Còn mãi tháng Tư





  
Tháng Tư, mây xám giăng giăng. Trời buồn đất cũng buồn theo. Cơn mưa dài  cho nước dâng cao, tạo thành từng giòng sông chợt đến mang theo hoạn nạn, tai ương quanh thành phố. Mưa dừng, cho lòng đường chìm sâu dưới nước hồi sinh. Nắng nhẹ lên hòa cùng tiếng chim, nghe như rời rã sau mấy ngày mưa gió thật nhiều. Em nằm trên chiếc võng, gần những bụi hoa hồng cạnh hàng rào. Khoảng không gian an lành, lẽ ra là hạnh phúc có sẵn bây giờ. Hạnh phúc có sẵn cho người bằng lòng với những gì mình đang có. Nhưng sao không cảm nhận mình hạnh phúc. Anh trầm tư, em trầm tư ....Hai đứa nhìn cùng chiều mà thành hai hướng. Mỗi người dường như đang bơi trên giòng nước ngược. Giòng nước gập ghềnh từ dạo tháng Tư xưa.

Năm anh hai mươi, em chưa tròn mười tám…Chợt nhớ, chưa bao giờ em hỏi, ngày ra đi anh có bỏ lại sau lưng bóng hình ai? Có một điều em biết rõ, anh mang theo quê hương và người mẹ một đời tần tảo vì con- đàn con sớm mất cha. Những tháng năm ở đó, anh chưa từng kể em nghe đời sinh viên có gì vui. Trong mớ ký ức còn đọng lại bây giờ, là âm vang lời kinh đêm mẹ tụng. Là hình ảnh những người bạn khoác áo trận đi vào binh lửa, cho anh an lành ở lại giảng đường. Bạn anh là những người trai mất trọn gia đình để mỗi lần về phép ghé tìm, lúc chia tay không hẹn lần sau. Bạn anh, có phải là ‘người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này’. Hay bạn anh là nấm mồ mất dấu nơi núi rừng đất Bắc, qua những năm tháng tù đày bởi những người anh em không có tình người sau lúc chiến tranh tàn.

Bắt gặp bảng tên đường tiếng Việt ở đây, anh bùi ngùi nhớ bạn. Những đứa bạn làm trai thời loạn giờ biệt tăm nơi đâu? Hàng triệu trái tim người xa xứ mãi ghi ơn Chiến Sĩ Vô Danh. Thành phố Houston bây giờ, có thêm nhiều để kể cùng người bản xứ, để nói về con đường mang tên những anh hùng dân tộc, đã tuẫn tiết khi không giữ được tự do, no ấm cho miền Nam yêu dấu. Có từng giọt nước mắt rơi nhanh trên má, trong niềm kính ngưỡng chân thành từ những đôi mắt màu xanh lẫn màu nâu khi nghe, biết, hiểu thêm về đất Việt, về con người của chính thể VNCH mà xưa kia họ từng quay lưng vì ngộ nhận. 

 Image result for Hinh anh ngay 30-4-1975

Hiểu thì đã muộn. Có cách gì quay ngược thời gian. Để không riêng gì họ mà cả những người thờ ơ khi vận nước điêu linh, có cơ hội làm điều tốt đẹp. Người nằm xuống cho lý tưởng tự do không nuốt hận ra đi. Để lòng biển rộng không là mồ chôn lạnh lẽo, của những oan hồn chết thảm năm xưa khi đi tìm hai chữ tự do. Để người con gái Việt Nam không  trở thành những món hàng, đem rao bán đời con gái cho kẻ lạ trong rủi nhiều may ít, hơn là lây lất sống trong tối tăm vô vọng trên chính quê hương mình.

Em tự hỏi nỗi đau mất nước, sống đời lưu vong của hơn 40 năm về trước, có lớn bằng nỗi đau của hôm nay? Xưa ra đi nghĩ không bao giờ trở lại, lòng quặn đau như vừa đánh mất bảo vật trân quý, có bên mình từ khi mới chào đời. Bảo vật đó được kết bằng muôn vàn màu sắc của mấy chục triệu người cùng hít thở bầu không khí tự do, được hấp thụ nền giáo dục đầy nhân bản, nên nẩy sinh anh hùng bên cạnh nhiều người có đức lẫn tài. Họ đã cống hiến cho đời những gì đẹp nhất, bên cạnh cuộc chiến vô cùng khốc liệt gây ra bởi những kẻ điên cuồng vì tham vọng, cho nên cõng rắn cắn gà nhà. Xa quá rồi, mất thật rồi em mới nhận ra, những anh hùng nhân sĩ thật nhiều ngày đó. Họ ngẩng mặt sống đời đáng sống, không hỗ thẹn với tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước tự ngàn năm dù sức yếu, thế cô. Đuổi giặc ngoại xâm mở mang bờ cỏi, để có miền Nam sung túc vững vàng. Đứng thẳng tự hào, bỏ lại phía sau những nước láng giềng chậm phát triển chung quanh.

Hơn 40 năm, đường về bây giờ thênh thang mở rộng, mà sao đôi chân còn mãi ngập ngừng. Lòng không yên khi từng sớm mai nhìn về chốn cũ mà đau. Không dám nghĩ quê hương mình là đó. Nơi có những kẻ quỳ rạp mình cho giặc vào dày xéo từng ngày. Dâng nạp không đắn đo giang sơn gấm vóc của cha ông để lại. Rước giặc vào nhà đầu độc dân mình, cùng quay lưng trước nỗi đau đồng loại…

  
Nhắm mắt, cho em về chốn cũ
nhịp guốc khua áo trắng nhẹ bay
cùng nắng gió hồn nhiên tuổi ngọc
không biết phân chia thù, bạn hai miền

những bà mẹ một đời chân chất
quang gánh trên vai tần tảo nuôi con
trong vất vả nhọc nhằn khuya sớm
mãi dạy con trong sạch hiền lương

đồng lúa chín vang câu hò mùa gặt
từ bùn non mọc những búp sen
bầy thiếu nữ hiền hòa như lúa
trao cho đời từng hạt ngọc tinh khôi

tìm đâu thấy hiền ngoan mùa phượng cũ
dõi mắt nhìn về, bóng tối phũ đầy
chiều nay hẳn có nhiều người xa xứ
mắt mờ cay, mòn mỏi đợi ngày mai…

(Thảo Ly)

Ngày đặt chân lên xứ người, tóc mẹ vừa chớm bạc. Qua mấy mươi năm mẹ xa đời. Tóc em, tóc anh giờ nhuốm màu của  thời gian. Hơn nửa đời trôi nhanh ở xứ người, nhưng sao quá chậm cho một đổi thay tốt đẹp. Đã bao nhiêu tháng Tư rồi, lòng người di tản còn đau. Ở đây, chiều tháng Tư sau hơn 40 năm, có hai kẻ nhìn về một phía cùng chung lòng trắc ẩn. Thế hệ cha anh nối tiếp ra đi, đem theo mơ ước một ngày cờ vàng phất phới trên  quê hương cũ. Cho dân mình vươn cao, đứng thẳng bằng người. Để những bước chân Việt Nam lạc loài cùng quay về điểm khởi hành. Cùng nắm tay xây dựng lại cơ đồ của cha ông để lại, đã mục nát tang hoang kể từ tháng Tư xưa.

Em khẽ hỏi anh, chúng mình còn cơ hội hay không?

quỳnh my
Tháng Tư 2016


 





Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do