Cuối Hè

Xứ"Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ" với chuỗi ngày của tháng Tám đọng đầy sáng nắng, chiều mưa. Dẫu mùa hè như kiếp ve sầu vội qua mà nghe chừng vẫn lê thê đọng mãi. My bận rộn nhiều bên hai chú nhỏ. Bơ phờ trên từng lần hẹn cùng nha sĩ, cùng bác sĩ. Chưa kể đưa đi học hè cộng những lần ngược xuôi trên nhưng sinh hoạt khác.

Tương phản với người anh, cậu trai thứ luôn bình thản không ngại sợ khi gặp nha sĩ. Nó ngoan ngoãn làm theo từ lúc nằm trên ghế cho tới lúc xong. Luôn tươi tắn dù vô cùng ê ẩm. My dặn lòng .. Con trai mà giống mẹ .. Cậu trai cả ưa thắc mắc. Đã sợ đau lại còn hay hỏi, để tự làm lo lắng thêm. My cười khi người nha sĩ trẻ nhìn, nói lần sau, để mẹ rủ thêm bạn gái con theo, như vậy chắc con sẽ thành người lớn tức thì thôi! Trời ơi, Đông có bạn gái rồi sao, trong khi chú giờ này chưa có! Tới nơi khám mắt, My được báo tin đứa con trai thứ hai cần mang kiếng như anh. Thằng anh tăng thêm độ cận, lại nói con không muốn đeo kính nữa vì kính dày ngó thấy mà ghê. My than thầm, sao thứ nào không được tốt là con của My đều được hưởng từ "gia tài của mẹ" dẫu gia tài của Mẹ nghèo nàn. My bị đôi kính cận kềm kẹp từ mấy lâu, để lại dấu vết trên sống mũi. Có muốn điệu cũng không thoát được, vì mắt đã khô khó lòng dung được hai miếng lens thật mỏng. My có dạo phải nhỏ nước mắt nhân tạo vào mắt suốt ngày. Chắc tại khi bỏ khóc để cười là cãi lại "số mệnh" đời toàn nước mắt của riêng Myi! Đã bảo số phải khóc mà không khóc là không khá .. Thôi thì ráng mua nước mắt nhập thêm! Qua mấy mươi năm che mắt bằng hai miếng "ve chai", mắt My không đến nổi lờ đờ để khi nhìn là biết con nhà cận, nhưng My được đại sư huynh CĐ âu yếm gọi My bằng hai tiếng "muội đui", thay cho mấy chữ tiểu sư muội ngọt ngào như khi kết nghĩa. Năm nay thằng anh không đeo kính nữa thì có thêm đệ tử mới là em. Cũng may khi độ cận của con cao thì mẹ chừng như giảm nhờ độ...lão. Nhớ khi con trai lớn chưa có bạn hàng xóm, chơi banh một mình trước sân buồn, bèn rủ My. My lắc đầu nói mẹ mệt mà chưa bao giờ biết chơi Basketball. Con khẩn khoản nói mẹ đừng làm bộ. Bạn con ở trường nói mẹ giống như "mấy đứa" teen thôi! My tội nghiệp con, gồng mình ra sân chơi chung. Vài năm sau My hỏi, sao bây giờ con không rũ mẹ chơi banh? Nhóc tì trả lời nghe thật...lấn cấn cả tấm lòng: Mẹ già rồi, còn chơi gì nữa!

My nhớ ra mỗi hè qua, các con My học thêm nhiều điều không phải từ My. Lúc con vài tuổi đứa em rể xin cho cháu qua nhà em vài bữa để chơi chung với đứa cousin bằng tuổi. Sau mấy ngày người em chở con về. My nhìn thấy chiếc xe đạp mới em rể đặt xuống trước sân, nháy mắt nhìn con trai My khuyến khích. Nào, bây giờ con có thể ngồi lên xe đạp, biểu diễn cho mẹ con xem. Chú nhóc con hãnh diện như tặng mẹ món quà bất ngờ. Mà bất ngờ thật sự vì con My vốn nhát gan. Thường mỗi khi có trò gì mới lạ, bé Mai Trâm, con cô em gái, luôn là đứa thử trước. My còn giữ những tấm hình con bé em nhỏ tí xíu, chở thằng anh trên chiếc xe Jeep lớn ngoài sân. Những năm con ra đời, em gái My với chồng bận rộn nhiều. My như làm mẹ nuôi hai đứa bé song sinh một gái, một trai. Cháu gái My nhỏ và ngoan ngoãn. Ngược lại với con trai năng động, ồn ào, nghịch ngợm. Đứa em gái, nhỏ hơn một tháng ưa ăn rau. Con trai My trái lại; sợ rau. Bé Mai Trâm mỗi lần đi với bố, hay vòi vĩnh mua kẹo bánh thật nhiều để dành tiếp tế thằng anh. Tuy nhỏ nhưng không hiểu vì đâu nó biết My luôn giới hạn. Khi gặp nhau, Mai Trâm mang bánh kẹo ra đưa, nói với My con hiểu Đông còn hơn Đông hiểu chính Đông! Hai đứa xưng hô với nhau thật ngộ. Luôn luôn là Trâm với 'cu' thôi! Cả nhà ngoại và các cậu dì ai cũng quen gọi "cu Đông". Vậy mà khi hai đứa bé nói chuyện với nhau, My chỉ nghe xưng Trâm với cu, không có chữ "Đông". Một đôi lần My thử gọi 'cu' bỏ mất tiếng "Đông". Chú nhỏ phản đối nói coi chừng con giận mẹ. My không hiểu tại sao. Có lần hai anh em đang chơi ở nhà bà ngoại, Đông buột miệng nói câu "bà ngoại của Trâm..." Mẹ ngồi gần, vội hỏi lại liền Con vừa mới nói bà ngoại của ai vậy hả ? Nhóc tì lém lỉnh trêu luôn mẹ. Bà ngoại là của ông ngoại chứ của ai, sao ngoại hỏi con?. Một lần My chở con xuống phố. Vừa bước xuống xe con trai đã gỡ tay My để chạy vội đi. My bất ngờ hỏi mẹ ở đây sao con chạy đi đâu? Nhóc con vừa vùng ra khỏi tay My, đôi mắt vừa rơm rớm, bố ở đằng kia sao mẹ không để con theo? Nhìn theo hướng con trai chỉ, My ngẩn ngơ chợt biết vì sao. Từ phía xa xa My nhìn thấy người đàn ông VN đang rão bước. Người đàn ông có trán cao, có lẽ vì mái tóc lơ thơ. My dỗ dành giải thích cho con nghe. Đứa em gái che miệng khúc khích cười. Như vậy là chị My có đường thành thiếu phụ Nam Xương. Làm sao giải thích khi nhóc con về kể hôm nay con gặp bố dưới Dowtown. Oan ơi ông địa, bởi thằng con. Làm như cả thành phố chỉ có một người đàn ông hói!


Khi sắp vào trường con trai kêu My dạy viết tên. Là tên bố mẹ, bé Trâm và tên vợ chồng người em gái. Con cũng nhớ luôn ngày sinh nhật của từng người. Một lần My nghe Đông hỏi em. Trâm có biết đánh vần tên của mẹ cu không? Bé Trâm ngơ ngác lắc đầu. Còn tên bố của cu và ngày sinh nhật của bố mẹ cu? Lại lắc đầu thay câu trả lời. Thằng anh trách móc, tại sao cu biết đánh vần tên bố mẹ, tên Trâm, nhớ luôn ngày Birthday của cả nhà Trâm mà Trâm không nhớ gì của nhà cu? My ở gần nhà mợ. Mợ có hai cô con gái từ VN sang học ở trường High School hơn hai năm. Buổi sáng hai cô bé cousins của My trễ bus vài lần. Một lần sợ mẹ mắng nên chạy sang My cầu cứu. Sẵn đưa My đi làm rồi mới gởi con, anh chàng sửa soạn nhanh xong tất cả ra xe. Hỏi đường đến trường hai đứa em ngơ ngẩn, lắc đầu. Sao lạ vậy, đã năm thứ hai đi học? Thì tại bus chạy lâu, tụi em ngủ trên xe! Ngày con trai bắt đầu đi học, nói với My đầy vẻ tự tin. Mẹ chở con tới trường, đừng lo không biết đường đi. Con nhớ và biết rõ đường nào đi tới đó. My vờ hỏi lại thật sao? Hai dì đã lớn còn không nhớ, làm sao con nhớ? Thì mẹ chở con đi ghi danh và bố chở một lần. Tại mấy dì là "đàn bà, con gái" cho nên như thế! Bà luật sư ngưòi Phi Châu nghe chuyện, khẽ lườm con trai, nói mới bé con mà đã có ý tưởng coi đàn bà tệ hơn đàn ông có phải không? Nào bây giờ hũ kẹo ở trên bàn, là thứ đàn ông con trai thích hay đàn bà con gái thích? Đông chớp đôi mắt to một thoáng, rồi tiu nghỉu trả lời, con trai cũng thích nhưng mẹ nói ăn nhiều đau bụng, hư răng, có phải không? Cũng mới vừa bốn tuổi, Đông có lần hỏi My, ngày xưa bố "dụ dỗ" làm sao mà mẹ đi theo? Vì sao con hỏi vậy? Thì tại...Mẹ hỏi bố đi! Bố biết hơn con.


Sau mùa hè con biết đi xe đạp, mùa tiếp theo con hãnh diện mời mẹ ra hồ bơi để ngó con bơi. Mấy đứa bé sinh ra ở đây vô cùng lịch sự! Đang bơi bỗng chạy lên nhanh nói với My, con đi tiểu chút nghe. Chuyện này làm My nhớ chuyện ngày xưa...Trong giờ nghỉ học bất ngờ khi giáo sư vắng mặt. Cả 4 đứa chung nhóm bạn 'nối khố' của My, chất lên trên chiếc xe Honda Dame, chạy ra rừng cao su ven tỉnh. Hình như là năm lớp 7. My không hiểu sao cái chỗ ngồi dành cho hai người trên xe lạ quá, lại chứa nổi 4 cô nhỏ áo dài xắn vội tà trước, tà sau chất lên xe. Mùa Hè ở miền cao su đất đỏ của My nắng cháy. Nhưng trong rừng cao su với hàng cây thẳng tắp, nhìn từ góc cạnh nào cũng một hàng, bóng mát trải đều. Lũ học trò tụi My tha hồ trốn nắng. chạy nhảy, ca hát, đùa vang khu rừng, không ngại bị ai bắt gặp. Và rồi dẫu bắt gặp cũng huề thôi. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Câu đó ai cũng thừa biết! My nhớ dường như cả đám chỉ ưa nghịch. Có đứa sau giờ ra chơi, chiếc áo dài chỉ còn lại một tà vì chơi u mọi, bị phe kia chụp bắt ngay tà áo. My nhớ cô bạn tên Thu Thủy, nước da bánh ít với hai đồng tiền trên má kèm nụ cười lém lĩnh. Áo mất đi tà ở phía sau rồi, hôm sau vào lớp cả bọn nhau nhau hỏi, hôm qua tan học, về nhà có được bình an? Thu Thủy cười khoe hàm răng thật đẹp. An toàn trên xa lộ. Ta vừa chào mẹ vừa đi thụt lùi ra sau, chỉ có mấy bà chị biết thôi. Ra tới rừng cao su rộng bao la, là lúc dành cho những êm ả, nhẹ nhàng mà lũ nhóc ngây thơ thuở ấy chừng đã mơ hồ nhận biết. Bầy con gái nhỏ thường bưóc rảo trên xác lá, hay nằm dài dưới gốc cây chống tay ngắm khu rừng xa tắp chân trời, nghe chim, dế dun hát rền. Có lần trời mưa. Dù gì cũng bị ướt, cho nên cả đám cùng nhau ở lại ngắm; mưa rừng. Mà bọn My đâu chỉ ngắm suông. Ai cấm mình tắm mưa trong khu rừng vắng, vì những thân cây không che cho khỏi ướt lúc mưa về. Buổi đi chơi lang thang trong rừng ngày đó, điều làm My nhớ không phải là hình ảnh những cô bé học trò mặc áo dài tắm mưa giữa rừng! Chỉ có mấy chữ "trời ơi, ấm quá chừng ha!" của nhỏ Kim Phai, vừa vuốt khuôn mặt đầy những giọt nước mưa tuôn xuống không ngừng, vừa reo lên thích thú như tìm ra...chân lý, làm My nhớ mãi tới hôm nay. Thì ra cô nhỏ chắc cảm vì cơn mưa trút nước bên ngoài, nên không ngại ngùng trút nước...trong lòng!


Lên mười tuổi, hai anh em không gặp nhau thường, nhưng trong đám anh em cousin cùng tuổi là bốn đứa, bé Trâm thương Đông. Thương và chấp nhận từng nết xấu của thằng anh. Một lần em gái My kể chuyện, bảo chị đừng bao giờ nói lại cho thằng con nghe nha! Đêm qua Trâm thủ thỉ với em, con thương Đông nhưng sẽ không cưới nó khi con lớn. Đông hiểu rõ sự liên hệ ruột rà, trong khi con gái em mù mờ như vậy đó. Bé Trâm vẫn như ngày nào, nhỏ nhắn gầy gò. Em My thấy con khép kín, e dè với mọi người va yếu đuối mảnh mai nên cho đi học võ. Sau mấy năm con bé lên đai đen. Bây giờ mỗi khi bị Đông trêu chọc, nhỏ em tới xiết chặt cổ tay nhắc khẽ, coi chừng. Bé con còn biểu diễn dùng bàn tay làm vỡ vụn mảnh gỗ cho bà ngoại thấy. Mẹ cười hài lòng, mừng đứa cháu ngoại ốm yếu, nhỏ nhoi giờ mạnh mẽ. Đông không biết thân còn trêu chọc. Bé Trâm đang học làm con gái dữ dằn, mà bà ngoại còn khen nó là sao? Cũng thời gian này em gái My lo lắng, buồn nhiều, vì đứa con gái duy nhất thường ra vào bệnh viện như cơm bữa. My nhắc em, Trâm còn bé, nhưng đã biết an nhiên chấp nhận sức khoẻ không toàn vẹn. Em nuôi nấng, chăm sóc và nâng niu con, nhưng con vẫn mang bệnh như bất cứ đứa trẻ nào mình gặp trong bệnh viện. Dù phải uống thuốc từ khi còn bé, nhưng hãy chấp nhận và vui vì mình vẫn còn diễm phúc có con ở cạnh bên. Sau khi nghe con" từ chối" thằng anh nghịch ngợm nhiều tật mà bé Trâm biết rõ hơn ai, em gái My hỏi lại. Như vậy con muốn nói là lớn lên con không đi lấy chồng, sẽ ở với mẹ hoài? Không! Con đâu có nói vậy bao giờ. Con nhất định sẽ lấy chồng khi con lớn. Lấy chồng làm chi khổ lắm con ơi! Lúc mẹ đi lấy chồng bà ngoại có bảo đừng không? Chuyện gì con nghe mẹ, nhưng chuyện này con không nghe được! Nhìn em rể My cắt cỏ quanh sân nhà mẹ, bé Trâm quanh quẩn chờ bố dừng nghỉ mệt, xong thủ thỉ. Bây giờ bố ráng lo cắt cỏ cho bà ngoại. Mai mốt bố già con sẽ bắt chồng con về cắt cỏ cho bố mẹ hàng tuần. Nếu nó không nghe lời, bố đừng quên con mang đai đen! Bố mẹ nhớ đừng nói cho nó biết con có võ!


Trong lúc đứa cháu gái mang bệnh nhưng tinh thần mạnh mẽ tự tin thì, con trai My bắt đầu nhìn thấy nặng nề vì dường như chỉ phát triển chiều ngang. My hỏi con có muốn ốm bớt để nhìn gọn gàng như trước không? Mẹ biết cách nếu như con muốn. Nhóc con nhanh nhẫu hỏi My, có phải mẹ sắp đem lời "Phật của mẹ" ra dạy cho con? Sao con hay vậy, mẹ chưa nói gì đã đoán ra rồi? Thì mẹ hay đem Phật của mẹ ra nói cho mấy dì hết buồn, con biết chứ sao không? Mà Phật cũng dạy cho người ta cách làm cho ốm bớt hay sao? My cười, nói không phải vậy, nhưng con vẫn có thể áp dụng để làm cho ốm lại và tập luyện cho mình thói quen ăn uống chừng mực vừa tốt cho sức khỏe, vừa bỏ tật tham ăn một cách thoải mái, chứ không đau khổ khó khăn như những model ăn xong phải móc họng cho ra. My nói cho con nghe sự cảm nhận dở hay ngon, chỉ là khoảnh khắc ngay nơi đàu lưỡi. Sau đó dần dần chuyển hoá ra sao, thành cặn bã thế nào như con đã biết. Con trai nghe lơ đãng, nhưng My biết chú nhóc này sẽ nhớ và đem ra áp dụng một ngày nào đó, không chậm thì nhanh thôi. Giống thói quen bỏ mứa. Lúc con còn nhỏ My thường ăn hết phần ăn con bỏ lại, sau khi dỗ dành con ráng ăn hết, đừng bỏ đi kẻo tội. Câu này con trai My cũng thường nghe bà ngoại nói ngắn gọn hơn "đừng bỏ, tội nghe con!". Một ngày, My bật cười, chợt nghe con nài nỉ câu này. Mẹ ơi, hôm nay mẹ "cho con bỏ tội" nha! Thì ra nhóc con ăn không hết, muốn bỏ đi sợ mẹ phiền lòng. My vui vì con đã nhập tâm lời bà ngoại và mẹ thường hay nhắc trong những bữa ăn. Sau này My thôi không nhắc. Con trai đã biết bao nhiêu mình thật sự cần, dù là món ăn khoái khẩu tới đâu, chú nhỏ cũng không "ăn bằng mắt" vì "đói con mắt" hơn là đói bụng cần ăn. Cũng không nài nỉ mẹ "cho con bỏ tội" như khi còn bé.


Những mùa hè sau đó, hai chị em My cùng không có thời giờ dành cho nhau nhiều. Hai đứa trẻ khắn khít ngày xưa cũng ít gặp nhau. Em gái băn khoăn nhiều khi thấy bây giờ, lúc gặp hai đứa lãng xa. Em theo hỏi hoài, con gái lắc đầu. Tự nhiên như vậy, mẹ đừng lo không có chuyện gì đâu! Thì ra tới tuổi 'teen' hai đứa bỗng trở tính kỳ khôi, tưởng như chưa từng có những tháng năm thân thiết. My vẫn âu yếm gọi bé Trâm là con gái. Thường cắt tóc cho cả mẹ lẫn con, rồi nhắc tóc con nhiều tới độ lúc nhỏ gội đầu, dì My xối hoài không ướt tới bên trong. My nói với cô em gái, tiền công cắt tóc hai mẹ con suốt một đời My để lúc già sẽ tính luôn một lần. Ráng lo để dành mà trả cho My.


Sinh nhật 16 tuổi bé Trâm muốn tới studio của cậu, chụp hình chung với bố mẹ, dĩ nhiên có cả dì My. Cũng như ngày xưa, Trâm tập lái xe và lấy bằng trước Đông. Một buổi sáng chủ nhật bé Trâm chở My và mẹ, ra thăm ông ngoại nơi nghĩa trang. Sau đó tới chùa rồi ghé thăm em trai nhỏ của My. Khi chiếc xe ngừng lại trước sân, cô bé vừa có bằng còn nóng hổi kêu mẹ và dì My đợi thêm một phút, cho con đậu xe ngay ngắn lại. Hai đứa em từ trong nhà nhìn qua song cửa đợi chờ. Vừa thấy mặt My em dâu đã trêu đùa, nói nhìn thấy chiếc xe xục xịch em trai nói biết ngay tài xế là chị My! Trời đất, qua hai mươi mấy năm kinh nghiệm lái xe. Sáng nay bé Trâm làm dì My mang tiếng.. My vốn sợ lái xe dù là xe đạp ở bên nhà. Đi đâu cũng muốn có người đưa, kẻ đón. My thích ngồi khép mắt như thiền trên đoạn đường dài. Điều này ai cũng rõ nên trong ý nghĩ em trai vẫn cứ đinh ninh My lái xe quờ quạng như khi mới học.


Vẫn tuần tự như ngày nhỏ. Lo cho con gái xong rồi tới lượt con My. Em rể đưa cho Đông tài liệu học là CD với lời dặn: chú cho con hai ngày để hoàn thành. My thấy con trai với đủ trò chơi, nhưng qua thời hạn con khoe từ bây giờ mẹ có thể ngồi cạnh bên cho con tập lái. Buổi sáng chủ nhật con trai khẩn khoản, mẹ có sang nhà bé Trâm không, con chở mẹ đi. My nhớ lại khi xưa tập lái, chỉ cần người ngồi bên cạnh trầm tĩnh, thản nhiên là My vững. My ra xe với cả hai anh em. Khoảng đường 10 phút mà dài lê thê. Khi xe ngừng, cửa mở. Nhóc em nhẩy xuống xe vừa cười vừa nói, con còn nhỏ quá, con đâu muốn chết! Đi chung với anh Đông sợ làm sao! My cười, trấn an con, nói anh không tệ . Tại con không tin nên mới sợ thôi. My hài lòng thấy con thận trọng, cứng cỏi hơn nhiều dù phản ứng chưa nhanh. Một điểm giống nhau của hai anh em cousin, cứ khư khư mình theo đúng luật mà không để ý đến chung quanh.


Khi Đông đến tuổi "Teen age", My bắt đầu chật vật với tánh tình nóng lạnh bất thường đôi khi chợt có ở con trai. Phản đối ồn ào, dữ dội khi chưa kịp nghe xong lời mẹ nói và nước mắt rớt dài sau khi nổi giận vì một điều bình thường như nghe câu hỏi vì sao, hãy nói mẹ nghe? Tại sao mẹ hỏi? Tại sao mẹ không biết chấp nhận con? Tại sao con phải là người mà mẹ muốn, chứ con không phải là con? Chỉ là khi nhìn kết quả của học kỳ vừa mới gởi về, thấy điểm thấp My muốn hỏi mà ra như thế. My cũng muốn "ấm đầu" theo truớc nhiều thay đổi kỳ khôi. Con đừng khóc, đừng la như thế. Lấy nước uống đi rồi nghe mẹ nói được không? Thì Mẹ cũng nói với con bằng giọng đâu có ngọt ngào như thường lệ. My than thầm, rắc rối thiệt rồi nha! "Nhẫn, nhẫn, nhẫn..." My thường tự nhắc. Chỉ nghe thôi, ráng sao nói để con nghe. Không nghe bây gìờ thì cũng sẽ thấm sau đó. My tập nhận lỗi với con khi lầm lẫn, nghĩ sai. Đôi khi dùng nước mắt để làm cho con tỉnh lại khi hành xử chừng như quá đáng. Bây giờ chú nhỏ ham chơi đã biết làm anh. My âm thầm giao trách nhiệm để con biết đâu là chỗ đứng của phụ huynh. Có lần Đông check bài của em rồi nổi sùng. Mẹ đẻ làm chi thằng kém thông minh như vậy? My nói mẹ buồn khi nghe con khinh em con như vậy. Thông minh hay chậm hiểu không phải là sự chọn lựa của mình. Con nghĩ sao nếu như ngược lại. Mẹ sinh ra em thông minh và con thì chậm hiểu? Mai con lớn rồi mẹ sẽ nói thêm, vì sao có người sinh ra thông minh, xinh đẹp. Có người u tối, chưa kể bị khuyết tật, không lành lặn. Mẹ may mắn có con học sáng hơn em. Nhưng đôi khi cũng tiếc vì con lơ là không học hết khả năng mình. Nếu con là em thì mẹ đâu dám mong mỏi nhiều hơn, có phải không?


Đông đã biết làm anh hơn chút xíu. Sau giờ học nhóc em về đi tắm, nghỉ vài phút rồi làm homework. Một điều My không hài lòng là khi thấy em làm sai Đông chỉ kêu làm lại mà không giảng giải gì. Đứa em ráng làm lại nhiều lần cho tới khi đúng. My hỏi tại sao con không giảng, để em hiểu và làm tới nơi tới chốn. Mẹ ơi, đó là chuyện của cô giáo ở trường. Cũng như khi không hiểu hay chưa hiểu Duy phải hỏi cô giáo lại. Mẹ có nghĩ rằng vì nó không chú tâm nên mới làm sai. Cuối cùng vẫn tự nó làm cho đúng chứ con có chỉ dạy gì đâu, có phải không? Người bạn Mỹ khen Đông làm đúng. Bà nói bà cũng sai giống như My vì muốn chỉ cho con hiểu liền khi ấy để làm nhanh. Thật ra đôi khi con chưa hiểu, mà nhờ mẹ"nhắc tuồng" nên làm được tức thì. Còn để tự con tìm ra cách giải hoặc làm bài cho đúng, như vậy chắc chắn lần sau con làm được một mình. My có lần nghe nhóc em than thở, nếu con làm anh sẽ không giống như Đông. Đông bossy, Đông hình như chẳng thương con. Gì cũng bắt con làm không được nói, trong khi anh Đông cãi lại mẹ đôi khi! My ôm con an ủi. Nếu không thương con Đông đâu biết làm anh. Coi bài vở cho con, đón con mỗi ngày lúc đi học về. Mẹ ngày nhỏ như con, mong có anh trai giúp, nhưng mấy anh của mẹ chỉ lâu lâu mới ngó tới một lần. Con có biết khi con còn bé, anh con nói gì với mẹ không? Cu Duy mở đôi mắt tròn xoe nhìn mẹ, đợi chờ. Đông bế con trên tay rồi hỏi mẹ. Mẹ ơi, mai mốt mẹ già, mẹ chết rồi con ở với ai? Thì con ở với vợ con chứ ở với ai. Không.. Con không cưới vợ đâu. Thấy phiền quá, mẹ ơi. Hình như phải mua nhẫn diamond để đeo cho nó nữa. Con thấy mấy anh con của bác đều làm giống như nhau. Con làm sao biết đi mua nhẫn, cũng lấy đâu ra tiền để mà mua! Rồi con sẽ lớn mà. Sẽ học xong, có việc làm và cưới vợ như bao nhiêu người khác. Không. Mẹ đừng bao giờ nói với con chuyện cưới vợ nữa nghe. Mai này khi mẹ không còn, con sẽ xin ở với "vợ chồng Duy", mẹ nghĩ được không? Nhóc em ngẩn ngơ chừng xúc động. My nghĩ cả hai cùng cảm nhận được sợi dây buộc ràng của cốt nhục tình thâm. Có những buổi chiều, My đi làm muộn, lái xe qua xóm bên đón con về. Đông xin qua chơi basketball với đám bạn, và phải dắt em theo vì mẹ dặn không bao giờ được bỏ em một mình sau giờ về học. Con trai đã có lần giận hờn, lớn tiếng với My. Nó là con của mẹ, tại sao con phải lo cho nó? Mẹ thấy bạn con có đứa nào đi chơi banh mà phải dắt em theo? My nhìn hai anh em vừa đi vừa chạy về nhà trong buổi chiều gần tắt, thấy mà thương. Đông nói đợi mẹ về tụi nó chơi xong rồi. Con kêu Duy đem theo homework để làm. Tụi con chơi ngoài sân, nó ở trong nhà. Làm bài xong coi tivi, hoặc mẹ của bạn con cho nó chơi game. Con đâu thấy nó dễ thương, vậy mà mẹ của bạn con khen nó lắm. My dần dần không còn giận và buồn nhiều, mỗi khi nghe đứa con đang dần lớn nói những câu rất đỗi khó nghe. Phản ứng mạnh mẽ và tàn nhẫn như không còn biết mẹ là ai. Sau đó thì như đứa trẻ, chùi nhanh đôi mắt ướt, tới bên mẹ nói nhẹ nhàng như không có chuyện gì


Ngày nhỏ My thường hay giận dỗi Ba My. Vậy mà giờ đây My thở phào, nhẹ nhõm khi biết con trai không "thừa hưởng" từ My tính làm bộ giận dai, dù trong lòng không giữ lại chút gì sau đó. Ngay cả khi hai mẹ con vừa mới trải qua cơn sóng gió, con trai My vẫn nói nhẹ nhàng, con cám ơn mẹ bữa ăn ngon mẹ nấu hôm nay. My thấy mình tệ hơn con ở điểm này, vì cả đời chưa hề biết nói một câu như vậy với mẹ My. Chưa kể đôi khi My nấu… gì đâu! Có hỏi con trai cũng lắc đầu, nói con thấy được, không có tệ. My cười. Điểm này con cũng lại hơn bố xa rồi! Người bạn Mỹ vẫn hay nói với My khi hỏi chuyện về con. Thấy chưa My? Tóc tụi mình bạc nhiều từ khi con tới tuổi 14, 15 có phải không? Không phải là người lớn, cũng không còn là đứa bé biết nghe lời và đi theo mẹ như cái đuôi tới bất cứ đâu. Chưa nghe, chưa hiểu hết câu đã ồn ào phản đối. Chưa nói ý mình ra, đã nghi ngờ không được cảm thông. Nghĩ mình biết nhiều và lớn lắm rồi, tự tôn lẩn tự ti và che đậy bằng tính khí bất thường như nắng vội, mưa nhanh. Muốn làm điều gì khác hơn lúc trước để mọi người phải "biết" mình không còn là đứa trẻ... 13 tuổi con cao bằng bố. 14 bắt đầu cao vượt lên trên. My nghe chống trả và tranh đấu cũng nhiều. Coi như là cơ hội để My luyện công từ "bí kiếp" được trao tay của sư huynh, của những người bạn đã trải qua cơn khủng hoảng cùng con. Hiền muội hãy như người thầy độ lượng, từ tâm. Kiên nhẫn dìu dắt, chỉ dạy đám học trò, không phân biệt là đứa thông minh, dễ dạy, hiền ngoan. Hay đứa chậm hiểu, ngỗ nghịch không màng học hỏi. Giống như ngưòi thầy thuốc có lương tâm. Con bệnh càng trầm kha, thì càng không quản ngại hao tâm, tổn trí ra tay chạy chữa. Hãy kiên nhẫn lập đi, lập lại. Rồi một ngày nào chậm hoặc nhanh con sẽ nhận ra. Tấm bản đồ được vẽ bằng tình thương, lòng bao dung và sự nhẫn nhục hy sinh của người mẹ yêu thương. Chắc chắn con sẽ có lúc mở ra dùng đến khi chợt nhận ra mình lạc lối. Người bạn Mỹ nói cho My biết, chính cô ngày xưa đã có lần nói câu này"Con thù ghét mẹ. Tại sao mẹ chẳng chết đi?". Câu nói đó thốt ra khi mẹ cản ngăn, không cho đi dự tiệc ở lại đêm với đám bạn tuổi 15, 16 cả trai, lẫn gái.Phải đợi tới khi thành người, có một gia đình êm ấm, bình thường, mới đa tạ thâm ân của mẹ đã giữ gìn cho con có được ngày nay. Những cơn nổi loạn cuồng điên ngày đó, bây giờ cô nhận lại từ con.

Hôm chở Đông đi ghi danh năm học mới, My gặp nhiều đứa trẻ quen trong đám bạn của con. 16 tuổi con lớn hẳn, như bỏ lại đám bạn Á Đông nhỏ nhắn phía sau. My nghĩ thầm, năm nay Đông coi bộ đã xứng đôi với cô bé Chinese. My để mắt tìm vẫn không thấy ngưòi trong mộng của con trai đâu hết. Biết có hỏi My cũng sẽ bị ngăn đường, bít lối. Phải đợi hôm nào như chuyện tình cờ. Một cô bé đang đứng xếp hàng bên cạnh mẹ, chợt mừng rỡ chạy nhanh tới ôm chầm đứa bạn trai, hôn đắm đuối như chung quanh chẳng có ai. My thoáng nghĩ đến bé Mai Trâm của chị em My. Chắc chắn con gái không bao giờ tự nhiên như vậy.

Ngày chủ nhật cuối cùng trước khi trở lại trường, My bảo con sửa soạn để đi mua thêm vài thứ. My loay hoay khóa cửa, lúc ra xe thì chỗ ngồi của My đã có người thay. Mời mẹ lên xe, con chở mẹ đi. Kể từ giờ mẹ khỏi than làm biếng lái xe. Mẹ có muốn đi thăm bà ngoại sau đó thì cho con biết. Mẹ cũng nhớ mua cái ví nhỏ cho con bỏ ID của con vô. My ngập ngừng hỏi lại, con có nghĩ rằng con sẽ chở mẹ đi trên những con đường còn xa lạ với con không? Có mẹ ngồi bên con còn lo gì nữa. Mẹ có biết rằng bố bận nên đã cho con đưa đón cu Duy ở chùa cho lớp học hè mấy bữa nay không? My lắc đầu. Tại sao bố dám cho con đi một mình như vậy chứ? Thì bố là đàn ông, đâu phải là "đàn bà, con gái"!Con trai còn cười tủm tỉm, nói với My. Mẹ với dì T thật là khác nhau xa. Bé Trâm lái xe, dì T sợ ngồi nhắm mắt giả bộ như đang ngủ. Con lái xe, mẹ sợ, mở mắt thật to để canh chừng!

Mẹ nói cho My nghe ngày thứ Bảy vừa rồi, Đông lái xe qua nhà dì T để tìm Trâm. Thằng bé hơi thất vọng vì nhỏ em đã đi làm trong bệnh viện. My hỏi tại sao con không gọi cho Trâm để biết nó ở đâu trước khi đến gặp em. Con trai hỏi lại My. Mẹ nghĩ con giữ số cell của nó à? Con có bao giờ kiếm nó nói chuyện đâu mà hỏi số phone. Đinh ninh thứ bảy nó ở nhà nên qua kiếm. My thầm mừng vì bây giờ hai anh em thỉnh thoảng gặp nhau không còn giống người dưng. Thằng anh vẫn luôn "chậm một bước" ở phía sau đứa em gái, mà con trai đã tính chung vào gia đình nhỏ của My trong những tháng năm của tuổi thơ.

Suốt mùa hè, Đông không cho My hớt tóc lần nào.Hôm cả nhà đi ăn tối mấy đứa em My và cháu gái xúm vô chê Đông để tóc dài coi già, hết dễ thương rồi. Sao chị không hớt tóc cho con, bảo nó phải cạo râu. Bà ngoại với các dì chỉ thích nhìn mặt con đọng sữa, ngây thơ chứ không quen nhìn thấy con già dặn thế này đâu! Chú nhỏ cười cười nói tóc của con, râu của con. Mà râu...con không ưa râu, con cũng ghét cạo râu! Gì phải cạo mỗi ngày sao phiền vậy? Nhìn "chàng trai" cao lớn, ngó già dặn quá chừng, nhưng lời lẽ vẫn là đứa trẻ thơ chưa biết làm sao để thích nghi với những đổi thay trên thân thể đang mang. Bé Trâm vò đầu thằng anh bê bối. Đông lớn rồi, đừng để mẹ cạo râu cho sẽ chẳng giống ai! Chủ nhật đó con trai hỏi, Mẹ có muốn cắt tóc dài thành tóc ngắn hay không? Thì mẹ đang chờ hớt tóc cho con nè. Đông cười cười đi ra mở cửa. Huy, vô đây mẹ Đông hớt tóc cho. My nhìn thằng bé có mái tóc dài, bềnh bồng, óng mượt. Mái tóc đẹp, hợp với dáng như nghệ sĩ của Huy. Có thật con muốn hớt tóc lên thật ngắn hay không? Dạ. Hai bên số 1, top số 2. Đông cười cười bỏ chạy lên trên phòng, chắc sợ quanh quẩn gần cái tông đơ của mẹ có khi mang họa! My cố ý không hớt phía trên thật ngắn. Bảo con vào soi gương, không ưa cô sẽ sửa lại cho. Chú nhỏ trở ra nói thật ngắn dùm con. Lúc này Đông mới chạy xuống nói hôm nay mẹ chỉ làm cho một người khách là Huy! My tháo khăn choàng, phủi sạch những sợi tóc bám sau ót. Thằng bé đứng lên với tiếng cám ơn. Đông mở cửa và cười cười đứng "nhắc tuồng": Chào cô My con về, khi đứa bạn nói câu "Chào. Cám ơn" ngắn ngủn, trống không. My hỏi Huy học chung với con bao giờ. Nó ở đâu mà mẹ chưa bao giờ nhìn thấy trong đám chơi banh với con mấy năm nay? Nó học chung từ năm ngoái. Nhà ở xa làm sao mẹ gặp ở đây. Mẹ nó là cô giáo ở trường, cho nên 3 anh em nó ở vùng khác nhưng được đi học ở trường mẹ dạy. Con biết thế nào mẹ cũng hỏi mà. À mẹ nó còn trẻ lắm, hình như 35, 36 tuổi. Làm sao con biết ? Bộ mẹ tưởng người nào ở bên này cũng giấu tuổi hết hay sao? Có rất nhiều cô giáo nói tuổi của mình. Có chồng hay chưa và có mấy đứa con, tuổi bao nhiêu.

Sáng nay My cùng mẹ và vợ chồng cô em gái đi chùa. Trên xe có bé Trâm trên đường đến bệnh viện làm việc vào mỗi ngày chủ nhật. Trâm bắt đầu từ dạo mới nghỉ hè. Nơi cháu gái trị bệnh cũng là nơi con tình nguyện đến làm mỗi tuần một ngày, để học bài học trách nhiệm và tình thương đối với tha nhân. Xe dừng. Bé Trâm bước xuống, khoanh tay , khẽ cúi đầu nói “Ạ bà ngoại. Ạ dì My. Ạ bố mẹ con đi làm” Vẫn câu chào thuở nhỏ, dù đứa cháu My bế bồng từ ngày còn trong tháng, giờ đã là cô thiếu nữ thơ ngây đang bước từng bước vào đời. Nhìn con trên hành lang bệnh viện, mái tóc dài theo cơn gió bay theo tia nắng ban mai, My nghe lòng ấm áp nhiều. Hỏi Đông con có biết bé Trâm mỗi tuần tới làm nơi bệnh viện một ngày không? Đông nói biết chứ ! Nếu như hè sang năm con cũng làm việc volunteer như Trâm vậy, mẹ có bằng lòng cho con một chiếc xe riêng để lái đi làm không? My gật đầu. Chú nhóc mỉm cười. Con chưa hỏi đã biết mẹ sẵn sàng cho con đi làm “không được trả lương”, trong khi đó lạị ngập ngừng từ chối khi con hỏi đi làm dể kiếm tiền xài. Trong nhà này con hiểu mẹ hơn ai hết, phải không? My khẽ gật. Thầm mong, con vẫn đi sau Trâm một bước, giống ngày xưa, là những bước lành dẫn lối vào đời...

Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê