Ngày ở nơi này

Thứ sáu, Chiều...

Cuối tuần xôn xao vì có thêm ngày thứ Hai nghỉ lễ tiếp. Ghé đón Duy con ở nhà mợ. Vào thấy nhà vắng im, chỉ mình con ngồi chờ mẹ. Hỏi mợ đâu, Duy chỉ vô phòng. Khẽ gõ cánh cửa, nghe tiếng người em bà con nhỏ nhất nói vọng ra .. " Em đây ..chị vào đi". Thấy trên màn ảnh tivi là phim bộ Đại Hàn. Cô em đắp mền nằm coi. My chỉ biết coi phim bộ từ khi còn bên mẹ. Vừa "phụ coi" phim chưởng Hồng Kông vừa đấm bóp chân tay cho mẹ. "Em hỏng gả cho anh đâu" là câu ngộ nghĩnh, làm My chú ý. Xem cô Hoàng Dung của Quách Tĩnh mặt mũi ra sao mà nói chuyện ngộ ghê! Nghe My kể chuyện ngày xưa coi phim bộ, Huynh Đ cười sáng khoái, thêm: Ừ thì hồi đó huynh cũng ăn mì gói. Ráng thức đêm, chờ coi "em có chịu gả cho anh hông?". My chỉ coi mấy bộ phim chưởng trong thời con gái. My ngại nghe tiếng khóc than của những bộ phim tình cảm dài lê thê. Phim nào cũng gần như đọc Quỳnh Dao. Chỉ cần đọc vài truyện thôi là đủ. Hầu như tất cả những truyện kia đều có nội dung oan trái, lâm ly như kịch bản cải lương: yêu, thù, thương, hận, ...Khi Ôn Mỹ Linh, cô bé đóng vai Hoàng Dung, đột ngột lìa đời, "Mối tình phim bộ" HK của My chết theo luôn. Nghe tiếng khóc của Lưu Tuyết Hoa qua giọng chuyển âm, não nề, ai oán dường như từ đầu đến cuối bộ phim dài, My nghĩ mình có đủ lý do để đứng bên ngoài, mặc tình ngớ ngẩn, giả ngộ cù lần mỗi khi nghe bàn chuyện phim. Cho dẫu đó là, dù Đài Loan, HK hay phim Hàn quốc.

Thấy cô em biếng nói vì đang mê phim bộ. My cười thay câu chào, hỏi mẹ đâu rồi lặng lẽ bước ra. My bây giờ ít có dịp ghé qua nhà mợ, vì biết mỗi khi ghé qua đây luôn luôn My sẽ chẳng về nhanh. Mợ và các cô em gái, lúc nào cũng có nhiều điều để kể My nghe. Khi My đứng lên nói lời chào. Lúc này mợ mới cho hay cô bé út vừa qua cuộc giải phẫu, phải nghỉ học trong 6 tháng cho đến khi bình phục hẳn. Những bước chân đang bưóc dần ra cửa khựng lại. My quay vô phòng cô em nhỏ nhất nhà. Xin lỗi Chị đã không hỏi. Tưởng cô bé lười biếng nằm cuộn mình trong chăn xem phim trong buổi chiều trời sắp mưa. Hai chị em như quên mợ bên ngoài, khi My ghé ngồi lên mép giường cạnh chỗ em nằm. Cô em bà con đang học luật, mỗi lần gặp My em hay hỏi chuyện tâm linh. Cô bé có những nổi khắc khoải, băn khoăn về cuộc sống. Về thân phận con người và có những cái nhìn rất gần những gì My đang sinh hoạt với mỗi ngày.

Những câu hỏi thẳng, những cảm nhận rất thật, phơi mọi hình tướng quanh đời. Chị My ơi, em chưa thật sự bước vào cuộc sống, với những hệ luỵ của ghét, thương, vui, khổ. Hệ lụy của đam mê hay chán ngắt, những thú vui, danh lợi, bon chen... Nhưng sao trong em dường như có phần giống chị rồi. Dám chừng khi học xong, ra trường em sẽ chẳng lấy chồng, làm vợ, làm mẹ như bạn bè quanh em. Cho em hỏi nếu như ngày trước, chị tìm ra cách sống giống bây giờ. Có phải chị đã không lấy chồng, giờ là một ni cô ở chùa không? My cười. Chị làm sao trả lời những điều không có xẩy ra. Chuyện quá khứ đem vào hiện tại sao nói được. Có lần My dẫn em vô thiền viện. My rất vui khi thấy em hỏi sư cô từng câu hỏi thật hay. Nghe em nói không có đam mê say đắm vào bất cứ điều gì, và thường hay nhìn rõ những bất toàn trong cuộc sống. My đôi khi e ngại. Nhắc em rằng đời không phải chỉ là toàn một màu u ám tái tê. Không ai hoàn toàn tốt và cũng không ai hoàn toàn xấu. Mỗi hoàn cảnh đến với mình đều là cơ hội để học thêm bài học mới.. Vậy thôi.

Hai chị em cách tuổi khá xa. My vừa có thể thân gần với mợ vừa như không có một khoảng cách nào với đứa em này. Có khi em sang tìm My buổi tối. Ngồi cho đến gần nửa đêm mới về. Con cám ơn và xin lỗi chú Đ, vì đã giành chị My của chú tới khuya. Em biết em có thể nói với My bất cứ điều gì sâu kín. Dù xấu, tốt vẫn không ngại bị phê phán, hay lo sợ người khác biết. My mừng vì không cần phải nhắc nhiều. Bởi khi vừa kể xong câu chuyện cũng là lúc em nói cho My nghe lỗi lầm của mình ở chỗ nào, rồi nhanh chóng chấp nhận những gì đã xãy ra không khổ sở, cũng không trách than.

Duy bước vào phòng nhìn mẹ, mặt đăm chiêu thay câu nhắc về, .. đi về. My xiết tay cô em nhỏ, nhắc làm sao để vượt qua những cơn đau thường đến với thân. Em cám ơn, nói chị an tâm. Khi đi đứng bình thường trở lại em sẽ tìm sang bên chị. Mẹ gọi cậu bằng anh. Lẽ ra My phải gọi các con của cậu bằng anh và chị. Nhưng tất cả 5 anh em đều không chịu vậy, nói chỉ muốn được làm em của My thôi. My xưng chị, gọi em như được yêu cầu. Chưa kể các em qua nhà My còn gọi chị My với chú Đ. Gọi bằng chú , anh chàng xưng chú. My cự nự hỏi sao dám xưng chú với các em. Thì gọi sao, xưng vậy đó thôi. Chẳng lẽ anh đi theo năn nỉ "đừng gọi anh bằng chú", người ngoài nghe tưởng anh nham nhở. Đã già, không nên thân, theo chọc ghẹo các cô! Em chưa biết dì T và dì C, còn gọi chú xưng con rất dễ thương. Chỉ riêng Trúc Th. gọi bằng anh .Cậu đã nghe 3 cô con gái nói chuyện với anh, chỉ cười thôi! Đâu biết làm gì hơn.

Đêm...

Tắm gội, thay đồ vội vã để tìm thăm người dì bà con vừa đến từ Florida. Dì ngày xưa là cô giáo, rồi làm giám học trường Đồng Khánh. Mỗi năm ở Houston có ngày Phượng Vỹ, thầy cô Quốc Học, ĐK và học trò lại về họp mặt ở đây. Cùng đi với dì là hai người con trai lớn. Cả hai thương quý săn sóc nâng niu mẹ như bảo vật. Dì goá chồng năm ngoài 30 tuổi. Những đứa con đều được mẹ nuôi ăn học, thành tài dù ở quê nhà hay ở đây. Năm nay đã 78 tuổi thấy dì vẫn khoẻ. My mừng khi biết mắt dì còn tinh anh cùng tinh thần dì còn minh mẫn vô cùng. Người con lớn của dì M tháng trước về Houston, mời tụi My đi coi buổi ra mắt CD nhạc tình Châu Đình An để gây quỹ giúp trẻ em mồ côi, tàn tật bên VN. My gặp L vào những lần về ăn chung buổi tối. L không nói chi nhiều, chỉ lặng lẽ bên ly rượu hoặc bia. Vừa rồi My ngạc nhiên. Bài hát mở đầu chương trình ca nhạc thật sâu lắng, nồng nàn là bài thơ "Huế, tình em, kỷ niệm" của L, do CĐA phổ nhạc. My đọc Đặc san Phượng Vỹ, thấy thêm một bài thơ phổ nhạc của L. Riêng Ph, người em trai có khuôn mặt thật hiền, lúc nào cũng phảng phất nổi buồn từ khi người bạn trăm năm vĩnh viễn ra đi. Đây là cặp vợ chồng gắn bó, keo sơn, từ lúc bắt đầu cho tới lúc cuối cùng. Năm ngoái khi chứng kiến bữa ăn có pha nước chút mắt tủi buồn của mợ Th, người cùng tuổi với My. Ph đã buồn bã nhắc cậu B rằng tại sao khi còn may mắn có nhau mà không hưởng trọn niềm vui, lại vô tình làm khổ nhau nhiều bằng lời nói khó nghe trong cơn giận, bằng sự hơn thua, sai đúng để mà chi! Lần này My nhìn cả hai anh em đều thoáng đọng những buồn phiền. L im lìm, xa vắng nhiều hơn. Ph có vẻ bình thản chấp nhận cuộc đời trước mặt, cạnh dì M và những đứa con yêu.

Thứ Bảy, Sáng...

Gọi thăm người đang nằm bệnh viện. Sao đã bớt đau vì vết mổ chưa? Thêm nữa, cho biết cảm giác ra sao trong những đêm ngủ nhà thương? T cười. Đêm qua em ngủ ngon dù chỉ là những giấc ngủ vụn thôi. Chị không tin hả? Đêm dài hả? Ừ, có ai ôm vết mổ dài, đau đớn từng cơn mà nói ngủ ngon với vui không? Có! Có em. Người mười mấy năm không biết bệnh là chi. Đùng cái phải vào nhà thương mổ banh lá phổi. Mít tờ Mom, gà trống nuôi con. Bỏ 3 đứa trẻ vô nằm trong bệnh viện mà khoe vui, sao chẳng lạ! Chị Thảo ơi, chị có biết không? Đêm qua "Má" gọi hỏi thăm em kỹ lắm. Niềm vui lớn như vầy hỏi sao em chẳng ngủ ngon. Nói chuyện với má em phải uốn lưỡi nhiều lần, để đừng bật lên tiếng má như em vẫn gọi thầm từ trong bụng bấy lâu nay.My hiểu nổi mừng vui của người bạn nhỏ. Hai tiếng "chị Thảo" chỉ duy nhất một mình T gọi. My rồi cũng quen xưng chị Thảo, khác với Nguyên Thảo ở chùa hay khi nói chuyện với những huynh, tỷ, muội, đệ trong nhóm bạn đạo quen biết đã nhiều năm. Lái xe gần 5 tiếng tìm về nơi My ở, để được gặp, làm quen với chị Thảo một lần sau nhiều lần bị em gái chối từ. Đi từ khuya, đến Houston lang thang. Đợi chiều xuống My đi làm về để gặp. Bữa ăn hội ngộ bên nhà hàng ở cạnh hồ. T nói em cầm tinh con hợi. Không nghĩ ra nơi nào mời chị ngoài những nơi được no đủ, trước khi trở về trên đoạn đường dài. My thấy có chút gì ngộ nghĩnh, khi nhận lời em gái gặp T. Ngay phút đầu tiên My nói T có thể gọi My bằng chị L, giống như mấy đứa em trong nhà vậy. T nói liền. Xin cho em được gọi chị bằng chị Thảo, vì trong em hai tiếng này đã có từ lâu. Em đọc những bài viết với tên NT. Tự dưng có cảm tưởng như chị là chị Thảo tự bao giờ. Gần gũi lắm dù chưa có lần gặp. Lần này lái xe đi về gần 10 tiếng, em nhất định phải có tấm hình chụp chung với chị đem về làm vốn! Mong chị không từ chối. Ngưòi đàn ông trung niên, bằng tuổi đứa em gái kế của My, từng tu ở nhà dòng ra. Chỉ sau vài phút nói chuyện My như quên mất vẻ già dặn, phong trần. Ừ, coi như My có thêm một đứa em trai kể từ đây. T khoe đọc bài chị viết, em tìm mua sách Phật nhiều hơn. Chủ nhật vẫn tới nhà thờ, nhưng trong nhà em ngập đầy sách Phật. Em đọc nhiều sách do Đức Đạt Lai Lạt Ma viết. Hiểu tới đâu đem ra ứng dụng cho mình tới đó, thật là vui. Bữa ăn kéo dài hơn thường lệ, dù chỉ mình My ăn thật tình, vừa ăn vừa nghe T nói. Cũng may, buổi chiều hè nơi đây dài. T lái xe quay về lại đọan đường xa. My hỏi sao có người thân mà không trú lại một đêm, mai về sớm? Chị không biết đó thôi, em có thú lái xe một mình giữa đường đêm. Vui một mình chứ chẳng phải buồn đâu, chị đừng lo.

Trưa...

HH đã sẵn sàng hành trang để buổi chiều ra phi trường về với các con. Gởi HH câu chúc vội, có những ngày vui, êm đềm bên các con và luôn được bình an trên những chuyến đi, về. My cười, ngạc nhiên khi nhận ra. Dường như trong những ngày cuối của tuần này, quanh My có nhiều "bóng dáng" những người cha. Hai người em trai bà con cùng về với dì M. Thêm người anh ở thật xa, đi loanh quanh mấy bữa với người thân mà ngỡ lạ, để khi về cảm thấy gần hơn.T, "người em khác họ", có lần hỏi câu này: Người ta gọi những người đàn bà bằng goá phụ, sau khi chồng họ mất đi. Còn em, được gọi bằng gì sau khi vợ mất? Em tìm hoài không thấy chữ nào! HH có ba đứa con gái đang sắp tới tuổi "teen", tình thương dành cho con thôi thúc bước chân phiêu lãng thu dần khoảng cách, để sang năm về lại gần con. T đang vất vả rêm mình với thân gà trống nuôi con, bên cạnh hai đứa con trai cao hơn bố đang tuổi lớn. Niềm vui, ấm lòng người ở lại là đứa con gái nhỏ thật xinh tuổi 12. Ở T, ở HH nhìn thoáng qua, đó là những cảnh buồn. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, bởi My biết cả hai đều tìm thấy an vui ở tự tâm. HH khoe bây giờ nghiệp ái tình không chi phối được HH. HH đã bước ra, bỏ lại khoảng mờ mịt tối tăm vây phủ thuở xưa. T lạc quan vui sống. Mấy đứa nhỏ càng quần, em càng có thêm kinh nghiệm đầy mình. Lần này có dịp về Houston, em sẽ ghé thăm rồi năn nỉ Má dạy cho em cách nấu vài món ăn Nam Kỳ để thêm vốn khi trở về. Hy vọng đàn gà con sẽ vui hơn, vì thực đơn của gà trống bố không còn nghèo nàn như hồi mới bắt đầu.

Quỳnh My

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Giá của Tự Do

Vui thú đồng quê