Ở lại....

Ðêm nào My cũng thức thật khuya. Càng gần tới giờ nàng bão ghé qua thăm, tin tức càng cho thấy bớt phần nào...hồi hộp, kiểu như "phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng"!. Hình ảnh trong tầm mắt của My từ sáng tới đêm khuya là hình ảnh biển. Biển bình minh trong buổi sớm mai. Những con sóng lao xao, êm ả nhè nhẹ vỗ về bờ cát vắng trong ánh nắng Hạ chói chang còn sót lại cuối mùa. Nắng rực rỡ, chan hoà làm điêu đứng người rời thành phố. Nắng làm nóng bỏng, rát lòng người ở lại hoang mang.Buổi sáng My bước ra sân. Trên trời mây trắng vẫn còn nhiều, bay quyện trong màu mây xám ủ ê. Khu xóm đìu hiu, vắng lạnh. My nghe tiếng chiếc lá khô lẻ loi bị gió cuốn lê đi trên mặt đường. Từng đàn bướm từ đâu bay lại, hút nhụy những đóa hoa vừa mới nở trước sân nhà. Tiếng chim ríu rít trên mái hiên, trên hàng dây điện nối dài. Tiếng chó sủa từ nhà hàng xóm vọng lại, nghe như tiếng hỏi han lạc lỏng giữa bốn bề vắng lạnh. Mọi sinh hoạt trong khoảnh khắc ngừng đọng lại. Không thấy bóng dáng chiếc xe nào thoáng chạy ngang qua. My đưa tay vẫy người hàng xóm vừa bước ra sân ở cuối con đường. Vẫy tay như một lời chào gởi người cùng ở lại, vậy thôi. Ðôi mắt lười đeo kiếng bây giờ nhìn đâu cũng thấy nhạt nhòa. "Một vùng vắng im" là nơi My đứng ngắm mặt trời lên trong buổi sáng hôm nay.Thành phố lạnh lẽo, thê lương như vùng đất chết. Trên ti vi những hàng xe đã mất hút loãng tan. Mọi người chắc đều đã bình an đến nơi muốn đến, trừ chiếc xe chở người già bệnh bốc cháy trên đường, tiễn đưa hơn 20 người ra đi mãi mãi không về. Thôi thì coi như rút ngắn lại đoạn đường sau cuối là bệnh , tử.
Mấy ngày nay buổi sáng nào My cũng được đánh thức bằng những tiếng chuông điện thoại reo không ngừng từ khắp, xa gần. Sao My ở lại? Bộ tính lập lại thêm lần "tử thủ"thứ hai? My cười. Không phải My lì. Thành phố không khuyến cáo phải chạy đi, nên My ở lại thôi. Từ Austin người em rễ của Như Lan gọi. Chị My, em là Phúc em chị NL. Em với Liên thay nhau gọi cho chị mấy ngày nay. Tụi em sẵn sàng mọi thứ trong nhà để chờ đón chị với gia đình. Nếu như giờ chót chị đổi ý tụi em luôn luôn đợi. My cảm động bởi tấm lòng đầy ắp ân tình. My ơi, có người nhờ nhắn lại, dù thế nào My vẫn lo gìn giữ thân mình để còn có một lần về. Nếu không được gặp My người ta sẽ ra đi không khép mắt đó My ơi!...Có nhiều lời nguyện cầu của người thân, tình thân gởi tới cho My. Ngày có lẽ nhờ thế nên qua vội.Trên màn ảnh vẫn là biển vắng. Bóng tối đã kéo về theo tin cơn bão với cấp độ giảm đi và lệch qua bên. Gió từng cơn vần vũ kéo về. Biển âm u, bí hiểm không làm sao hiểu nổi. Hàng cây palm oằn mình trong gió nổi. Những hạt mưa rơi nhẹ giống vỗ về trên bãi vắng, trên chiếc áo mưa ướt đẫm của nguời phóng viên miệt mài tường thuật từ sáng sớm tới đêm khuya. My mở nước đầy hai bồn tắm. Ði ngủ sau cơn đau quặn thắt từng hồi. Có hơn 95 ngàn căn nhà bị mất điện đêm nay. Ðiều gì đến sẽ đến, không thể tránh thì lo làm chi nữa. Cô em "Biển mặn" từ cali gọi trễ. Nói lo cho chị nhưng gọi nhiều lần qua cell không được lần nào. Bây giờ em cũng không dám nói chuyện với chị nhiều, sợ điện mất battery hết khi chị cần sẽ khổ!
Gió từng cơn thổi đập vào khung cửa. My giật mình nghe cơn nóng bức tràn về. Trong nhà bóng tối vây quanh. Ðiện đã mất trong nửa đêm về sáng. My bước ra khỏi phòng nhìn qua khung cửa trước nhà. Những hàng cây rạp xuống từng hồi. Gió cuồng nộ như muốn thổi bay đi tất cả. Chiếc xe tuần tiểu của nhân viên cảnh sát chạy chậm qua khu xóm vắng tanh, như lời hứa hẹn sẽ bảo đảm tối đa cho từng khu thương mại, góc nhà trong thành phố. My bưóc trở vào nằm trên chiếc sô pha, với tờ bìa cứng dùng làm quạt và lặng nghe tiếng gió, cùng thương cho những hàng cây oằn gập xuống ngã nghiêng trong cơn phẫn nộ của cuồng phong. Cậu gọi cho My vào sáng sớm, hỏi quanh khu xóm có bình yên? Gió thổi mạnh đã mấy giờ rồi, chỉ còn thêm vài giờ nữa thì qua cơn giông bão. Hai cậu cháu cùng mừng cho dân Houston mình thoát được tai ương trong giờ phút cuối, thật không ngờ.Nhà em gái không mất điện. My rũ chồng con chạy sang chia nổi vui chung và kiếm...cà phê. Mất điện khổ nhưng My chịu nổi. Thiếu cà phê My coi bộ gian nan. "Người cô đơn" vẫn ưa một mình lang thang đây đó, giữa đường phố vắng tanh như từ mấy hôm nay. My chở con qua đường vắng không người. Những trạm xăng im lìm, ở ngã tư chỉ có xe My dừng lại đợi đèn thôi. Em gái gọi, đã kêu lên khi nghe con trai trả lời phone. Trời ơi, mẹ con chở hai đứa đi đâu mà dám ra đường khi mọi người đều ở trong nhà? Thì mẹ qua bà Ngoại với dì T đó. Nhà con không có điện, mẹ nói sẽ không sống nổi nếu như thiếu cà phê dì T có biết không?
Trên màn ảnh ti vi hôm nay không còn thấy biển. chỉ có những con đường dẫn về Houston ngập đầy xe. Lại nối đuôi nhau từng đoàn dù đã được khuyên khoan hãy đừng về. Không còn gì nguy hiểm nữa thì đâu cần vội vã. Nhưng rồi vẫn cứ mỗi giờ, có đâu chừng 10 ngàn chiếc xe quay trở về nhà. Những cây xăng trong thành phố vẫn chưa mở cửa, trừ một vài nơi- rất hiếm hoi như một vài siêu thị và nhà hàng mới ngập ngừng đón khách vào.
Nhà mẹ và các anh trai vẫn còn đang mất điện nên chưa ai trở lại bâyy giờ. Mấy cây cao cho bóng mát trốc gốc ngã bên đường, may không ghé hướng mái nhà và những chiếc xe đang đậu ở ngoài sân. Anh My về dừng lại ngó từng nhà rồi đi tiếp. Mẹ thở nhẹ nhàng, vừa mừng thoát nạn, đã chợt tiếc thương cho từng cây ớt sai oằn trái và vườn rau thơm khô nước mấy ngày nay. Trường học các con vẫn còn đóng cửa cho tới thứ Ba. Mấy mẹ con My về lại nhà khi nghe báo tin điện đã có trở lại nhanh hơn My nghĩ. Đêm qua công ty điện còn thông báo kỹ, đừng gọi vào hỏi làm gì. Có thể sẽ mất điện trong gần 2 tuần lễ, đường dây may ra mới sửa chữa xong. Xứ mặt trời bên kia mùa Hạ của My, ai ngờ những ngày giông bão gầm gừ đe dọa, vẫn là những ngày mặt trời vẫn ghé qua không hờ hững bỏ quên. My phải cảm ơn mặt trời mùa Hạ, cảm ơn thiên tai đã không giáng xuống thành phố đã như là quê nhà thứ hai của mẹ với anh chị em My. My cảm ơn những lời thăm hỏi ân cần. Cảm ơn câu niệm Phật và lời cầu nguyện, của những người thân thương từ khắp nơi nơi cùng gởi tới cho My và người thân trong những ngày qua.

Comments

Popular posts from this blog

Từng ngày qua đi...

Nỗi buồn vào Hạ

Giá của Tự Do