạt thật nghiêm vẫn thường được ba My áp dụng với lũ con . Chị đi làm, mặc những chiếc áo dài tha thướt, dịu dàng. Ngày hai buổi có xe zeep đưa đón nhân viên dừng lại trước sân nhà, do một người lính biệt kích trong trại lái. Hai tiếng nghỉ trưa đều đặn mỗi ngày chị có mặt ở nhà. Ba My có vẽ an tâm dù vẫn thở dài buồn bã mỗi khi nghe những lời mai mỉa xa gần, bởi con gái bỏ học đi làm trong trại lính.

Khi My bắt đầu học năm đầu trường trung Học, thỉnh thoảng nghỉ vì thầy cô vắng mặt bất ngờ, My được chị cho phép dắt đám bạn học chung, đi bộ lang thang đến chỗ chị làm, vì khoảng cách từ trường của My tới đó chẳng bao xa. Ở đây, đám học trò nhóc tì của My có cơ hội ấp úng lo tìm chữ để trả lời vài câu tiếng Anh giản dị, từ một vài người xếp của chị My. Cả bầy con gái nhỏ được tặng cho nhiều viết và những cuốn tập vở mà dù giấy trắng tinh cũng chỉ để dành chơi vì không giống vở học trò. Trong khi người anh học trên My bốn lớp như chợt thêm nhiều bứt rứt, buồn phiền. My chỉ hiểu điều này sau khi chị của My rời miền tỉnh nhỏ, rời quê hương để đi một chuyến thật xa. Anh nhìn My hỏi giọng buồn buồn. Hỏi mà không đợi câu trả lời của đứa em gái nhỏ. Chị đi rồi. Chỉ có hai anh em mình ở lại trường, lâu lâu nghe những tiếng lao xao buồn quá phải không My? Ngày đó My còn ngây thơ quá, khi hiểu thêm thì cũng quên hỏi lại anh , có phải vì mặc cảm mà anh bỏ trường, bỏ bạn bè và cả gia đình làm chuyến phiêu lưu ra tận miền Trung sau khi thi đậu tú tài phần một. Chị vẫn đi làm ngày hai buổi. Những ngày rằm, mùng một chị thuờng nghe lời ba nắm tay dắt My đi vô ngôi chùa ở gần nhà. Có khi là buổi trưa, có khi là buổi tụng kinh đêm nếu như trưa đó chị bận không đi được. Chị còn trẻ mà đến chùa đều đặn, thỉnh thoảng còn tham gia đêm lửa trại, hát những bài đạo ca dù chị không tham gia sinh hoạt trong gia đình Phật tử. My nhớ các vị sư già dường như quý mến chị nhiều, lần nào chị vào chùa quý sư cũng ân cần nhắc nhỡ chị ráng sống theo lời Phật dạy để được nhiều an vui cho mình và cho cả những ngưòi thân. My cũng bắt chước chị ngồi xếp bằng một lúc, lấy cho riêng My một quyển kinh. My đọc, tụng theo một đọan, rồi ngồi ngáp dài cho tới lúc không gượng nổi, bèn nằm gối đầu lên trên đùi chị ngủ ngon lành. Dù ở nhà hay ở chùa, suốt thời thơ ấu dường như My thường đi vào giấc ngủ bằng lời kinh tụng êm đềm mà My quen nghe như nghe những lời ru. Đêm trăng tỉnh nhỏ, ánh sáng dịu dàng tỏa nhẹ khắp trời. Thỉnh thoảng vài cơn gió nghe xào xạc, lẫn trong những bước chân rất chậm của hai chị em My giữa trời đêm. Cho đến sau này My mới hiểu, chị lui tới của chùa chỉ vì ba My muốn, vậy thôi. Cuộc đời dường như đang chào đón và tràn đầy hứa hẹn, với cô thiếu nữ hồn nhiên nhưng dám nghĩ, dám làm theo tiếng nói của con tim. My nghĩ đó chính là những nhát cuốc đầu tiên, xới lên mảnh đất tâm chưa kịp gieo trồng . Phải đợi mấy chục năm sau đó chị mới thơ thẩn đi tìm trở lại đoạn đường bỏ dở.

Mỗi tháng hai lần, chị mặc bộ đồ lính biệt kích, được cắt sửa lại thật khéo, ai bắt gặp hình ảnh này cũng gởi ánh nhìn. Chị đi trực thăng tới những tiền đồn heo hút ven tỉnh lỵ phát lương cho lính- đa số là những người lính biệt kích Thượng, được quân đội Mỹ trả lương. Thỉnh thoảng chị làm không kịp sổ lương, đem về nhà làm thêm buổi tối. My là đứa lúc nào cũng quẩn quanh bên chị, được chị kêu phụ check lại để hai chị em đỡ thức khuya hơn, vì khi chị còn thức là My không bao giờ đi ngủ trước. Dáng chị mặc áo dài thật đẹp, mà sao My vẫn ưa nhìn chị mặc bồ đồ lính rằn ri. Có lẽ ngày đó My chưa biết khám phá ra vẻ hiên ngang và oai hùng của những người lính trận, cho nên khi ngắm nhìn “người lính tóc dài” My thấy dễ thương và xinh đẹp làm sao. Có môt bữa vào ngày rằm trong tháng, cũng là ngày chị đi phát lương ở tiền đồn trong buổi sáng. Trước khi rời nhà đi làm, ba dặn dò chị giờ nghỉ buổi trưa nhớ tới chùa lễ Phật thay ba. Buổi trưa đó ba tự dưng rỗi rãnh ghé qua nhà, vừa lúc chị cũng từ ngôi chùa về lại. Ba My nổi trận lôi đình, khi thấy chị mặc bộ đồ lính đi lễ Phật. My nhìn chị khóc như mưa mà xa xót. Tự dưng có cảm nghĩ ba không thương con gái nhiều như đám con trai. Khi đủ trí khôn rồi My mới hiểu, chỉ vì thuở đó ba không sống cho chính mình, cho người thân và hạnh phúc riêng. Ba bị tiếng đời dị nghị, dèm pha làm tan nát thân tâm, dễ nóng giận thành ra quá đáng, làm khổ chính ba và khổ cả người thân. Ngày mà ba mẹ My lo sợ rồi không tránh khỏi. My đã được chị nói cho nghe quyết định lấy chồng- là người sĩ quan cố vấn có khuôn mặt hiền, dễ mến trong trại lính, My có gặp vài lần khi đến chỗ chị làm. My chưa đủ trí khôn để hiểu, vì đâu chị chọn con đường nhiều gai góc để đi. Bão tố sẽ nổi lên trong căn nhà nhỏ, Mẹ khóc nhiều rồi sao chị đành lòng. Ba My đời nào chấp nhận cho chị lấy người chồng khác chủng tộc màu da, đến từ nơi nào xa lắc không biết đâu nguồn cội. Chưa kể còn bao nhiêu thứ khác, làm khốn khổ cả nhà như “danh dự gia đình”, vì chắc chắn từ một cô bé học trò nề nếp, hiền ngoan trong một sớm một chiều chị bị mọi người coi thường, khinh rẽ. Cha một đời khổ nhọc, không màng chi đến bản thân, chỉ mong nuôi con ăn học, để bớt khổ như cha và một phần nào hữu dụng cho đời. My nghĩ không ra chuyện đời thuở ấy. Cũng là ba mẹ của My không là ai khác, chỉ vì chị My lấy ngưòi chồng khác chủng tộc, mà từ tiếng lành đồn xa hai đấng sinh thành một sớm một chiều trở thành nạn nhân của tiếng thị phi đâu đó sau lưng. Phải lớn hơn My mới hiểu. Ba mẹ My không thay đổi trong cách sống, chỉ có ý nghĩ và sự tưởng tượng thêu dệt của người đời mới đổi thay nhanh. Làm sao có đám cưới, có theo chồng như những người con gái bình thường. Chị gan lì lau nước mắt âm thầm từ biệt mẹ sau khi nghe câu chối từ quyết liệt của ba. Thêm một giọt nước làm tràn ly nưóc đã ngập đầy. My buồn đến thẩn thờ khi chị ra đi. Chợt khám phá ra từ trước đến giờ My dưòng như không gần với đám em nhỏ của My, dù vẫn phụ mẹ chăm sóc bế bồng, hát ru em ngủ. Những ngày mẹ có việc đi xa không về kịp, My phải giăng chiếc võng trong mùng vừa ngủ vừa ru đứa em gái nhỏ, nằm gối đầu trên cánh tay tê mỏi của My. Em thèm hơi mẹ, trở mình khóc gần như suốt cả đêm. Chỉ ngủ những giấc ngắn khi được My ôm em trong tay cùng nhịp võng đong đưa, đệm theo những lời ru mà My nghe hoài đã thuộc từ nơi mẹ. Lớn hơn một chút, chị và My cho em cùng ngủ chung trên bộ đi văng. Em nằm giữa cho an toàn, không lo bị muỗi cắn vì nằm sát mép mùng như chị với My thường bị. Vậy mà chẳng hiểu sao nửa đêm thức giấc, My đưa tay quơ tìm cạnh bên không thấy em đâu. Em đã bị hai người chị không biết bằng cách nào làm cho rơi xuống nền gạch “an toàn”. Em vẫn còn nằm bên trong mùng và ngủ say sưa, dù cánh tay bụ sửa đã bị vài con muỗi đói mon men hút máu. Mẹ nghe chuyện, xa xót cho em và chỉ biết cười trừ. Mẹ biết chị em My - nhất là My chịu cực sớm vì có nhiều em nhỏ. Có một câu mẹ nói đùa mà My còn nhớ tới ngày nay “con gái gì xấu nết ngủ, mai mốt dám đạp chồng văng xuống đất mỗi đêm”! Có một mùa hè hai chị em được giao “công tác lớn”, vừa thú vị cũng vừa mang trách nhiệm nặng nề. Đó là đi nghỉ hè ở quận lỵ Lộc Ninh, đem theo đứa em nhỏ để cho em cai sữa. Mẹ không cho em dứt sữa vì chú nhóc khóc dai, lạì vật vã bỏ ăn, bỏ ngủ khiến mẹ đầu hàng dù đã thử mấy lần. Lộc Ninh cách tỉnh nhỏ của My dường như 20 mấy cây số. Là một quận lỵ nhỏ và buồn. Nhà người dì là chị bà con của mẹ, có vườn trái cây êm ả bao quanh. Ổi, mận, chôm chôm, sầu riêng chỉ hấp dẫn hai chị em My mấy ngày đầu. Những ngày kế tiếp chợt dài lê thê, ảm đạm vì đứa em trai nhớ bầu vú mẹ khóc dai dẵng từng cơn khiến hai chị em khốn đốn ngày đêm. Bên cạnh đó người dì bà con lúc nào cũng ân cần, ngoài chuyện cho chị em My thưởng thức trái cây vườn nhà đến lúc chán chê, dì và người chị con dì trạc tuổi chị. My hầu như ngày nào cũng làm bánh, nấu chè hay những món ăn khoái khẩu để đãi hai người khách đến nghỉ hè vô cùng đăc biệt! Sau gần 10 ngày nương náu ở nhà dì, đứa em trai bắt đầu nhường tiết mục thường trực của em là khóc đủ kiểu, đủ giọng lại bớt cho lũ ve sầu mùa hạ. Giọng hát ru em của My và chị thay nhau trên chiếc võng đong đưa, được đệm theo bản hòa tấu của giàn nhạc công hùng hậu, là những chú ve trong khu vườn mùa hạ êm đềm. Vừa vui chơi, vừa thi hành bổn phận mẹ giao, đó là mùa hè My vẫn nhớ hoài dù ngày ấy My đâu đã lớn bằng ai! Hai chị em an tâm bồng em nhỏ trở về, những tưởng “đại công cáo thành” nhưng hoàn toàn không phải vậy! Vừa thấy dáng mẹ từ xa em trai nhào đến, vừa khóc nỉ non vừa tự động vạch áo tìm bầu sữa mẹ như bị đói khát đã lâu. Mặc thuốc đỏ, mặc dầu nóng, dầu khuynh diệp, dầu cù là và cả ớt xát lên, chú nhóc khóc nhè còn hơn con gái vẫn lao vào vòng tay mẹ không kể chi chướng ngại. Chuyện này mấy mươi năm sau được kể, không thiếu chi tiết nhỏ nào cho vợ chú nghe. Em trai My chống chế yếu xìu. Ai bảo ở VN không có Disney World. Con trai em chỉ dắt đi tới đó 3 ngày là dứt sữa tức thì!

My quẩn quanh theo chị, dường như chỉ biết có chị thôi dù vẫn phụ mẹ chăm lo cho lũ em thơ. Điều này dường như cho thấy, ngay từ khi còn bé, My đã có khuynh hướng ưa gần gủi người lớn tuổi hơn nhiều. Chắc vì vậy mà My già trước tuổi, nhiều người cứ hỏi người anh trai kế với My, ai lớn hơn ai? My nghe hoài đã quen, lại thêm không có bệnh “sợ già”, cho nên trả lời My lớn hơn anh! Bao năm đeo riết bên chị hơn là chơi chung với lũ em thơ, để rồi My chới với, cảm nghe nổi mất mát chừng như làm tê dại cỏi lòng. Có nhiều đêm My khóc vì nhớ chị, mà chị như chim xoãi cánh bay trong trời rộng, chắc gì chị nhớ và hiểu được nổi buồn của My, của mẹ lúc chia xa. Chị đi rồi, gia tài để lại là cuốn vỡ chép lại những bài thơ của nhiều thi sĩ thành danh. Nét chữ của chị đều , nhỏ nhắn ,không một nét nào lệch lạc từ đầu đến cuối, đẹp và tươm tất như từ máy in ra. My nghĩ là biểu lộ cho cá tính ngăn nắp, kỹ lưỡng và khéo tay chị vốn có từ lâu. Nghĩ cũng lạ, dù vui, dù buồn dù thảnh thơi hay vội vã, nếu đem hết những lá thư chị viết trong thời gian mấy mươi năm, sẽ không tìm được một nét chữ nào hơi khác. Chị cũng mê văn chương và viết truyện ngắn đôi khi. Có truyện đang báo ở trường, có truyện còn giữ lại. My chịu thua khi khám phá ra rằng, My không có khả năng để tưởng tượng để tạo ra câu chuyện hư cấu như trong tiểu thuyết. Câu chuyện làm My cảm động, chị viết về những đứa trẻ mồ côi trong Viện dục anh. Mê thơ, ưa ca hát, viết văn…là chị của thời thiếu nữ mộng mơ thuở đó Nổi buồn của My, của mẹ nguôi dần, để rồi như không còn chỗ để hiện diện chẳng bao lâu sau lúc chị ra đi. Chiến tranh như cơn sóng thần cuồng nộ kéo về, tiêu hủy không để lại dấu vết sản nghiệp ba mẹ khổ công gầy dựng suốt bao năm. Lúc này tất cả gia đình mơi nhận ra rằng, còn sống sót bình yên là may mắn, so với biết bao máu xương đỗ xuống trở thành phân bón cho mảnh đất tan hoang thành bình địa trong bom đạn ngút trời. Sự chọn lựa của chị ngày đó, là nhịp cầu nối sau này cho ba mẹ và đám chị em My có mặt ở đây.

(còn tiếp)
quỳnh my

Comments

Anonymous said…
Trong khoảng không gian xa tít... những vui, những buồn sao lại thật gần!

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê